ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

Chương 12: TẠI SAO THỜI NAY PHỤ NỮ KHÓ THỂ DỊU DÀNG?(Phần 2: Xu hướng cạnh tranh với đàn ông)

Để Nước Cuốn Đi



Mình khá ấn tượng với series phim “Queen’s Gambit - Gambit Hậu” của Netflix. Nội dung nói về một cô gái dành toàn bộ tuổi thơ và thanh xuân của mình vượt qua tất cả những người đàn ông giỏi nhất trên thế giới để rồi trở thành nhà vô địch cờ vua. (Bổ sung thêm thông tin thú vị thì Gambit Hậu cũng chính là một thế chơi khai cuộc trong cờ vua bằng việc hy sinh một con tốt ngay khi bước vào nhằm tạo sự phát triển cho các quân khác và lợi thế về không gian).

Có lẽ, khi xem bộ phim này, những người nam yêu cờ vua sẽ tập trung vào chiến thuật, sự hấp dẫn và kịch tích của những cuộc đấu (thứ kích thích bản năng đàn ông của họ). Còn phụ nữ, họ có chút nào cảm thấy hả hê hay ngưỡng mộ vì phụ nữ đã chiến thắng đàn ông qua hình ảnh cô gái đó? Nếu chỉ đơn giản như thế, chúng ta đã bỏ quên các lớp sâu sắc mà bộ phim này mang tới.

Thực tế thì, từ trước đến nay chưa bao giờ phụ nữ vô địch cờ vua thế giới cả, số lượng phụ nữ chơi cờ vua cũng là thiểu số. Phụ nữ cũng không thật sự giỏi bộ môn này. Vì sao? Không thể phủ nhận những phẩm chất có thể học được thông qua cờ vua hay sự phát triển tính thông minh và tư duy, nhưng bản chất cờ vua vẫn là một trong những game tranh đấu. Để có thể tranh đấu, người ta cần có sự hiếu thắng, sự dũng cảm, đôi khi là sự ngạo mạn, tính xốc nổi, và hơn hết thắng lợi khiến người ta cảm thấy thoả mãn. Vừa hay, thắng thua kích thích ham muốn chứng tỏ và thể hiện bản thân của đàn ông, thứ nằm trong bản năng nguyên thuỷ của họ.

Nhưng hãy nhìn xem, trong sâu thẳm của phụ nữ, họ đâu có bản năng tranh đấu? Tính nữ tạo ra sự hoà bình. Phụ nữ là âm, thuộc về ẩn tàng, lắng dịu, yên ả. Trong huyết mạch của họ không có sự thúc giục chạy ra chiến trường, hay đấu trí bằng chiến thuật. Nếu như Gambit Hậu xây dựng một hình ảnh người phụ nữ chiến thắng, vậy tại sao cô ấy có thể làm được điều đó?

Nếu chỉ dựa vào tài năng thiên phú, e rằng không đủ. Suốt cả thời gian Beth(nữ chính) sống, cô ấy đã lạm dụng thuốc an thần để kích thích trí tưởng tượng và khả năng của mình. Khi quay ngược dòng quá khứ, mình rất đau lòng khi nhìn thấy hồi ức của cô ấy. Beth bị từ chối bởi người cha giáo sư khi còn quá bé bỏng, mẹ cô ấy quyết định tự tử cùng cô khi cô mới 9 tuổi, dẫn đến cô ấy phải vào trại trẻ mồ côi. Cách mà những người thân yêu nhất từ chối sự hiện diện của mình đã để lại cho Beth một chấn thương tâm lý khá lớn. Chấn thương đó kích hoạt tính nam trở nên vượt trội gắn với cảm giác muốn thống trị, muốn kiểm soát, muốn quan trọng. Điều này khiến cô khao khát chứng tỏ bản thân, Beth chơi cờ vua chỉ với mục đích được hạ bệ người khác và nhìn họ yếu đuối trước mặt mình. Beth yêu cảm giác chiến thắng và tồn tại

Khi mất đi người mẹ nuôi yêu thương, khi cô ấy mãi vẫn chưa dành được vô địch thế giới, khi từ chối sự giúp đỡ của những người đàn ông yêu mình, Beth rơi vào chứng nghiện rượu, thuốc lá và đánh mất bản thân. Chỉ đến khi cô nhận ra sự thua cuộc của mình đến từ ham muốn chiến thắng mà không phải vì tình yêu với bộ môn cờ vua, cô ấy mới trở thành người thắng cuộc. Đến cuối cùng, Beth nhận ra rằng thắng thua không còn quan trọng mà quan trọng là cô được chơi cờ với tất cả mọi người vì niềm yêu thích trong sáng đơn thuần của mình. Đồng thời, cô đã sống thật với bản thân, thừa nhận “sự yếu đuối” của chính mình – của phụ nữ và nhận sự giúp đỡ từ những người đàn ông khác

Sự chiến thắng của Beth nói lên điều gì? Rằng phụ nữ chỉ có thể chiến thắng đàn ông khi sự nam tính độc hại trong họ át đi tính nữ chân thật của họ. Sự cạnh tranh của phụ nữ với đàn ông chỉ có thể đến từ cảm giác muốn chứng tỏ bản thân mình, và một người phụ nữ có tuổi thơ lành mạnh sẽ không có ham muốn đó, nó chỉ đến từ sự tổn thương trong quá khứ, sự giận dữ vì giới tính hoặc hiện diện của họ đã không được thừa nhận

Ngày nay, truyền thông ra sức ra rả hình ảnh phụ nữ gắn với sự giỏi giang, chiến thắng hoặc quyền lực. Phim ảnh, âm nhạc, báo chí nói rằng phụ nữ có thể đứng đầu, trở thành những nhà lãnh đạo, những người nắm quyền, tỉ phú hay người giàu có, vô địch hay quyết định mọi việc, thậm chí làm chủ gia đình. Thực tế thì việc nắm giữ, đấu đá hay tranh giành không phải thế mạnh của phụ nữ. Nhìn xem thực tế có bao nhiêu người phụ nữ có thể làm được điều ấy. Nếu phụ nữ gồng mình lên để cạnh tranh với nam giới ở tất cả mọi mặt, họ sẽ phải nâng tính nam trong mình vượt qua cả tính nữ, đôi khi là phát triển tính nam độc hại

Chúng ta hãy thử quan sát những người phụ nữ làm các công việc hoặc ở các vị trí là thế mạnh của đàn ông. Khi họ là Leader, Manager, Director,(đội trưởng, trưởng phòng, giám đốc) - người đứng đầu. Những người bên dưới họ có thể là đàn ông và cũng rất giỏi. Họ phải làm sao để lên được vị trí đó hay làm những người đàn ông khác nể sợ? Hoặc họ phải rất kiên quyết, nguyên tắc, nỗ lực, xông pha, gồng gánh, hoặc phát triển sự tham vọng, tính cạnh tranh, sự hiếu thắng, tính chỉ đạo…Họ còn phải dành toàn bộ thời gian, sức lực và tâm huyết cho công việc. Những vị trí đó đòi hỏi tinh thần cứng cáp và đối mặt với căng thẳng là không thể tránh được.

Trong nền văn hoá Việt Nam ngày nay, làm việc cần có giải trí hay tạo dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác thông qua “bàn nhậu” đã trở thành thông lệ. Dù không phải môi trường công sở nào cũng vậy nhưng đa số không phải đều hoạt động như vậy sao? Mình chứng kiến những người phụ nữ lãnh đạo phải dành thời gian tổ chức “đãi tiệc” hay “tiếp chuyện” trên bàn nhậu, việc phải đưa “alcohol” vào người sẽ ảnh hưởng như thế nào, chắc chắn về lâu dài sẽ rất mệt mỏi và suy giảm sức khoẻ. Hình ảnh những người phụ nữ “uống rất được” hay gắng hoà đồng xã giao, dành toàn bộ thời gian trong ngày của họ thậm chí tới tối cho công việc, có đang làm tính nữ bên trong họ thoái trào? Nếu phụ nữ ai cũng hướng đến cuộc sống như vậy, họ đâu còn nguyên thuỷ là mình, thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thư thái? Những đứa trẻ của họ sẽ lớn lên như thế nào, ai sẽ chăm sóc chúng toàn diện? chúng sẽ tự hỏi tính nữ là gì, “người mẹ” là thiêng liêng như thế nào đối với chúng?

Nếu một người phụ nữ đánh nhau với một người đàn ông (đều là người bình thường), chắc chắn cô ấy sẽ thua, bởi vì sức khoẻ thể chất và tinh thần của cô ấy được mặc định từ thủa sơ khai là kém hơn đàn ông. Sự yếu đuối là thế mạnh để cô ấy dựa dẫm và được đàn ông bảo vệ, chứ không phải là thế yếu. Cô ấy không thể trở nên mạnh mẽ khi từ chối sự yếu đuối của mình để cạnh tranh với đàn ông. Trừ khi cô ấy thật sự muốn thế, nhưng cho tới khi nào, phụ nữ sẽ thật sự thừa nhận sự yếu đuối – tính nữ đẹp đẽ của mình đây?, mặc cho thế giới biến động như thế nào chăng nữa?

Đàn ông đã luôn chạy ra chiến trường để dành chiến thắng với nhau, chỉ vì họ không thừa nhận tính nữ bên trong mình. Họ đâu cần phải có thêm đối thủ là giới còn lại, vì có đấu thì họ biết chắc mình cũng dành phần thắng mà. Thế giới đã có quá nhiều cuộc chiến và mâu thuẫn khốc liệt, và phụ nữ tới đây là để giúp khơi dậy tính nữ bên trong người đàn ông, hoá giải mâu thuẫn và mang lại hoà bình. Điều đó chỉ xảy ra khi phụ nữ sống là chính mình nguyên sơ, nhìn thấy vẻ đẹp của mình và cảm hoá đàn ông bằng sự dịu dàng/yếu đuối chứ không phải là sự cạnh tranh.

Một đoá hoa xinh đẹp không cần cạnh tranh với ong bướm để so tài, chúng toả rạng để ong bướm tự nguyện giúp đỡ và cộng hưởng cùng nhau

Bình an và yêu thương là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

CHÚNG TA THẬT SỰ “CẦN” GÌ CHO CUỘC SỐNG NÀY?

Để Nước Cuốn Đi






Một lần, có người hỏi: “bạn sẽ lựa chọn mua ô tô như thế nào nếu không giới hạn về tiền”. Mình trả lời: Nếu có một khoản 100 triệu, mình sẽ mua ô tô 100 triệu. Nhưng nếu có 1 tỉ, mình vẫn mua ô tô 100 triệu. Thú thực là đến tận bây giờ, mình có thể phân biệt các loài hoa và cây nhưng ra đường ô tô với mình chỉ là những hộp sắt di động. Nếu thật sự mình có nhu cầu cần đến nó, vậy thì nó chỉ cần chở được mình, ngoài ra mình không thấy sự khác nhau về chủng loại.

Bạn bảo, không nó khác nhau đấy, chiếc xe mười mấy tỉ phải đẹp hơn chiếc xe một tỉ, chưa kể là xịn hơn êm hơn…Đúng, mình thừa nhận với bạn là nó khác nhau nhưng là ở mặt tính năng, mẫu mã, giao diện, xuất xứ… nhưng bản chất nó đâu có khác nhau. Giống như là, nếu trong lòng mình có phiền muộn, thì mình khoác lên người bao nhiêu trang sức và bộ cánh khác nhau, mình vẫn phiền muộn mà. Nếu trong lòng mình vui, thì mình cuốc bộ cũng vui. Nhưng nếu không đủ tự tin, mình nghĩ mình sẽ cần phải sử dụng chiếc xe như một thứ trang sức để “show off” bản thân, vậy lúc đó có bao nhiêu chiếc xe, hay chiếc xe nào đủ đẹp đủ tốt để khoả lấp sự thiếu thốn trong lòng mình đây?

Mình đang sử dụng chiếc iphone 7 được 5 năm, nếu không phải hai chiếc ip6 trước đó mình bị trộm và làm rơi, thì mình vẫn đang dùng tốt chiếc 6, và tất cả lúc mua đều là máy cũ. Mình không có ý định đổi điện thoại, cho nên mình gắng nâng niu sử dụng em nó thật tốt. Điều đó không liên quan việc có tiền hay không. Mình biết nhu cầu của mình là gì, và một chiếc điện thoại thông minh loại cơ bản đã “đủ” để làm được điều đó. Vì bạn không biết mình cần gì, nên nhà sản xuất mới giúp bạn update và thay đổi mẫu mã năm này qua năm khác, mà vẫn không khiến bạn cảm thấy thoả mãn

Bản chất của đồ vật là để phục vụ và giúp đỡ ta tiếp cận cuộc sống dễ dàng hơn. Nhưng vì ta không nhìn nhận chúng dưới con mắt thực tế và giản đơn, ta lại nhìn chúng qua lăng kính sự khát khao của mình. Ta khát khao được công nhận, ta khát khao được hạnh phúc và ta nghĩ chúng sẽ giúp ta hạnh phúc, ta khát khao được đủ đầy… Nhưng ẩn sâu bên dưới sự khát khao đó là nỗi sợ mà ta đã luôn không nhìn nhận. Nỗi sợ bị bỏ quên, nỗi sợ không được yêu thương và chú ý, nỗi sợ kém cỏi, nỗi sợ thiếu thốn…Nếu ta không nhìn nhận được bản chất của mình, hay con người thực sự của mình, hiểu và thương cho mình, ta cũng sẽ không nhìn thấy bản chất của sự vật sự việc, từ đó ta có thể trở thành nô lệ của công cụ chứ không phải người làm chủ công cụ

Suy nghĩ rằng vì gia đình tôi có một chiếc xe và đó là lý do mà tôi cần học bằng lái là một suy nghĩ hạn chế. Hãy nhớ rằng ngày trước gia đình bạn còn không có ô tô. Vậy nhu cầu sinh ra là do ta đã tự thêm vào. Bạn được quyền tự do lựa chọn nhưng điều đó không bắt buộc. Đừng biến bất cứ điều gì trở thành gánh nặng. Bạn cần phân biệt cảm giác tự do khỏi những thứ đến đi trong cuộc đời bạn và sự yêu thích thật sự với một cái gì đó.

Hầu hết những gì chúng ta nghĩ là cần thiết là bởi vì chúng ta đang lo sợ. Nếu một cái gì đó bạn nghĩ là cần thiết, vậy hãy nghĩ xem, nếu không có nó hoặc không làm nó, bạn có sống được không?

Bởi vì luôn nghĩ cái này cái kia là cần thiết, nên vô tình chúng ta tự tạo ra nhu cầu, sau đó nó trở thành áp lực lên chính ta và cho người thân của chúng ta. Có nhà rồi phải có nhà to hơn, có xe 2 bánh rồi phải có 4 bánh, có điện thoại rồi phải điện thoại tốt hơn, bằng cấp này và bằng cấp kia, mẫu đồ mới ra khiến mẫu đồ mới nhất trong tủ trở nên cũ kỹ,…Ta cứ chạy theo vòng xoáy đó, cảm thấy mệt mỏi nhưng phụ thuộc vào nó nên lại phải lặp lại hành vi để không cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng

Thế nhưng chúng ta có thể đã nhầm lẫn giữa cái “cần” và cái “muốn”. “Muốn” xuất phát từ nỗi sợ thiếu thốn tạo thành sự tham lam không có điểm kết thúc, và nó có thể gây ra đau khổ cho chính chúng ta. Trong khi “cần” là những nhu cầu cơ bản mà nếu không có nó ta sẽ khó tồn tại hoặc xuất phát từ tình yêu bên trong ta. Để biết được điều gì là “cần” hay “muốn”, hãy xem nếu không có nó ta có thể tiếp tục được cuộc sống? Nếu ta hiểu được mình “cần” điều gì, thì ta sẽ làm chủ cuộc sống của mình, ung dung và tự do.

Việc bạn sở hữu vật chất của cải không có gì sai. Chỉ là nếu ta không thật sự làm điều gì xuất phát từ trái tim mình thúc giục mà do nỗi sợ chi phối, cuộc tìm kiếm sẽ không bao giờ dừng. Nỗi sợ có thể thúc đẩy ta thoả mãn bản thân bằng bất cứ giá nào. Ta có thể rơi vào các bẫy tài chính, các khoản nợ, thậm chí là làm hại chính ta, người khác và muôn loài tồn tại cùng ta trên quả địa cầu này. Mọi tài nguyên rồi sẽ cạn kiệt, mọi sức lực trong ta rồi cũng sẽ có ngày hết, chỉ có ta là chưa bao giờ tự hỏi chính mình, rằng ta có đang cảm thấy sự trọn vẹn, hạnh phúc và đủ đầy từ trong chính bản thân mình?

Nhớ rằng những gì ta muốn có thể là tiêu sản, nhưng những gì là “tài sản thực sự” lại là trái tim, trí tuệ và linh hồn của ta


Bình an và yêu thương là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Chương 12: TẠI SAO THỜI NAY PHỤ NỮ KHÓ THỂ DỊU DÀNG?(Phần 1: Xu hướng trở nên nam tính)

Để Nước Cuốn Đi






Trong một lần đi taxi từ sân bay Đà Lạt về thành phố, tài xế chở tôi là một người phụ nữ trung niên. Cô rất thân thiện với tôi, nhưng quãng đường 30km đó không hiếm lần cô “chửi thề” vì gặp những tài xế khác suýt va chạm với mình/đi ẩu trên đường hoặc trong lúc kể với tôi những khó khăn khi làm nghề, bao gồm câu chuyện một nữ đồng nghiệp của cô vừa tai nạn hôm trước.

Điều này khiến tôi nhớ về việc mọi người hay than phiền về những người phụ nữ đi ẩu bằng một danh xưng khá buồn cười là “ninja”. Đó là vì họ đi xe máy nhưng thường không quan sát và dễ gây ra nguy hiểm cho người khác. Vậy nên, những người phụ nữ lái ô tô thường lúng túng và còn bất cẩn hơn, đó là lý do mà một người đàn ông sẽ “không dám” lên xe của một người phụ nữ lái

Tại sao phụ nữ lại đi xe ẩu? Là vì việc lái xe đòi hỏi sự tập trung cao độ, khả năng dự đoán rủi ro, khả năng phân tích hệ thống và sự ứng biến nhanh nhạy khi có vấn đề xảy ra, khả năng đối đầu với căng thẳng của giao thông và quan trọng nhất là sức khoẻ(sức mạnh) để điều chỉnh và kiểm soát phương tiện(trong khi xe máy và ô tô là máy móc cồng kềnh và nặng nề). Những điều này thuộc về lý tính và có vẻ thuộc về khả năng/bản năng của đàn ông thì đúng hơn. Thế nên, đàn ông lái xe rất chắc tay và đa phần tài xế là đàn ông

Và khi mà một người phụ nữ phải làm công việc được coi là thế mạnh của đàn ông thì điều gì sẽ xảy ra. Cô ấy sẽ khó để chịu được áp lực từ công việc đó khi mà thể chất và tinh thần không thể đáp ứng nổi. Bởi vì bản năng của phụ nữ là thiên hướng xử lý những công việc nhẹ nhàng, mềm mại, đòi hỏi sự khéo léo trong môi trường ít xung đột. Công việc nặng nhọc sẽ dễ khiến phụ nữ trở nên căng thẳng và có thiên hướng bạo lực. Ta thường thấy đàn ông lái xe với một sự chắc chắn, điềm đạm, và dễ gặp sự hoang mang, lo âu ở một người phụ nữ lái xe. Công việc làm tài xế chắc chắn rất căng thẳng, nên một số tài xế nam có xu hướng cộc cằn hoặc phải sử dụng chất kích thích để tỉnh táo. Vậy nên, không có gì lạ khi người phụ nữ lái xe chở tôi ở phía trên, lại sử dụng bạo lực ngôn từ như một cách giải toả tinh thần nặng nề của cô ấy

Phụ nữ không thật sự hợp để lái xe ô tô, nhất là ở những khu vực đô thị có lượng phương tiện tham gia giao thông chằng chịt và đông đúc. Tôi đang sống ở một thành phố nhỏ nhưng sở hữu lượng xe ô tô nhiều nhất Việt Nam, mặc dù bán kính từ trung tâm chỉ khoảng 5 km. Mỗi người phụ nữ dường như cũng có một chiếc xe dù chồng họ đã có. Điều này gây ra một sự hỗn loạn cho giao thông và những bất cập cho hệ thống. Tôi thường xuyên chứng kiến sự bất mãn của nhiều người tham gia giao thông, họ thốt lên một cách mặc định rằng “biết ngay là phụ nữ lái”. Vậy, những người phụ nữ trực tiếp điều khiển phương tiện thì còn căng thẳng tới mức nào? Khi mà đến đồ vật của mình, mà họ còn phải loay hoay và lúng túng để sử dụng mặc dù đã có bằng lái nhiều năm trời?

Tại sao phụ nữ lại phải chọn cho mình những khó khăn không đáng đó. Họ nên tận hưởng cảm giác được an toàn và thư giãn khi để người đàn ông của mình cầm lái, và nếu không thì họ có thể trả tiền cho dịch vụ để được ngồi sau thảnh thơi. Họ nên để cho đàn ông được phục vụ mình, hay chính xác là được chở che cho mình, và thể hiện thế mạnh của anh ta. Hơn hết là sống với đặc quyền của mình, chấp nhận được phần yếu đuối của mình. Trừ khi sở thích/đam mê của phụ nữ là được lái xe, nhưng tôi tin rằng điều đó chỉ là số ít. Hầu hết là do chúng ta đã không hiểu chính mình

Chúng ta đang có xu hướng nghĩ rằng đàn ông làm gì thì mình cũng làm được. Thực ra tạo hoá không sinh ra như vậy. Chúng ta đang gắng lấy nhược điểm của mình để so bì với ưu điểm của đàn ông. Đàn ông cũng sẽ không thể làm tốt những thiên tính dành riêng cho phụ nữ (trừ “một số” người nam sinh ra có sẵn một số tố chất đó, nhưng bạn để ý nhé khá nhiều là gay). Vậy nên, nếu chúng ta cứ gồng mình lên để làm được tất cả mọi việc, chúng ta sẽ đuối sức rất nhanh. Nếu ta gắng để làm được việc đòi hỏi nhiều thế mạnh và sức mạnh của đàn ông, chúng ta sẽ nhanh chóng cảm thấy áp lực, căng thẳng, nặng nhọc, nam tính hơn, thậm chí sẽ có xu hướng nam tính độc hại như độc đoán, bạo lực, áp đặt. Và khi ta tự làm mình mệt mà không được ai thấu hiểu, ta dễ trở nên giận dữ và mất bình tĩnh.

Trong khi, sự dịu dàng là cảm giác dễ chịu, thoải mái, chấp nhận và chảy trôi bên trong ta, là thiên tính có sẵn trong mỗi người phụ nữ. Là sự chậm rãi, từ tốn, thưởng thức vẻ đẹp của bản thân và vẻ đẹp của cuộc sống thông qua ân sủng của trái tim nhiều cảm xúc. Việc ta chọn sai công việc, hoạt động và xu hướng cạnh tranh với nam giới xuất phát từ nỗi sợ mà không phải từ tình yêu khiến sự dịu dàng bên trong ta bị đè nén và chuyển đổi sang một trạng trái cực đoan hơn. Ta có thể làm được những thứ đàn ông làm nhưng sâu bên dưới vẫn là sự u uất, bất mãn vì ta đã kìm hãm sự dịu dàng trong mình được biểu hiện

Phải chăng là, ta cần học cách nâng niu và tự hào về sự dịu dàng và yếu đuối của mình, như một tặng phẩm và đặc ân mà tạo hoá đã ban tặng, thay vì gồng gánh mình trở nên hoàn hảo “theo cách mà ta nghĩ” thì sẽ được tôn trọng và yêu thương? Ta cần lột bỏ những điều gì, và chấp nhận thật sâu như thế nào tính nữ có sẵn bên trong mình, để trở lại là mình, chân thật là mình, để thêm yêu và trân quý bản chất của ta – thứ vẻ đẹp khiến cho thế giới này trở nên đáng sống?

Ta hãy khám phá chính mình, blog này và những bài viết tiếp theo bạn nhé

Thương yêu và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

GHÉT AI ĐÓ VÀ AI ĐÓ GHÉT THÌ PHẢI LÀM SAO?

Để Nước Cuốn Đi



Mình từng nói với người bạn mà mình thương nhất, từ ngày đầu biết bạn hơn chục năm trước, Người trải qua rất nhiều thăng trầm với những việc làm trái ngang, rằng: “Cậu hãy nhớ điều này, dù cả thế giới có quay lưng với cậu, cậu cũng không được quay lưng với chính mình”. Bài học yêu thương bản thân đó, bạn vẫn chưa học được, nhưng với mình, bạn luôn là người trong sáng thánh thiện nhất mà mình từng gặp trong đời

Lạ thay, chúng ta sinh ra với một sự tròn trịa bên trong tâm hồn, một tâm hồn bé thơ đủ đầy. Chỉ vì trải qua những thương tổn, mà chúng ta ngờ vực về sự vẹn toàn của bản thân, để rồi cả đời đi tìm kiếm sự công nhận của người khác. Ta cố gắng để trở nên hoàn hảo, để làm gì, để được yêu thương, mà chưa một lần quay lại yêu thương lấy chính mình. Ta không chấp nhận được việc ai đó ghét mình, cho nên ta làm hài lòng họ, hoặc sợ khi “sống là mình”. Và khi ta đã trói buộc mình trong định kiến đó, ta đâu đủ sức thương yêu. Nên là, ta ghét bỏ những hình ảnh phản chiếu kỳ vọng trong ta, như là ta ghét bỏ phần nào đó của bản thân mình

Sống ở trên đời nghĩa là ta chỉ là một sinh mệnh. Đã là một sinh mệnh thì đâu có khác nhau. Ai cũng có người thương, và ai cũng có người ghét. Càng nhiều người biết đến, càng có nhiều người ghét, tỉ lệ thuận với nhiều người thích. Một vị thiền sư đáng kính, một người tổng thống vĩ đại, một hoa hậu yêu kiều… đều không tránh khỏi điều đó. Và càng nổi tiếng, họ càng phải chịu áp lực nhiều hơn người bình thường. Khi càng nhiều người chú ý đến họ, thì càng nhiều nội tâm được phản chiếu sự thương tổn bên trong và muốn phóng chiếu ra bên ngoài

Vậy nên, bạn đừng bao giờ gắng sống để làm hài lòng tất cả mọi người. Và đừng phiền muộn vì ai đó ghét bạn. Ta không bao giờ có thể làm vừa lòng cả thế giới. Giống như ta không thể chữa lành cho tất cả. Nhớ rằng bạn không có trách nhiệm với cảm xúc ghét bỏ hay yêu thích của ai nhất là với những người không quan trọng trong cuộc đời bạn. Một người ghét ta vì họ mang trong lòng nỗi đau của họ. Vậy nên nếu không có ta, họ cũng sẽ ghét người khác. Đừng lấy phiền muộn của họ, mang về làm phiền muộn cho mình. Đừng gắng trở nên hoàn hảo, nếu không bạn sẽ ghét bỏ những người bạn cảm thấy không hoàn hảo

Ta ghét bỏ người khác như thế nào? Nếu bạn luôn muốn mình mạnh mẽ, bạn sẽ ghét những người thể hiện sự yếu đuối. Kỳ vọng mình giỏi giang, bạn sẽ ghét những người bạn cảm thấy kém cỏi. Bạn ghét điều gì đó trên cơ thể mình, bạn sẽ luôn ghét điều đó ở cơ thể người khác. Bạn thiếu thốn tình yêu thương, bạn sẽ ghét bỏ những người mà bạn cảm thấy được yêu thương…Thực ra, khi chưa yêu được chính mình, bạn mới để tâm ghét bỏ người khác. Khi cảm xúc ghét bỏ bên trong bạn lên tiếng, đó không phải là một lỗi lầm, đó là một tiếng gọi tha thiết đang cố gắng nói cho bạn biết, có tâm hồn xước xát hay nỗi đau sâu thẳm nào đó cần được bạn quan tâm, cần được bạn thấu hiểu, cần được bạn yêu thương.

Mà khi không quay về chú ý nội tâm mình, thay vì ôm ấp và chăm sóc cảm xúc của mình lại chạy theo những suy nghĩ ghét bỏ, ta sẽ đau đớn và mệt mỏi lắm thay. Người bị ghét vẫn sống cuộc đời của họ, còn ta ở lại với những dằn vặt của mình. Nên là, tự hỏi mình, có đáng không, và hiểu cho mình, bạn ạ. Luôn hỏi mình vì sao mình có cảm xúc này, hãy chú ý đến em bé bên trong, trong từng thời khắc, đừng bỏ bê em, bạn nhé

Và bạn biết đó, thực ra không có ai mà cả thế giới quay lưng như mình nói với người bạn phía trên đâu. Mình chỉ ngụ ý để nhấn mạnh việc bạn ấy nên quay về yêu thương bản thân thôi. Đến Hitler còn có lắm người thích mà. Thế giới sinh ra “người ghét” ta mục đích là để ta học cách chấp nhận bản thân mình đấy bạn ạ. Hãy chấp nhận chính mình, từ sâu thẳm bên trong. Hãy cứ sống thật là chính mình. Dù là bất cứ ai, sẽ luôn có người tương thông với bạn, và chắc chắn có những người “khác” bạn, là vậy thôi

Chỉ là, đừng ghét bỏ chính mình, bạn nhé

Thương yêu và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

CHÚNG TA CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐIỀU GÌ TRƯỚC?

Để Nước Cuốn Đi





Có nhiều người rất muốn thay đổi bản thân mình, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Nếu xem rằng nhận thức là ánh sáng, thì những màn sương bao phủ quanh chúng ta đủ dày và đủ lâu để không phải cái chạm nào cũng lập tức chiếu rọi được tới sâu thẳm tâm hồn. Ta gom nhặt cho mình những niềm tin, định kiến, những tri giác sai lầm thì ta cũng cần thời gian để có thể thấu hiểu được chúng.

Suốt thời gian ta tồn tại, ta hiếm khi nhìn vào chính mình để hiểu cho bản thân mình. Ta ngỡ rằng ta hiểu hết bên ngoài vì ta đã luôn phóng chiếu suy nghĩ và tư tưởng của ta về phía đó. Nếu mọi cuộc tìm kiếm không phải là tìm mình, nó chưa phải là một cuộc tìm kiếm thực sự. Nếu đã quen hướng ra bên ngoài, thật không dễ dàng để ta quay vào bên trong đối diện với chính mình.

Đôi khi, ta còn không hiểu bên ngoài là gì. Nếu ta cứ luôn loay hoay với những phương pháp, với những pháp Tu, với những khoá học, với những vị thầy…mãi mà ta vẫn chưa có an ổn. Đừng quá bối rối và đừng than trách hay thất vọng về mình. Hãy biết rằng ta cũng đã rất nỗ lực rồi, những đoạn đường này cũng chỉ là cho ta nhìn thấu bản thân mình hơn thôi. Ta còn chút nào sợ hãi, ta còn chút nào dựa dẫm, ở đó, ta còn kỳ vọng hay khắt khe với bản thân mình…?

Cuộc sống của ta, nếu ta cứ mãi lặp đi lặp lại một thói quen, mà điều đó làm ta đau hoặc người ta thương bị đau hoài. Ta buồn rầu vì không hiểu tại sao mọi chuyện lại luôn đi theo hướng đó, trong khi thực tâm ta không hề muốn vậy. Ta chán nản nhưng hãy tự hỏi mình, ta đã muốn thay đổi chưa. Nếu điều gì đó không khiến ta hạnh phúc, ta nên nghĩ về sự bắt đầu thay đổi được rồi

Sự thay đổi chẳng phải là làm điều gì đó lớn lao. Sau một đêm sẽ trở thành một con người hoàn toàn mới hay một con người hoàn hảo. Ta đừng mong đợi những ảo tưởng của tâm trí. Sự thay đổi chỉ đơn giản là ta buông xuống những lớp áo ta tự khoác lên mình, và điều đó là cả một hành trình. Hãy bắt đầu sự thay đổi bằng những điều nhỏ nhặt và những điều ta có thể nhìn thấy

Hôm nay, ta hãy đi về ngồi lặng yên trong căn phòng của mình. Ta hãy xem ta đã đối xử với không gian sống – nơi vun đắp tâm hồn ta như thế nào. Nếu nó đầy rác, bụi bẩn và lộn xộn, ta cũng đang làm như vậy với tâm trí mình đó sao?

Sau đó, hãy đi vào căn bếp của mình. Nếu căn bếp của ta lạnh lẽo vì ta luôn ăn đồ ăn bên ngoài. Hay trong giỏ rác, chỉ toàn là bao bì của thức ăn nhanh, những thức ăn calo rỗng và không có năng lượng. Hoặc một căn bếp tồi tàn và ăn cho qua ngày. Ta đang đối xử với trái tim của ngôi nhà, là nơi chăm sóc cơ thể ta như vậy đó sao?

Và rồi, ta hãy đi vào nhà vệ sinh của mình, nơi được cho là hoen bẩn nhất của ngôi nhà. Ta đã chăm sóc nó như thế nào. Giống như là ta đã chăm sóc phần tối tăm nhất trong bản thân ra sao. Có phải giống như cách ta đã luôn từ chối nó và bỏ mặc nó?

Khi nhìn vào gương, ta thấy gì. Một cơ thể ốm yếu xanh xao, hay một cơ thể thừa cân nặng nề. Ta có biết cơ thể mình đã luôn kêu gọi ta bằng những dấu hiệu hãy chăm sóc nó, hay ta đã luôn lảng tránh nó như thể ta không muốn trân trọng ngôi nhà đẹp đẽ nhất mà ta có.

Nhìn lại một ngày của mình. Ta hãy xem mình thức dậy lúc mấy giờ, và đi ngủ giờ bao nhiêu. Ta có đang đi theo nhịp sinh học của tạo hoá, hay nuông chiều mình trong những thói quen mà ta biết rõ nó là sai, như cách ta biết rõ cái gì làm ta tệ mà ta vẫn làm trong cuộc sống?

Và rồi hãy nhìn vào một điều khó hơn, là thực thà xem ta đang nạp thức ăn cho tâm trí của mình như thế nào. Ta có để cho những tin tức tiêu cực, vô bổ, độc hại thường xuyên hiện diện trong cuộc sống của ta, thông qua những phương tiện giải trí hay trong những cuộc gặp gỡ xã giao. Nếu ta không có cho mình một bông hoa hay nhành cây bên cửa sổ/trong ngôi nhà, cũng như ta không hề biết rót bất cứ điều gì xinh đẹp vào nuôi dưỡng tâm hồn mình

Khi quan sát tất cả những điều đang hiển hiện đó, có thể ta sẽ thấy ta đã bỏ mặc chúng quá lâu rồi như cách ta bỏ mặc ta. Thay vì chán ghét chúng, ta biết mình có thể dọn dẹp chúng và chăm sóc lại chính bản thân mình. Điểm tốt là ta biết ta có thể thay đổi những điều này.

Những vấn đề nội tâm có thể ta chưa nhìn ra, vậy ta có thể lựa chọn làm sạch những thứ ta có thể nhìn ra rồi trước. Như vén những lớp sương mù che phủ bao quanh ta, ta đang từng bước đi tới nội tâm của mình. Khi bên ngoài chiếc cốc sáng bóng, ta mới nhìn rõ được những tạp chất có trong chiếc cốc của chúng ta. Mà thực ra, những gì ta đang đối xử với ta trong cuộc sống, lại liên hệ mật thiết với chính nội tâm mình. Vì bên ngoài là phóng chiếu của bên trong nội tâm mà

Nên là, nếu muốn thay đổi điều gì xa xôi, lớn lao hay có vẻ khó khăn, hãy bắt đầu bằng những thứ hiện diện trong cuộc sống mà ta có thể nhìn thấy. Chỉ là ta có chịu nhìn chúng không mà thôi

Mến thương,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

AWARENESS BEFORE CHANGE – THAY ĐỔI NHẬN THỨC TRƯỚC KHI THAY ĐỔI HÀNH VI

Để Nước Cuốn Đi





Tại sao chúng ta không thật sự thay đổi, hay tại sao ta cố gắng thay đổi người khác nhưng không thể?. Đó là vì sự thay đổi thật sự phải tới từ bên trong, là một quá trình đào sâu vào nội tâm làm vỡ tan những cái cũ để cái mới có thể đi vào. Ở đó, ta cần nâng cấp nhận thức như một tiến trình không ngừng nghỉ của chết đi và sinh ra, hay còn gọi là những chu kỳ sinh diệt – bản chất của tự nhiên

Một người gắn mình với hành vi mua sắm và mua sắm nhiều hơn, kiếm tiền và kiếm tiền nhiều hơn, từ bỏ thú vui này và sa đà vào thú vui khác, không ngừng thay đổi người yêu…vì mưu cầu hạnh phúc. Nhưng dẫu có thực hiện liên tục anh cũng không thấy thoả mãn. Là vì anh không nhận thức được rằng điều gì bên trong thúc đẩy anh chạy theo những nhu cầu và mong muốn đó. Anh cần tìm ra lý do sâu xa đằng sau đã thúc đẩy toàn bộ hành vi trong cuộc sống của mình, mà ở đó có thể tồn tại rất nhiều lớp củ hành cần anh bóc tách. Bởi nếu dùng hành vi này để thay thế hành vi kia, nó sẽ là một cuộc tìm kiếm không có điểm dừng.

Nhiều người chỉ theo đuổi bề mặt, trong khi bản chất của họ không hề thay đổi. Một người tìm đến những thực hành tâm linh nhằm nâng cao rung động, nhưng những bế tắc, khổ đau trong cuộc sống mà anh ta cảm nhận không hề thay đổi. Anh ta có thể thực hành 28 ngày biết ơn, 21 ngày hiện thực luật hấp dẫn…Trong quá trình đó, ban đầu anh có thể cảm thấy hứng khởi nhưng sự hào hứng nhanh chóng giảm dần theo thời gian. Đó là vì anh đã thực sự từ chối nhìn thấy những vấn đề trong lòng mình, từ chối những cảm xúc hay cả những phần tăm tối – cái mà anh cho là xấu xa.

Đó là lý do mà dù anh có làm đầy sự thực hành của mình bằng những vật phẩm tâm linh, đá quý phong thuỷ, một vài chuyến tu hành ngắn ngủi trong năm, ăn chay, thiền định, một số buổi chữa lành với công cụ hay người thầy,…hòng chỉ tìm giải pháp để trốn chạy mọi vấn đề trong lòng mình, quá trình thay đổi nội tâm sâu sắc sẽ không xảy ra với anh.

Sự thay đổi hành vi hoặc một số thực hành tâm linh, đáng tiếc thay đôi khi ta không nhận được lợi lạc của nó mà sinh ra ngã mạn. Người ta tin rằng khi mình tuân theo giới luật, thực hành kinh kệ chuyên cần, ăn chay và phóng sinh – đi chùa thường xuyên…, họ đã trở nên thay đổi. Nếu anh ăn chay và thực hành những “cái” anh cho là tốt đẹp, và vì những người khác không làm điều đó, anh cảm thấy mình đã trở nên “hơn người”. Thực ra, cảm giác mình có gì đó hơn người khác không xuất phát từ khi anh thay đổi hành vi, bản chất là anh vẫn luôn đi tìm kiếm “những thứ bên ngoài” để anh cảm thấy mình quan trọng. Và khi bấu víu được vào thứ mà mình cho là quan trọng, anh cho phép mình thể hiện sự bất mãn và phán xét những gì đi ngược với anh. Đó là lý do mà người ta bảo anh ăn chay, đi chùa, thực hành tâm linh…mà vẫn “sân si”. Thực ra, những mâu thuẫn bên ngoài chỉ là phóng chiếu cho sự mâu thuẫn nội tâm của anh. Thứ mà anh đã từ chối sáng tỏ bằng việc kiếm tìm những con thuyền trên sông

Cũng vậy, một người nếu chỉ thực hành giảm cân trong vòng một tháng hay một năm. Anh có thể mãi mãi mắc kẹt trong một luận điểm, rằng mình chỉ cần thực hành những cái người ta đã thực hành, bỏ một số tiền cho các phòng tập hay giáo viên, ăn theo một chế độ trong thời gian nhất định, là có thể thay đổi. Sự ép buộc đó có thể khiến anh bỏ cuộc nhanh chóng, và có khả năng lặp đi lặp lại những chu kỳ tăng – giảm cân không có hồi kết thúc. Chỉ tới khi anh nhận ra hình thể hiện tại là do cả một quá trình sống sai lạc, và sự sai lạc đó diễn ra mỗi ngày suốt bao nhiêu năm anh tồn tại. Thì anh mới có thể từ bỏ suy nghĩ 1 tiếng thể dục trong ngày không thể thay đổi mình, trong khi 23 giờ còn lại mình chẳng hề thay đổi. Anh cần nhận ra việc theo đuổi “sức khoẻ lành mạnh” là việc của cả đời chứ không phải trong thời gian ngắn hạn và chỉ tập trung vào ngoại hình. Anh cần nhận ra mình cần phải thay đổi cả thói quen ăn uống, hệ thống làm việc cũng như cách sinh hoạt, chế độ nghỉ ngơi và chú trọng chăm sóc tinh thần vì lý do cho mọi hành vi sai lạc bắt nguồn từ sự nứt gãy trong tâm hồn anh

Hành vi chưa chắc đã thay đổi nhận thức, nhưng nhận thức chắc chắn sẽ thay đổi hành vi. Lấy ví dụ, nếu anh cho rằng ăn chay đồng nghĩa với “không sát sinh”, và bất cứ điều gì hay ai đi ngược với niềm tin của anh, anh đều ghét bỏ. Anh “nghĩ” rằng mình đang trở nên từ bi. Nhưng sự từ bi đó tới từ hệ thống suy nghĩ. Vì từ bi thì đã không sân hận. Sự từ bi thật sự là tới từ trái tim anh. Khi anh thật sự từ bi với chính mình, khi anh để cho tình thương trong mình được hiển lộ trong nội tâm và được nhìn thấy, được nuôi dưỡng và được nhỏ giọt từ tim, đoá hoa tình yêu bên trong anh lặng lẽ nở rộ. Anh tự khắc yêu thương chúng sinh như một phần của mình, anh trở nên bớt ghét bỏ người khác, mà trở nên cảm thông hơn. Và tất lẽ dĩ ngẫu, lòng từ của anh khiến anh trân trọng mọi sinh mệnh dù là động vật hay cỏ cây. Anh trở nên “biết đủ” và khiêm cung, gắng làm tổn hại ít nhất có thể mọi sinh linh sống trên Trái Đất này, vì anh biết anh và mọi người, mọi loài đều cần nương tựa nhau mà sống, và Trái Đất là một ngôi nhà chung. Điều này có thể dẫn đến một sự phản ứng tự nhiên bên trong, rằng cơ thể anh không thể tiếp nhận đồ ăn mặn được nữa. Bên cạnh đó, khi nhận thức của anh không bị chi phối bởi hành vi, thì có gì để mà phân biệt. Anh sẽ không chấp vào hình tướng đồ ăn, vào quy tắc ăn uống, anh sẽ dễ dàng chấp nhận mọi sự khác biệt, cởi mở và hồn hậu, dễ dàng tuỳ duyên, để không làm khó mình và Người. Vậy ra, nhận thức của anh, khiến anh tự do. Trong khi, hành vi của anh, có thể khiến anh ràng buộc

Nếu anh tôn thờ hoặc ngưỡng mộ một ai đó và mong muốn lấy họ làm hình mẫu để theo đuổi. Họ có thể là một người thành công, hoặc một người bình an. Khi anh tin rằng mình chỉ cần bắt chước những hành vi của họ, anh sẽ trở thành họ, là có trí tuệ của họ, sự bình an hay thành công. Thực ra, nội tâm của họ biểu hiện ra thành hành vi, chứ không phải hành vi hoàn toàn thể hiện cho nội tâm. Vậy nên, hành vi của anh thay đổi, nhưng nội tâm của anh có thể vẫn thế. Anh không thể trông chờ vào bất cứ cái gì bên ngoài để làm cho anh trở nên khác đi. Những ngôi sao luôn tự tìm đường đi của riêng nó, anh cần phải tự tìm ánh sáng của riêng mình. Một ai đó có thể trở thành người truyền cảm hứng cho anh, nhưng bản thân anh phải tự khám phá ra chính mình

Cùng với sự nhìn nhận, chấp nhận và quay vào bên trong nội tâm quán sát một cách sâu sắc. Anh sẽ biết lựa chọn sự thực hành bên ngoài phù hợp với bản thân mình, theo trái tim anh mách bảo chứ không phải vì bất kỳ lý do gì khác. Ở đó, anh trở nên tự chủ, chứ không phải là phụ thuộc. Hãy tin vào mình

Sự thực hành bên ngoài nhằm đưa chúng ta đến trạng thái tĩnh như một lời nhắc nhở chúng ta hãy quay về nội tâm của mình, nó không phải tìm ra nguyên nhân. Mọi sự thay đổi phải tới từ gốc rễ. Mọi sự thực hành mà chúng ta làm không phải là một sự cứu rỗi hay cái phao để chúng ta trở nên thay đổi và bám vào. Ta cần hiểu sức mạnh tới từ bên trong, nó có sẵn. Áp lực nước không sinh ra từ gió, nó sinh ra từ đại dương.

Nhớ rằng, công cụ bên ngoài chỉ là phương tiện hỗ trợ trên hành trình của mình, nó không phải là chìa khoá để mở ra sự thay đổi. Nhận thức tới từ kho báu bên trong anh

Để có thể chết đi và sinh ra, để có thể tái sinh, ta cần thuận theo dòng chảy. Khi ta còn kháng cự với bên ngoài và không chấp nhận hoàn cảnh, ta đang ngăn cho dòng chảy bên trong mình được thông suốt. Sống là một quá trình không ngừng chết, và trở lại. Đó là quy luật của tạo hoá. Vạn vật dưới bầu trời này đều nằm trong trật tự tự nhiên đó. Để nâng cấp được nhận thức bản thân, bạn phải quy hàng, hãy quy hàng sự sống chết bên trong mình. Đừng chống cự, hãy để cho mình vụn vỡ những cái cũ, và từ mảnh đất tưởng chừng như khô cằn, những bông hoa mới có cơ hội được nảy nở đẹp đẽ

Yêu thương và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Để Nước Cuốn Đi









Đã rất lâu rồi mình không còn đếm lịch. Mình chẳng bận tâm bây giờ chỉ còn 6 tháng là hết năm, hay 1 tháng nữa là Tết. Mình chưa từng buồn phiền vì thêm một tuổi, mà luôn luôn khấp khởi mong chờ ngày sinh nhật. Vì điều đó thật có ý nghĩa trong hành trình làm Người này

Để biết được sự thay đổi. Mình nhìn vào đêm để thấy vẻ đẹp của vì sao. Nhìn vào chân trời ban sáng để thấy vòng quay bất diệt của bánh xe cuộc đời. Mình ngước nhìn cây để biết mùa đang thay lá hay chồi non mới nhú. Nằm dưới bầu trời để thấy dù ta nghĩ mình to lớn đến đâu, cũng chỉ là những sinh mệnh sống động không thể thoát ra khỏi những quy luật của tạo hoá

Kỳ diệu thay. Những cột mốc mà con người nghĩ phải đạt được, mình thấy nhẹ như mây bay. Ta tới đây để làm gì vậy hah? Như một buổi chiều trong trăm ngàn buổi chiều mình đã hiện hữu, từ hư vô hay tới thực tại, biết mình chỉ là kẻ lữ khách nhỏ bé đi theo dòng sông, thấy mình êm đềm trôi trong dòng chảy của sự sống

Đừng nắm giữ. Ta sẽ chẳng thể hiểu rằng thế gian là chốn trọ. Bao giờ thì ta sẽ quy hàng, chấp nhận rằng mình có thể chấp nhận?

“Ta là ai, là ai, mà yêu quá đời này”

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

THỜI GIAN LÀ DÒNG CHẢY PHI TUYẾN TÍNH

Để Nước Cuốn Đi






Bạn ạ, có phải chúng ta luôn xem rằng thời gian đang chạy thật là nhanh. Theo chiều tuyến tính là một đường thẳng, thời gian đang chạy từ quá khứ tới tương lai, từ tháng 1 đến tháng 12, tăng dần theo năm. Bạn cảm thấy thời gian chính là một áp lực đè lên cuộc sống của mình, và rằng bạn sẽ không bao giờ đuổi kịp nó.

Khi bạn tin rằng thời gian đang chuyển động theo trục đường thẳng và trở nên có hạn. Thời gian càng chảy, đồng nghĩa với luỹ kế lo lắng trong bạn càng tăng. Đồng nhất mình với thời gian tuyến tính khiến cho ta tự đặt ra các khái niệm. Khái niệm về độ tuổi, khái niệm về các cột mốc trong cuộc đời, thậm chí là các cột mốc và kết quả phải gắn liền với tuổi tác…Thời gian đang trôi, bạn bắt đầu đếm tháng, đã hết năm, đã sang tuổi mới, đã đến tuổi kết hôn, đến tuổi có con, đến tuổi có gì đó trong tay hay đến tuổi nghỉ hưu…Bạn bắt đầu kẹt vào trong quá khứ hoặc tương lai, bởi nỗi sợ của mình

Nhưng nếu bây giờ, bạn ngồi xuống, và thử chỉ lắng nghe tiếng trái tim mình đang đập, và hơi thở vào ra từ cánh mũi bạn. Bạn sẽ nhận thấy điều gì. Thời gian có thể ngưng đọng, vì khoảnh khắc này bạn đang ngưng đọng. Thời gian thuộc về bạn

Ai là người đã gọi tên thời gian? Ta chỉ mới thống nhất thời gian hơn 2000 năm cho cả thế giới mà. Con người chúng ta đã tự đặt tên cho 12 tháng, tự định nghĩa một năm có 12 tháng, 1 tháng có 4 tuần đấy thôi. Chuyển động theo chu kỳ của Mặt Trời thì sao chứ? Ta đâu nhất thiết phải tự gọi tên thời gian. Và từ đó, ta đâu cần phải bó buộc mình vào trong những khuôn khổ của những cột mốc và khái niệm, gắn liền với dòng chảy cuộc đời mình?

Thời gian thực ra là một dòng chảy, nhưng dòng chảy này làm gì có điểm đầu, và làm gì có điểm cuối. Ta chỉ đang neo mình vào nó. Chứ nó đâu có kiểm soát ta. Sự phụ thuộc của ta vào thời gian chính là một mắc kẹt của ta đó.

Tại sao ta cần phải tự đặt ra tên các ngày lễ, và nghĩ rằng mình bắt buộc phải làm nó. Đúng rồi, những ngày lễ mang tính kỷ niệm rất vui. Nhưng nó chẳng còn vui khi ta mang vào nó sự ép buộc và khiên cưỡng. Ta mang vào nó những nỗi sợ của chính ta, và ở giữa những nỗi sợ của nhau. Để cuối cùng nó trở thành sự ám ảnh, trở thành sự chán chường và niềm vui đó chẳng còn ý nghĩa.

Nó tương tự với việc tại sao ta phải đặt ra các cột mốc cuộc đời mình. Và lo sợ rằng mình không thể làm nó đúng hạn và rằng như thế thì mình không xứng đáng để tồn tại? Thay vì ta xem rằng thời gian là một dòng chảy phi tuyến tính và ta tận hưởng nó, tận hưởng dòng chảy cuộc đời mình. Ta tận hưởng khoảng thời gian thơ ấu cho đến khi thiếu niên, ta tận hưởng lúc ta dày dạn gió sương hay lúc từng trải thâm trầm, và ta cũng tận hưởng tóc muối hoa tiêu và ánh mắt vị tha lúc ta chỉ có thể ngắm nhìn thế gian những giây phút cuối đời

Nếu chúng ta không tự đặt ra năm, tháng…Thời gian sẽ chỉ là những vòng xoay của bánh xe, bánh xe là sự chuyển động lặp đi lặp lại của tái sinh và sinh ra. Trong đó ánh bình minh là sự bắt đầu của vòng quay và đêm tối là sự kết thúc của vòng tròn. Sự chuyển động của bánh xe là không dừng lại và không ngừng nghỉ, không có khởi đầu và cũng không có kết thúc, mãi mãi.

Không có trước hay sau. Tất cả chỉ là những vòng quay của bánh xe, mà mỗi vòng quay đều có ý nghĩa của riêng nó. Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời bạn hay thậm chí từng khoảnh khắc của bạn, đều có vẻ đẹp của riêng nó.

Trong dòng chảy của thời gian, mọi thứ có thể ra đi, vì đó là quy luật của thành trụ hoại diệt. Nhưng thời gian là sự tồn tại vĩnh cửu, chưa bao giờ sinh ra và mất đi, nên không hề gây ra áp lực. Vậy nên đừng lấy cái hữu hạn để đo lường với cái vô hạn. Đừng lấy cuộc đời chúng ta để chạy đua với thời gian. Chúng ta chỉ đơn giản là chuyển động. Chúng ta chỉ đơn giản là một chiếc bánh xe

Bạn nhìn nhận rằng mình sẽ già đi, hay mình sẽ chẳng kịp làm điều gì. Là vì bạn đồng nhất mình với thời gian cố định. Sự lo sợ được biểu hiện thành hành động và từ đó nó có thể trở thành sự cuống cuồng, vội vã, căng thẳng. Thay vì tận hưởng hành trình, bạn đuổi theo sự tuyến tính của quá khứ và tương lai, và vì thế bạn sẽ bỏ lỡ hiện tại.

Đừng mắc kẹt vào thời gian. Thực ra bạn không mắt kẹt vào thời gian. Bạn mắc kẹt vào các khái niệm gọi là quá khứ vị lai hay tương lai xa vời. Ở đó, là những băn khoăn trăn trở và sầu não lo lắng của chính bạn. Bạn đem những ưu phiền đó vào thời gian và nhìn nhận nó trở thành một dạng áp lực. Áp lực về dòng chảy hữu hạn con người tự đặt ra. Như là thời gian đã trôi đi rồi, tôi thật sự hối tiếc về quá khứ. Hay là điều tôi lo lắng sẽ xảy ra trong tương lai

Không. Những gì đã xảy ra thì cần phải xảy ra. Những điều sẽ xảy ra cũng sẽ phải xảy ra. Tất cả những điều đó thuộc về dòng chảy. Đó là sự phi tuyến tính. Dòng chảy không đi từ A đến B. Nó xảy ra như một sự tất yếu. Nó chỉ đang “chảy”. Bạn đang kháng cự với dòng chảy. Bạn không chấp nhận được mọi thứ xảy ra như nó là, bao gồm đã qua hay đang tới

Nếu bạn xem thời gian không phải là một thứ tức thời mà chỉ là nhịp điệu uyển chuyển của dòng chảy. Bạn sẽ chảy trôi như mọi dòng sông đều đang chảy. Bạn sẽ không cần biết điểm đầu cũng như không cần quan tâm đến điểm cuối. Vì sự sống trong bạn sẽ không bao giờ kết thúc. Nó được dịch chuyển và chuyển hoá, tuần hoàn trong từng nhành hoa ngọn cỏ, trong từng hạt mưa giọt nắng. Thân xác bạn có thể rời đi, nhưng tình yêu của bạn ở lại trong dòng chảy của con bạn, cháu bạn và tất cả vạn vật. Không có cái gì chết đi, mọi thứ chỉ được chuyển từ dạng này sang dạng khác. Đấy là cách mà năng lượng vận hành

Hãy học cách chấp nhận, dù là quá khứ hay tương lai. Vì tất cả chỉ nằm trong dòng chảy của bạn. Hãy ngừng đếm thời gian, thay vào đó, hãy tận hưởng hành trình của mình, cho dù nó có ra sao

Bình an và thương yêu là bạn,

Để Nước Cuốn Đi