Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024
THẤY NGƯỜI KHÁC SAI, CÓ NÊN SỬA?
Hỏi thương: Có phải khi ta im lặng, ta sẽ trở thành “người vô tâm” không? Như là ta thấy người khác làm gì đó sai, ta phải can thiệp ngay chứ?
Đáp thương: Xin phép trả lời câu hỏi của bạn trong vài ý như thế này:
Thứ nhất, vô tâm nghĩa là bàng quan, không quan tâm, là thờ ơ và không màng đến sự vật sự việc diễn ra ngay cả trước mặt mình, và điều đó không đủ để mình chú ý. Vô tâm là khi ta không đặt điều đó quan trọng trong trái tim mình, vô tâm đôi khi còn xuất phát từ việc ta đã không nhận được sự quan tâm từ ngày bé dẫn đến không biết quan tâm khi lớn lên. Vậy, việc bạn thấy “ai đó sai” nghĩa là bạn hoàn toàn “chú ý” đến họ, bạn đang rất quan tâm họ đấy, thế nên hành động hay không không nói lên được rằng bạn là người vô tâm
Điểm quan trọng thứ hai là ở phạm trù “sai đúng”. Bạn đang đứng trên phương diện thế giới quan của mình để đánh giá một điều gì đó là sai hoặc đúng. Xét trong trường hợp cụ thể như bạn nói, bạn thấy việc người bạn của bạn đánh con là sai, nhưng anh ta cho rằng “dạy dỗ con mình” là đúng. Mình chưa nói đến sai đúng của hành động. Nhưng bạn nghĩ nếu bạn cố khuyên bảo “cái sai” mà một người cho là “đúng”, vậy anh ta sẽ nghe bạn chăng?
Thử lật ngược lại. Lấy ví dụ, bạn chưa hoặc không muốn lập gia đình. Người ta mỗi lần nhìn bạn đều thấy như vậy là sai, sau đó nói cho bạn biết như thế nào là đúng. Bạn cảm thấy như thế nào? Nếu ai đó “sửa” ta chỉ vì họ thấy ta sai, có chắc là ta sẽ cảm thấy vui vẻ? Có chắc là nếu họ sửa ta thì họ mới không phải là người vô tâm? Vậy đó, họ không sửa ta khi ta không muốn, ta còn thấy biết ơn họ
Ta đánh giá điều gì đó là sai trong quy chuẩn của mình, nhưng tại sao ta lại nghĩ ta có quyền can thiệp vào cuộc sống của người khác? Bạn có chắc là họ cần bạn giúp? Hãy nhớ rằng nếu ai đó muốn được giúp đỡ, họ sẽ tự tìm đến ta. Bạn biết là bản thân cũng không muốn người khác can thiệp vào cuộc sống của mình mà
Hay chăng là bạn chỉ đang tập trung vào cái sai của người khác, và mong muốn “sửa đổi” nó. Sự thực là chúng ta không thể thay đổi toàn bộ thế giới này, chúng ta không thể sửa đổi mọi lỗi lầm. Ta có chắc là ta luôn đúng, ta có chắc là ta không bao giờ lầm lỗi. Khi ta cố gắng sửa, nó chỉ đến từ việc ta không thể chấp nhận mình, và không thể chấp nhận sự không hoàn hảo của thế giới. Nhưng khi ta chấp nhận, ta sẽ có thương yêu. Thương yêu sự không hoàn hảo của mình, và từ từ thương yêu sự không hoàn hảo của người khác. Sự thương yêu không phải là cố gắng sửa đổi ai đó, sự thương yêu xuất phát từ trái tim sẽ tự biết yêu thương như thế nào, hành động ra sao, bởi vì lúc đó đã có sự thấu hiểu
Sự thương yêu không có nghĩa là ta sẽ luôn im lặng, hay sẽ luôn lên tiếng trước mọi sự. Để biết lúc nào nên nói, lúc nào không, nên nói gì hay không nên nói gì, mỗi người cần nghe những điều khác nhau…Thì ta cần một trái tim thấu cảm, hoặc biết quay về thực tập lắng nghe trái tim
Tiếng nói từ trái tim là tiếng nói của trí tuệ, khác với tiếng nói mang sự phán xét từ lý trí, khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Vì chỉ có yêu thương mới có thể chạm đến một trái tim đang đau khổ, và mới giúp chuyển hoá những gai góc hay sai lầm. Hãy xem bạn đang nhìn ở góc nhìn trái tim hay lý trí? Trái tim của một người đau khổ nhạy cảm lắm, họ dễ bị thu hút bởi một trái tim đang rung động trong thương yêu. Ai đó đủ đau khổ thì mới mong muốn thay đổi, và ai đó muốn thay đổi sẽ tìm được người phù hợp, và chưa chắc đã là ta
Nhớ rằng nếu bạn muốn nói lên tiếng nói của mình, hãy nhớ là nói từ tâm yêu thương. Từ tâm yêu thương chứ đừng nhân danh yêu thương bạn nhé. Hãy phân biệt tiếng nói xuất phát từ sự yêu thương cái con người mà bạn “nhìn thấy nỗi đau” hay từ lý trí phán xét đúng sai, mong muốn sửa đổi, kỳ vọng,…và nỗi sợ “mình vô tâm”. Còn nếu cảm thấy không biết nói gì, hay còn phải suy nghĩ về lời nói của mình. Thì tốt nhất là nên im lặng. Vì đôi khi im lặng còn khó hơn là phải luôn nói ra điều gì đó bạn ạ
Thực ra, trong câu hỏi của riêng bạn, và sự cảm nhận của mình về bạn. Bạn đang tập trung vào lỗi lầm của bất cứ ai bạn biết, phải chăng do bạn dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về những sai lầm hay sự không hoàn hảo của bản thân? Bạn có luôn ghét bỏ cái sai của mình hay không cho phép mình được sai. Nếu luôn phán xét và không bao dung được cho mình, ta sẽ khó lòng mà dung thứ được cho người khác.
Sâu xa hơn, có một nỗi sợ trong bạn rằng mình không đủ tốt, không xứng đáng được tồn tại, được yêu thương, như nhận định rằng “nếu không làm điều này tôi sẽ trở nên vô tâm”. Bạn đang tự định nghĩa khái niệm và khoác lên cho nó nỗi sợ của mình. Vậy đó, đôi khi vấn đề đến từ cái nhìn của ta, chứ chưa chắc xung quanh ta có vấn đề. Nếu dừng lại một khoảnh khắc nhìn ra bên ngoài, để quay vào bên trong ta sẽ nhìn thấu mình thêm một khoảnh khắc
Mình chúc bạn thấy những vết thương lòng, thấy chính mình để biết yêu mình thêm mỗi ngày, bạn nhen
Thương mến,
Để Nước Cuốn Đ
About the Author
Để Nước Cuốn Đi / Blogger
Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét