ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

TẠI SAO XÃ HỘI CÀNG PHÁT TRIỂN, MÀ CON NGƯỜI LẠI STRESS HƠN?

Để Nước Cuốn Đi


Năm 2022, số vụ tự tử ở Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại với 49.500 kể từ năm 1941 với thế chiến thứ II. Số lượng vụ tự tử tăng đều đặn từ đầu những năm 2000-2018. Được nhận định chủ yếu đến từ tỉ lệ trầm cảm cao hơn và các dịch vụ sức khỏe tâm thần còn hạn chế. Tỉ lệ tự tử do gặp các vấn đề tinh thần ở Nhật còn cao hơn ở Mỹ, với tỉ lệ 17,9/100.000 người, trong khi Mỹ là 14,9/100.000 người dù số lượng người là ít hơn, khoảng 22.000 người vào năm 2022. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc lên tới 25,2/100.000 người vào năm 2022 với khoảng 13.000 vụ.

Ông Dũng, chuyên thu lượm người nhảy xuống sông Hồng(Hà Nội) suốt 30 năm qua cũng kể rằng. Trước kia ông vớt rất ít, chủ yếu là người đi di cư qua sông phía trên thượng nguồn lỡ may rơi xuống/đắm thuyền, càng ngày thì đều là chủ động nhảy xuống cầu(tự tử), không những thế mà số lượng còn gia tăng rất nhiều.

Lẽ ra, kinh tế phát triển thì con người sẽ hạnh phúc hơn, vậy tại sao tỉ lệ trầm cảm ngày càng tăng?

Chưa bao giờ, sự cô lập và tách biệt lại nhiều hơn như vậy ở thế kỷ hiện đại. Nhìn vào các tòa nhà cao tầng, ví dụ như châu Âu số liệu cụ thể là hơn 50% các căn hộ chỉ có một người ở. Con người đang gặp khó khăn trong việc biểu đạt chính mình và bỏ qua nhu cầu được gần gũi, kết nối với những người khác. Nhìn từ xa các căn phòng, con người như bị nhốt trong những chiếc hộp và khóa chặt các kết nối, dùng công nghệ để khỏa lấp sự cô đơn.

Những chiếc hộp căn hộ cũng giống như những chiếc hộp xe hơi. Cùng ở trên một đường phố, đi sát nhau nhưng người ta không quan tâm tới nhau. Phần lớn những chiếc xe hơi chỉ có một người ngồi. Đó là một cảnh tượng trông có vẻ giàu có nhưng lạnh lùng và cô đơn. Có những gia đình bốn người sử dụng bốn chiếc xe. Điều đó làm tăng số lượng xe và dẫn đến những hàng xe dài nối nhau vì tắc đường. Người ta ngán ngẩm, căng thẳng, bực dọc mỗi ngày nhưng không biết làm cách nào để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó

Con người dần bị tách biệt ra khỏi thiên nhiên. Trong khi, thiên nhiên mang đến cảm giác chữa lành, dịu mát, nâng đỡ và phát triển tình yêu tự nhiên. Thì tất cả những cơ sở hạ tầng, các tòa nhà to lớn, các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại…lại phải loại bỏ gần hết cây xanh, trở thành những khối bê tông vô tri vô giác và đầy vô cảm. Con người buộc phải nương nhờ vào cái mát của điều hòa nhiệt độ trong phòng kín 24/24h, và điều đó tiếp tục trở thành vòng lặp và phụ thuộc

Tại sao chúng ta an nhiên hơn những trẻ em sinh ra trong thế kỷ hiện đại này. Tại vì ngày bé chúng ta được phát triển chậm, có nhiều tương tác với bạn bè và thiên nhiên, cũng như không cần đến công nghệ để giải trí. Trẻ em ngày nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, thời đại phát triển nhanh, công nghệ phá hủy não bộ, cha mẹ mải đi kiếm tiền, không được tương tác với thiên nhiên, ít gặp gỡ bạn bè, thời gian bị cô lập nhiều,…khiến cho trẻ không được phát triển lành mạnh và cảm giác mất kết nối, lạc lõng, trầm cảm là cảm giác nhiều nhất mà trẻ nhận được.

Tương tác với con người và thiên nhiên từ bé là rất quan trọng, lúc này cần phải có sự vắng mặt của các thiết bị điện tử, màn hình TV và giải trí bên ngoài tuyệt đối. Thông qua sự phát triển tự nhiên đó, trẻ em học được các kỹ năng cần thiết nhờ sự quan sát, thích nghi và vận động. Trẻ cũng được phát huy sự sáng tạo, sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, tính độc lập, sự tương giao với bạn bè và kích hoạt khả năng giúp đỡ, khả năng đối mặt và giải quyết khó khăn. Nương tựa thiên nhiên và có sự đồng hành, được lắng nghe và gần gũi cha mẹ còn cho trẻ cảm giác bình an, hồn nhiên và trong sáng để trẻ có thể lớn lên một cách lành mạnh

Việc phát triển quá nhanh của các ứng dụng công nghệ khiến cho con người đã mất kết nối sẵn, sẵn sàng trốn chạy chính mình và tìm kiếm cảm giác quên đi khi dành nhiều thời gian để thu mình trong màn hình của điện thoại, máy tính hoặc tivi. Nơi không có các xúc chạm tự nhiên với thiên nhiên, con người và cuộc sống thực sự. Khi việc kết nối với màn hình cá nhân chiếm toàn bộ cuộc sống trở thành xu hướng, con người càng cảm thấy không còn nhu cầu được giao tiếp, bày tỏ, sẻ chia, đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau. Và vì hầu như con người đều ở trong trạng thái đó, nên họ khó tìm được những người có thể giúp được họ hoặc có đời sống dễ chịu, bình an. Điều này đòi hỏi mỗi con người phải quay lại tự vấn cá nhân và thay đổi chính mình trước, tái kết nối bản thân và thiết lập một cuộc sống lành mạnh, bớt phụ thuộc vào thiết bị điện tử

Khi con người bị mất kết nối với chính mình, mà lại không tìm được sự đồng cảm và kết nối ở đâu khác. Để không phải đối diện với bản thân, họ sẽ đi tìm những lạc thú bên ngoài, những lạc thú cam kết với họ ở đó có thể tìm được niềm vui nếu họ chịu bỏ tiền ra. Như là các dịch vụ hạng sang, game online, bar club, bài bạc, nghỉ dưỡng đắt đỏ, vật chất sang trọng, tiệc tùng xa hoa, các chứng nghiện rượu/chất kích thích và mua bán mại dâm… Thế nhưng điều đó chỉ hướng họ ra cảm giác ngắt kết nối tạm thời với bên trong, chứ không giúp họ kết nối lại bên trong tinh thần, cho nên họ sẽ phải luôn tìm kiếm hoặc lấp đầy những thú vui. Điều đó gây ra sự kiệt quệ trong tinh thần, sự xa rời cảm giác an lạc tĩnh lặng vốn có, luôn phải chạy đua với thời gian, dẫn tới căng thẳng mà chính họ cũng không nhận ra

Khi sự phát triển kinh tế biến đổi chóng mặt đối lập với sự phát triển bình thường của một con người. Người ta sẽ luôn cảm thấy mình chậm chạp, luôn tự hối thúc mình và những người xung quanh là phải nhanh lên, giàu có hơn, theo kịp hơn, lấy nhiều hơn và thậm chí là vơ vét hơn. Người ta đề cao giá trị vật chất và có thể dẫm đạp lên các giá trị văn hóa, tinh thần. Để tối đa hóa lợi nhuận, với một nguồn cung có hạn. Con người sẽ phải liên tục định giá và tăng giá tất cả mọi thứ cùng lúc, để thu về kinh tế tối đa. Vòng xoay tiếp tục quay và áp lực về tiền bạc, thời gian trở thành vòng lặp. Con người sẽ phải cố gắng không ngừng nghỉ thậm chí là hy sinh niềm vui, sức khỏe và các mối quan hệ thân thiết. Bỏ quên các giá trị về tâm linh, nghệ thuật, tinh thần. Theo đó, họ dần đối mặt với khủng hoảng gia tăng cả bên trong tâm hồn lẫn bên ngoài cuộc sống

Sự phát triển nhanh chóng xung quanh khiến con người dễ rơi vào cảm giác lạc lõng. Họ cảm thấy mình cần bắt kịp sự phát triển của thời đại và nếu đứng yên mình sẽ bị lạc loài. Nếu tất cả những người xung quanh sở hữu vật chất, có nhà, có xe, có sự nghiệp hay đi làm đẹp… thì họ cũng phải cần có những điều đó. Nó khiến cho người ta tự gây lên mình một áp lực nặng nề. Họ có thể tự chỉ trích bản thân, như là lười biếng và kém cỏi, cảm thấy mình chưa đủ giỏi hoặc đủ tốt nếu không đạt được những thứ xã hội đang phấn đấu, dẫn tới những bất mãn với chính mình và cộng đồng. Đó là một biểu hiện cho thấy người ta không biết mình cần cái gì và không tôn trọng tiến trình phát triển tự nhiên của mình

Khi con người ta kỳ vọng vào chính bản thân nhiều. Dù làm được hay không làm được. Họ sẽ áp đặt kỳ vọng lên những người thân yêu nhất là cha mẹ, vợ chồng và con cái. Căng thẳng trở thành một vòng lặp với những thế hệ và sau đó trở thành một vòng luẩn quẩn vì sự kỳ vọng lẫn nhau. Sự căng thẳng mà không thấu hiểu được nhau cũng gây ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, các mối quan hệ xã hội, vì ai cũng mang trong mình một áp lực lớn.

Nền kinh tế phát triển thay vì thúc đẩy con người xây dựng bền vững vùng đất của mình và phát triển những tiềm năng có sẵn trở thành nguồn lực quay trở lại với quê hương, thì hứa hẹn và tạo ra cho họ sự hào nhoáng phồn thịnh của đô thị. Hầu hết nông dân bỏ đồng ruộng, bỏ nhà để lên thành phố kiếm tiền. Các nước châu Á chủ yếu là các nước nông nghiệp, nghĩa là họ tập trung vào tự chăn nuôi cày cấy. Khi đồng ruộng bị người ta bỏ để đi tìm cơ hội kinh tế theo trào lưu của thị trường, lao động xuất khẩu hay những việc làm mà theo họ là nhàn nhã. Đồng ruộng cũng được thay thế bằng nền bê tông công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà máy và khai thác nhiên liệu. Từ đó họ mất đi nền tảng tự cung tự cấp của mình. Nhưng việc chi tiêu đắt đỏ ở thành phố, sự phát triển xô bồ, nhà cửa bị đẩy giá chóng mặt, công việc bấp bênh và phụ thuộc vào các công ty khiến người ta luôn phải đối mặt với tình trạng mất việc và xoay sở để chi trả các hóa đơn hàng tháng. Khi quay cuồng trong những căng thẳng khó khăn nơi thành thị, họ cảm thấy họ không thể trở về vì một là không còn đồng ruộng, hai là không muốn phải làm công việc tay chân. Họ mất đi bản năng sống tự nhiên và nương tựa vào thiên nhiên của mình.

Sự bùng nổ kinh tế khiến cho tỉ lệ giàu nghèo chênh lệch càng ngày càng cao, căng thẳng bất ổn ngày càng nhiều, nhiều người mất việc làm, đồng nghĩa với việc tỉ lệ tội phạm cũng gia tăng. Không phải người giàu là giỏi hơn người nghèo nhưng xuất thân, hoàn cảnh, thuận lợi, cơ hội, kỹ năng, học vấn, thời cơ, nhanh nhẹn, tư duy, hậu thuẫn, tính toán… khiến cho người giàu giàu hơn. Nhiều người có nhiều cơ hội để thu về cho mình hơn thậm chí là thu về không ngừng đồng nghĩa nhiều người bị mất đi hơn, vì tất cả chỉ là một miếng bánh. Sự hào nhoáng, bất công, phân biệt và đối lập dễ kích thích những hạt giống tham sân si ở con người và đẩy lên thành cảm giác bất mãn, thù ghét và muốn cướp bóc, lừa đảo hay các hành vi cực đoan khác. Từ đó tạo ra một xã hội bất ổn, nghi ngờ, cẩn trọng và xa cách nhau

Hơn bao giờ hết, khi con người cảm thấy tài nguyên và khoáng sản tạo ra lợi nhuận ngày càng to lớn trong thời đại tiêu dùng. Bởi vì nhu cầu tiêu thụ lớn cho việc làm đẹp, trang sức, đốt cháy nhiên liệu/động cơ, chế tạo máy móc/vũ khí, xây dựng và cung cấp hoạt động....vô cùng nhiều thậm chí đòi hỏi liên tục, trong khi nguồn cung thì có hạn. Giá cả bị thổi phồng và người ta tìm mọi cách để cướp đoạt tài nguyên để tạo ra tiền. Tài nguyên thiên nhiên ở những nước nghèo liên tục bị lấy đi và gây ra khủng hoảng gia tăng, gây ra sự bất ổn trong đời sống tự nhiên, những người lao động phải vất vả hơn để khai thác hoặc thậm chí đối mặt với điều kiện sống thiếu thốn/làm việc nguy hiểm triền miên, điển hình như Châu Phi. Họ cũng cố gắng rời khỏi đất nước và nhập cư bất hợp pháp nhiều hơn và tiếp tục đối mặt với khủng hoảng khác, hoặc vi phạm pháp luật

Các phương thức kiếm tiền nhanh cũng ra đời. Thay vì tạo ra giá trị. Người ta dựa dẫm vào các phương thức đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, tiền điện tử,… thứ đạt được lợi nhuận từ việc mua qua bán lại. Các thương vụ cá cược, sòng bài,…theo đó cũng ra đời. Điều đó dẫn tới căng thẳng triền miên khi họ phải liên tục đu theo đồ thị của thị trường, nơi họ chỉ là người chơi chứ không phải người quyết định dòng tiền lên xuống. Cảm giác chiến thắng kích thích họ tiếp tục lao theo quên mất cuộc sống thực tại và sự thua cuộc khiến người ta rơi vào phẫn nộ, tuyệt vọng, nghĩ rằng đường cùng nên sẵn sàng bất chấp phạm pháp thậm chí là làm hại bản thân

Vấn đề ở đây là sự phát triển không bền vững. Sự phát triển đó nhấn mạnh vào nhu cầu tiêu thụ chứ không tập trung vào khía cạnh tinh thần của con người. Trong khi ngoài những nhu cầu cơ bản, cái con người cần là cảm giác kết nối với nhau, kết nối với người khác và kết nối với vạn vật xung quanh. Khi không còn một sự kết nối nào, nhất là với bản thân, sự giàu có hay thừa thãi về tài sản là vô nghĩa, vì mỏ neo tinh thần để nương tựa đã không còn. Mọi sự tìm kiếm vật chất bên ngoài sẽ trở nên vô ích.

Bình an bên bạn,

Để Nước Cuốn Đi

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét