Bạn biết vì sao sức khoẻ và đời người lại liên quan mật thiết tới bốn mùa không. Câu nói “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” không chỉ là một phương châm dưỡng sinh đầy minh triết từ ngàn đời xưa của người phương Đông, mà còn trở thành một triết lý sống cho con người thông qua sự chiêm nghiệm từ thiên nhiên
Mùa Xuân là sinh ra, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng, chất chứa. Bạn có thể quan sát trong tự nhiên. Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa Hạ phát triển mạnh mẽ, sang Thu chuyển màu để giữ lại tinh chất, dinh dưỡng, cuối cùng Đông đến cây trút lá và dung dưỡng từ bên trong để chuẩn bị bung nở, sinh trưởng khi Xuân về. Các loài động vật trong tự nhiên cũng sống thuận theo quy luật này, chúng ưa sinh sản vào mùa Xuân, lớn lên trong mùa Hạ, cất giữ thức ăn vào mùa Thu và Đông thì ẩn nấp. Điều này đã trở thành tập tính để cả ngàn loài chim chuẩn bị di cư tới phương Nam khi Đông sắp về, một số loài dự trữ thức ăn suốt mùa Hạ và ở yên một chỗ vào mùa Đông, hay những loài ngủ đông để dự trữ năng lượng như loài Gấu…
Hiểu được điều này, con người cần phải sinh hoạt, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ sao cho thuận theo bốn mùa. Trước hết, bản thân trong một ngày đã bao gồm cả bốn mùa, sáng là Xuân, trưa là Hạ, chiều tối là Thu, và đêm là Đông. Bắt đầu một ngày mới là sinh ra một lần nữa, chúng ta cần thức dậy đúng giờ để đón nhận linh khí của Trời Đất, để cho các mạch máu và các cơ quan cơ thể được lưu thông, được vận động và được hồi sinh. Ban trưa là lúc dương khí thịnh nhất trong ngày, tận dụng thời gian này sức khoẻ tốt để xử lý, làm việc, vui chơi, nhưng cần nạp năng lượng chứ không phung phí. Chiều tối là lúc Thu liễm, cơ thể và não bộ không còn đáp ứng cho làm việc và vận động quá sức, mọi thứ cần được sắp xếp để dừng lại dần, và đêm xuống là khi ta cần nghỉ ngơi hoàn toàn, chìm vào ngủ sâu để chuẩn bị cho Xuân sang tràn đầy sức sống và hân hoan
Hãy nhìn đất trời vận động, chim muông và thú hoang sinh sống để mà bắt chước. Chập choạng chiều tối, trời dần tắt nắng để thu rút vào trong, động vật đã đi tìm nơi ẩn náu. Như lẽ thường tình, con người cảm thấy uể oải vào buổi chiều tối, vì cơ thể mong muốn được thuận theo tự nhiên. Người xưa ban ngày dẫu công việc đồng áng vất vả, cũng dắt trâu về khi ánh tà dương sắp tắt. Mặt trời lặn sau núi, là Người đã rục rịch đi ngủ, đó là lý do ta thường hay thắc mắc sao ông bà xưa hay đi ngủ sớm, vì đó là họ đã sống thuận theo lẽ trời, và sống rất khoẻ mạnh. Thế nhưng, ngày nay, ta đang ngược tự nhiên, ăn uống quá đà vào ban đêm, làm việc khi cần phải dừng lại, thay vì để cơ thể gìn giữ tinh lực và tàng chứa tinh tuỷ, thì ta bắt nó phải sinh sôi vào mùa Đông. Nghĩa là thức tới 12-1h-2h đêm, ta bào mòn và rút cạn năng lượng của cơ thể, nên nó không thể thức dậy vào mùa Xuân, hoặc thức dậy trong trạng thái mệt mỏi. Đồng nghĩa với việc ta làm trái với quy luật trời đất, thì ta sẽ không thể phát triển khoẻ mạnh, bệnh tật là điều chắc chắn, như một cái cây héo úa theo thời gian
Để thích nghi với nhịp sống hiện đại ngày nay, nếu không thể ăn sớm lúc 5h, ngủ lúc 7-8h tối như người xưa. Hãy gắng ăn sớm trước 7h tối, và ngủ trước 10h tối, muộn nhất là 11h đêm, và sau đó thức dậy lúc 5-6h sáng, có thể sớm hơn tuỳ vào giấc ngủ trước đó. Cũng vậy, ban sáng có thể ăn nhẹ những thức ăn cây trái, vị ngọt như đường và trái cây, tính bình như tinh bột, vì đó là thức ăn phát triển vào mùa Xuân. Ban trưa có thể ăn đa dạng vì mùa Hạ là cây trái củ quả động vật phát triển dồi dào. Chiều tối thu lại dinh dưỡng để chuẩn bị cho giấc ngủ Đông dài, cần bổ sung những thức ăn ấm nóng, có tính Dương ấm áp, như đạm và chất béo, tốt cho tuỷ xương và năng lượng dự trữ, nhưng không nên ăn quá no. Khi ăn uống và sinh hoạt như vậy, cơ thể tự khắc đi vào quỹ đạo, tự động buồn ngủ khi tối xuống và ngủ sâu vì đã dự trữ đủ, đồng thời thức dậy khoẻ mạnh khoan khoái vào ngày hôm sau. Như một cái cây sống đúng quy luật, sẽ trở nên minh mẫn và có sức sống bền bỉ
Với những người sống ở vùng đất có khí hậu bốn mùa rõ rệt. Cần sống thuận theo quy tắc này. Mùa Xuân chủ phong là gió, có sự thay đổi nhiều ở tiết trời, môi trường ẩm ướt dễ mắc các bệnh lây lan, cần giữ sự khô ráo, chăm sóc tốt cho gan để đề phòng dịch bệnh. Mùa Hè chủ về Hoả, nóng nực nhiệt độ cao, nhưng người ta thường hay dễ bị hàn khí, đau họng, cảm ốm. Là vì trong mùa Hạ, lỗ chân lông nở nang, cơ thể dễ mất nước, trời nóng nên thường ăn mặc phong phanh, ngủ điều hoà, tập thể dục về liền đi tắm, hay ăn uống nước đá lạnh, nên hàn khí xâm nhập vào tạng phủ. Mùa Hè ấm áp nhưng lại quan trọng nhất, vì không giữ gìn, cơ thể sẽ không đáp ứng được khi Thu về, Đông tới. Các món trái cây mùa Hè thường là món nhiệt, dễ làm cơ thể nổi mụn nhọt nếu gan yếu, gan muốn khoẻ thì phải bồi bổ tân dịch, vị đắng, vào ban trưa, đồng thời hạn chế bia rượu. Chủ khí mùa Thu là khô ráo, rút vào bên trong nên da dẻ hanh hao, khí trời lưng chừng nên dễ mắc các bệnh viêm liên quan đến hô hấp, nên cung cấp đủ nước và ăn uống chú trọng một cách nghiêm túc các thực phẩm mang tính ấm áp, dự trữ năng lượng cho tuỷ xương. Để khi Đông về, khí lạnh hàn thì cơ thể mới có sức chống chọi. Đồng thời, Thu Đông cần chú trọng giữ ấm, làm việc không quá sức, ăn uống cẩn trọng, hoạt động vừa phải, giữ gìn và bồi bổ gấp nhiều lần hai mùa còn lại
Trong chuyện phòng the, vì tinh lực không sinh ra vào mùa Đông hay đêm muộn, nên cổ nhân mới có câu “Đông nhất thì đương Xuân bách” (mùa Đông xuất tinh một lần thì bằng mùa Xuân xuất tinh một trăm lần). Ý rằng vào mùa Đông hay đêm muộn, con người vốn không khoẻ, không đủ tinh lực, nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng. Khí trời lúc này cũng lạnh lẽo, hàn gió dễ xâm nhập mà da thịt không kín đáo dễ ủ bệnh vào trong. Bên cạnh đó, sản phụ thường mất nhiều máu, khí huyết suy giảm khi sinh con, sức đề kháng giảm, nên sinh con vào mùa Hè thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ, nhưng không chủ quan vì mùa Hạ giãn nở các chân lông và mạch máu. Nếu sinh con vào Thu Đông thì tuyệt đối kiêng lạnh, kiêng gió, chú ý giữ gìn dưỡng sức và tu bổ năng lượng bằng thức ăn ấm nóng, tính Dương và bổ máu
Khi xưa, mùa Xuân tươi mới khiến cho con người ta rạng rỡ, đón chào, vậy nên mùa Xuân gắn với Tết, mùa Xuân mang theo hy vọng, mùa Xuân là sự khởi đầu. Ta chớ quên mà ham mê chạy đua với thời gian, vội vã, giục giã bản thân, như người ngày nay lao lực, đặt mục tiêu hà khắc. Để cho mọi thứ được sinh ra là tuôn chảy, sáng tạo và tươi mới. Mùa Xuân ứng với Mộc, đừng để mình quá uất ức, giận dữ, ăn uống thừa mứa và uống nhiều bia rượu làm tổn thương tạng can(gan). Mùa Hạ gắn với sự vui vẻ, náo nhiệt, sống động, thế nên ứng với Hoả. Đừng để mình quá ưu tư, lo lắng, hay vì nóng bức mà trở nên nóng nảy, không lạm dụng thức ăn thanh nhiệt và đừng ham lạnh, sẽ làm tổn thương tạng Tỳ(dạ dày, lá lách). Sang Thu thời tiết khô háo, vạn vật chậm lại và thu nhặt dự trữ, ứng với Kim. Không nên quá hoạt náo, vui chơi như mùa Hè, nhất là vào những đêm hay sớm gió độc mà ăn mặc phong phanh sẽ làm tổn thương Phế(phổi). Đông tới thì yên ắng, bất động, ứng với Thuỷ, đừng quá u sầu hay thê lương, giữ mình ấm áp và tăng dương khí cho cơ thể và ngôi nhà, uống nước vừa đủ và kiêng đồ lạnh…, để không làm tổn thương tạng Thận
Bốn mùa tưởng trái ngược nhau nhưng thực ra lại hỗ trợ cho nhau. Có tương khắc mới có tương sinh. Có Xuân mới có Hạ, Đông tàn để Xuân tới. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân. Đời người và vạn vật tất thảy trong Trời Đất này, cũng nhịp nhàng và tuôn chảy trong vòng quay của tạo hoá. Cái hay, cái đẹp của việc thấy được sự liên kết và ảnh hưởng với nhịp điệu của Trời Đất chính là để con người được hoà cùng với tiết tấu của trăng sao, để cho thời gian của con người ăn khớp với thời gian vũ trụ, và không tách rời khỏi sự vận động của toàn thể
Đời người có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Lúc chào đời thì như mầm cây nhỏ tràn đầy nhựa sống, thuần khiết và háo hức. Thanh xuân nồng nhiệt, rạng rỡ và sôi nổi như mùa Hè. Trung niên thì chậm lại, chẳng quá vội vàng, thu mình và khiêm cung. Để rồi, khi tóc mái hoa râm, trong ánh mắt từng trải và dày dạn, là sự ẩn chứa, cất giữ, cả một đời người phong sương, nhún nhường, thâm trầm mà khí phách. Trời Đất luôn vận động và trải qua đủ bốn mùa, cũng như con người luôn đổi thay trong dòng chảy thời gian chứ không nằm ngoài quy luật đó. Hãy tận hưởng bốn mùa trong năm cũng như bốn mùa của cuộc đời, không níu giữ cũng không chống trả, và sống thuận theo sự tự nhiên. Bởi vì mỗi mùa hay mỗi giai đoạn của đời người, đều có vẻ đẹp riêng và ý nghĩa riêng của nó
Đừng tiếc nuối vì mùa cũ đã qua, Đông qua Xuân tới, mỗi mùa đều đang chờ ta tạo ra những thời khắc mới và sống thật trọn vẹn. Cần có cái ra đi để có cái tươi mới về. Hãy thấy vẻ đẹp của sự đổi thay và tuần hoàn. Như vạn vật cứ vậy sống, cứ vậy đón chờ, thích nghi, vận động và hoà hợp. Đừng nghĩ đêm Đông lạnh lẽo sẽ kéo dài mãi mãi, ngay sau đó là mùa Xuân của sự đổi mới, của rực rỡ, và sức sống. Đừng níu giữ sự tươi trẻ và rộn ràng của mùa Hạ, sẽ tới lúc cần đi vào trong, thu lại và chiêm nghiệm để trưởng thành. Thu tích luỹ vốn sống, Đông ẩn tàng dung chứa chính là cách để ta sẽ bừng nở, thay da đổi thịt, thành con người mới khi Xuân về. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cuối cùng cũng để cho ta thấu tỏ sự thật trong Trời Đất, sự thật về chính ta. Bản thân mỗi ngày đã là sự vận động của bốn mùa, ta đang luân hồi mỗi ngày đó thôi. Hãy ngủ thật sâu khi Đông về, và tỉnh dậy để chào đón mùa Xuân sớm mai
Yêu thương và bình an là bạn,
0 comments:
Đăng nhận xét