Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024
VÀNG VÀ Ý NGHĨA BIẾN ĐỘNG XUNG QUANH VÀNG
Nhiều năm trước, tại sao mình biết về biên độ tăng giảm của giá vàng nhưng lại không tham gia? Là vì mình không thích chơi game, mà nói theo kiểu vui thì mình cũng không có tiền. Thế nhưng sao mình không “phím” cho người khác, là bởi vì đó là nghiệp lực của mỗi người, cớ gì mà tham gia vào
Tuần vừa rồi, giá vàng tăng phi mã. Một trong những lý do chính là bởi vì ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tăng cường thu mua trước đó, đặc biệt là Trung Quốc(2023 cũng là năm NHTW TQ mua vàng nhiều nhất kể từ năm 1977)(nguyên do nhiều phần là muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD). Từ trước tới nay giá vàng luôn liên quan mật thiết tới tiền tệ, chiến tranh, lạm phát, chính trị, tình hình kinh tế thế giới và điều đó không có gì lạ. Cho nên sự tăng đột biến của giá vàng lần này gây ra một xao động không hề nhỏ tới biến động toàn thể thế giới
Vàng là một kim loại khan hiếm hay có hạn. Trữ lượng vàng toàn cầu chỉ đặt vừa trong một khối lập phương kích thước 23m. Vàng không bị biến đổi hay phản ứng với các nguyên tố khác nên vàng luôn được giữ nguyên khối lượng từ trước tới nay.
Việc thúc đẩy cầu(từ nhiều nguồn khác nhau cùng một lúc) trong khi cung có hạn là lý do chính làm giá vàng được đẩy lên cao trào.
Nếu như luật Mỹ và Châu Âu hạn chế người dân sở hữu vàng thì tại thị trường châu Á, điển hình là TQ(với số lượng dân đông nhất thế giới), hay như VN, thì người dân được phép sở hữu cũng như tự do mua bán. Việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ cũng khiến cho thị trường vàng trở nên biến động(Tại Việt Nam, giá vàng nhẫn trong thời điểm sốt giá luôn cao hơn so với giá vàng thế giới 2-4 triệu đồng/chỉ).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư bán lẻ vàng cũng thúc đẩy thị trường tăng giá khi dựa vào việc tận dụng giá cao để kinh doanh. Ví dụ như Costco, một siêu thị lớn tại Mỹ thu về 200 triệu USD nhờ bán vàng đợt vừa rồi. Sàn vàng Thượng Hải cũng thu về những khoản tiền kỷ lục khi người tiêu dùng TQ đang gia tăng mua
Tại sao người ta lại đổ xô đi mua vàng trong khi không có kiến thức hoặc chẳng biết là mình đang nắm giữ đỉnh hay đáy? Trong thị trường tài chính có một định nghĩa để nói về xu hướng mô tả cho điều này chính là FOMO. Fomo là viết tắt của “Fear of missing out”. Đây là hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. Có một trường hợp rất dễ thương cũng không tránh khỏi Fomo chính là Isaac Newton. Ông đã phải thốt lên rằng: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người”. Nhà bác học đã mất cả vốn lẫn lãi sau khi Fomo cho cổ phiếu của một công ty nổi tiếng tại Anh khi đó
Sự biến động mạnh mẽ của vàng là sự thể hiện cho sự tiếc nuối(lòng tham ) và sự bất ổn tinh thần rõ nhất. Người ta lo sợ về những thứ ở tương lai không biết trước, và người ta cũng tiếc nuối cho những thứ đã xảy ra ở quá khứ.
Ví như người ta tiếc vì sao mình không mua vàng sớm hơn, hoặc tại sao mình lại bán sớm như thế, hay là mọi chuyện đã tốt hơn nếu tất tay vào vàng thay vì tài sản khác. Câu chuyện tương tự làm mình nhớ đến việc khi người ta nhìn về quá khứ và nghĩ rằng nếu ngày xưa mình mua miếng Đất ở đó thì giờ đây mình đã giàu có. Mình kể cho bạn nghe bà của bạn mình đã từng đổi 300m2 đất Đống Đa(giá 200-300 triệu một m2 bây giờ) chỉ để lấy một chiếc xe đạp vào năm 9x. Và mình tin là câu chuyện này xảy ra rất nhiều vào thế hệ trước, khi VN mới mở cửa. Sự tiếc nuối đó âu cũng chỉ gói gọn trong hai chữ “giá như”. Nhưng cuộc đời thì không “nếu như” với một ai cả. “Sự tiếc nuối” chỉ thể hiện cho việc người ta không bao giờ bằng lòng với hiện tại và vậy nên hiện tại dù có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng không bằng lòng.
Bên dưới cảm giác tiếc nuối là sự tham lam. Và bên dưới sự tham lam là cảm giác thiếu thốn. Cảm giác thiếu thốn thì lại không phụ thuộc vào việc bạn đang có những gì
Hãy nhớ rằng, càng tiếc nuối, càng bất an, càng lo sợ, ta càng bỏ lỡ đi những phút giây sống ở hiện tại. Và nếu quá lo sợ, người ta cũng có thể đẩy mình đi đến những hành động mù quáng thậm chí là điên rồ
Những cá nhân quan tâm tới vàng thực chất là những người tài chính tầm trung trở xuống. Vì tài khoản vài chục hoặc vài trăm tỉ trở lên thì khó để mua vàng. Hoặc chính xác càng là những người làm công ăn lương, có một khoản tiết kiệm, càng quan tâm tới vàng. Mà lượng người như vậy lại chiếm phần lớn trong xã hội. Một là những người muốn cất giữ tiền mặt sang tài sản có tính thanh khoản tốt hơn, hai là những người chỉ chăm chú vào việc làm sao để kiếm lời ngắn hạn hay còn gọi là đầu cơ
Hãy phân biệt đầu tư và đầu cơ. Vàng là một tài sản đảm bảo cho sự lạm phát của tiền mặt. Nhưng bạn nhận ra không, từ “đảm bảo” gắn với cảm giác an toàn và lo sợ. Ngày xưa rất đơn giản, các cụ có một ít tiền mặt, vậy nên mua một ít vàng phòng thân. Lúc đó, ta gọi tài sản mang tính đầu tư dài hạn, và nó chẳng hề tác động đến ta nếu thị trường có bong bóng phập phồng đi lên đi xuống. Nhưng khi đầu cơ, có nghĩa là bạn đang đánh cược mình ở trong ván game mà bạn chỉ là người chơi
Và đầu cơ là chấp nhận có lời thì có lỗ. Bạn phải chấp nhận được thử thách. Chấp nhận được đồ thị hình sin của tinh thần đi theo đồ thị hình sin của thị trường. Chấp nhận được nụ cười thì cũng phải chấp nhận được nước mắt. Cho rằng mọi thứ có sinh sôi thì cũng phải hiểu quy luật phía còn lại là sự mất mát. Đó là hai mặt của đồng xu. Để từ đó không sinh tâm đắc chí khi được, cũng như bớt đi sự oán giận, hờn trách nếu mất
Vậy nên, những người không quan tâm tới vàng lại là những người không có tiền, hay chính xác là những người lao động chân tay như nông dân làm chỉ đủ ăn. Tất cả những biến động của thị trường tài chính hay những biến động của thế giới nằm ngoài sự quan tâm của họ, hoặc ngoài sự kiểm soát của họ. Họ lại là những người bình thản nhất, đôi khi là ung dung tự tại nhất
Bạn thấy không. Biến động thị trường vàng là biến động bên ngoài nhưng thực ra lại là thử thách cho biến động trong lòng ta. Chỉ mới thấy biểu đồ leo núi trong vài ngày, tâm trí bạn đã chộn rộn không yên. Tới khi người người nhà nhà kháo nhau, những tờ báo giật tít liên tục cập nhật tin mới, thấy ai đó vừa chốt lời, bạn bắt đầu cuống cuồng lên. Giọt nước tràn li là khi người ta đua nhau đi mua vì những luồng thông tin mà bạn “chỉ nghe thấy”, bạn đã chẳng thể kiềm nổi mình nữa mà hối hả lắm thay. Phải chẳng thử thách đó cũng chính là cơ hội mà Vũ trụ cho ta nhìn thật sâu vào bên trong lòng mình để thấy những hạt giống của sự tham lam, lo lắng, bất an…đang ở đó?
Nếu bạn đứng được ra ngoài cuộc chơi. Bạn có thể tách mình ra khỏi đám đông hỗn loạn và quan sát. Việc “sở hữu vàng hay không” không quan trọng. Việc đu mình theo những đường đi của thị trường và nỗi bất an của thế giới có còn quan trọng? Khi bạn hiểu được về bản chất của thị trường, hiểu về bản chất của đời sống, hiểu về sự tồn tại và hiện diện của bạn, hiểu về chính con người bạn, lúc đó bạn sẽ tìm thấy được tự do. Mà tự do là bạn thích thì bạn làm, bạn không thích thì bạn không làm, nghĩa là làm chủ tinh thần và cuộc đời của bạn, nghĩa là thoát ra khỏi ma trận.
Mình sẽ không nói về tương lai đâu, cũng chẳng dự đoán. Vì mình thích sống trong hiện tại cơ. Ai cũng có khả năng sống trong hiện tại. Và ai có khả năng sống được trong hiện tại, người đó có hạnh phúc
Mến chúc bạn an lành,
trước mọi biến động
Để Nước Cuốn Đi
About the Author
Để Nước Cuốn Đi / Blogger
Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét