ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

THỨC ĂN CHO TÂM TRÍ

Để Nước Cuốn Đi



Ta thường nghĩ chỉ có cơ thể này mới cần thức ăn. Thực ra, mỗi ngày ta chỉ cần ăn ba bữa, thậm chí ít hơn mà vẫn khoẻ mạnh. Nhưng suốt thời gian còn lại của một ngày, chính là lúc mà ta nạp thức ăn cho tâm trí và tâm hồn. Nếu như thức ăn tốt cho tâm hồn là những điều khiến trái tim ta rung động và nở hoa. Thì thức ăn tốt cho tâm trí là “thông tin” khiến cho ta trở nên minh mẫn, sáng suốt và mở rộng nhận thức – nơi đó, đạt được sự bình an cho tâm hồn

Ngày mà mạng lưới thông tin chưa phát triển, ta có nhớ ta đã từng say mê và ngấu nghiến những thông tin mà ta có. Từ quyển sách phải đi mượn, đến tập san chỉ phát hành mỗi thứ sáu hàng tuần, tới tờ báo không lành lặn bị mang đi nhóm bếp? Ta đã hoàn toàn vui sướng và khao khát được tiếp cận thông tin, đồng thời trở nên hiểu biết hơn, vì nó đến từ “hành vi chủ động”.

Nhưng khi tràn ngập xung quanh ta là thông tin vì mạng lưới kết nối con người đã phủ sóng trên toàn cầu. Dường như ta đã không còn hoàn toàn thích thú thông tin, vì lúc này thông tin đến trước khi ta tìm kiếm, ta tiếp cận chúng một cách bị động hơn. Có nghĩa là ta không chủ trương tìm kiếm nó, nhưng khi nó đến, tiếp xúc với ta thông qua thị giác hoặc thính giác, ta bắt đầu vô thức nạp nó vào tâm trí. Hãy tưởng tượng, trên mâm cơm, khi bạn đang buồn rầu chẳng hạn, đôi khi bạn không biết mình ăn gì, cũng như không cảm nhận được toàn bộ vị ngon của thức ăn, hay sẽ không biết mình đã ăn bao nhiêu, đúng không? Cũng vậy, khi vắng mặt sự tỉnh giác, ta dễ nạp bất cứ thông tin gì ta thấy, ta nghe, mà không biết nó có hại cho mình hay không

Vì sao những thông tin rác, những thông tin tiêu cực lại càng ngày càng nhiều và tràn ngập khắp nơi. Vì nó đồng bộ với năng lượng của con người. Khi ta sợ hãi, những thông tin sợ hãi củng cố thêm nỗi sợ của ta. Khi ta chán nản(vì phiền muộn, vì mất niềm tin, vì ghét bỏ bản thân…), ta sẽ đồng cảm/gắn bó/giận dữ/giải toả…với những thông tin tương tự. Khi mất kết nối với chính mình, ta tiếp cận bất cứ thông tin nào, cho phép nó đi vào ta, nó tựa như cảm giác lạc lõng, xa hơn là lạc lối và không biết mình muốn gì. Khi không muốn đối diện với chính mình, ta còn nạp thông tin như một cách giết thời gian.

Ta chính là những gì ta nghe nhìn đọc thấy. Nếu ta nạp những thông tin sợ hãi, tiêu cực, tin rác, tin giả,…ta sẽ trở thành nó. Đọc những thông tin đó, không khiến cho ta trở nên bớt sợ hãi, bớt tiêu cực, bớt tham sân si, mà khiến cho ta mang thêm năng lượng đó vào người. Chìm trong những mâu thuẫn và ném đá nhau, dù là ở trong một cộng đồng bình yên, bạn cũng đang nạp thức ăn ô tạp

Tiếp nhận những thức ăn có hại cho tâm trí lâu ngày, khiến tâm trí nhiễm độc. Dần dà, ta không còn khả năng phân biệt đâu là thức ăn có hại, đâu là thức ăn có lợi nữa. Giống như khi bạn ăn fastfood quá nhiều, bạn cứ ăn thôi, không còn cảm nhận được đâu là thức ăn tươi và đâu là thức ăn đông lạnh không còn mùi vị. Đừng để bản thân không còn mẫn cảm với fastnews.

Đừng nghĩ là ta suốt ngày nạp Kinh điển, giáo Pháp, bài giảng… là ta đang nạp thức ăn tốt. Khi tham đắm cái gì đó bên ngoài vì nghĩ sẽ giúp ta thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, hoặc để trở nên hiểu biết hơn,… mà không hiểu vì sao mình lại cần chúng, ta cũng rơi vào một bế tắc khác. Đó là tâm trí ta bị đầy, nhưng ta lại không thật sự thấu tỏ chúng một cách sáng suốt. Nếu ta cứ nạp thêm vì nghĩ rằng mình chưa hiểu, ta sẽ càng bội thực thông tin. Như một chiếc dạ dày liên tục bị lấp vào mà không kịp tiêu hoá, nó sẽ gặp vấn đề một lúc nào đó

Hãy học cách nhận biết thông tin. Nếu cái gì ta cảm thấy đe doạ đến sự bình an trong tâm hồn và làm nhiễm độc tâm trí, ta cần loại bỏ chúng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, thay vì mong muốn tiếp nhận. Suy nghĩ rằng nếu đọc cái này cũng không sao đâu, sẽ khiến cho bạn tiếp tục đọc sang cái thứ hai và sẽ không có hồi kết.

Nếu như bạn đang không nhận thức được mình nạp thức ăn gì cho tâm trí. Tâm trí bạn đang quá đầy hoặc tâm hồn bạn đang quá nhiều bộn bề. Hãy dừng việc nạp bất cứ thông tin gì, dù là tốt hay không. Bởi khi tâm trí rối loạn, thông tin tốt bạn cũng sẽ khó tiếp thu. Hãy quay về lắng yên, làm sạch tâm trí của mình. Chỉ một mình bạn với tâm trí của bạn. Hãy lắng nghe mọi tiếng nói và mọi cảm xúc diễn ra trong tâm trí và tâm hồn. Hãy ngắt kết nối với các thiết bị điện tử, mạng xã hội và các cuộc gặp thông tin, nhất là thông tin rác, hãy dừng lại, chậm lại và để cho mình được xử lý mọi thức ăn trước đó. Như một chiếc dạ dày no thì cần ngừng ăn hay cơ thể chứa chất độc, bạn cũng cần detox nó

Một tâm trí hoạt động tốt thì rất nhạy bén. Nó biết nó cần nạp cái gì và không cần nạp cái gì. Nó biết thời điểm nào cần và thời điểm nào nên nghỉ ngơi. Tâm trí sáng và rỗng rang tự động biết xử lý thông tin khi bắt gặp, biết tiếp thu và cũng biết loại bỏ. Như một cơ thể cần đồ ăn sạch và dị ứng với đồ ăn không tốt cho sức khoẻ, tâm trí hoạt động tốt sẽ chọn lọc, tiếp nhận thông minh và để cho thông tin có lợi bao phủ xung quanh mình nhiều hơn

Khi tâm trí chưa biết cách xử lý và nạp thức ăn một cách sáng suốt. Hãy biết điều này, mọi sự tiếp nhận và thấu hiểu sẽ đến từ trái tim. Hãy quay về lắng nghe trái tim của bạn, bạn sẽ biết trái tim mong muốn điều gì, cảm thấy kết nối với điều chi. Hãy để cho trái tim bạn lên tiếng, khi đứng trước mọi thông tin và lựa chọn. Hãy đi theo ánh sáng dẫn dắt của trái tim bạn, nó sẽ đưa bạn tới đúng mọi thời điểm và mọi sự

Thương mến,

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

ĐIỀU KIỆN CỦA HẠNH PHÚC

Để Nước Cuốn Đi


Ta thường xem rằng hạnh phúc là một điều gì đó xa xôi, tồn tại trong một định nghĩa hay hình thái cụ thể. Như một ngôi sao, ta tin rằng, chỉ khi ta với được nó, ta mới có thể có hạnh phúc.

Hạnh phúc với bạn là gì? Phải chăng khi ta có đủ tiền, nhà cửa ta ổn định, chiếc xe đã chở đủ 4 người?… Nếu hạnh phúc không đo bằng tài sản vật chất. Hay chăng khi ta đã tìm được nửa kia, em bé đã đến với ta, công việc đã trở nên thuận lợi, nơi ta sống đã trở nên lý tưởng?...

Cả khi ta có những điều đó rồi, có phải hạnh phúc vẫn chưa xuất hiện. Chỉ khi bạn đời thay đổi, khi con ta ngoan ngoãn, lớn lên thành công, hạnh phúc sẽ chờ ta ở đó. Thế nhưng điều kiện cứ nối tiếp điều kiện. Con ta cần lập gia đình vào đúng tuổi, cần có nhà, có con, vợ chồng con ta cần hoà thuận...ta mới yên lòng, ta cần bế cháu mới an tâm. Vì đặt ra điều kiện để hạnh phúc, nên thiếu một trong những điều kiện trên, ta sẽ rơi vào khổ đau. Để khi cuối đời, nhắm mắt nằm xuống, còn bao trăn trở bộn bề, ta chặc lưỡi, ừ hạnh phúc ở ngôi sao trên cao kia mà, làm sao ta với tới được chứ!

Bạn ngẫm lại xem. Có phải khi bạn có được điều gì đó rồi, bạn thấy mình vẫn cần thêm điều khác, mới chạm được vào hạnh phúc? Như là, tiền đã mua được cho bạn cái này, và bạn nhận ra mình cần mua thêm một cái mới. Bạn đã tới được nơi chốn mình muốn, nhưng nơi đó vẫn không khiến bạn thoả mãn. Bạn đã sinh được một đứa con, nhưng sẽ cần thêm hay phải cần thêm giới tính khác?...

Vì đặt ra điều kiện để hạnh phúc. Nên ta đã sống một cuộc đời không ngừng định nghĩa hạnh phúc, và sau đó gắng sức để đuổi theo nó. Ta đã luôn gắng để kiểm soát mọi thứ xảy ra theo ý mình, trong tính toán và suy nghĩ của mình, vì ta tin rằng chỉ vậy thì ta mới có hạnh phúc. Khi mọi thứ không diễn ra như ta muốn, thay vì thấy căn nguyên của vấn đề, ta nhầm tưởng rằng mình cần đặt thêm những điều kiện khác. Điều đó, trái lại không khiến ta thoả mãn hay hạnh phúc, chỉ khiến cho ta luôn tìm kiếm hoặc đợi chờ

Đừng chờ đợi để cảm thấy hạnh phúc. Ta sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng hoàn toàn. Đừng đợi cho mọi thứ thay đổi theo ý mình rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Vì đến bản thân ta còn không thể kiểm soát, ta sẽ kiểm soát được cái gì bên ngoài ta. Và đừng đợi đến khi hết đau khổ mới cảm thấy hạnh phúc. Vì đau khổ vốn dĩ là một phần của cuộc sống

Đừng đợi bao giờ có đủ tiền mới đi du lịch. Hãy tới những con đường mà bạn chưa từng tới ngay trong vùng đất mà bạn sống. Hãy khám phá xem nơi bạn sống có những vẻ đẹp gì. Hãy ngồi dưới tán cây, bên hồ nước, dòng sông, cánh đồng, biển cả, núi non cùng một buổi ban mai hoặc hoàng hôn buông xuống. Hãy đi tới đó mỗi khi có thể, mỗi sáng và mỗi chiều, mỗi bốn mùa trong năm, hãy cảm nhận và để cho vẻ đẹp của sự thinh lặng đi vào trái tim của bạn. Bạn sẽ không cần đợi phải tới khi già, phải tới một vùng đất khác, mới biết được hạnh phúc

Nửa kia có thể chưa có, nhưng ta có thể học cách tận hưởng niềm vui của sự tự do. Vợ/chồng ta có thể chưa thay đổi, nhưng Người vẫn ở bên ta. Ta buồn rầu bởi những gì Người làm chưa tốt, vậy ta có thấy được niềm vui của những nỗ lực mà Người đã làm cho ta, dù là những việc nhỏ nhất? Ta chưa khoẻ ngay, nhưng ta còn có thời gian để chăm sóc chính mình mà. Con cái chưa được như ý, nhưng ta vẫn có thể dành tình yêu cho chúng hoặc chờ đợi. Nhà chưa có, ta vẫn đang có chốn trú ẩn nắng mưa đó thôi. Tiền bạc chưa đủ, nhưng hôm nay ta vẫn có cơm ăn, áo mặc, và hàng ngàn điều nữa mà người khác sống cùng một quả địa cầu với ta, chưa có. Ta có đang cảm nhận được hạnh phúc của mình không?

Nếu ta cảm thấy mình không có gì. Sáng nay thức dậy, ta hãy nhìn chung quanh mình. Và cảm nhận hạnh phúc. Chiếc lá rung rinh bên ngoài cửa sổ, tiếng chim hót ríu rít trên tàng cây, bầu trời xanh cao vời vợi, gió thổi tóc ta man mát vỗ về, những giọt nước tinh khiết trong lành đầy cốc, đôi mắt trong phản chiếu từ chiếc gương trên bàn, tiếng trái tim đập khe khẽ trong lồng ngực…Ta có quá nhiều hạnh phúc, ở ngay đây. Ta đâu cần phải có điều kiện mới cảm thấy được hạnh phúc?

Bạn ơi, hãy thử cảm nhận hạnh phúc đi, trong những điều rất nhỏ rất gần. Đừng đặt ra điều kiện và đừng chờ đợi để cảm thấy hạnh phúc. Bởi hạnh phúc có sẵn, ngay cả ở trong khổ đau

Đừng nghĩ, hạnh phúc là ngôi sao lấp lánh xa xôi kia. Những ngôi sao ở xung quanh ta, tồn tại trong mọi thứ và mọi điều ý nghĩa của cuộc sống, trong trái tim ta. Chỉ là ta có nhìn thấy sự lấp lánh của chúng

Ta không cần bất cứ điều kiện gì để hạnh phúc. Hạnh phúc là ngay bây giờ, và ở đây.

Yêu thương và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

SỨC KHOẺ, BỐN MÙA VÀ ĐỜI NGƯỜI

Để Nước Cuốn Đi


Bạn biết vì sao sức khoẻ và đời người lại liên quan mật thiết tới bốn mùa không. Câu nói “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” không chỉ là một phương châm dưỡng sinh đầy minh triết từ ngàn đời xưa của người phương Đông, mà còn trở thành một triết lý sống cho con người thông qua sự chiêm nghiệm từ thiên nhiên

Mùa Xuân là sinh ra, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng, chất chứa. Bạn có thể quan sát trong tự nhiên. Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa Hạ phát triển mạnh mẽ, sang Thu chuyển màu để giữ lại tinh chất, dinh dưỡng, cuối cùng Đông đến cây trút lá và dung dưỡng từ bên trong để chuẩn bị bung nở, sinh trưởng khi Xuân về. Các loài động vật trong tự nhiên cũng sống thuận theo quy luật này, chúng ưa sinh sản vào mùa Xuân, lớn lên trong mùa Hạ, cất giữ thức ăn vào mùa Thu và Đông thì ẩn nấp. Điều này đã trở thành tập tính để cả ngàn loài chim chuẩn bị di cư tới phương Nam khi Đông sắp về, một số loài dự trữ thức ăn suốt mùa Hạ và ở yên một chỗ vào mùa Đông, hay những loài ngủ đông để dự trữ năng lượng như loài Gấu…

Hiểu được điều này, con người cần phải sinh hoạt, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ sao cho thuận theo bốn mùa. Trước hết, bản thân trong một ngày đã bao gồm cả bốn mùa, sáng là Xuân, trưa là Hạ, chiều tối là Thu, và đêm là Đông. Bắt đầu một ngày mới là sinh ra một lần nữa, chúng ta cần thức dậy đúng giờ để đón nhận linh khí của Trời Đất, để cho các mạch máu và các cơ quan cơ thể được lưu thông, được vận động và được hồi sinh. Ban trưa là lúc dương khí thịnh nhất trong ngày, tận dụng thời gian này sức khoẻ tốt để xử lý, làm việc, vui chơi, nhưng cần nạp năng lượng chứ không phung phí. Chiều tối là lúc Thu liễm, cơ thể và não bộ không còn đáp ứng cho làm việc và vận động quá sức, mọi thứ cần được sắp xếp để dừng lại dần, và đêm xuống là khi ta cần nghỉ ngơi hoàn toàn, chìm vào ngủ sâu để chuẩn bị cho Xuân sang tràn đầy sức sống và hân hoan

Hãy nhìn đất trời vận động, chim muông và thú hoang sinh sống để mà bắt chước. Chập choạng chiều tối, trời dần tắt nắng để thu rút vào trong, động vật đã đi tìm nơi ẩn náu. Như lẽ thường tình, con người cảm thấy uể oải vào buổi chiều tối, vì cơ thể mong muốn được thuận theo tự nhiên. Người xưa ban ngày dẫu công việc đồng áng vất vả, cũng dắt trâu về khi ánh tà dương sắp tắt. Mặt trời lặn sau núi, là Người đã rục rịch đi ngủ, đó là lý do ta thường hay thắc mắc sao ông bà xưa hay đi ngủ sớm, vì đó là họ đã sống thuận theo lẽ trời, và sống rất khoẻ mạnh. Thế nhưng, ngày nay, ta đang ngược tự nhiên, ăn uống quá đà vào ban đêm, làm việc khi cần phải dừng lại, thay vì để cơ thể gìn giữ tinh lực và tàng chứa tinh tuỷ, thì ta bắt nó phải sinh sôi vào mùa Đông. Nghĩa là thức tới 12-1h-2h đêm, ta bào mòn và rút cạn năng lượng của cơ thể, nên nó không thể thức dậy vào mùa Xuân, hoặc thức dậy trong trạng thái mệt mỏi. Đồng nghĩa với việc ta làm trái với quy luật trời đất, thì ta sẽ không thể phát triển khoẻ mạnh, bệnh tật là điều chắc chắn, như một cái cây héo úa theo thời gian

Để thích nghi với nhịp sống hiện đại ngày nay, nếu không thể ăn sớm lúc 5h, ngủ lúc 7-8h tối như người xưa. Hãy gắng ăn sớm trước 7h tối, và ngủ trước 10h tối, muộn nhất là 11h đêm, và sau đó thức dậy lúc 5-6h sáng, có thể sớm hơn tuỳ vào giấc ngủ trước đó. Cũng vậy, ban sáng có thể ăn nhẹ những thức ăn cây trái, vị ngọt như đường và trái cây, tính bình như tinh bột, vì đó là thức ăn phát triển vào mùa Xuân. Ban trưa có thể ăn đa dạng vì mùa Hạ là cây trái củ quả động vật phát triển dồi dào. Chiều tối thu lại dinh dưỡng để chuẩn bị cho giấc ngủ Đông dài, cần bổ sung những thức ăn ấm nóng, có tính Dương ấm áp, như đạm và chất béo, tốt cho tuỷ xương và năng lượng dự trữ, nhưng không nên ăn quá no. Khi ăn uống và sinh hoạt như vậy, cơ thể tự khắc đi vào quỹ đạo, tự động buồn ngủ khi tối xuống và ngủ sâu vì đã dự trữ đủ, đồng thời thức dậy khoẻ mạnh khoan khoái vào ngày hôm sau. Như một cái cây sống đúng quy luật, sẽ trở nên minh mẫn và có sức sống bền bỉ

Với những người sống ở vùng đất có khí hậu bốn mùa rõ rệt. Cần sống thuận theo quy tắc này. Mùa Xuân chủ phong là gió, có sự thay đổi nhiều ở tiết trời, môi trường ẩm ướt dễ mắc các bệnh lây lan, cần giữ sự khô ráo, chăm sóc tốt cho gan để đề phòng dịch bệnh. Mùa Hè chủ về Hoả, nóng nực nhiệt độ cao, nhưng người ta thường hay dễ bị hàn khí, đau họng, cảm ốm. Là vì trong mùa Hạ, lỗ chân lông nở nang, cơ thể dễ mất nước, trời nóng nên thường ăn mặc phong phanh, ngủ điều hoà, tập thể dục về liền đi tắm, hay ăn uống nước đá lạnh, nên hàn khí xâm nhập vào tạng phủ. Mùa Hè ấm áp nhưng lại quan trọng nhất, vì không giữ gìn, cơ thể sẽ không đáp ứng được khi Thu về, Đông tới. Các món trái cây mùa Hè thường là món nhiệt, dễ làm cơ thể nổi mụn nhọt nếu gan yếu, gan muốn khoẻ thì phải bồi bổ tân dịch, vị đắng, vào ban trưa, đồng thời hạn chế bia rượu. Chủ khí mùa Thu là khô ráo, rút vào bên trong nên da dẻ hanh hao, khí trời lưng chừng nên dễ mắc các bệnh viêm liên quan đến hô hấp, nên cung cấp đủ nước và ăn uống chú trọng một cách nghiêm túc các thực phẩm mang tính ấm áp, dự trữ năng lượng cho tuỷ xương. Để khi Đông về, khí lạnh hàn thì cơ thể mới có sức chống chọi. Đồng thời, Thu Đông cần chú trọng giữ ấm, làm việc không quá sức, ăn uống cẩn trọng, hoạt động vừa phải, giữ gìn và bồi bổ gấp nhiều lần hai mùa còn lại

Trong chuyện phòng the, vì tinh lực không sinh ra vào mùa Đông hay đêm muộn, nên cổ nhân mới có câu “Đông nhất thì đương Xuân bách” (mùa Đông xuất tinh một lần thì bằng mùa Xuân xuất tinh một trăm lần). Ý rằng vào mùa Đông hay đêm muộn, con người vốn không khoẻ, không đủ tinh lực, nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng. Khí trời lúc này cũng lạnh lẽo, hàn gió dễ xâm nhập mà da thịt không kín đáo dễ ủ bệnh vào trong. Bên cạnh đó, sản phụ thường mất nhiều máu, khí huyết suy giảm khi sinh con, sức đề kháng giảm, nên sinh con vào mùa Hè thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ, nhưng không chủ quan vì mùa Hạ giãn nở các chân lông và mạch máu. Nếu sinh con vào Thu Đông thì tuyệt đối kiêng lạnh, kiêng gió, chú ý giữ gìn dưỡng sức và tu bổ năng lượng bằng thức ăn ấm nóng, tính Dương và bổ máu

Khi xưa, mùa Xuân tươi mới khiến cho con người ta rạng rỡ, đón chào, vậy nên mùa Xuân gắn với Tết, mùa Xuân mang theo hy vọng, mùa Xuân là sự khởi đầu. Ta chớ quên mà ham mê chạy đua với thời gian, vội vã, giục giã bản thân, như người ngày nay lao lực, đặt mục tiêu hà khắc. Để cho mọi thứ được sinh ra là tuôn chảy, sáng tạo và tươi mới. Mùa Xuân ứng với Mộc, đừng để mình quá uất ức, giận dữ, ăn uống thừa mứa và uống nhiều bia rượu làm tổn thương tạng can(gan). Mùa Hạ gắn với sự vui vẻ, náo nhiệt, sống động, thế nên ứng với Hoả. Đừng để mình quá ưu tư, lo lắng, hay vì nóng bức mà trở nên nóng nảy, không lạm dụng thức ăn thanh nhiệt và đừng ham lạnh, sẽ làm tổn thương tạng Tỳ(dạ dày, lá lách). Sang Thu thời tiết khô háo, vạn vật chậm lại và thu nhặt dự trữ, ứng với Kim. Không nên quá hoạt náo, vui chơi như mùa Hè, nhất là vào những đêm hay sớm gió độc mà ăn mặc phong phanh sẽ làm tổn thương Phế(phổi). Đông tới thì yên ắng, bất động, ứng với Thuỷ, đừng quá u sầu hay thê lương, giữ mình ấm áp và tăng dương khí cho cơ thể và ngôi nhà, uống nước vừa đủ và kiêng đồ lạnh…, để không làm tổn thương tạng Thận

Bốn mùa tưởng trái ngược nhau nhưng thực ra lại hỗ trợ cho nhau. Có tương khắc mới có tương sinh. Có Xuân mới có Hạ, Đông tàn để Xuân tới. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân. Đời người và vạn vật tất thảy trong Trời Đất này, cũng nhịp nhàng và tuôn chảy trong vòng quay của tạo hoá. Cái hay, cái đẹp của việc thấy được sự liên kết và ảnh hưởng với nhịp điệu của Trời Đất chính là để con người được hoà cùng với tiết tấu của trăng sao, để cho thời gian của con người ăn khớp với thời gian vũ trụ, và không tách rời khỏi sự vận động của toàn thể

Đời người có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Lúc chào đời thì như mầm cây nhỏ tràn đầy nhựa sống, thuần khiết và háo hức. Thanh xuân nồng nhiệt, rạng rỡ và sôi nổi như mùa Hè. Trung niên thì chậm lại, chẳng quá vội vàng, thu mình và khiêm cung. Để rồi, khi tóc mái hoa râm, trong ánh mắt từng trải và dày dạn, là sự ẩn chứa, cất giữ, cả một đời người phong sương, nhún nhường, thâm trầm mà khí phách. Trời Đất luôn vận động và trải qua đủ bốn mùa, cũng như con người luôn đổi thay trong dòng chảy thời gian chứ không nằm ngoài quy luật đó. Hãy tận hưởng bốn mùa trong năm cũng như bốn mùa của cuộc đời, không níu giữ cũng không chống trả, và sống thuận theo sự tự nhiên. Bởi vì mỗi mùa hay mỗi giai đoạn của đời người, đều có vẻ đẹp riêng và ý nghĩa riêng của nó

Đừng tiếc nuối vì mùa cũ đã qua, Đông qua Xuân tới, mỗi mùa đều đang chờ ta tạo ra những thời khắc mới và sống thật trọn vẹn. Cần có cái ra đi để có cái tươi mới về. Hãy thấy vẻ đẹp của sự đổi thay và tuần hoàn. Như vạn vật cứ vậy sống, cứ vậy đón chờ, thích nghi, vận động và hoà hợp. Đừng nghĩ đêm Đông lạnh lẽo sẽ kéo dài mãi mãi, ngay sau đó là mùa Xuân của sự đổi mới, của rực rỡ, và sức sống. Đừng níu giữ sự tươi trẻ và rộn ràng của mùa Hạ, sẽ tới lúc cần đi vào trong, thu lại và chiêm nghiệm để trưởng thành. Thu tích luỹ vốn sống, Đông ẩn tàng dung chứa chính là cách để ta sẽ bừng nở, thay da đổi thịt, thành con người mới khi Xuân về. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cuối cùng cũng để cho ta thấu tỏ sự thật trong Trời Đất, sự thật về chính ta. Bản thân mỗi ngày đã là sự vận động của bốn mùa, ta đang luân hồi mỗi ngày đó thôi. Hãy ngủ thật sâu khi Đông về, và tỉnh dậy để chào đón mùa Xuân sớm mai

Yêu thương và bình an là bạn,

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

SỐNG CHO TRỌN VẸN VỚI THỰC TẠI

Để Nước Cuốn Đi



Bạn có bao giờ tự hỏi một nhà sư có vẻ ngoài đẹp đẽ của nhân gian lại xuất gia, hoặc bạn từng nghe ai đó thắc mắc sao đẹp vậy/trẻ vậy mà đi tu. Là vì họ sinh ra đã biết con đường của cuộc đời mình, nên đi theo con đường đó mà không chần chừ hay ngại ngần. Họ có thể đi vào chùa, lên núi lúc 9 tuổi, hay 17 tuổi mà không phải vì cuộc sống đau khổ nên muốn từ biệt thế gian

Còn ta, vì sao mà nhiều người lại lên chùa, lên núi xuất gia rồi phải quay về. Ví như ngôn ngữ dân gian là do còn duyên với đời, chưa cắt được nợ trần, phải không? Thực ra là vì họ có thể đã trốn tránh thực tại của mình, để tìm một chốn khác bình yên. Mà một khi rời bỏ “cảnh” này để đi đến “cảnh” khác, vì lý do sâu xa là thực tại đau khổ không chấp nhận được, thì thật ra ta chỉ đang trốn chạy và không muốn phải đối mặt với hiện thực cuộc sống của mình. Lúc này suy nghĩ “bước sang một cảnh giới khác, ta sẽ có bình yên” chỉ là một ảo tưởng mà ta đã kỳ vọng thôi

Cuộc sống xuất gia có êm đềm như ta nghĩ không. “Cảnh giới” nào cũng sẽ là một cơ hội cho ta nhìn thấy tâm mình. Ta từ bỏ việc mong muốn người xung quanh công nhận mình, nhưng giờ đây, ta mong muốn Phật Tử và đại chúng ngưỡng mộ và tôn thờ mình, cái muốn của ta chỉ đang đổi cảnh. Ta nghĩ rằng không còn vướng mắc, không còn công việc, không còn ai va chạm với mình, ta mới có thể sống yên ổn, giờ đây, huynh muội vẫn có thể khiến ta phật lòng? Sự yên tĩnh, những ham muốn đời thường, sự tẻ nhạt chốn thanh tịnh…tất cả những điều đó có làm cho ta lay động hay phiền muộn?

Những hạt giống tâm trong ta vốn sâu dày, những tầng tâm thức vi tế trong ta vẫn còn phụ thuộc vào bản năng của “con người”. Vậy nên, lấy một sự thực hành khác, một cuộc sống khác với kỳ vọng nó sẽ xoá bỏ con người cũ là một nhầm lẫn.

Thực tế là, ta không thể trốn chạy được thực tại đang xảy ra với mình, ta cần phải đi vào nó, sống trọn vẹn và học hỏi từ nó,…Không có gì đáng sợ như ta nghĩ, đằng sau mỗi thực tại ta đang trải nghiệm, không chỉ mang tên gọi bài học, mà là món quà chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống. Và chỉ khi ta trọn vẹn với thực tại của mình, ta đón nhận mà không phân biệt nó tốt hay xấu, không mong muốn kiểm soát tiến trình hay kết quả, chấp nhận hoàn toàn những gì xảy đến với mình. Ta mới chạm vào bản thể đẹp đẽ và đủ đầy của ta, đồng thời thấy được sự sắp xếp hoàn hảo của những mối dây liên kết, và vẻ đẹp của sự sống tồn tại trong ta và trong tất cả

Có hàng ngàn cách để quên đi thực tại này. Từ việc vùi mình trong công việc, đắm mình trong lạc thú hay quên mình trong những chất kích thích và gây nghiện. Làm mình sướng hay làm mình đau đâu có khác gì nhau, bản chất vẫn là để quên đi mà.

Ta những tưởng mình tỉnh thức hơn, khi tìm mình ở một hành tinh khác, một vì sao khác, một cõi giới khác, một sự giải thoát hay cảnh giới niết bàn đâu đó, sự cứu giúp từ một vị thần hay một người thầy, đi vào rừng hay trú ẩn ở bất cứ nơi đâu. Ta tiếp cận bao nhiêu là phương pháp chữa lành/tu tập, ta tìm đến cả ma thuật, vũ trụ cao siêu...Nhưng rốt cuộc, vấn đề của ta, nỗi đau của ta, ta đã giải quyết được chúng chưa? Đi hết một vòng, ta vẫn sẽ phải quay lại đối diện với thực tại của chính mình đó thôi

Ta muốn học cái gì cho lớn lao cao cả, khi những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống mà còn chưa học được/không chịu học?

Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ có sự bình an ở một “cảnh” khác, bạn có thể thử, xem như là một trải nghiệm, không sao cả, nó là tự do của bạn. Nhưng hãy biết rằng, điều gì xuất phát từ trái tim nó mới dẫn ta đến ý nghĩa sống mà sâu thẳm ta mong muốn. Còn xuất phát từ mong cầu, có thể sẽ dẫn đến thất vọng. Lúc đó, hãy coi như một bài học trên con đường tìm xem “ta là ai”.

Lên núi tu cũng không có nghĩa là trốn tránh thực tại, nếu mong muốn đó xuất phát từ trái tim. Đã là duyên thì không cần bất cứ biến cố nào trong cuộc đời mới có thể xuất gia. Những người đang sống cuộc sống nghèo khó, bần hàn, đừng cảm thấy họ tầm thường vì không có ước mơ gì lớn lao, như là một người ăn xin, đôi khi họ đang trải nghiệm thực tại của mình một cách trọn vẹn hơn ta đó

Nếu cuộc sống này mệt mỏi quá, ta hoàn toàn có thể dừng chân nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, không sao cả, nhưng đừng quên, hiện tại chính là thực tại, không thể tạo ra một thực tại khác bằng cách trốn tránh hiện tại. Sống trọn vẹn với hiện tại tức là ta đang tu, đang tận hưởng cuộc sống của mình, mới là làm tốt nhất cái ta có. Hiện thực không phải là chuyện cơm áo gạo tiền, hay các mối quan hệ trong đời sống, hay phải theo đuổi mục tiêu, hay chỉ xoay quanh trách nhiệm và nghĩa vụ ta tự đặt ra. Mà chính là những nỗi đau, những mắc kẹt, những tắc nghẽn… của chính ta đang cần ta đối mặt, quay về thấu hiểu và giải phóng, hay chính là thấu hiểu cho chính mình…Khi ta còn chưa hiểu được mình thì ta có đi tìm thêm cái gì/ai/thực tại hay thay thế cái gì cũng vô ích

Những thứ mà chúng ta cần học trong cuộc sống này rất giản đơn, nó nằm ngay trong công việc, trong những mối quan hệ của ta, trong cách mà ta đang sống, trong những thương tổn mà ta đã có, trong những điều nhỏ bé bình dị xung quanh, trong những người rất đỗi bình thường. Nếu ta chưa thể ly dục thế gian, đừng đi tìm kiếm ảo mộng, cao siêu hay lánh xa thế giới. Hãy sống cho trọn vẹn hành trình của mình, đời sống của mình, dù là ai, ở vị trí nào, thật chân thực và khiêm nhường

Yêu thương và biết ơn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

CÓ CHỐN NÀO LÀ BÌNH YÊN?

Để Nước Cuốn Đi



Vài người hỏi mình sống ở đâu mà bình yên thế, xinh đẹp thế, khi nhìn thấy những bức ảnh mình chụp. Thực ra, nếu bạn tới thành phố mình, bạn chắc sẽ choáng ngợp bởi sự xô bồ của giao thông(lượng ô tô quá nhiều), con người thì vội vã nên có đôi chút bàng quan với xung quanh. Rồi cảnh đẹp trong những bức hình của mình ở đâu chẳng thấy nhỉ. Bạn có thể sẽ thất vọng vì hiện thực có vẻ khác xa trong tưởng tượng và hình dung của bạn

Thực ra, những gì mình chụp nó vẫn ở đấy. Nhưng chẳng ai chịu nhìn thấy. Vẻ đẹp tồn tại xung quanh ta, nhưng không ai nhận ra. Bạn bảo ở chỗ bạn chẳng có gì đẹp cả, ở nơi bạn sống chẳng bình yên chút nào. Nếu cho mình tới đó, mình sẽ chỉ cho bạn những điều bình yên. Bởi bình yên tồn tại sẵn trong tất cả mọi thứ. Ta luôn nghĩ vẻ đẹp và sự bình yên ở nơi nào đó xa xôi, không thể nắm bắt, cũng như ta không nhận ra vẻ đẹp và sự bình yên vốn đã có sẵn bên trong mình

Có người khi sống qua vài thành phố, ở nơi nào họ cũng chỉ lắc đầu tệ lắm, đô thị thì ồn ào, thành phố yên tĩnh thì buồn quá, nơi mát mẻ thì lạnh quá, nơi ấm áp thì nóng quá…Thực ra đó là do tâm của Người không an, nếu không an thì chẳng có nơi chốn nào giúp Người an, cũng chẳng bên cạnh ai thấy an cả,... Không có chốn nào là hoàn hảo, và không có ai là hoàn hảo đâu. Nếu như nơi đâu Người cũng chỉ thấy cái xấu, giống như nhìn ai cũng chỉ thấy họ tồi tệ. Thì làm sao Người thấy được cái đẹp còn tồn tại

Cũng như là tâm ta hỗn loạn, thì ở nơi đẹp nhất ta cũng không thể thấy vẻ đẹp của nơi đó, và ở cạnh người tốt nhất ta cũng chẳng thể thấy vừa lòng.

Nhiều người trong số chúng ta cứ luôn đi tìm một chốn bình yên cho bản thân, ta đi tìm một ngôi nhà thật to đẹp hay sang trọng, toạ lạc ở vị trí đắc địa, ta tới những thành phố phát triển bậc nhất, với thật nhiều tiện ích và hiện đại, ta cũng bỏ phố về rừng, bỏ thành thị về nông thôn, rồi từ quê lại quay về phố…Nhưng đôi khi đó không phải là điều ta thật sự muốn, ta chỉ đang đi tìm một nơi nào đó có thể mang lại cho ta sự hạnh phúc, sự bình yên. Và khi nó không mang lại được cho ta bình yên như ta kỳ vọng, ta lại miệt mài đi tìm một nơi chốn khác, nếu vẫn không thoả mãn, ta sụp đổ, ta trống rỗng, và khổ đau

Thật ra, bất cứ nơi chốn nào cũng có thể là nơi ta sống. Dù là chốn thành thị xô bồ, hay ngọn núi hẻo lánh xa xôi. Không có công thức chung nào dành cho tất cả. Chỉ là ta cần phân biệt, trái tim ta thôi thúc ta đi tới lựa chọn đó, hay ta ở đó bởi tâm trí ta quá nhiều tiếng nói được tạo ra bởi những nỗi sợ?

Những nỗi sợ như là ở đây ta mới kiếm được tiền, nơi khác sẽ không có công việc như ý, con cái mới được học tập trong môi trường tốt nhất, tiện ích mới đủ đầy đáp ứng niềm vui cuộc sống, như là nơi chốn mới sẽ có thử thách và bất trắc…Những nỗi sợ này cũng là bình thường thôi, nhưng ở chỗ nào thì ta cũng đâu biết được chuyện gì sẽ đến với mình, hàng ngày cuộc sống vẫn mang đến cho ta quá nhiều sự việc bất ngờ đấy thôi

Hãy phân biệt cảm giác chán ghét nơi mình ở và thôi thúc muốn rời đi. Cả hai điều này có thể vẫn tồn tại nỗi sợ. Nhưng chán ghét đôi khi vì ta chưa thật sự sống trọn vẹn với nơi chốn đó để thấy vẻ đẹp của nó, còn thôi thúc muốn rời đi là khi trong trái tim ta biết rõ, ta không còn duyên nợ ở đây, hay ta đã biết ta cần phải đến một nơi khác. Nếu không thôi thúc mà ta chỉ muốn thay đổi, thì ta chỉ đang trốn chạy. Nếu trái tim ta thôi thúc, mà ta vẫn còn nỗi sợ, hãy dám đi theo trái tim mình mách bảo, bằng cách nhìn thật sâu vào nỗi sợ của mình. Đừng sợ sự thay đổi, bởi vì trái tim bạn biết rõ lý do mình cần phải làm nó

Còn nếu như ta chưa rõ mình muốn gì, thì ta có thể tiếp tục lựa chọn đó, hoặc cho phép mình thử với các lựa chọn khác. Cuộc sống này ngắn lắm, chẳng có gì thuộc về ta, chỉ có lựa chọn là của ta mà thôi, ta hãy tự quyết định cuộc đời của mình

Và đã lựa chọn ở đâu, hãy học cách để tìm thấy vẻ đẹp xung quanh, như là nhìn thấy vẻ đẹp trong chính bản thân mình. Nếu đã không thể thấy được vẻ đẹp trong những điều rất đỗi thường nhật hay thậm chí tầm thường, thì vẻ đẹp xa hoa lộng lẫy cũng sẽ không thoả mãn được ta

Nếu bạn hỏi sống trong thành phố xô bồ đó, mình có thấy căng thẳng không. Thì câu trả lời là có chứ, nhưng không phải là toàn thời gian. Mình thấy hiện thực là thế, thấy biết sự thật chứ không chối bỏ, nhưng không chỉ tập trung vào khía cạnh chưa tốt. Thấy sự thật chỉ để cho ta hiểu căn nguyên nó tới từ đâu, và thấu biết cuộc sống, học cách chấp nhận. Phần lớn thời gian mình tập trung vào chánh niệm những vẻ đẹp của cuộc sống, nó không chỉ là bầu trời sau cơn mưa, sự thay đổi của mùa, thời tiết mỗi ngày, điều gì mới diễn ra ở những cái cây, mặt hồ, những chú chim vào hôm nay dù chỉ ở ngay nhà mình,…mà mình còn thấy vẻ đẹp ở cả những con người xung quanh đang sống, ở trên vỉa hè, ở chợ, ở ngay trên đường đi…Những điều làm mình rung động đôi khi chỉ là những thứ chẳng ai quan tâm như chiếc lá thủng lỗ chỗ vì sâu ăn, chú bướm với đôi cánh mỏng manh dưới ánh nắng một buổi trưa hè…

Còn bạn, điều gì khiến bạn cảm thấy bình yên? Hãy thử nhớ lại cảm giác của bạn khi cảm thấy điều đó, và hãy lặp lại chúng trong cuộc sống của mình. Hãy nhớ lại ngày thơ bé, điều gì đã khiến cho bạn hồn nhiên và ngẩn ngơ, thực ra là vì tâm sáng trong của bạn đã mang bình yên ra bên ngoài đấy ^^. Nên là, bình yên vốn sẵn bên trong bạn, hãy chạm vào nó, thật khẽ khàng

Yêu thương và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

BÌNH THẢN CÓ PHẢI LÀ VÔ CẢM?

Để Nước Cuốn Đi


Nhiều người sợ rằng/nghĩ rằng, khi đứng trước một sự việc/sự kiện đau thương, nếu ta bình thản, ta sẽ trở nên vô cảm. Trước hết ta cần hiểu được định nghĩa bình thản bao gồm sự bình yên và thanh thản, là trạng thái nhẹ nhàng, bình lặng, tĩnh tại. Vô cảm, là trạng thái không có cảm xúc với mọi thứ

Thực ra, “nhiều cảm xúc” và “bình thản” không hề đối chọi hay mâu thuẫn với nhau. Người bình thản không có nghĩa là họ không còn cảm xúc gì với cuộc sống này. Họ vẫn đau, thậm chí có thể rất nhiều cảm xúc với nỗi đau của họ và của mọi sinh linh mà họ nhìn thấy. Nhưng cảm thấy đau không có nghĩa là trở nên mất bình tĩnh.

Khi đau không có nghĩa là phải hét to lên là mình đang đau hay tôi đang xót thương cho ai/điều gì đó. Bình thản là họ cho phép mình cảm thấy đau, và chấp nhận cảm xúc, nên chấp nhận được sự việc diễn ra. Chứ không nhất thiết phải giãy giụa khi thấy sự việc không như ý, ghét bỏ sự việc xảy đến và không ngừng kêu khổ. Khi không chấp nhận được, người ta mới không bình thản, và không phải cứ kêu gào than khóc cho người khác biết là ta đang cảm thấy đau đớn hay xót thương, ta mới không trở nên vô cảm hay thờ ơ

Đôi khi, ta phải biết là: người vô cảm có thể biểu hiện cảm xúc một cách giả dối và khiên cưỡng, ta vẫn có thể giả vờ có cảm xúc; và không phải cứ hỗn loạn, lo lắng là thực sự yêu thương. Khác với vô cảm là trạng thái của sự tổn thương liên quan đến cảm xúc bị đè nén hay chối bỏ, bi thương là trạng thái của việc tự bi kịch hoá những nỗi đau từng xảy ra vì không chấp nhận được chúng. Thì bình thản lại là sự chấp nhận những nỗi đau, chấp nhận những thương tổn; sự công nhận cảm xúc tồn tại, sự chuyển hoá chúng miệt mài để trở nên thấu hiểu và tự do

Nếu như bình thản đến từ sự chấp nhận, thì cảm xúc đến từ lòng trắc ẩn. Một người càng nuôi dưỡng và lắng nghe trái tim của họ nhiều, họ càng sống thật với bản chất yêu thương của họ. Ta xót thương cho những đau đớn, nó là cảm giác của ta. Nhưng khi ta kêu lên ôi thật là khắc nghiệt, thật đáng thương, thật tội nghiệp, đáng sợ...thì nó đến từ nỗi sợ trong ta chứ không phải là lòng trắc ẩn. Tại vì lòng trắc ẩn thì đến từ trái tim, nhưng bi luỵ hay sự bi kịch hoá lại đến từ nỗi sợ

Người bình thản vẫn rơi nước mắt khi họ muốn khóc, không phải là cố che giấu cảm xúc của mình. Bình thản không phải là một sự thể hiện, đó là một trạng thái của sự bình an, sự tự nhiên. Người bình thản không có nghĩa là họ quay lưng đi khi thấy nỗi đau, họ vẫn có thể làm trong khả năng, nhưng không cần ai phải công nhận.

Bạn nhận ra không, trên hành trình này, nếu càng ngày càng tiến bộ, bạn trở nên bình an hơn, đồng thời trước những sự việc đau thương, bạn cũng trở nên bình lặng hơn. Sự bình lặng đó không phải là trở nên vô cảm, những cảm xúc của bạn vẫn vẹn nguyên, nhưng bạn không còn qúa tỏ ra đau thương, không còn bị cuốn theo những trạng thái ào ạt và dữ dội…Bởi vì bạn đã đồng thời học được cách chấp nhận, chấp nhận mọi thứ đến và đi, chấp nhận mọi việc với mình và Người. Sâu sắc hơn, chính là bạn đã hiểu được sự vô thường

Bạn đã hiểu chứ không phải bạn học thuộc lòng. Sự hiểu đó là khi bạn đã dần quy hàng trước những thứ đến đi trong đời mình, chứ không phải gồng lên để chống lại. Bạn đã bớt đi sự kiểm soát mọi chuyện phải diễn ra như mình muốn, bạn cũng không còn quá nhiều tham lam và mong cầu. Khi không còn quá níu giữ, bạn đâu còn thấy mọi chuyện quá tồi tệ. Mọi thứ chỉ diễn ra như nó vốn là

Nếu chưa thể học được cách chấp nhận. Bạn hãy quay vào trong để trở thành người quan sát nhiều hơn. Hãy thấy các suy nghĩ và trạng thái cảm xúc của bạn không một cái gì là tồn tại mãi mãi, chúng thay đổi liên tục. Hãy thấy hình ảnh của em bé và cụ già là minh chứng của sự biến đổi thời gian. Thấy vạn vật trong trời đất này luôn biến thiên và vận động. Hãy nhìn một bông hoa xinh đẹp và trọn vẹn trong cảm xúc yêu thương đó, nhưng cũng hãy thấy vẻ đẹp lụi tàn của sinh mệnh này và chẳng tiếc thương, vì nó đã sống trọn đời sống của mình. Chẳng có gì chết đi, mọi thứ chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, sự thay đổi là trường tồn

Bình thản không đối lập với yêu thương. Càng chấp nhận và thấu hiểu, càng trở nên thương yêu. Vì ta quay về tự tánh của chính mình. Thông tuệ, sâu sắc, chính là tình yêu từ trái tim hiểu biết và bao la

Dù có trải qua bao nhiêu vỡ vụn, tình yêu ta vẫn vẹn nguyên, với thế giới này, với cuộc đời này

Yêu thương và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi