Có em gái đó kể với mình rằng, ngôi làng nơi em sống, có tập quán là phụ nữ cả làng đều đi buôn. Bà nội và mẹ em cũng không ngoại lệ. Vấn đề là, bà nội em không có chồng mà chỉ có một người con duy nhất là ba em. Còn mẹ em thì gánh vác chính trong gia đình, ba em thì không làm một việc gì. Ba mẹ em có bốn người con. Từ bé đến lớn, chưa bao giờ em thấy ba mẹ hạnh phúc. Ba mẹ càng ngày càng cãi nhau nhiều hơn. Mẹ em luôn căng thẳng, mệt mỏi, oán thán, dù cho bà vẫn làm tốt việc kiếm tiền và giỏi việc bếp núc. Dần dà, trước sự kỳ vọng của ba dành cho con mình, việc mẹ luôn than phiền về ba để tìm kiếm sự đồng cảm của con cái, chị em em trở nên ghét ba và không muốn trở về nhà.
“Ổng có bao giờ tìm kiếm lạc thú hay có xu hướng làm hại chính mình không em?” - “Dạ không”. “Điều vui nhất em từng có với ba là gì?” – “Dạ ba là người mang lại cảm hứng học Văn cho em”. “Theo chị cảm nhận về năng lượng của ba em thì ổng có vẻ là người tri thức, nho nhã, hiền lành”- “Vâng, đến bây giờ, ổng vẫn suốt ngày ngồi viết chữ Hán, luyện thư pháp, cũng chưa bao giờ cộc cằn thô lỗ”.
“Em thấy không, ba em không có lý do gì để bỏ bê gia đình hay mong muốn làm một người đàn ông bị cả gia đình chê trách. Cái đau khổ nhất của ổng chính là cảm giác bế tắc và bất lực vì mình không thể giúp gì được cho gia đình mình, làm chỗ dựa cho vợ con mình. Bởi vì mẹ ông và vợ ông đã làm quá giỏi thậm chí xuất sắc cả việc của đàn ông, và vì không có bố, nên ông loay hoay trong việc “làm đàn ông là như thế nào”, “làm sao để có tính nam lành mạnh”? Vì đâu có ai chỉ cho ổng cách làm đàn ông, vì ổng chỉ nhận được chỉ trích từ vợ mình, nên ông là người cô đơn nhất trong gia đình em thấy không. Ổng làm bạn với thú vui làm thơ, đọc sách một mình, nhưng trong lòng thì kỳ vọng và trách móc bản thân ghê gớm, nên vô thức quay lại kỳ vọng con mình.
Mà mẹ em dù có giỏi việc chiến trường đi chăng nữa, thì sâu thẳm trong bản năng của một người phụ nữ là mong muốn được chở che cơ mà. Khi bà gồng mình lên để gánh vác mọi khó khăn và nặng nhọc, bà sẽ trở nên căng thẳng, mệt mỏi, uất ức, bà sẽ chì chiết và oán giận vì bức bối, vậy lấy chỗ đâu cho sự dịu dàng đây em?
Và em có nhận ra không? Trong gia đình như thế, con gái sẽ có xu hướng nam tính gồng gánh việc để trở thành “đàn ông” như mẹ, giúp mẹ, con trai sẽ có xu hướng nhạy cảm và tính nữ át tính nam để làm chỗ dựa cho ba. Em có thấy “cái tôi tổn thương” của em đang gồng lên để phòng vệ, để tránh bị đau?”
-----
Mô thức người phụ nữ gánh vác luôn việc của đàn ông mình đã gặp và nghe qua rất nhiều. Điểm chung là đau khổ đi đến cao trào khi gia đình càng đông con, người phụ nữ càng phải lo toan vất vả gấp nhiều lần, và có nhiều gia đình đã tan vỡ, khi con cái họ trưởng thành.
Bạn sẽ hỏi “ủa rồi tui không làm thì ai làm, chồng tui biết làm gì đâu” đúng không? Chính vì cái suy nghĩ chỉ có “tui” mới giải quyết hết được mọi việc trên đời, khiến cho bạn khổ đó. Bạn đừng quên là không có bạn thì thế giới vẫn xoay, chồng bạn vẫn sống. Chồng bạn vẫn biết làm việc, nhưng vì bạn cho rằng “bản thân mới có thể làm tốt nhất”, nên ngay từ đầu bạn đã muốn mọi thứ phải hoàn hảo, bạn sợ “ổng mà làm thì hư bột hư đường”, nên bạn “giành” bạn làm hết, cái rồi dần ổng chả biết làm gì hoặc chả dám đụng tay vào việc gì, vì ổng đã bao giờ được bạn nhờ cậy, tin tưởng, đã bao giờ được sai để rồi đúng, được thử để rồi rút ra kinh nghiệm, được va vấp để trưởng thành?
Có một mô thức của người phụ nữ Châu Á, là tàn dư của chế độ phong kiến, rất trọng “con trai”. Thay vì họ giúp con mình được lao động, biết san sẻ việc nhà với gia đình, biết chăm sóc bản thân, biết làm những công việc của đàn ông, biết giúp đỡ mẹ cha. Thì họ làm hết việc của con mình, chăm chút và chiều chuộng con thái quá, thậm chí nhiều gia đình không để cho con trai động tay vào việc gì. Điển hình mình từng nghe vài người phụ nữ kể bạn trai của họ, 30 tuổi nhưng trước khi đi ngủ mẹ vẫn pha sữa cho uống, dẹm màn cho ngủ,…
“Người mẹ đã lấy đi khả năng làm đàn ông của con mình, và đến bây giờ người vợ lại lấy đi khả năng làm đàn ông của chồng mình”. Ta nhầm tưởng “thương” là chiều chuộng, làm hết cho người kia. Bạn sợ người ta mệt, nhưng lại không sợ mình mệt. Bạn thương người ta, nhưng có thương mình không. Ban đầu có thể làm trong vui vẻ, nhưng khi có con rồi, một mình bạn gồng gánh sao nổi, về lâu về dài, đến lúc bạn cũng kiệt sức, những mệt mỏi và tức tối sẽ dồn lại, bạn sẽ bùng nổ.
Đừng nghĩ rằng đàn ông không biết làm. Nếu mẹ của họ đã dành phần đàn ông của họ, thì bây giờ gặp bạn là cơ hội để họ học trở thành đàn ông lành mạnh. Vì sâu thẳm trong bản chất của họ, đàn ông luôn muốn mình trở thành chỗ dựa cho người phụ nữ, muốn mình trở nên quan trọng và mạnh mẽ nhất gia đình, hơn nữa, họ muốn phụ nữ “ngưỡng mộ” họ. Vậy nên, mình mới gọi phụ nữ là “người dẫn dắt”, người trao quyền cho đàn ông trở thành “đàn ông”, nếu không họ sẽ mãi là cậu bé
Cái gì họ chưa biết làm thì chỉ, và nhờ cậy. Đừng nghĩ rằng họ “phải làm”. Không có người đàn ông nào được nhờ mà lại từ chối, trừ khi cách diễn đạt của bạn vòng vo, ra lệnh hoặc cứ mải chờ đợi người ta tự giác mà thôi. “Anh có thể giúp em việc này hay việc kia không?”, “Em cảm thấy rất mệt vậy anh có thể làm việc đó hộ em”, “chúng ta” có thể làm như thế nào để việc này trở nên tốt hơn”. Nếu họ chưa quen mà làm chậm hoặc làm bẩn, làm chưa tốt thì bạn đừng vội “ngứa mắt” mà bảo “thôi để tôi”. Hãy biết cám ơn vì họ đã giúp cho bạn dù là việc nhỏ nhất, ghi nhận sự giúp đỡ đó và có thể khẳng định rằng: “em tin lần sau anh sẽ làm tốt hơn”. Hãy động viên để họ được làm việc họ muốn, từ tốn quan sát để cho họ được thử sai và học hỏi, chỉ cho họ đừng lầm đường lạc bước, đồng cam cộng khổ cùng nhau, không phải đó mới là ý nghĩa của gia đình sao?
Nên dạy con trai như thế nào? Không cần phải quát tháo ra lệnh con. Bạn thấy không, một mình bạn làm bao nhiêu việc, mệt mỏi vì con vụng về làm hư hỏng vài thứ, liền không ngừng được mà quay ra cáu kỉnh nạt nộ con. Đâu ai bắt bạn phải “tự lực” như vậy. Hãy dạy con rửa bát, quét nhà, sắp cơm, gấp quần áo, cọ rửa nhà vệ sinh, đỡ đần mẹ trông em,…Khi con chưa biết làm thì bạn đồng hành cùng con làm, đừng tiếc lời khen khi con làm xong việc và cám ơn con vì đã làm tốt. Làm sai, làm bẩn thì bạn hãy bình tĩnh đừng vội cáu giận, vì có sai thì mới dần đúng. Khi con thạo việc, giúp được bạn tốt rồi, có phải là bạn đỡ mệt mỏi không? Rồi cùng con tập thể dục, nấu ăn, sơ chế thức ăn, dậy sớm, làm vườn, trồng cây, đi thăm người già, đến giúp các bạn khuyết tật, tặng sách vở cho các trẻ mồ côi… để con biết yêu thương và chăm sóc từ gia đình đến người xung quanh. Sau này, con mới biết chăm sóc cho gia đình nhỏ của con và có lòng trắc ẩn với con người.
Cần kiên nhẫn. Vì phải chăng khi người ta làm không tốt, bạn liền có phản xạ thất vọng và sẽ tự mình làm. Ta đến bên đời nhau là để cùng nhau cố gắng, đâu phải để tự mình lo liệu hết. Gia đình là chia sớt gánh nặng cho nhau. Con bạn, chồng bạn làm sai lần 1, bạn cần tiếp tục kiên trì lần 2,3… và tiếp tục cho người ta cơ hội. Có phải bạn cảm thấy người ta không làm được thì bạn mau chóng thất vọng, chán nản và buông xuôi. Bạn cần biết rằng, thông qua đó ta học được sự kham nhẫn, quay trở về tính nữ lắng dịu, tĩnh yên của mình lắm bạn ạ. “Cái muốn” của bạn kỳ vọng nên bạn mới thất vọng, còn nếu thả lỏng, bạn sẽ chấp nhận mọi kết quả hơn, cho phép mọi thứ được diễn ra theo tiến trình của nó, bạn nhé. Tháo vát và nhanh nhẹn quá chẳng qua là do bạn đã luôn “sống nhanh” không chút nào ngơi nghỉ nên mới luôn muốn có kết quả chóng vánh và hoàn hảo thôi
Muốn có thể nhờ cậy, bạn cần phải sống thật với tính nữ trong bạn, bản chất của bạn. Nếu mô thức của người đàn ông được mẹ làm hết việc, vậy mô thức của bạn là gì bạn có nhận ra không? Có phải là bạn đã luôn đảm đương và lo lắng hết việc nhà vì bạn là con cả, hay mẹ bạn đã dạy bạn điều đó…? Rằng phụ nữ là phải mạnh mẽ, hay không được dựa dẫm vào đàn ông? Bạn cần chậm lại và nhìn sâu vào bên trong mình, thấy sự yếu đuối và mong muốn nương tựa của mình, và thể hiện cho người ta biết điều đó
Mình nói về việc phụ nữ nên biết kích hoạt tính nam lành mạnh của đàn ông bằng việc dựa dẫm và là chính mình, chứ không phải kỳ vọng người đàn ông trở thành như bản thân mong muốn, bạn đừng nhầm lẫn nhé. Khi chúng ta cứ kỳ vọng họ phải đạt được những cái chúng ta muốn, nhất là những thứ khó khăn như giỏi việc bếp núc, hay có sự nghiệp/tài sản như mong đợi là không khả dĩ bạn ạ. Có những việc phụ nữ làm tốt, vốn không phải tài năng của đàn ông, và mỗi người đàn ông cũng có khả năng và đam mê khác nhau trong công việc nữa đó bạn
Khi bạn biết nhờ cậy một người đàn ông, người đàn ông đó mới trưởng thành và biết lo cho gia đình. Từ đó họ mới biết dạy con trai họ lo cho gia đình, và con gái họ mới có xu hướng biết tìm người đàn ông lo được cho cô ấy. Lo ở đây là những việc nặng nhọc, những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Dạy con trai như là biết đóng đinh, biết khoan tường, biết bê vác, biết sửa chữa đồ đạc cơ bản, biết phụ việc, biết học hỏi, biết cùng giúp đỡ nương tựa nhau, biết ơn mẹ,…Hãy để cho đàn ông được làm đúng vai trò và chức năng của họ
Nếu chẳng đặng bạn rơi vào trường hợp không có người đàn ông bên cạnh, vậy bạn thắc mắc mình nhờ cậy ai đúng không. Hãy nhờ cậy người xung quanh bạn, và những người muốn giúp bạn. Đừng nghĩ chỉ có mình tự lo được tất cả và phải lo hết mọi việc không làm phiền ai. Một người chị đã từng nói với mình, chị ấy gồng lên tự lo mọi việc chỉ vì nhờ người ta một lần mà họ không giúp. Thực ra đó là phản xạ co rúm bản thân và tự tạo hàng rào khoảng cách vì cảm thấy bị tổn thương. Mình nói rằng: chị hãy tiếp tục nhờ lần hai, lần ba, và người đó không giúp chị, đâu có nghĩa tất cả những người còn lại bỏ mặc chị. Sau này, chị kể mình, chị không tự mình làm hết mọi việc nữa, và cũng tự nhiên thấy mình bớt vất vả. Và nhớ điều này bạn nhé, con bạn không cần quá nhiều tài sản vật chất, nên đừng gồng gánh chạy ngược xuôi thục mạng kiếm tiền. Hãy dành cho em sự dịu dàng từ tốn và chấp nhận của bạn, niềm vui và sự bầu bạn của bạn, đó mới là tinh thần mà con bạn cần
Bạn không thể trở nên dịu dàng khi giả vờ dịu dàng. Không phải là cứ gắng ăn nói hay cử chỉ làm đẹp lòng người khác. Dịu dàng là sự chân thật của chính bạn. Sự chân thật đó không phải như bạn nghĩ đâu. Nó phải được phá bỏ mọi hàng rào bạn che chắn bên ngoài, mọi mặt nạ bạn khoác lên, dám thừa nhận mình yếu đuối, dám tổn thương và chấp nhận tổn thương, dám khóc và dám bày tỏ chính mình. Dịu dàng là khi bạn sống thật với bản chất của mình, vì tính nữ bên trong bạn bao la vô tận lắm, nó luôn khát khao được tỏ bày và sống động với thế giới này. Bạn đừng kìm kẹp nó, vì bất cứ lý do gì. Hãy thả lỏng, và chảy trôi với mọi mong muốn sâu thẳm, khát khao và cả đau đớn của mình
Hãy học cách quay về yêu thương và thấu hiểu cho mình trước, bạn nhé
Yêu thương và bình an là bạn,
Để Nước Cuốn Đi
0 comments:
Đăng nhận xét