ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

NHÌN NHẬN THẾ NÀO VỀ PHONG TỤC CÚNG BÁI?

Để Nước Cuốn Đi





Bài viết này mình quên nên viết muộn. Mình đã định để dịp Tết để cho các bạn suy ngẫm. Vì cứ mỗi cuối năm, mình hay đọc thấy những topic tranh cãi cũng như than vãn sầu não về tục “cúng bái” của người Việt, nhất là phía Bắc VN

1. Đốt vàng mã

Người VN tin rằng khi đốt vàng mã là để người âm nhận được. Sợ không làm thì người thân không có tiền tiêu. Sợ không đủ thủ tục cúng bái. Nhưng không phải ai cũng biết, đốt vàng mã là một hủ tục, xuất phát từ Trung Quốc

Vào đời nhà Chu (1122 trước dương lịch) có quy định khi người đàn ông chết đi, tất cả thê thiếp con cái(người sống) và toàn bộ của cải(vàng bạc châu báu) đều phải chôn theo. Sau này khi bắt đầu có giấy, và để tránh trộm mộ, người Trung hoa thay vàng thành “vàng mã”

Ban đầu việc sử dụng vàng mã chỉ có trong cung đình, dần dần lan ra dân chúng với ý muốn cai trị. Dân tộc VN bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm nên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong tục tập quán của họ, bao gồm cả đốt vàng mã

Vậy thì, đốt vàng mã cho người âm là một suy nghĩ vô căn cứ, nếu không muốn nói là mê tín

Bạn hãy tưởng tượng như thế này. Nếu có thế giới người âm, vậy tại sao các nước phương Tây lại không phải đốt tiền cho tổ tiên họ. Thế nhưng họ vẫn khỏe mạnh, giàu có, không bị trách móc?

Và nếu khi đốt phải đốt cả nhà, cả xe, cả điện thoại… Xe bằng giấy sao đi, xe bé tí người sao đi nổi.

Mà nếu đã đốt điện thoại thì cũng nên đốt kèm cái sim. Đã đốt xe máy cũng nên đốt xăng để chạy chứ. Rồi còn phải đốt 3G, wifi…

Vàng mã là làm bằng giấy. Cửa hàng bán vàng mã là do người kinh doanh mở ra. Họ thích in gì thì in. Vậy thay vì đốt cả ngàn đồ đạc, chỉ cần in một tờ trị giá 1 tỉ, tổ tiên thích tiêu gì thì tiêu. Nhưng nếu như ai cũng chỉ mua 1 tờ, thì cửa hàng sẽ nghèo ^^

Bạn có biết, một năm Việt Nam tốn hơn 5.800 tỉ đồng tiền thật để đốt vàng mã? Chúng ta đang đốt “tiền thật”, và đang đốt một số tiền không hề nhỏ

Bạn có biết, đốt vàng mã làm gia tăng lượng khí C02 thải ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, góp phần hủy hoại hệ sinh thái và môi trường sống của con người và các loài động, thực vật

Hơn nữa, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khi đốt vàng mã. Đó vẫn chưa là lời cảnh báo cho chúng ta hay sao?

2. Cúng kiếng

Nếu bạn nghĩ tổ tiên sẽ về ăn những dịp Lễ Tết, giỗ Chạp. Thì hãy tưởng tượng như thế này:

Bạn đốt của cải bằng giấy cho tổ tiên, vậy lẽ ra bạn cũng nên đốt thức ăn bằng giấy. Con người khi đã không còn hiện hữu sao họ có thể ăn được thức ăn

Nếu bạn được tạo ra từ 2 cha mẹ, thì bạn phải biết 11 đời tạo ra bạn là 2048 người. Nếu 2048 các cụ tới nhà ăn giỗ, chỗ ngồi cũng không đủ chứ chưa nói tới thức ăn

Bạn có thấy không. Chúng ta thường chỉ biết cùng lắm tới đời Cố, là người sinh ra ông bà bạn. Chúng ta còn chẳng làm giỗ cho các Cụ, thậm chí là cả Cố. Vậy, chúng ta chỉ đang làm cho có mà thôi

Xin bạn nghĩ về điều này. Nếu ta là bố mẹ, mà ta chết đi. Ta có muốn con mình phải cực khổ vì mình mà chuẩn bị cúng bái rườm rà, cực nhọc? Ta có trách mắng con mình vì chuẩn bị đơn sơ hoặc không cúng bái? Vậy sao ta nghĩ tổ tiên lại trách cứ mình, hay trừng phạt mình. Khi còn sống, làm những đứa trẻ hư, cha mẹ còn chẳng bao giờ trách móc ta, vậy thì chết đi lại làm khó mình sao?Không phải mục đích của chúng ta là luôn mong con mình hạnh phúc ư?

Vậy nên, bạn hãy nhớ rằng, mâm cao cỗ đầy cũng không bằng tấm lòng thành kính. Một nén hương trầm với chén cơm trắng cũng đã đủ để bày tỏ lòng thành

3. Chúng ta làm vì sợ hơn là vì chúng ta thật sự mong muốn

Nhiều khi, bạn không thật sự muốn làm, mà bởi vì người khác làm, nên bạn làm. Câu nói “có thờ, có thiêng” chính là một nỗi sợ. Sợ rằng mình không làm thì không được yên, sợ điều xấu xảy đến, sợ bị quở trách

Thế nhưng nếu bạn biết cuộc sống là một chuỗi vận hành và ta không thể biết hoặc kiểm soát điều gì tới với mình. Và không ai có quyền năng nâng đỡ cho ta. Bạn sẽ biết mình chẳng phụ thuộc được vào bất cứ điều gì. Mình chỉ có thể làm tốt chính bản thân mình mà thôi

Bằng chứng là tất cả những người gặp vấn đề, đều thờ cúng. Và rõ ràng là ta thờ cúng, ta vẫn gặp vấn đề đó thôi

Khi ta làm vì sợ, ta đâu có trao đi được yêu thương cho tổ tiên mình. Khi ta làm vì nghĩ là “phải làm, ta đang làm vì hình thức đó chứ.

Rồi bạn làm một, mà bạn xin tổ tiên mười. Tổ tiên đâu phải Đấng quyền năng, mà có thể cho bạn tiền bạc, thành công, giàu có, sự nghiệp, may mắn, sức khỏe, hay kể cả bình an? Nếu điều đó không đến từ chính bạn?

Khi ta làm để mục đích xin xỏ, là ta đang làm vì chính mình đó sao?

4. Mục đích của việc cúng bái là gì?

Ngược dòng lịch sử. Tục thờ cúng tổ tiên không biết có từ bao giờ, đó có thể đơn thuần chỉ là sự tưởng nhớ về cội nguồn, mà không đi kèm mong muốn. Đó có thể là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Thế nhưng khi trải qua những thời kỳ bị ảnh hưởng bởi sự đô hộ, các chế độ phong kiến, hình thức cúng bái đã trở nên bị biến tướng

Thế nhưng, ở nhiều nơi nét văn hóa cúng bái vẫn còn lưu truyền rất đẹp đẽ. Có nơi chỉ đơn giản là trưng lên bàn thờ một đĩa hoa thơm dung dị trong vườn như hoa lài, hoa bưởi, hoa ngọc lan…Có nơi lại chỉ cúng một loại bánh trôi màu đỏ gấc nhân đỗ xanh mềm mại duy nhất trong 3 ngày Tết, mùi thơm lan tỏa vấn vương. Không nặng nề cỗ bàn, không nặng nề thủ tục. Người ta dành thời gian bên nhau, dành thời gian lắng đọng tâm hồn mình với những điều xưa cũ

5. Ta đừng làm khổ mình, và đừng làm khổ nhau

Đừng vì những niềm tin lệch lạc, những nỗi sợ vô hình, những định kiến ta đã trải qua, hay những kỳ vọng và khắt khe đã tiếp nhận, mà trở nên cực khổ, mệt nhọc vì những gì gọi là hình thức

Sống là để vui, để an lạc. Cái gì mà làm ta khổ, làm ta mất đi sự an lạc tự tánh, thì cái đó có còn gọi là điều đẹp đẽ, là điều để yêu thương nữa không?

Ta làm sao mà trước hết ta nhẹ thân tâm bình. Lúc đó gia đình ắt sinh hòa khí. Làm sao mà con cái muốn về bên ta. Chỉ để ngồi bên bữa cơm nhà, ăn uống giản đơn mà chuyện trò rôm rả. Làm sao để ngôi nhà trở thành bến đỗ bình yên, để con cái về nhà không cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Làm sao mà những ngày cúng bái trở thành một nét văn hóa đơn giản, nhẹ nhàng, không cầu kì phức tạp, lành lành an an

Ta cũng phải dũng cảm để bước qua nỗi sợ để không ép mình làm những gì ta không thật sự muốn. Ta làm sao để mà nói cho cha mẹ hiểu thành ý của mình, bằng tấm lòng chân thành, thấu hiểu cho cha mẹ đã trải qua vất vả và đừng vất vả thêm. Và nếu không thể, ta học cách cân bằng như thế nào, hay đối mặt với chuyện đó ra sao, để ta an, đó là lựa chọn của mỗi người

Nếu người đó thật sự vui, hay muốn làm, hãy để cho họ làm. Còn bạn, hãy để mình được vui

Có lẽ, để tưởng nhớ tổ tiên. Hãy làm một nơi chốn mà con mình muốn trở về. Ngồi xuống hai thế hệ, đôi khi là ba. Điều tốt nhất không phải là dạy con cháu mình làm nghi lễ ra sao, hình thức thế nào. Điều tốt nhất ta có thể truyền đạt cho con cháu mình là về tình yêu thương, ông bà các cụ khi sống đã yêu thương như thế nào, đã sống nhân ái tử tế ra sao, đã có những câu chuyện đáng nhớ gì, hay cả những điều gì không tốt con cháu cần rút kinh nghiệm để không quay vào bánh xe cũ…

An yên tới bạn,

Để Nước Cuốn Đi

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét