ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

THẤY NGƯỜI KHÁC SAI, CÓ NÊN SỬA?

Để Nước Cuốn Đi



Hỏi thương: Có phải khi ta im lặng, ta sẽ trở thành “người vô tâm” không? Như là ta thấy người khác làm gì đó sai, ta phải can thiệp ngay chứ?

Đáp thương: Xin phép trả lời câu hỏi của bạn trong vài ý như thế này:

Thứ nhất, vô tâm nghĩa là bàng quan, không quan tâm, là thờ ơ và không màng đến sự vật sự việc diễn ra ngay cả trước mặt mình, và điều đó không đủ để mình chú ý. Vô tâm là khi ta không đặt điều đó quan trọng trong trái tim mình, vô tâm đôi khi còn xuất phát từ việc ta đã không nhận được sự quan tâm từ ngày bé dẫn đến không biết quan tâm khi lớn lên. Vậy, việc bạn thấy “ai đó sai” nghĩa là bạn hoàn toàn “chú ý” đến họ, bạn đang rất quan tâm họ đấy, thế nên hành động hay không không nói lên được rằng bạn là người vô tâm

Điểm quan trọng thứ hai là ở phạm trù “sai đúng”. Bạn đang đứng trên phương diện thế giới quan của mình để đánh giá một điều gì đó là sai hoặc đúng. Xét trong trường hợp cụ thể như bạn nói, bạn thấy việc người bạn của bạn đánh con là sai, nhưng anh ta cho rằng “dạy dỗ con mình” là đúng. Mình chưa nói đến sai đúng của hành động. Nhưng bạn nghĩ nếu bạn cố khuyên bảo “cái sai” mà một người cho là “đúng”, vậy anh ta sẽ nghe bạn chăng?

Thử lật ngược lại. Lấy ví dụ, bạn chưa hoặc không muốn lập gia đình. Người ta mỗi lần nhìn bạn đều thấy như vậy là sai, sau đó nói cho bạn biết như thế nào là đúng. Bạn cảm thấy như thế nào? Nếu ai đó “sửa” ta chỉ vì họ thấy ta sai, có chắc là ta sẽ cảm thấy vui vẻ? Có chắc là nếu họ sửa ta thì họ mới không phải là người vô tâm? Vậy đó, họ không sửa ta khi ta không muốn, ta còn thấy biết ơn họ

Ta đánh giá điều gì đó là sai trong quy chuẩn của mình, nhưng tại sao ta lại nghĩ ta có quyền can thiệp vào cuộc sống của người khác? Bạn có chắc là họ cần bạn giúp? Hãy nhớ rằng nếu ai đó muốn được giúp đỡ, họ sẽ tự tìm đến ta. Bạn biết là bản thân cũng không muốn người khác can thiệp vào cuộc sống của mình mà

Hay chăng là bạn chỉ đang tập trung vào cái sai của người khác, và mong muốn “sửa đổi” nó. Sự thực là chúng ta không thể thay đổi toàn bộ thế giới này, chúng ta không thể sửa đổi mọi lỗi lầm. Ta có chắc là ta luôn đúng, ta có chắc là ta không bao giờ lầm lỗi. Khi ta cố gắng sửa, nó chỉ đến từ việc ta không thể chấp nhận mình, và không thể chấp nhận sự không hoàn hảo của thế giới. Nhưng khi ta chấp nhận, ta sẽ có thương yêu. Thương yêu sự không hoàn hảo của mình, và từ từ thương yêu sự không hoàn hảo của người khác. Sự thương yêu không phải là cố gắng sửa đổi ai đó, sự thương yêu xuất phát từ trái tim sẽ tự biết yêu thương như thế nào, hành động ra sao, bởi vì lúc đó đã có sự thấu hiểu

Sự thương yêu không có nghĩa là ta sẽ luôn im lặng, hay sẽ luôn lên tiếng trước mọi sự. Để biết lúc nào nên nói, lúc nào không, nên nói gì hay không nên nói gì, mỗi người cần nghe những điều khác nhau…Thì ta cần một trái tim thấu cảm, hoặc biết quay về thực tập lắng nghe trái tim

Tiếng nói từ trái tim là tiếng nói của trí tuệ, khác với tiếng nói mang sự phán xét từ lý trí, khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Vì chỉ có yêu thương mới có thể chạm đến một trái tim đang đau khổ, và mới giúp chuyển hoá những gai góc hay sai lầm. Hãy xem bạn đang nhìn ở góc nhìn trái tim hay lý trí? Trái tim của một người đau khổ nhạy cảm lắm, họ dễ bị thu hút bởi một trái tim đang rung động trong thương yêu. Ai đó đủ đau khổ thì mới mong muốn thay đổi, và ai đó muốn thay đổi sẽ tìm được người phù hợp, và chưa chắc đã là ta

Nhớ rằng nếu bạn muốn nói lên tiếng nói của mình, hãy nhớ là nói từ tâm yêu thương. Từ tâm yêu thương chứ đừng nhân danh yêu thương bạn nhé. Hãy phân biệt tiếng nói xuất phát từ sự yêu thương cái con người mà bạn “nhìn thấy nỗi đau” hay từ lý trí phán xét đúng sai, mong muốn sửa đổi, kỳ vọng,…và nỗi sợ “mình vô tâm”. Còn nếu cảm thấy không biết nói gì, hay còn phải suy nghĩ về lời nói của mình. Thì tốt nhất là nên im lặng. Vì đôi khi im lặng còn khó hơn là phải luôn nói ra điều gì đó bạn ạ

Thực ra, trong câu hỏi của riêng bạn, và sự cảm nhận của mình về bạn. Bạn đang tập trung vào lỗi lầm của bất cứ ai bạn biết, phải chăng do bạn dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về những sai lầm hay sự không hoàn hảo của bản thân? Bạn có luôn ghét bỏ cái sai của mình hay không cho phép mình được sai. Nếu luôn phán xét và không bao dung được cho mình, ta sẽ khó lòng mà dung thứ được cho người khác.

Sâu xa hơn, có một nỗi sợ trong bạn rằng mình không đủ tốt, không xứng đáng được tồn tại, được yêu thương, như nhận định rằng “nếu không làm điều này tôi sẽ trở nên vô tâm”. Bạn đang tự định nghĩa khái niệm và khoác lên cho nó nỗi sợ của mình. Vậy đó, đôi khi vấn đề đến từ cái nhìn của ta, chứ chưa chắc xung quanh ta có vấn đề. Nếu dừng lại một khoảnh khắc nhìn ra bên ngoài, để quay vào bên trong ta sẽ nhìn thấu mình thêm một khoảnh khắc

Mình chúc bạn thấy những vết thương lòng, thấy chính mình để biết yêu mình thêm mỗi ngày, bạn nhen

Thương mến,

Để Nước Cuốn Đ

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

ĐỪNG ĐỂ BẢN THÂN CHẾT CHÌM TRONG NỖI SỢ CỦA NGƯỜI KHÁC

Để Nước Cuốn Đi




- Tận thế có không? Nếu tận thế đến thì phải làm sao?
- Chẳng sao cả. Nếu nó đến thì cứ đến thôi!
- Vậy nếu chết thì sao?
- Thì…chết thôi, nếu cái chết phải tới, nó đã được định sẵn. Ai trong chúng ta rồi không chết?

Tại sao ta phải quan tâm việc tận thế hay không tận thế. Tại sao ta lại phải hướng về một cái tương lai và quan tâm nó có hay không có, và rồi ta làm gì: “bỏ quên đi hiện tại”. Ta đang chuẩn bị cái gì, ta đang sống ở đâu, ta đang sống trong tương lai đó ư?

Hãy nhớ điều này: “Khi ta mải mê sống trong tương lai, ta đang chết trong hiện tại”. Cái chết đã đến rồi đấy thôi, ta cần gì cái chết vật lý nữa?

Mà hiện tại chỉ bao gồm thời khắc này, khoảnh khắc này, những điều bất như ý vẫn đang xảy ra, nhưng: những điều đẹp đẽ vẫn đang xảy ra. Ta chỉ nhìn thấy những điều tệ, liệu ta có nhìn thấy những điều tốt đẹp? Nếu ta thấy được mặt tối của mình, vậy ta có nhìn thấy mặt sáng không? Ta có quay vào soi rọi tâm mình khi tâm ta bị khuấy động? Ồ, ta đang sợ hãi, vì sao, ta có tự hỏi mình, ta có nhìn thấy sự an nhiên trong ta cũng đã có sẵn? Khi ta không tỉnh thức để nhìn vào mình, ta lập tức để mình bị cuốn theo những nỗi sợ xung quanh.

Hàng ngày, ta phải đối mặt với tiếng nói của những người chung quanh, và cả ngàn tin tức mà ta nghe nhìn ở trên các phương tiện truyền thông và giải trí. Rất nhiều người chỉ nói về nỗi sợ, mở miệng ra là nói sợ, đến nỗi ta tin rằng mọi thứ đúng là đáng sợ như thế. Đôi khi, nỗi sợ đó lan ra như một phong trào và thành câu cửa miệng mà chúng ta gọi là hiệu ứng đám đông. Thực ra, những phản ứng đó đến từ tâm phóng chiếu chính nỗi sợ bên trong của họ ra bên ngoài. Chỉ đợi một hoàn cảnh bất như ý, họ sẽ đẩy nó ra như một cách để nói với người khác cảm giác của họ, tâm trạng của họ, để giải toả nó

Bản chất của “hoàn cảnh” thực ra không đáng sợ. Muôn đời nay cảnh vẫn diễn ra như thế, có khi còn diễn ra trước lúc có cả con người. Mọi thứ chưa bao giờ dừng lại, mọi thứ vẫn luôn vận động, liên tục. Chưa bao giờ có cái gì dừng lại. Chỉ có tâm ta bắt mọi thứ dừng lại. Đáng sợ là do tâm phóng chiếu của con người lên cảnh. Trong tâm thức người đó, đã có sẵn nỗi sợ, nên nhìn bất kỳ cái gì họ cũng sợ

Biến động đã luôn và vẫn sẽ xảy ra, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần,... hàng trăm triệu năm nay vẫn thế, như cái cách mà vũ trụ vận hành. Rằng các vì sao, các hành tinh đã luôn luôn biến đổi, luôn luôn va chạm vào nhau, bùng nổ, tạo mới, tiếp diễn, luân hồi. Trong vũ trụ này, mọi thứ không ngừng sinh ra và mất đi, có sinh thì phải có diệt. Và đừng quên rằng, trong cái chết mới có sự tái sinh, trong sự kết thúc tồn tại sự khởi đầu. Không có gì là mãi mãi. Cách duy nhất để có gì đó mới là phải chết đi những gì đã cũ

Bạn nghĩ chỉ có những thứ lớn lao mới biến động ư? Đời sống của chúng ta vẫn luôn biến động không ngừng đấy thôi. Một phút trước bạn cười, phút sau bạn khóc, đến bạn còn không lường trước được bản thân, vậy bạn sẽ kiểm soát được cái gì xung quanh bạn. Chồng bạn, vợ bạn, con bạn, cha mẹ bạn, công việc của bạn, tiền của bạn hay chiếc xe bỗng quẹt vào bạn trên đường?

Hãy nhìn xem, một chú chim vẫn đang sống một cuộc đời mà hôm nay có thể mưa, ngày mai có thể nắng, nay có thể sống và ngày mai có thể chết. Trong cơn bão, không ai nhìn thấy, những chú chim đã đi đâu trong cơn bão? Chúng sẽ tìm được một nơi ẩn nấp chăng? Vì chúng ta không quan tâm, nên chúng ta đã không biết, chúng cũng phải đối mặt với biến động trong cuộc đời chúng. Những chú chim đâu có nhà, chúng chỉ làm tổ khi sinh con. Và giờ đây, rõ ràng trong cơn bão, chúng không thể lường trước hay lo lắng như con người, chúng buộc phải đối mặt, phải sinh tồn. Và chúng cũng có cái chết. Nhưng rồi mặt trời lên, giống loài chúng vẫn tồn tại, chúng vẫn sống, như thể đó là sự hiện diện tất yếu, sống cho ngày hôm nay, vì không ai bảo chúng còn có ngày mai, thế nên, chúng tự do.

Không thể phủ nhận sợ là một cảm giác rất đỗi bình thường của con người. Nhưng không có nghĩa khi cảm thấy sợ là chúng ta phải phóng chiếu nó ra bên ngoài, kêu ca hay than vãn và đẩy về phía người khác như một cách giải toả nỗi sợ. Điều đó không làm ta bớt sợ mà chỉ làm cho nỗi sợ được nhấn mạnh thêm vào trong ta và lan ra bên ngoài như bệnh dịch. Đó là cách mà ta đã nhân đôi nỗi sợ của mình

Vậy nên, khi cảm thấy sợ hãi. Hãy bình tâm và tìm một góc để có thời gian yên ắng. Hãy nhìn vào trong và để cho nỗi sợ hiện diện và lắng nghe tiếng nói của nó. Như bao cảm xúc khác. Hãy xem nỗi sợ sau khi được lắng nghe, nó xuất phát từ đâu...Nỗi sợ càng nhiều là do ta đã hướng ra bên ngoài quá nhiều, ta đã dành quá ít thời gian cho bản thân lắng lòng và được chăm sóc ân cần. Thời gian cho bản thân ở đây là sự đối mặt với chính mình, và chậm rãi để nhìn ngắm cuộc sống. Để từ đó khám phá ra bản chất cuộc sống này, những quy luật của vũ trụ, thấu tỏ sự thật và lòng sẽ trở nên trung dung

Chúng ta sống trong một xã hội mà nơi chúng ta bắt buộc phải có kết nối với con người, dù là gián tiếp hay trực tiếp, vì chúng ta không thể nào sống là một thực thể tách biệt được tuyệt đối ra khỏi đời sống loài người. Nhưng không có nghĩa chúng ta phải hoàn toàn sống theo tập tính của xã hội nơi ta sống, và vì vậy ta có thể làm chủ được tâm trí của mình chứ không phải để nó bị cuốn theo những nỗi sợ và thói quen mục ruỗng đã được đám đông kích hoạt mỗi khi có sự kiện và biến thiên tới. Muốn vậy, ta hãy quay về ý thức nơi chính mình, và làm dày lên nội lực vốn có, đó là cách duy nhất để ta không bị bão hoà, không bị tan biến, không bị đồng hoá. Hãy nhận biết mọi con sóng, nhưng trụ lại nơi đại dương

Không có nỗi sợ nào là đáng sợ nhất cả. Cũng chẳng có gì là tệ nhất. Mọi thứ luôn vận hành đúng trật tự của nó. Đừng nghĩ rằng ta sẽ đi ra khỏi trật tự tự nhiên, đừng nghĩ rằng ta sẽ biết trước. Dưới bầu trời này, ai cũng như ai, vậy nên có câu “Người tính không bằng trời tính”. Chi bằng, đừng cố gắng ngược dòng làm gì, hãy cứ chảy trôi như vậy thôi

Thương yêu và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

NHỮNG ĐIỀU BẠN NÓI KHÔNG CÓ GÌ LÀ LẠ

Để Nước Cuốn Đi






Hỏi thương: Tôi tự hỏi tôi thường xuyên lang thang trên mạng, tìm hiểu sách vở, góp nhặt kiến thức, nhưng khi tôi tìm đến ai đó để giải quyết vấn đề, tôi vẫn thấy “có những điều họ nói” không có gì lạ, không phải là mới đối với tôi?

Đáp thương: Câu hỏi của bạn có thể bao quát trong vài ý như thế này:

Đầu tiên, vấn đề ở đây không phải là họ nói lại những gì mà bạn đã biết. Mà vấn đề là nếu bạn đã biết sao những câu nói đó vẫn quay lại, nhắc lại trong cuộc sống của bạn. Nếu ta đã thấu hiểu điều gì đó, hay đã thực hành được nó, vậy người khác có còn thấy ta cần sửa nó nữa không? Chính vì ta chưa hiểu, chưa ngộ ra và ngấm vào bên trong, nên những lời nhắc chỉ là một sự phản chiếu cho vô thức mà ta thể hiện ra bên ngoài

Việc ta học rất giỏi và nhớ rất tốt những câu nói, những lý thuyết cuộc sống lại không liên quan gì đến cảm ngộ trong lòng ta. Giống như một đứa bé thành phố có thể đọc vanh vách và hào hứng vì những trò chơi bên cánh đồng và dòng sông trong quyển sách, nhưng khi về vùng quê có thể e ngại vì môi trường và thổ nhưỡng quá khác biệt trong tưởng tượng. Hãy nhận ra rằng, thu thập kiến thức là một hành vi, nhưng thấu hiểu kiến thức, lại đến từ nhận thức. Nhận thức sẽ cho ra kiến thức, còn kiến thức thì không chắc. Quá trình nhận thức chỉ có thể nảy nở khi ta đưa ý thức vào bên trong chính mình

Và khi mà ta thu thập quá nhiều, trong khi thật sự nhận thức được chúng quá ít. Đồng nghĩa với việc ta không thể tiêu hoá hết kiến thức, ta dễ thấy mọi thứ na ná và tương tự nhau, thậm chí ta rối trí và lẫn lộn các khái niệm, lạc trôi trong mê cung của phân tích và suy nghĩ. Người nói với ta những điều sáng tỏ tường minh, ta cũng chỉ thấy như Kẻ sáo cũ tầm thường

Nếu những điều ta nghe chẳng có gì lạ nữa. Thì vì ta đã luôn nghe bằng đôi tai của tâm trí, nhưng lại chưa bao giờ dùng trái tim để cảm nhận. Ta nghe thấy cũng đúng đấy, ta thấy ta đã biết, đã giỏi, vậy thì cần gì phải nghe thêm, thế giới cũng chỉ có bấy nhiêu à. Thế nhưng ta thực sự đã chưa bao giờ để chúng chạm tới trái tim mình, để biết điều gì khiến trái tim ta thổn thức, để biết điều gì có ý nghĩa với ta, và ta rung động với chúng, trong từng khoảnh khắc, dẫu có nghe lại bấy nhiêu lần

Có bao giờ, ta lo sợ rằng, nếu ta không biết thêm, ta sẽ quá nhỏ bé? Có bao giờ, ta thấy, mọi thứ trong ta đã đủ đầy, có thể trả lời mọi câu hỏi ở ngoài kia?

Là lúc, ta thấy mọi thứ là diệu kỳ, mọi thứ là bao la, chúng không hề lạ, không hề đơn điệu

Mến thương,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

TA CÓ SỨ MỆNH SỐNG ĐẶC BIỆT HƠN NGƯỜI KHÁC KHÔNG?

Để Nước Cuốn Đi


Phải nói thật là mình cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy trào lưu “sứ mệnh” đã hạ nhiệt theo thời gian. Tuy nhiên, không hiếm lần một số bạn tới và nói cho mình nghe “sứ mệnh” của họ. Nguy hiểm hơn là vài bạn đang trong giai đoạn trầm cảm kéo dài, được người khác nói rằng “bạn bị như vậy là do bạn có sứ mệnh đi giúp đỡ người khác đấy”…

Tại sao câu nói đó lại nguy hiểm cho người trầm cảm. Bởi vì người trầm cảm tinh thần vốn đã không tỏ tường, nên rất dễ bị các khái niệm làm cho rối trí... Cái họ cần phải là được hướng dẫn tìm về nguyên nhân gây ra khổ đau, chứ không phải xoá bỏ khổ đau bằng những chấp niệm mới

Người có khả năng giúp đỡ bạn phải là người cho bạn cảm giác càng ngày càng tự do, càng tháo gỡ được vướng mắc, đối diện được với con người thật sự của bạn, chứ không phải có thêm ràng buộc và dính mắc. Người thật tâm giúp bạn, là hướng dẫn bạn quay về bản tâm chân thật của bạn, chỉ ra được nỗi khổ niềm đau trong bạn và cùng bạn đi vào nội tâm, chấp nhận và chăm sóc lại em bé khổ đau của mình. Muốn vậy thì họ phải có khả năng thấu cảm và hiểu rõ chính mình, nhưng nếu họ còn chưa giải phóng được chính mình, họ sẽ giúp bạn giải phóng chính bạn như thế nào đây? Nếu bạn còn chưa giúp được bản thân, vậy “sứ mệnh” của bạn sẽ giúp đỡ được ai?

Nghĩ rằng “tôi có một sứ mệnh quan trọng/đặc biệt” khiến ta có thêm một dính mắc. Nó là một “cái tôi ảo tưởng” mình xuất chúng và ưu tú. Thế nhưng ảo tưởng từ tầng tâm trí chỉ khiến ta thoả mãn và khoan khoái tạm thời, vì nó giống như các chất gây nghiện, khiến ta thấy kích thích và vui vẻ, nhưng lại diễn ra ngắn ngủi. Khi hiệu ứng đó dừng lại, ta bắt đầu lại cảm thấy trống trải và khổ đau, và lại muốn đi tìm “chất kích thích” nhanh chóng, ví như dính mắc trên, ta có thể sẽ lại chìm vào “ru ngủ chính mình”. Càng tìm cái gì đó để rời xa những nỗi khổ niềm đau mà ta cần phải đối diện , càng ngày ta càng khó để chấp nhận chúng. Và vậy nên, tinh thần ta có khả năng chỉ trở nên tệ hơn

Việc nói rằng bạn bị vậy “do có sứ mệnh” hoặc “do Nghiệp” bản chất không khác gì nhau. Mình từng nghe một cô gái khuyết tật nói rằng: “những người sinh ra có tật đã là kém may mắn hơn người khác rồi, sao phải nói do nghiệp của họ để khiến họ chạnh lòng hơn”. Là bởi, những người nói câu đó là do họ chưa hiểu “Nghiệp là gì”. Người nghe lúc này mà nội tâm chưa vững, có thể mang vác vào lòng sự hoang mang, ngậm ngùi và đổ lỗi cho bản thân tồi tệ hoặc trách móc cho số phận của mình

Người mang theo niềm tin mới: “tôi đặc biệt” hay “tôi tồi tệ” thực ra đều xuất phát từ đứa bé tổn thương bên trong. Đó là những con người đã không tin rằng mình có giá trị, đã luôn phủ nhận bản thân, đã luôn phán xét và chỉ trích chính mình…Cho nên, những niềm tin đó mới có thể thâm nhập vào họ, khiến cho họ cảm thấy đồng điệu trong tâm trí. Khi tôi không biết “mình là ai”, tôi phải đi tìm mình. Việc tìm “tôi là ai”, không phải là khoác thêm những niềm tin hay diện mạo – “chiếc áo” mới, mà phải là quay về ý thức chính mình

Tự do đích thực không phải là thêm lớp áo mới che đi lớp áo cũ, mà phải là gỡ bỏ được dần các lớp áo

Bạn biết không, vạn vật trong vũ trụ này đều có sứ mệnh. Đó chính là: biểu hiện cho “toàn thể” - hay cho thế giới thấy “sự sống” của mình. Cỏ dại có sự sống của cỏ dại, và côn trùng hay vi khuẩn, một cơn gió hay một đám mây bay cũng đều có sự sống của nó. Sứ mệnh của một nhà khoa học hay một người nông dân đều đẹp đẽ như nhau, đó là biểu hiện sự sống của họ, và chẳng ai đặc biệt hơn ai. Khi bạn trao sự sống của mình cho một người bán rau, họ đang cho bạn cơ hội thấy sự sống của họ. Nếu không có sự hiện diện của con người này, thay bạn mang tới thức ăn, thay bạn nắng mưa trồng trọt, bạn đâu có cơ hội để dễ dàng thưởng thức thực phẩm. Nhìn vào bó rau bạn được trao, bạn sẽ thấy sứ mệnh của chúng. Đó là cả một cuộc đời từ hạt mầm cựa mình trong đất, đón nhận bao nắng gió và nhọc nhằn cuộc sống, trở thành sự xanh tươi, trở thành sức sống mãnh liệt với đời. Và khi nhìn được mọi sự sống biểu hiện bằng “sứ mệnh hiện hữu” qua mắt bạn, bạn sẽ nhìn được vào sự sống bên trong chính mình, là sự tồn tại của bạn, “sứ mệnh của bạn”

Sống, đã là một sứ mệnh, là sứ mệnh hiện hữu. Đừng nghĩ rằng bạn bé nhỏ, hay điều gì bé nhỏ. Nếu giác ngộ được điều này, bạn sẽ không cần phải đi tìm, cũng không cần ai khẳng định cho bạn, bạn sẽ biết trân trọng mình, cũng như trân trọng mọi thứ có mặt trên cuộc đời này, dù là một hòn sỏi vô tri vô giác. Mà vậy thì, đừng vội biết gì xa xôi, hãy biết chính mình trước. Ta thế nào, và ta ra sao, ta có biết ta đang là?

Đã bao giờ, ta thấy ta ở trong vũ trụ, và cả vũ trụ là ta?

Thương yêu và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Khi thiên tai đến, ta tỉnh giác được những điều thẳm sâu:

Để Nước Cuốn Đi






Ta biết bất trắc/bất ngờ là một phần của cuộc sống

Ta biết điều duy nhất có thể giúp ta đi qua “bất cứ cơn bão nào” chính là trạng thái chấp nhận, đón nhận, chứ không phải là lo lắng, sợ hãi

Ta biết ta cần sống hoà hợp và tôn trọng thiên nhiên, dù chỉ bằng sức lực bé nhỏ của mình

Ta biết, tình người được khơi dậy hơn bao giờ hết, khi nhìn thấy hiểm nguy tới với người khác. Ta biết tình yêu bên trong ta luôn tồn tại, ta biết tình thương trong ta không mong phá huỷ, không mong thương tích, không mong Người đau. Trong trái tim mỗi người, luôn hướng về tất cả, không phân biệt, vì đều con của “Mẹ”

Và ta biết, lời cầu nguyện trong tim, mang sức mạnh lớn lao, lời cầu nguyện từ tâm yêu thương, là năng lượng lớn nhất có tác động đến cả một cơn bão.

Nguyện bình an,