ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

SỮA MẸ - SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU ĐẦU ĐỜI

Để Nước Cuốn Đi


Một trong những hình ảnh đẹp nhất về người mẹ mình từng thấy, đó là cảnh người phụ nữ ôm con vào lòng, và cho em bé ti. Làm sao mà người phụ nữ cộc cằn trước đó, giờ đây lại trở nên nhẹ nhàng và nữ tính đến thế. Là vì những mệt mỏi có thể biểu hiện thành sự nóng nảy trên bề mặt, nhưng bản chất của cô ấy vẫn ở đó. Cô ấy đang trở lại với tình yêu, ở trong tình yêu. Giây phút này, cô đang ôm đứa trẻ trong tay, âu yếm nhìn em, sự dịu dàng lúc đó toả ra một cách rất đẹp đẽ, và bất giác mình xúc động vô cùng, “người phụ nữ lúc đó” với mình đẹp hơn bao giờ hết, tình yêu mẫu tử là tình yêu đẹp nhất thế gian, mình thầm biết ơn tạo hoá đã tạo ra tình yêu này. Tình yêu đó mang lại một cảm giác bình yên thăm thẳm và sâu lắng vô cùng, vừa dịu dàng ngọt ngào vừa vững chãi chở che.

Thế nhưng ở thế kỷ hiện đại này, chúng ta có đang dành ít đi sự trân trọng cho công việc thiêng liêng ấy. Nhiều phụ nữ rơi vào vòng lặp, vì căng thẳng nên không có sữa, vì không có sữa nên căng thẳng. Điều đó đến từ việc lúc ở cạnh đứa trẻ, nhưng họ có trăm ngàn mối tơ vò khi nghĩ rằng mình phải chóng quay trở lại công việc, hoặc vì công việc áp lực nên lại căng thẳng. Họ mâu thuẫn giữa việc đi làm hay ở nhà, bộn bề trong những suy nghĩ mơ hồ và nỗi lo lắng khi bủa quanh là các phương pháp chăm sóc con tân tiến và những tiếng nói của mọi người xung quanh.

Bạn đừng nghĩ rằng mình không có sữa. Phụ nữ nào cũng có sữa, giống như mọi loài có vú trong tự nhiên. Vì sữa là huyết, bạn có gầy yếu thì vẫn có sữa, chỉ là lúc đó sữa sẽ lấy đi hết sức lực của bạn thôi. Sự căng thẳng và cho bé ăn không đúng cách mới là nguyên nhân mất sữa tạm thời. Vậy nên, người phụ nữ mới cần có máu huyết dồi dào, mới cần chăm sóc thể chất, vì món quà tốt nhất mà người mẹ có thể dành cho con là sức khoẻ và sự bình an của mình

Và vì đi làm, nhiều phụ nữ chọn cai sữa sớm cho đứa trẻ, để đứa trẻ đỡ bám mẹ, để họ không phải lo cho con ti nữa. Có những người chọn cai sữa cho con lúc 1 tuổi, thậm chí 8 tháng, hoặc 6 tháng. Họ có biết rằng “cai sữa sớm” khiến cho những đứa trẻ của họ trở nên ốm yếu hơn, và có tính cách cộc cằn nóng nảy hơn?

Lý do là vì trong sữa mẹ có đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể để chống lại bệnh tật mà không một thực phẩm nào có thể thay thế hoàn toàn. Những năm đầu đời, em bé rất cần nguồn sữa mẹ để được phát triển một cách khoẻ mạnh, ít nhất là đến năm 2 tuổi. Sau 6 tháng, em bé có thể ăn dặm nhưng nguồn thức ăn lớn nhất và bổ dưỡng nhất cho em vẫn là sữa mẹ. Bạn hãy quan sát trong tự nhiên, mọi động vật có vú đều cho con bú “trực tiếp”, và không một động vật nào cai sữa cho con khi con nó chưa đủ cứng cáp. Chúng để con bú tự nhiên, cho đến khi con hoàn toàn có thể ăn được thức ăn khác.

Và vì sao đứa trẻ không được “bú mẹ trực tiếp” lại trở nên cáu kỉnh, khó nuôi. Em bé không biết nói, nhưng năng lượng của em bé thanh khiết nên em bé rất nhạy cảm với mọi năng lượng bên ngoài.(Đó là lý do người ta hạn chế cho người lớn đến thăm trực tiếp khi em bé mới sinh vì kinh nghiệm của họ cho thấy em bé sẽ khóc quấy). Khi em bé rời tổ ấm trong tử cung của mẹ, em bé hoang mang với mọi rung động của thế giới này. Điều đó khiến em bất an và em tiếp tục cần sự che chở, yêu thương của mẹ như một sự động viên rằng đừng sợ hãi, mẹ ở đây, đồng hành với em để em có bước đệm vững chắc đầu tiên của hành trình làm Người. Em cần mẹ ôm em hàng ngày, cần ở trong vòng tay của mẹ, cần đón nhận dòng sữa mát lành của mẹ để cảm thấy yên tâm. Sữa mẹ không chỉ là thức ăn của em, còn là nguồn năng lượng tình yêu vô điều kiện, thuần khiết nhất mà em được đón nhận để mang theo suốt cuộc đời.

Khi mẹ cho em bú bình, khi mẹ rời em để đi làm. Có một cảm giác mất mát trong em, em cảm thấy tổn thương, bất an và thiếu vắng. Nhưng em không thể nói, và em oà khóc, em bất lực thể hiện cảm xúc của mình như là giận hờn, khóc lóc, và dần cảm xúc đó chuyển sang giận dữ, cáu kỉnh, đập phá đồ chơi…Thậm chí, em không còn muốn ti mẹ mỗi lần mẹ muốn cho em ti, là bởi em hoang mang vì không biết điều gì sẽ tiếp tục gây bất an cho mình, điều em khát khao có đến mỗi lúc em cần không, hay sẽ lại rời em đi. Trẻ em không biết nói, nhưng tất cả cảm xúc chúng thể hiện chính là cảm giác của chúng.

Cảm giác bất an của em cũng tương tự với việc, khi mẹ cho em đi học quá sớm. Vì sao em khóc, vì em thật sự chưa sẵn sàng. Mẹ có thể đã gửi em đi nhà trẻ từ khi 3 tuổi, thậm chí 2 tuổi, 1,5 tuổi, nhưng độ tuổi nào là thích hợp? Khi em tới lớp(mà với em chỉ là chốn xô bồ), em hoang mang vì sự thay đổi môi trường đột ngột phần ít, phần nhiều em sợ hãi vì tất cả các bạn khác cũng đều sợ hãi như em. Sao em chỉ thấy năng lượng sợ hãi ở xung quanh, chuyện gì đang xảy ra, mọi người đều khóc, cô giáo không thể ôm em và dành tình yêu cho em như mẹ em, em bắt đầu thu mình lại, em trở thành một con người lớn lên với những nỗi sợ hãi mà không thể lý giải

Có một câu chuyện rất cảm động mình muốn kể cho bạn nghe. Có đứa trẻ cứ mỗi lần bị mẹ la, thay vì nổi giận ngược lại, liền ngước nhìn mẹ với đôi mắt ướt rồi lập tức sà vào lòng mẹ và ngậm ti. Những lúc đó, em không hoàn toàn bú. Em chỉ muốn nói với mẹ, mẹ ơi con muốn được yêu thương, con đang cảm thấy bất an, và mẹ ơi: “Con ở đây, hãy ôm con để không cảm thấy mất bình tĩnh và mệt nhọc nghen mẹ” – “Hãy cho con tình yêu của mẹ, và cảm nhận TÌNH YÊU đi mẹ”. Đó vừa là một sự trấn an, vừa thể hiện sự lo lắng, cũng vừa là tình yêu mà em muốn em và mẹ được cảm nhận, như trong sâu thẳm trái tim em biết rõ. Bạn hãy thử nhớ lại xem, con bạn đã cố gắng giao tiếp với bạn như thế nào, và mong muốn được yêu thương ra sao, thông qua ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ và hành động?

Vậy đó, chúng ta đi làm, chúng ta tách con khỏi mình, hoặc mình khỏi con. Chúng ta không chỉ tách con khỏi “tình yêu thương” mà con người cần, “lòng trắc ẩn” và “sự bình yên” mà con sẽ mang theo suốt cuộc đời, chúng ta còn lấy đi cơ hội được quay trở lại với tính nữ nguyên thuỷ trong ta, tình yêu thương, sự bình an và cả hạnh phúc.

Một trong những nhận thức sai lầm là em bé chỉ cần thức ăn, và chỉ cần cho em ti bình hoặc sữa công thức là đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, khi sữa ở trong bình hay qua phòng thí nghiệm, nó không còn tình yêu ở trong đó. Chỉ là làm vì nghĩa vụ (vắt sữa) hoặc sự giả tạo (chế tạo sữa) mà thôi. Sữa công thức có thể làm giả sữa mẹ bằng cách cho đầy đủ các loại vitamin trong phòng thí nghiệm cho giống thành phần từ sữa mẹ, nhưng nó không bao giờ có thể là “sữa mẹ”. Nó không mang năng lượng, nó không có tình thương của người mẹ. Huống hồ nó không được ăn trực tiếp từ vú mẹ, sữa còn gì là sữa khi chỉ là nhúm bột khô với các loại chất phụ gia như chất bảo quản, chất điều vị hay làm dày... Bạn cảm thấy như thế nào về hoa quả sấy và hoa quả tươi?

Thực ra, thức ăn chỉ là một phần, cái em bé cần nhất là năng lượng của tình yêu. Năng lượng tình yêu không chỉ nuôi dưỡng thể xác mà còn tinh thần của em nữa. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi mẹ cho em bú, khi mẹ ôm em, tình yêu mới được khơi dậy và trao đi, quay ngược trở lại, chuyển hoá cả người mẹ. Chỉ bằng sự kết nối nơi dòng sữa mát lành được tuôn chảy và đón nhận, tình yêu vô điều kiện mới có cơ hội được nảy nở, người mẹ cần nhận thức được, tầm quan trọng của hành động đó, Thượng Đế đang có mặt trong cô ấy, đang gieo trồng tình yêu và để cho tình yêu nuôi dưỡng đứa trẻ trở nên bình an, hạnh phúc.

Lúc cho em bé bú, người phụ nữ đang sống thiền, cô ấy ở trong hiện tại, hiện tại của tình yêu và hạnh phúc tròn đầy. Nhưng cô ấy phải cảm thấy được sự thiêng liêng đó. Từ tốn, chậm rãi, thong thả, và bằng tất cả sự chú tâm, tận hưởng, quan tâm và ân cần. Để nhận ra rằng những khoảnh khắc vô giá này chỉ xảy ra ngắn ngủi trong cuộc đời mình, và sẽ trân trọng biết bao. Cô ấy sẽ âu yếm nhìn con, vuốt tóc con, vỗ về con ngủ hay hát những lời ru ầu ơ, những lời ru có thể là ca dao hay đồng dao, rất giản dị mộc mạc nhưng đầy tình yêu, đi vào tiềm thức đứa trẻ, để trở thành nhà, thành cội nguồn, thành bến đỗ bình yên.

Và vậy nên, tại sao mẹ lại cho rằng một công việc thiêng liêng và được cảm nhận tình yêu, nuôi dưỡng tình yêu trong mẹ và con, cảm nhận tính nữ trong mẹ giờ trở thành cái gì đó cần nhanh chóng và vội vã thậm chí là phiền phức?

Bạn ạ, sữa mẹ không chỉ mang theo tình yêu, mà còn là năng lượng của bạn. Bạn bình an, bạn mới có thể trao cho con mình bình an. Mà để trở nên bình an, bạn cần hiểu được công việc làm mẹ thiêng liêng của mình, học cách chữa lành thông qua việc yêu bản thân, tin tưởng chính mình, và để cho tình yêu của bạn với em bé được diễn ra một cách tự nhiên như món quà tạo hoá ban tặng. Em bé không phải là áp lực, em bé đến để chữa lành cho bạn, nhắc bạn quay trở về tính nữ nguyên thuỷ thông qua tình yêu sẵn có trong bạn, qua vẻ đẹp mà bạn đã quên ở bản thân. Bạn nhận ra không, những rắc rối, khó khăn,… xảy ra nhiều hơn khi bạn đi ngược lại với thiên tính của mình

Nguyện cho ta quay trở về nơi ta bắt đầu, là dòng sữa mẹ thân thương – suối nguồn của tình yêu

Yêu thương và bình an là bạn,


Để Nước Cuốn Đi

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét