ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

NHIỄM ĐỘC MẠNG XÃ HỘI

Để Nước Cuốn Đi





1. Có bạn đó thắc mắc rằng vì sao càng ngày bạn càng bị cuốn vào các cuộc ném đá trên mạng. Bạn hùa theo đám đông chửi mắng, phán xét một ai đó hoặc “chửi nhau” một cách gay gắt. Lý giải cho việc “ném đá hội đồng” đó chính là một trạng thái “vô thức tập thể”. Ta cảm thấy ta đang đứng về phe “đúng đắn, chính nghĩa”, và ta được quyền bài trừ “cái ta cho là sai”. Và khi có một ai đó mở màn cuộc ném đá, ta liền cảm thấy mình “đã được cho phép”. Việc “chửi nhau” cũng tương tự. Có những người ở bên ngoài rất ít nói, nhưng lên mạng họ rất hung hăng. Ai đó kích thích hạt giống sân hận của ta lên, và ta cảm thấy mình có “xả” thì người lạ cũng chẳng quen biết gì mình

Lúc này. Ta đã vô tình để mình bị nhiễm độc. Càng cuốn theo những đám đông giận dữ, ta càng đẩy những trạng thái tiêu cực lên cao trào. Thường xuyên cuốn theo nghĩa là ta thường xuyên sống với những trạng thái phẫn nộ, thậm chí là uất ức, tức giận mang cả ra ngoài cuộc sống đời thường

2. Một bạn khác thắc mắc vì sao ngày bé bạn đã từng là một người nghiện sách cho đến khi lên đại học. Mà bây giờ bạn không thể đọc nổi một cuốn sách, cứ mở ra vài trang là hết kiên nhẫn đọc tiếp. Lý giải cho việc bạn mất kiên nhẫn là bởi bạn đã mất khả năng tập trung thông qua việc sử dụng mạng xã hội sai cách. Khi được hỏi bạn bảo đúng là bạn chỉ xem Tiktok, Reels dạng Video short theo dạng video này tự động nối tiếp video kia, bạn thậm chí còn không xem phim nữa mà chỉ xem “review phim”.

Việc xem video ngắn dưới 30s theo dạng “chạy liên tục” có tác hại như sau:

Nội dung quá ngắn nên không kịp đọng lại và hệ thống thần kinh không kịp xử lý tình huống. Tạo ra chuyển động “nhanh chóng và tức thời” ảnh hưởng đến thùy trái của não bộ gây ra khả năng “mất tập trung nghiêm trọng”. Điều đó dẫn tới một cuộc sống khó lòng ngồi yên không làm gì, không thể lắng nghe trong giao tiếp, tâm trí chộn rộn, khả năng tiếp thu kiến thức kém, khả năng phân tích và suy luận giảm. Chỉ cần thấy nội dung “cảm giác dài” là mất kiên nhẫn dù nó hữu ích

Việc video ngắn chạy liên tục gây ra cảm giác không thể nghỉ ngơi, áp lực xem “để đuổi theo tiến trình tự động hóa” khiến não bộ dễ dàng ức chế và tăng cảm giác căng thẳng, stress

Đa nội dung được trình bày trong thời gian ngắn gây ra cảm giác mất hứng thú với cuộc sống thực, gây ra sự mất kết nối với con người, thiên nhiên và vẻ đẹp cuộc sống

Và cuối cùng nó gây ra một vòng lặp vì xem => chán nản, căng thẳng, mất tập trung…=>xem để chaỵ trốn cảm giác đó => quay lại vòng lặp

3. Trở nên thụ động trong việc tiếp nhận thông tin
Khi sử dụng các ứng dụng(chức năng) để xem clip ngắn thì ta chỉ chủ động khi xem video đầu tiên. Từ video thứ hai trở đi, AI sẽ tự động đề xuất cho bạn. Thoạt nhìn thì tưởng rất tiện lợi, nhưng tác hại của nó như sau:

Đầu tiên nó tạo ra sự thụ động lặp đi lặp lại, nghĩa là chấp nhận “hoạt động” và “diễn biến” điều hướng mình đi theo một quy trình và cách thức cho dù thông tin và nội dung là ngẫu hứng. Ta dễ rơi vào trạng thái ù lì, thụ động từ đó xảy ra khiến ta không còn chủ động suy nghĩ, không còn sáng tạo và không tìm cách giải quyết vấn đề

Thứ hai, AI dễ điều hướng bạn tới những “video bẩn”, nghĩa là những nội dung tiêu cực/nhạy cảm do có nhiều người xem. Có thể bạn chỉ đang xem những nội dung tích cực, yêu thích nhưng chỉ cần một lần bạn lỡ nhấp tay vào “nội dung bẩn”, sau đó hàng loạt video tương tự sẽ hiện ra trước mặt bạn

Thứ ba, việc dùng mạng xã hội bao gồm cả sự kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp khiến bạn chấp nhận thông tin của họ. Và sẽ có những nội dung thường xuyên/thi thoảng của họ có thể mang lại những điều tiêu cực

Cuối cùng thì những nội dung tiêu cực, những thông tin fake news, truyền thông bẩn(giật tít, câu view), điều hướng tiêu thụ/tiêu dùng, những nội dung lộn xộn… đều có thể suggest(gợi ý) tới bạn. Và nếu nó còn hiện là bởi vì bạn còn cho phép nó

4. ĐẶC BIỆT khi để trẻ em sử dụng
“Nếu bộ não trẻ em đã quen với những thay đổi liên tục, bộ não sẽ khó thích nghi với hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy”. Michael Manos, Ph.D, giám đốc lâm sàng tại bệnh viện Nhi đồng Cleveland chia sẻ.

Điều đó có nghĩa là nếu trẻ em tiếp xúc với “video ngắn chạy liên tục” khiến trẻ dễ sốc khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, môi trường sống tự nhiên.

Trẻ cũng dễ mắc các chứng rối loạn nhân cách tự kỷ, trầm cảm, tăng động quá mức chú ý khi bố mẹ cho trẻ dùng điện thoại quá sớm

Và trẻ sẽ dễ mất tập trung khi xem điện thoại từ bé, từ đó gây ra các khó khăn cho hoạt động thể chất, rèn luyện não bộ, khả năng phân tích và sáng tạo khi lớn lên

Trẻ dễ mất kết nối với bố mẹ, mất kết nối với cuộc sống vì nơi các tương tác xảy ra với trẻ là ở trên mạng xã hội, ở trên điện thoại

Chưa nói tới, những nội dung tiêu cực mà trẻ chưa có khả năng nhận thức phải tiếp nhận sẽ vô cùng tác hại

5. Hãy chủ động trong việc sử dụng mạng xã hội
Bạn hãy tập bỏ việc xem các clip ngắn chạy tự động và liên tục. Hãy xem ít nhất có thể và chọn lọc. Xem những video khiến cho tâm trạng bạn vui vẻ, dễ chịu và yêu cuộc sống hơn

Nếu việc xem video ngắn “giết thời gian” trở thành thói quen mà bạn đã cố gắng bỏ vài hôm rồi đâu lại vào đó. Hãy mạnh dạn xóa ứng dụng, ẩn thanh chức năng xem video trên màn hình chính

Hãy bỏ những mạng xã hội mà bạn cảm thấy quá nhiều thông tin tiêu cực, lộn xộn và hỗn loạn. Hãy tập trung vào những kênh thông tin hữu ích, sở thích lành mạnh hay kiến thức bổ ích

Hãy chỉ theo dõi một số người/kênh thông tin nhất định. Những người/kênh khiến cho bạn cảm thấy “BÌNH AN” hơn, cảm thấy tốt hơn

Nội dung có vẻ như hữu ích nhưng khi đọc, bạn không cảm thấy bình an hơn thì hãy quan sát một vài lần và bỏ nó đi

Bạn có thể nhấn vào unfollow những nội dung tiêu cực, nội dung bẩn hoặc không liên quan, rắc rối…dù đó là người quen. Đó là cách xử lý thay cho việc phải hủy kết bạn

Sự nhiễm độc khiến cho con người hiện đại càng ngày càng dễ nổi nóng. Điển hình bạn có thể thấy sự gay gắt, tranh luận ở trong những topic bình thường nhất. Con người dường như không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa bởi vì họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, khó chịu và bực bội.

Hãy chậm lại để biết mình đang tiếp cận thông tin như thế nào. Dành thời gian một mình yên tĩnh không làm gì. Dành thời gian tương tác với các mối quan hệ trong cuộc sống nhiều hơn. Tiếp xúc với thiên nhiên, đời sống, quan sát mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Dành thời gian chất lượng cho việc nạp thông tin bổ ích, học thêm, sở thích, tập đọc sách, đọc các nội dung dài để tăng khả năng tập trung, phân tích, sự minh mẫn và logic cho não bộ.

Để Nước Cuốn Đi

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét