
Ngày nay, trong năm, muốn nhìn thấy con người tất bật nhất là lúc nào, thì cứ nhìn vào lúc Tết sắp đến Xuân chưa về. Chẳng biết từ khi nao, ta cứ phải hối hả, vội vàng, chạy ngược chạy xuôi. Như thể nếu không nhanh không vội, sẽ không kịp. Nhưng kịp là kịp cái chi, vội là vội để làm gì, chắc không phải ai cũng tự hỏi mình, vì đang bận mải mướt theo dòng chảy của sự kiện
Nhiều người bảo, sao Tết nay không vui như xưa. Là bởi vì, lúc đó con người còn cảm nhận được cái Tết. Không phải vì cái Tết giàu hơn, hay cái Tết ấm hơn. Mà vì chậm thì cảm nhận sâu lắng hơn, đơn thuần thì điều giản dị nhất cũng ở lại lặng lẽ và bình nhiên. Có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Con người thời nay là vậy, hoà vào sự phát triển, càng cần phải có thêm, nhưng nghịch lý là, càng có thêm lại càng cảm thấy mình nghèo nàn.
Cái Tết xưa chỉ biếu nhau chiếc bánh gói tay, đã cảm thấy ấm áp, là vì ta thật sự đã đủ đầy. Nên giờ đây thiếu thốn, ta mới nghĩ mình cần có thêm và người xung quanh mình cần thêm. Ta đã quên đi niềm hân hoan khi thấy cành hoa trong vườn hé nụ đúng Xuân, và tìm cầu trong những thứ mới lạ và độc đáo, nhưng năm này qua năm khác, lại chẳng thật sự rung động trong trái tim.
Ta đã dần quên đi sự sâu sắc và ý nghĩa của Tết. Tết không phải một điểm đến, nó là sự giao thoa của sự chuyển giao năm cũ và năm mới. Càng là những ngày cuối năm, người ta càng chậm lại để nhìn lại mình, nhìn lại thời gian, trong sự yên lành và lắng đọng. Sự tất bật và hân hoan nếu có, sẽ không phải là chạy đua, không làm ta mệt mỏi, mà chỉ là sự mong chờ, chảy trôi như lẽ thường của cuộc đời
Thế nhưng, dòng chảy của cuộc sống là như thế nào?
Bốn mùa có Xuân Hạ Thu Đông, từ Đông muốn chóng nhanh sang Hạ là không thể. Cái Đông lạnh là có lý do của nó. Nhịp điệu của vạn vật đất trời, tất thảy đều chậm rãi trong mùa Đông. Đến cái cây còn không hối thúc mọc thêm lá, gấu thì đi ngủ, đến loài kiến mệnh danh cho sự chăm chỉ cũng ở yên trong tổ…tất có lý do. Có câu Đông tàng chất chứa, không chỉ là dung dưỡng vào bên trong, giữ gìn thiên mệnh, ấp ôm sức khoẻ. Mà còn là nhịp điệu báo hiệu cho con người những tháng cuối cùng, lẽ ra là lúc ta cần phải chậm nhất trong năm, từ tốn, bình lặng, khiêm cung, ân cần. Tạo hoá nhắc ta không những cần phải nghỉ ngơi, vì một năm đã sống trọn vẹn theo nhịp điệu tự nhiên, mà còn cần phải tĩnh lặng vào bên trong. Càng thu vào trong, là theo lẽ trời, càng thấu tỏ về mình, khắc có ung dung tự tại, bình an khắc có mặt, mà không phải đi tìm kiếm ở đâu nữa
Những cái cây luôn thu vào trong, những gì tinh tuý nhất luôn được ấp ủ sâu trong lòng đất, những gì quý giá nhất luôn gìn giữ trong hạt mầm bé nhỏ, những gì kỳ diệu nhất luôn chảy trong huyết mạch chính là nhựa cây. Chẳng vội chẳng tranh, chẳng đua chẳng đấu, càng thu lại chậm lại, sẽ tới ngày càng bung toả diệu kỳ. Vậy nên, chớ cười cây trút lá và sống chậm lặng thinh, tới mùa Xuân, cây sẽ vươn mình mãnh liệt, sức sống đó âm trầm mà bền bỉ, vượt qua mọi thời gian
Bạn biết không. Trong tự nhiên, loài nào tim đập càng nhanh, tuổi thọ càng ngắn. Vì sao chú mèo lại chỉ sống được 15 năm. Hay chăng, mèo bản chất là loài săn mồi, sống về đêm, càng hoạt động nhiều, càng lao lực nhiều, tim chúng càng cần phải đập nhanh. Thế nên chúng đã dành ra 16 tiếng một ngày để tích luỹ năng lượng là ngủ, nếu không sẽ mất sức nhiều hơn đồng nghĩa tuổi thọ ngắn hơn.
Bạn có liên hệ được gì với chúng mình. Rằng, giống loài của ta đã được Vũ trụ thiết kế để sống chậm, rất rất chậm, giờ đây lại hoạt động quá mức so với bản chất nguyên thuỷ mà ta có. Điều tất yếu gì sẽ xảy ra, khi ta từ bỏ nhịp điệu của con người mình, như là những cái căn bản nhất là ăn đúng, ngủ đúng, nuôi dưỡng tinh thần đúng? Nói đâu xa, hãy nhìn những người lao lực và quay cuồng trong guồng quay do chính họ tạo ra. Sức khoẻ và tinh thần họ như thế nào? Và bạn hẳn đã gặp những người sống thật sự chậm rãi, đó là những người già thảnh thơi, và bình an, êm ái và lạc quan
Vậy nên, tại sao tạo hoá lại tạo ra loài người là một trong những loài sống lâu nhất trên Trái Đất? Có lẽ là, đời người muốn sống cho trọn vẹn, cần ít nhất vài chục năm. Thế nhưng mà, nhiều người trong số chúng ta lại không cảm thấy mình đã sống trọn vẹn. Dù đã 90 tuổi. Dù có những thứ mà nhiều người ước mong, là nhà xe gia đình và tài sản vật chất…? Không phải nhiều người giàu có hay có cuộc sống con người mơ ước vẫn tiếc nuối về cuộc sống khi đã gần đất xa trời đấy sao.
Sự tiếc nuối chỉ đến khi ta vỡ ra rằng, mình đã sống theo nhịp điệu của người khác, chứ không sống theo nhịp điệu của mình. Cho nên thứ mà ta nghĩ “ta cần phải có - nên cần phải làm”, chỉ là do ta nghĩ như vậy thì mới “sống trọn vẹn”. Thành ra, nỗi sợ mình sẽ lạc lõng nếu không sống theo điều kiện và định nghĩa mà người khác đang sống, đã thúc bách ta thật vội vã, thật gấp gáp, thật chóng nhanh.
Trọn vẹn là trọn vẹn cái chi. Ta có ngồi lại tự vấn chính mình. Là trọn vẹn Xuân Hạ Thu Đông, Sinh Trưởng Thu Tàng, theo bốn chu kỳ, và “trọn vẹn với chính mình - với mong muốn sâu thẳm trong mình”. Hay gắng để đạt được bất cứ điều gì, chạy đua với bất cứ điều chi, chỉ để cho kịp một mốc thời gian, mà không cảm thấy thật sự hạnh phúc? Ta sống cho chính bản thân mình, hay cho quan niệm/ánh nhìn/sự so đo của người đời?
Vậy nên, nếu không sống đúng nhịp điệu của mình, điều gì sẽ xảy ra. Là ta đạt được cái gì đó, nhưng vì không thấy ý nghĩa, nên phải hối thúc mình đạt được tiếp. Là không đạt được cái gì đó, liền cảm thấy bản thân tồi tệ. Vậy ra, chạy đuổi không khiến ta hoàn toàn thoải mái nhẹ nhõm, mà có thể khiến ta mệt mỏi thân tâm. Làm sao ta có thể bình an, khi mà thời gian nhìn lại mình ta còn không có?
Ta có thương mình không? Ta có thật sự thương mình không, hả bạn?
Sống theo nhịp điệu của người khác thì rất dễ, vì lá cây bao giờ cũng bảo nhau cuốn theo chiều gió. Nhưng sống theo nhịp điệu của mình thì cần nhìn vào mình, như thân cây vững vàng giữa trời đất. Bạn có dám sống bình tĩnh chậm rãi khi mà thế giới càng ngày càng biến đổi, càng ngày càng xoay vần theo những nhịp điệu chẳng còn tự nhiên?
Chúc an lành và chậm rãi tới bạn,
Để Nước Cuốn Đi
0 comments:
Đăng nhận xét