Chào các bạn!
Mình là Cẩm Anh, bút danh "Để Nước Cuốn Đi" - được sử dụng "đồng thời và duy nhất" tại các kênh Facebook, Website, Podcast và Youtube cùng tên.
Blog của mình chủ yếu viết về chữa lành, khai phóng & giải phóng tâm trí, phát triển tâm thức và phát huy sức mạnh nội tại trong bạn.
Bài viết này mình quên nên viết muộn. Mình đã định để dịp Tết để cho các bạn suy ngẫm. Vì cứ mỗi cuối năm, mình hay đọc thấy những topic tranh cãi cũng như than vãn sầu não về tục “cúng bái” của người Việt, nhất là phía Bắc VN
1. Đốt vàng mã
Người VN tin rằng khi đốt vàng mã là để người âm nhận được. Sợ không làm thì người thân không có tiền tiêu. Sợ không đủ thủ tục cúng bái. Nhưng không phải ai cũng biết, đốt vàng mã là một hủ tục, xuất phát từ Trung Quốc
Vào đời nhà Chu (1122 trước dương lịch) có quy định khi người đàn ông chết đi, tất cả thê thiếp con cái(người sống) và toàn bộ của cải(vàng bạc châu báu) đều phải chôn theo. Sau này khi bắt đầu có giấy, và để tránh trộm mộ, người Trung hoa thay vàng thành “vàng mã”
Ban đầu việc sử dụng vàng mã chỉ có trong cung đình, dần dần lan ra dân chúng với ý muốn cai trị. Dân tộc VN bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm nên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong tục tập quán của họ, bao gồm cả đốt vàng mã
Vậy thì, đốt vàng mã cho người âm là một suy nghĩ vô căn cứ, nếu không muốn nói là mê tín
Bạn hãy tưởng tượng như thế này. Nếu có thế giới người âm, vậy tại sao các nước phương Tây lại không phải đốt tiền cho tổ tiên họ. Thế nhưng họ vẫn khỏe mạnh, giàu có, không bị trách móc?
Và nếu khi đốt phải đốt cả nhà, cả xe, cả điện thoại… Xe bằng giấy sao đi, xe bé tí người sao đi nổi.
Mà nếu đã đốt điện thoại thì cũng nên đốt kèm cái sim. Đã đốt xe máy cũng nên đốt xăng để chạy chứ. Rồi còn phải đốt 3G, wifi…
Vàng mã là làm bằng giấy. Cửa hàng bán vàng mã là do người kinh doanh mở ra. Họ thích in gì thì in. Vậy thay vì đốt cả ngàn đồ đạc, chỉ cần in một tờ trị giá 1 tỉ, tổ tiên thích tiêu gì thì tiêu. Nhưng nếu như ai cũng chỉ mua 1 tờ, thì cửa hàng sẽ nghèo ^^
Bạn có biết, một năm Việt Nam tốn hơn 5.800 tỉ đồng tiền thật để đốt vàng mã? Chúng ta đang đốt “tiền thật”, và đang đốt một số tiền không hề nhỏ
Bạn có biết, đốt vàng mã làm gia tăng lượng khí C02 thải ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, góp phần hủy hoại hệ sinh thái và môi trường sống của con người và các loài động, thực vật
Hơn nữa, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khi đốt vàng mã. Đó vẫn chưa là lời cảnh báo cho chúng ta hay sao?
2. Cúng kiếng
Nếu bạn nghĩ tổ tiên sẽ về ăn những dịp Lễ Tết, giỗ Chạp. Thì hãy tưởng tượng như thế này:
Bạn đốt của cải bằng giấy cho tổ tiên, vậy lẽ ra bạn cũng nên đốt thức ăn bằng giấy. Con người khi đã không còn hiện hữu sao họ có thể ăn được thức ăn
Nếu bạn được tạo ra từ 2 cha mẹ, thì bạn phải biết 11 đời tạo ra bạn là 2048 người. Nếu 2048 các cụ tới nhà ăn giỗ, chỗ ngồi cũng không đủ chứ chưa nói tới thức ăn
Bạn có thấy không. Chúng ta thường chỉ biết cùng lắm tới đời Cố, là người sinh ra ông bà bạn. Chúng ta còn chẳng làm giỗ cho các Cụ, thậm chí là cả Cố. Vậy, chúng ta chỉ đang làm cho có mà thôi
Xin bạn nghĩ về điều này. Nếu ta là bố mẹ, mà ta chết đi. Ta có muốn con mình phải cực khổ vì mình mà chuẩn bị cúng bái rườm rà, cực nhọc? Ta có trách mắng con mình vì chuẩn bị đơn sơ hoặc không cúng bái? Vậy sao ta nghĩ tổ tiên lại trách cứ mình, hay trừng phạt mình. Khi còn sống, làm những đứa trẻ hư, cha mẹ còn chẳng bao giờ trách móc ta, vậy thì chết đi lại làm khó mình sao?Không phải mục đích của chúng ta là luôn mong con mình hạnh phúc ư?
Vậy nên, bạn hãy nhớ rằng, mâm cao cỗ đầy cũng không bằng tấm lòng thành kính. Một nén hương trầm với chén cơm trắng cũng đã đủ để bày tỏ lòng thành
3. Chúng ta làm vì sợ hơn là vì chúng ta thật sự mong muốn
Nhiều khi, bạn không thật sự muốn làm, mà bởi vì người khác làm, nên bạn làm. Câu nói “có thờ, có thiêng” chính là một nỗi sợ. Sợ rằng mình không làm thì không được yên, sợ điều xấu xảy đến, sợ bị quở trách
Thế nhưng nếu bạn biết cuộc sống là một chuỗi vận hành và ta không thể biết hoặc kiểm soát điều gì tới với mình. Và không ai có quyền năng nâng đỡ cho ta. Bạn sẽ biết mình chẳng phụ thuộc được vào bất cứ điều gì. Mình chỉ có thể làm tốt chính bản thân mình mà thôi
Bằng chứng là tất cả những người gặp vấn đề, đều thờ cúng. Và rõ ràng là ta thờ cúng, ta vẫn gặp vấn đề đó thôi
Khi ta làm vì sợ, ta đâu có trao đi được yêu thương cho tổ tiên mình. Khi ta làm vì nghĩ là “phải làm, ta đang làm vì hình thức đó chứ.
Rồi bạn làm một, mà bạn xin tổ tiên mười. Tổ tiên đâu phải Đấng quyền năng, mà có thể cho bạn tiền bạc, thành công, giàu có, sự nghiệp, may mắn, sức khỏe, hay kể cả bình an? Nếu điều đó không đến từ chính bạn?
Khi ta làm để mục đích xin xỏ, là ta đang làm vì chính mình đó sao?
4. Mục đích của việc cúng bái là gì?
Ngược dòng lịch sử. Tục thờ cúng tổ tiên không biết có từ bao giờ, đó có thể đơn thuần chỉ là sự tưởng nhớ về cội nguồn, mà không đi kèm mong muốn. Đó có thể là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt
Thế nhưng khi trải qua những thời kỳ bị ảnh hưởng bởi sự đô hộ, các chế độ phong kiến, hình thức cúng bái đã trở nên bị biến tướng
Thế nhưng, ở nhiều nơi nét văn hóa cúng bái vẫn còn lưu truyền rất đẹp đẽ. Có nơi chỉ đơn giản là trưng lên bàn thờ một đĩa hoa thơm dung dị trong vườn như hoa lài, hoa bưởi, hoa ngọc lan…Có nơi lại chỉ cúng một loại bánh trôi màu đỏ gấc nhân đỗ xanh mềm mại duy nhất trong 3 ngày Tết, mùi thơm lan tỏa vấn vương. Không nặng nề cỗ bàn, không nặng nề thủ tục. Người ta dành thời gian bên nhau, dành thời gian lắng đọng tâm hồn mình với những điều xưa cũ
5. Ta đừng làm khổ mình, và đừng làm khổ nhau
Đừng vì những niềm tin lệch lạc, những nỗi sợ vô hình, những định kiến ta đã trải qua, hay những kỳ vọng và khắt khe đã tiếp nhận, mà trở nên cực khổ, mệt nhọc vì những gì gọi là hình thức
Sống là để vui, để an lạc. Cái gì mà làm ta khổ, làm ta mất đi sự an lạc tự tánh, thì cái đó có còn gọi là điều đẹp đẽ, là điều để yêu thương nữa không?
Ta làm sao mà trước hết ta nhẹ thân tâm bình. Lúc đó gia đình ắt sinh hòa khí. Làm sao mà con cái muốn về bên ta. Chỉ để ngồi bên bữa cơm nhà, ăn uống giản đơn mà chuyện trò rôm rả. Làm sao để ngôi nhà trở thành bến đỗ bình yên, để con cái về nhà không cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Làm sao mà những ngày cúng bái trở thành một nét văn hóa đơn giản, nhẹ nhàng, không cầu kì phức tạp, lành lành an an
Ta cũng phải dũng cảm để bước qua nỗi sợ để không ép mình làm những gì ta không thật sự muốn. Ta làm sao để mà nói cho cha mẹ hiểu thành ý của mình, bằng tấm lòng chân thành, thấu hiểu cho cha mẹ đã trải qua vất vả và đừng vất vả thêm. Và nếu không thể, ta học cách cân bằng như thế nào, hay đối mặt với chuyện đó ra sao, để ta an, đó là lựa chọn của mỗi người
Nếu người đó thật sự vui, hay muốn làm, hãy để cho họ làm. Còn bạn, hãy để mình được vui
Có lẽ, để tưởng nhớ tổ tiên. Hãy làm một nơi chốn mà con mình muốn trở về. Ngồi xuống hai thế hệ, đôi khi là ba. Điều tốt nhất không phải là dạy con cháu mình làm nghi lễ ra sao, hình thức thế nào. Điều tốt nhất ta có thể truyền đạt cho con cháu mình là về tình yêu thương, ông bà các cụ khi sống đã yêu thương như thế nào, đã sống nhân ái tử tế ra sao, đã có những câu chuyện đáng nhớ gì, hay cả những điều gì không tốt con cháu cần rút kinh nghiệm để không quay vào bánh xe cũ…
1. Có bạn đó thắc mắc rằng vì sao càng ngày bạn càng bị cuốn vào các cuộc ném đá trên mạng. Bạn hùa theo đám đông chửi mắng, phán xét một ai đó hoặc “chửi nhau” một cách gay gắt. Lý giải cho việc “ném đá hội đồng” đó chính là một trạng thái “vô thức tập thể”. Ta cảm thấy ta đang đứng về phe “đúng đắn, chính nghĩa”, và ta được quyền bài trừ “cái ta cho là sai”. Và khi có một ai đó mở màn cuộc ném đá, ta liền cảm thấy mình “đã được cho phép”. Việc “chửi nhau” cũng tương tự. Có những người ở bên ngoài rất ít nói, nhưng lên mạng họ rất hung hăng. Ai đó kích thích hạt giống sân hận của ta lên, và ta cảm thấy mình có “xả” thì người lạ cũng chẳng quen biết gì mình
Lúc này. Ta đã vô tình để mình bị nhiễm độc. Càng cuốn theo những đám đông giận dữ, ta càng đẩy những trạng thái tiêu cực lên cao trào. Thường xuyên cuốn theo nghĩa là ta thường xuyên sống với những trạng thái phẫn nộ, thậm chí là uất ức, tức giận mang cả ra ngoài cuộc sống đời thường
2. Một bạn khác thắc mắc vì sao ngày bé bạn đã từng là một người nghiện sách cho đến khi lên đại học. Mà bây giờ bạn không thể đọc nổi một cuốn sách, cứ mở ra vài trang là hết kiên nhẫn đọc tiếp. Lý giải cho việc bạn mất kiên nhẫn là bởi bạn đã mất khả năng tập trung thông qua việc sử dụng mạng xã hội sai cách. Khi được hỏi bạn bảo đúng là bạn chỉ xem Tiktok, Reels dạng Video short theo dạng video này tự động nối tiếp video kia, bạn thậm chí còn không xem phim nữa mà chỉ xem “review phim”.
Việc xem video ngắn dưới 30s theo dạng “chạy liên tục” có tác hại như sau:
Nội dung quá ngắn nên không kịp đọng lại và hệ thống thần kinh không kịp xử lý tình huống. Tạo ra chuyển động “nhanh chóng và tức thời” ảnh hưởng đến thùy trái của não bộ gây ra khả năng “mất tập trung nghiêm trọng”. Điều đó dẫn tới một cuộc sống khó lòng ngồi yên không làm gì, không thể lắng nghe trong giao tiếp, tâm trí chộn rộn, khả năng tiếp thu kiến thức kém, khả năng phân tích và suy luận giảm. Chỉ cần thấy nội dung “cảm giác dài” là mất kiên nhẫn dù nó hữu ích
Việc video ngắn chạy liên tục gây ra cảm giác không thể nghỉ ngơi, áp lực xem “để đuổi theo tiến trình tự động hóa” khiến não bộ dễ dàng ức chế và tăng cảm giác căng thẳng, stress
Đa nội dung được trình bày trong thời gian ngắn gây ra cảm giác mất hứng thú với cuộc sống thực, gây ra sự mất kết nối với con người, thiên nhiên và vẻ đẹp cuộc sống
Và cuối cùng nó gây ra một vòng lặp vì xem => chán nản, căng thẳng, mất tập trung…=>xem để chaỵ trốn cảm giác đó => quay lại vòng lặp
3. Trở nên thụ động trong việc tiếp nhận thông tin Khi sử dụng các ứng dụng(chức năng) để xem clip ngắn thì ta chỉ chủ động khi xem video đầu tiên. Từ video thứ hai trở đi, AI sẽ tự động đề xuất cho bạn. Thoạt nhìn thì tưởng rất tiện lợi, nhưng tác hại của nó như sau:
Đầu tiên nó tạo ra sự thụ động lặp đi lặp lại, nghĩa là chấp nhận “hoạt động” và “diễn biến” điều hướng mình đi theo một quy trình và cách thức cho dù thông tin và nội dung là ngẫu hứng. Ta dễ rơi vào trạng thái ù lì, thụ động từ đó xảy ra khiến ta không còn chủ động suy nghĩ, không còn sáng tạo và không tìm cách giải quyết vấn đề
Thứ hai, AI dễ điều hướng bạn tới những “video bẩn”, nghĩa là những nội dung tiêu cực/nhạy cảm do có nhiều người xem. Có thể bạn chỉ đang xem những nội dung tích cực, yêu thích nhưng chỉ cần một lần bạn lỡ nhấp tay vào “nội dung bẩn”, sau đó hàng loạt video tương tự sẽ hiện ra trước mặt bạn
Thứ ba, việc dùng mạng xã hội bao gồm cả sự kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp khiến bạn chấp nhận thông tin của họ. Và sẽ có những nội dung thường xuyên/thi thoảng của họ có thể mang lại những điều tiêu cực
Cuối cùng thì những nội dung tiêu cực, những thông tin fake news, truyền thông bẩn(giật tít, câu view), điều hướng tiêu thụ/tiêu dùng, những nội dung lộn xộn… đều có thể suggest(gợi ý) tới bạn. Và nếu nó còn hiện là bởi vì bạn còn cho phép nó
4. ĐẶC BIỆT khi để trẻ em sử dụng “Nếu bộ não trẻ em đã quen với những thay đổi liên tục, bộ não sẽ khó thích nghi với hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy”. Michael Manos, Ph.D, giám đốc lâm sàng tại bệnh viện Nhi đồng Cleveland chia sẻ.
Điều đó có nghĩa là nếu trẻ em tiếp xúc với “video ngắn chạy liên tục” khiến trẻ dễ sốc khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, môi trường sống tự nhiên.
Trẻ cũng dễ mắc các chứng rối loạn nhân cách tự kỷ, trầm cảm, tăng động quá mức chú ý khi bố mẹ cho trẻ dùng điện thoại quá sớm
Và trẻ sẽ dễ mất tập trung khi xem điện thoại từ bé, từ đó gây ra các khó khăn cho hoạt động thể chất, rèn luyện não bộ, khả năng phân tích và sáng tạo khi lớn lên
Trẻ dễ mất kết nối với bố mẹ, mất kết nối với cuộc sống vì nơi các tương tác xảy ra với trẻ là ở trên mạng xã hội, ở trên điện thoại
Chưa nói tới, những nội dung tiêu cực mà trẻ chưa có khả năng nhận thức phải tiếp nhận sẽ vô cùng tác hại
5. Hãy chủ động trong việc sử dụng mạng xã hội Bạn hãy tập bỏ việc xem các clip ngắn chạy tự động và liên tục. Hãy xem ít nhất có thể và chọn lọc. Xem những video khiến cho tâm trạng bạn vui vẻ, dễ chịu và yêu cuộc sống hơn
Nếu việc xem video ngắn “giết thời gian” trở thành thói quen mà bạn đã cố gắng bỏ vài hôm rồi đâu lại vào đó. Hãy mạnh dạn xóa ứng dụng, ẩn thanh chức năng xem video trên màn hình chính
Hãy bỏ những mạng xã hội mà bạn cảm thấy quá nhiều thông tin tiêu cực, lộn xộn và hỗn loạn. Hãy tập trung vào những kênh thông tin hữu ích, sở thích lành mạnh hay kiến thức bổ ích
Hãy chỉ theo dõi một số người/kênh thông tin nhất định. Những người/kênh khiến cho bạn cảm thấy “BÌNH AN” hơn, cảm thấy tốt hơn
Nội dung có vẻ như hữu ích nhưng khi đọc, bạn không cảm thấy bình an hơn thì hãy quan sát một vài lần và bỏ nó đi
Bạn có thể nhấn vào unfollow những nội dung tiêu cực, nội dung bẩn hoặc không liên quan, rắc rối…dù đó là người quen. Đó là cách xử lý thay cho việc phải hủy kết bạn
Sự nhiễm độc khiến cho con người hiện đại càng ngày càng dễ nổi nóng. Điển hình bạn có thể thấy sự gay gắt, tranh luận ở trong những topic bình thường nhất. Con người dường như không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa bởi vì họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, khó chịu và bực bội.
Hãy chậm lại để biết mình đang tiếp cận thông tin như thế nào. Dành thời gian một mình yên tĩnh không làm gì. Dành thời gian tương tác với các mối quan hệ trong cuộc sống nhiều hơn. Tiếp xúc với thiên nhiên, đời sống, quan sát mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Dành thời gian chất lượng cho việc nạp thông tin bổ ích, học thêm, sở thích, tập đọc sách, đọc các nội dung dài để tăng khả năng tập trung, phân tích, sự minh mẫn và logic cho não bộ.
Trước hết, xin hãy hiểu rằng tình yêu mà mình nói đến là tình yêu lành mạnh, chứ không phải là tình yêu vị kỷ. Mình không có khóa học nào dạy cách giữ người kia, làm ai đó mê mình, hay nắm điểm yếu của một người để cho họ yêu ta. Đừng hiểu nhầm yêu thương là thao túng để mọi người ở trong sự kiểm soát của ta. Đó không phải là tình yêu mà chỉ là sự thiếu thốn tình yêu thôi
Nếu có lúc, bạn cảm thấy thế giới này không ai yêu mình, thì có thể bạn đã không để cho họ có cơ hội học cách yêu bạn. Mình tin rằng trên thế giới luôn có ít nhất một người yêu bạn, chỉ là họ đã không biết cách yêu.
Người đó, đầu tiên chính là bạn. Nếu như bạn không hiểu chính mình. Hay nói cách khác là không nhìn vào bên trong để thấy được bản thân. Bạn sẽ không biết mình thực sự muốn cái gì, không muốn cái gì, thích gì hay ghét gì, thoải mái ở đâu hay không vui chỗ nào. Đôi khi, chỉ đơn giản vì cái kỳ vọng luôn muốn làm hài lòng người khác, xuất phát từ những nỗi sợ bên trong, bạn đã nén những nhu cầu của bản thân xuống. Và nó nằm ở đó, quay lại theo một cách xấu xí, là xả những cảm xúc hằn học hay khó chịu lên cuộc sống mà bạn chẳng hay. Nếu như không bao giờ nhìn nhận những nhu cầu và cảm xúc của bản thân, bạn có đang bỏ rơi chính mình, không cho bản thân có cơ hội hiểu mình để rồi ôm lấy mình, yêu chính mình không?
Tương tự như vậy. Bạn có bao giờ hiểu vì sao người xung quanh lại không biết yêu bạn? Vì bạn đã luôn gạt bản thân sang một bên và chấp nhận mọi yêu cầu hay phản ứng xung quanh một cách tự động cho dù nó có vô lý tới mức nào.
Hãy hiểu rằng mọi người ở trong nỗi đau của họ, mô thức hoàn cảnh nơi họ sinh ra và lớn lên, để rồi họ thường không có đủ nhận thức trong việc kết nối và đối xử với người khác, cho dù đó là bố mẹ bạn. Bạn không thể trông chờ họ tự biết cách đối xử hay căm hận vì cách đối xử của họ
Hãy lên tiếng. Ngay khi điều gì đó xảy ra. Và kể cả là bây giờ vì không bao giờ là muộn. Hãy luôn nói với người khác điều mà trong lòng bạn thực sự mong muốn, hãy nói về điều bạn không thích, điều khiến bạn không thoải mái, điều khiến cho bạn cảm thấy buồn, điều này có thể khiến bạn tổn thương, điều kia khiến bạn cảm thấy giận dữ. Đôi khi là khóc nếu bạn muốn khóc. Thậm chí, bạn có thể sẽ phải nổi đóa lên trong một số trường hợp, ai đó thật sự đã làm bạn cảm thấy bị xúc phạm hoặc không được tôn trọng. Nhớ rằng, nói về những cảm giác, cảm xúc của bạn nhiều hơn là chỉ tập trung chỉ trích người khác một cách hằn học
Ngay khi bạn có thể nói ra, nó sẽ được nói ra một cách nhẹ nhàng. Bởi vì, bạn chưa phải nén lại hay chịu đựng. Điều khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng hay dần trở thành một người nóng giận là bởi vì bạn đã nén lại quá nhiều. Và trong thời gian đó, những suy nghĩ lặp đi lặp lại dần trở thành suy diễn, bực bội rồi gặm nhấm ăn mòn và hủy hoại tâm hồn bạn từng ngày. Sau đó, nó có thể trở thành một cơn bùng nổ
Việc nói ra hay thể hiện bản thân không phải là để kỳ vọng mọi người sẽ thay đổi, mà để cho họ hiểu về bạn. Điều đó cũng có thể dẫn đến những mối quan hệ không còn tồn tại, một số việc đứt gãy. Nhưng tại sao ta phải lo lắng, vì nếu người đã thật sự yêu thương bạn, họ sẽ không rời đi. Bạn thật sự có năng lực trong một công việc, bạn vẫn sẽ ở đó hoặc tìm kiếm được ở nơi khác. Những người không cùng tần số với bạn, họ sẽ không thể ở lại, khi bạn thật sự là bạn. Và nếu bạn còn thiếu sót, bạn sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình
Đôi khi, cách mà bạn phản ứng với cuộc sống này có liên quan mật thiết đến hoàn cảnh bạn sinh ra và lớn lên, hoặc tổn thương đứa trẻ bên trong chưa được chữa lành. Vậy nên, đối mặt với bản thân bằng một tình yêu từ tốn, chậm rãi và bao dung, thấu hiểu sẽ giúp bạn song song nhìn ra nỗi sợ hãi tiềm thức, và giúp cho bạn và những người xung quanh phát triển được một tình yêu lành mạnh
Ngày bé, nhặt được tổ chim rơi. Liền mang về nhà nuôi, trẻ con nghĩ ngô nghê cứ cho ăn thật nhiều là chim sẽ lớn. Thế rồi chim chết vì bội thực. Sáng ra ôm chim con khóc, hiểu rằng mình đã chẳng biết cách yêu. Vậy ra, bước vào đời, yêu là cần biết chăm sóc là như thế nào. Yêu không phải là cố chấp bắt đối phương nhận thứ mà ta cho là tốt, đôi khi hóa ra lại là đớn đau. Yêu là quan tâm xem người ta thật sự cần gì, hơn là cho họ cái ta nghĩ họ cần
Có đứa trẻ, thì trèo lên tổ hái chim, có đứa trẻ thì bắt chuồn chuồn, có đứa trẻ thì bẻ cành cây non…Chúng có yêu không? Có đấy, thấy dễ thương nên yêu, nên vô thức muốn nó là của mình, muốn sở hữu những điều đẹp đẽ đó. Mà không nhận thức được rằng, khi ta mạnh hơn, nghĩa là ta có khả năng làm đau những gì bé nhỏ và yếu đuối hơn
Và vì, không ai dạy chúng, yêu là gắng đừng làm tổn thương điều ta yêu. Cho nên chúng lớn lên, cứ nghĩ giản đơn là, chúng đã từng làm điều này, và có thể tiếp tục làm điều đó
Ta chưa kịp học yêu, đôi khi đã phải học vụn vỡ. Đứa trẻ nào biết được yêu khi bố mẹ nó không biết yêu nhau? Đứa trẻ nào biết yêu lành mạnh là gì khi chỉ biết tình yêu là xung đột, là kiểm soát, là khổ đau? Đứa trẻ nào biết yêu là cho đi khi bố mẹ nó chỉ dạy về tình yêu vị kỷ? Và, đứa trẻ nào biết yêu Người khi còn chưa biết thương Thân?
Ta lớn lên tự hỏi mình tình yêu là gì? Xã hội liền nói với ta yêu là chiếm hữu, yêu là đòi hỏi, yêu là phải có cái này hay cái kia, yêu là phải có thêm và thêm nữa... Vậy là ta lao đầu vào yêu bằng lý trí, bằng cái đầu chỉ vì trái tim ta chất chứa những nỗi sợ hãi. Ta đã chẳng cảm nhận được hạnh phúc. Ta đã tự nhốt mình trong ngục tù của khái niệm, của những lớp áo mỹ miều mà người kỳ vọng lớn nhất là chính mình.
Và thế là thay vì ta mang tình yêu thuần khiết thuở sơ khai đến cuộc đời để chứng minh mình là một phần của Đấng sáng tạo. Ta lại mang những mô thức ta học được xung quanh để yêu trong vô thức, yêu trong vô minh và mê muội
Ta những tưởng cứ yêu nhiều là nhiều trải nghiệm, là ta đã dày dặn kinh nghiệm ư. Đôi khi, ta chỉ đang trải qua những thứ na ná tình yêu đó thôi. Đôi khi, ta lạc loài vì đi hoài mà chẳng thể dừng chân đó sao?
Ngày nào ta có va chạm và tương tác với những mối quan hệ trong đời này. Vấp ngã và đứng dậy, mà ta không quán sát lại mình để nhận ra và hiểu ra, ngày đó ta vẫn còn phải học yêu thêm nữa. Mà đôi khi, cuộc đời quá ngắn lại chẳng thể đợi chờ ta khôn lớn và trưởng thành
Trưởng thành k có nghĩa là phải khổ đau mất mát. Nhưng khổ đau mất mát giúp ta trưởng thành hơn, nếu ta biết lắng lòng lại nhìn mình
Ngày nào, ta biết thương mình chẳng thể chịu được những buồn phiền đó. Thì cũng biết thương Người đã “không biết yêu”, hoặc không được ta “yêu”
Bởi vậy, nếu ta hiểu hành trình từ lúc mình sinh ra tới giờ. Sẽ thôi đừng trách mình vì đã không biết yêu. Vì có ai sinh ra đã biết yêu? Người ta chỉ có thể biết yêu hơn một khoảnh khắc khi người ta chịu nhìn vào bên trong mình thêm một khoảnh khắc mà thôi
(Lưu ý: nếu bạn định xem phim thì xem xong hãy đọc nhé) “Người vĩ đại không tìm kiếm sự lãnh đạo. Mà họ được kêu gọi, và họ đáp lại” “Sợ hãi giết chết tâm trí. Sợ hãi là cái chết nhỏ mang đến sự phá hủy hoàn toàn. Ta sẽ đối mặt với nỗi sợ và để nó đi khắp người rồi xuyên qua ta. Và khi nó đi qua, ta sẽ xoay con mắt bên trong để nhìn đường đi của nó. Ở những nơi nỗi sợ đi qua chẳng còn gì cả. Chỉ còn lại chính ta”(bạn có thể đọc thêm bài viết này của mình để hiểu thêm: https://www.facebook.com/share/YvYdzfYwe22trJDw/?mibextid=WC7FNe) “Bí ẩn của sự sống không phải là một bài toán cần giải. Mà là một thực tại cần trải nghiệm. Không thể thấu hiểu một quá trình bằng cách bắt nó ngừng lại. Ta phải xuôi theo dòng chảy của quá trình đó. Phải hòa vào nó. Và trôi cùng nó. Hãy buông bỏ. Buông bỏ” “Nắm giữ hương dược(tài nguyên) là nắm giữ sức mạnh” “Anh muốn kiểm soát người ta thì anh bảo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Vậy là người ta sẽ chờ vài thế kỷ” “Ta giết cha ngươi vì cha ngươi vẫn tin vào sự vận hành của trái tim. Nhưng, Cai Trị thì không cần đến trái tim” “Đàn áp chỉ khiến cho tôn giáo thịnh vượng” “Con khinh thường đội quân của ta. Không, cha xem thường sức mạnh của đức tin” “Nhà tiên tri. Người chỉ đường. Đó là các mô thức tôn giáo của chúng ta. Đây là cách làm của chúng ta” “Hãy bắt đầu(truyền Đạo) với những người yếu hơn. Những người dễ bị lay động. Người tin vào chúng ta” “Ta chờ sự tôn thờ để nắm giữ sức mạnh” (https://www.facebook.com/share/Q6W3eRnoeg1FNhvZ/?mibextid=WC7FNe) “Lẽ ra hành tinh này đã được thuần phục và giải phóng nguồn nước bị khóa bên dưới lớp cát. Quá trình đó đã bắt đầu nhưng rồi họ phát hiện ra Hương Dược(tài nguyên), và đột nhiên không ai muốn sa mạc biến mất nữa” “Paul phải chết đi để Kwisatch trỗi dậy(cái cũ phải chết đi để cái mới được sinh ra). Đừng sợ hãi. Đừng chống cự” “Khi tước đoạt một mạng người, cũng là tước đi sinh mệnh bản thân(nghĩa là đánh mất đi trái tim biết yêu thương)” “Arrakis phải được giải phóng bởi chính Người của mình” (ta chỉ có thể giải phóng bởi chính mình) “Anh cũng muốn được bình đẳng. Anh cũng muốn được như mọi người” “Hãy đơn giản. Hãy chân thật. Không màu mè” Để Nước Cuốn Đi