Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023
Chương 8: LÀM MẸ LÀ MỘT ĐIỀU THIÊNG LIÊNG
1.1 Đặc ân kỳ diệu gì được xảy ra với phụ nữ mà đàn ông không có?
Khi phụ nữ bắt đầu mang thai, có một sự thay đổi diệu kỳ tồn tại bên trong và bên ngoài cô ấy. Ở người bình thường, vòng hào quang – (vòng bảo vệ năng lượng- trường năng lượng cá nhân) có độ rộng tầm 1m. Nhưng ở phụ nữ có thai, do cô ấy đang mang trong mình một nguồn năng lượng thuần khiết – năng lượng của đứa trẻ - của bản chất con người – năng lượng sơ sinh và sơ khai. Cô ấy tỏa ra vòng hào quang trung bình 2m và có thể kéo dài tới 4m. Cho nên, cô ấy được bảo vệ khỏi tất cả thực thể, rung động thấp và làm hại tới mức tối đa
Có một sự thay đổi bên trong cô ấy. Tử cung cô ấy bắt đầu mở rộng để có chỗ chứa cho bào thai. Các vị trí nội tạng thay đổi, xương cụt mở rộng, lưng cong về phía sau, bàng quang bị chèn ép xuống bên dưới…mục đích để dành toàn bộ sự thoải mái cho em bé. Cô ấy hy sinh điều đó, bên trong cô ấy hy sinh điều đó, nhưng cô ấy không cảm thấy phiền, cô ấy cảm thấy hạnh phúc. Cô ấy bắt đầu chạm tới “tình yêu vô điều kiện”.
Loài người mất rất nhiều thời gian và tâm sức để học về tình yêu. Phụ nữ được ban cho bản năng sở hữu cảm giác hiểu về “tình yêu vô điều kiện”. Đó chính là lý do mà người mẹ luôn yêu con mình. Đó chính là lý do mà đứa con dù có ra sao, người mẹ vẫn luôn yêu con của mình. Cô ấy đã học được điều đó, mà không cần phải cố gắng
Mang thai là một cơ hội cho người phụ nữ được chữa lành. Bởi thứ duy nhất có thể chữa lành là tình yêu vô điều kiện, tình yêu thuần khiết. Cho nên mọi phụ nữ không biết yêu trước đó, sau khi mang thai, có cơ hội học về tình yêu. Đó chính là lý do cô ấy cảm thấy yêu thương tràn ngập trong trái tim, cô ấy cảm thấy trái tim mình rung cảm, cô ấy bắt đầu nhìn xuống bụng mình với sự trìu mến và ấm áp. Cô ấy bắt đầu chú ý chăm sóc, yêu thương bản thân nếu trước đó cô chưa biết. Luân xa 4 – luân xa trái tim của cô được kích hoạt mạnh mẽ, hoặc chữa lành, hoặc chạm tới trạng thái tràn ngập tình yêu
Khi mang thai, người phụ nữ cảm thấy mình có sức mạnh, một sức mạnh nội tâm mà cô ấy không giải thích nổi. Cô ấy đang mang trong mình sự sống. Cô ấy tạo ra sự sống. Cô có cảm giác một điều kỳ diệu đang cựa mình và tách ra khỏi hạt, đang vươn lên tràn đầy nhựa sống và tinh khôi. Một điều kỳ diệu đang được bản thân ấp ủ. Cô ấy cảm thấy bản thân mình kỳ diệu, cảm thấy quyền năng và trở thành Đấng Tạo Hóa
Cô ấy bắt đầu học giao tiếp. Cô trò chuyện với đứa trẻ bằng ngôn ngữ của tình thương. Luân xa 5 – luân xa cổ họng của cô bắt đầu được kích hoạt và chữa lành nếu nó có tắc nghẽn. Sau đó, cô bắt đầu trò chuyện bằng thần giao cách cảm với con mình, cô cảm thấy con mình đang đói, cảm thấy con mình đang đòi hỏi điều gì đó, cảm thấy con mình đang khó chịu ở đâu,…và cô kết nối con mình bằng suy nghĩ và cảm nhận của mình. Khi một bông hoa bên đường hé nụ, cô mỉm cười, đứa bé trong bụng cô cảm nhận được điều đó. Đó chính là lý do mà mọi bà mẹ luôn hiểu và cảm nhận được con mình dù nó đã lớn bao nhiêu
Tại sao khi người phụ nữ mang thai, cơ thể họ lại dừng chu kỳ nguyệt san trong vòng 9 tháng. Nó không đơn thuần chỉ là cơ chế không rụng trứng vì trứng đã thụ tinh. Đó còn là bởi vì người mẹ tập trung toàn bộ máu huyết trong cơ thể mình, dồn toàn lực để nuôi dưỡng thai nhi. Đó còn là biểu hiện của cơ thể người phụ nữ hợp nhất với năng lượng của con mình và không cần biểu hiện trạng thái theo năng lượng của mặt Trăng, tính nữ của người phụ nữ đã đạt đến trạng thái cao nhất
Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ đang được sử dụng. Cô ấy được kích hoạt nguồn năng lượng nữ tính thiêng liêng của mình. Suối nguồn đang tuôn chảy. Cô ấy cảm thấy mình ôn nhu, mềm mại, tựa như dòng sông đang bao bọc chảy quanh triền đồi, ôm trong lòng vạn vật. Đó chính là lý do mà những người phụ nữ trước đó vụng về, có thể cộc cằn, vô tâm,…giờ đây, lại trở nên dịu dàng, yêu thương và nhẫn nại. Cô ấy bắt đầu kết nối với trực giác và cảm xúc của mình, thứ cô ấy luôn bỏ quên. Sự nhạy cảm, tính nhạy bén, sự thấu hiểu, khả năng rung động,…mọi thứ như vỡ òa. Cô chưa kịp chuẩn bị, điều đó khiến cô ấy bối rối. Người chồng không hiểu sao vợ mình trở nên nhạy cảm, dễ tức giận, không kiểm soát được cảm xúc… Cô ấy đang kết nối với nguồn năng lượng cảm xúc tuôn chảy và dồi dào trong mình, cô ấy chưa biết cách để kết nối với chúng
Khi người phụ nữ sinh con thuận tự nhiên (sinh thường), có một cú đẩy hai chiều từ lực rặn cuối cùng cho đứa bé ra ngoài và tạo ra dòng năng lượng vọt mạnh vào bên trong, đi từ luân xa 2 lên luân xa 4, ở một số người, lực đẩy chạy lên luân xa 5. Tạo thành một dòng chảy thông suốt và giải phóng những tắc nghẽn còn lại cho người phụ nữ.
Cô ấy bắt đầu cảm nhận được sự tái sinh. Đúng vậy, thai nghén là một quá trình ấp ủ, nuôi dưỡng, tạo ra, và tái sinh. Mọi chu kỳ trong vũ trụ đều tuần hoàn theo cách đó. Như cái cây, như đám mây, như giọt nước….Người phụ nữ mất rất nhiều máu, hoocmon cô ấy thay đổi, thể trạng thay đổi, cô ấy cũng trải qua những cảm xúc tuôn chảy vô vàn, cô ấy chịu đựng và chấp nhận, yêu thương không bác bỏ, cô ấy đối mặt với sự thay đổi bên trong thể trạng và tinh thần. Cô ấy đang sinh ra con mình hay đang cảm thấy sinh ra một lần nữa?
Đồng thời, cô ấy học bài học lớn nhất của con người: “CƠN ĐAU”. Lúc này đây, cô ấy đang đau cơn đau chuyển dạ. Cơn đau không hề đáng sợ, bởi sự đau đớn là một phần của cơ thể, một phần của trạng thái tự nhiên, khi ta sống trong cơn đau, chấp nhận nó ở mức cao nhất, nương tựa vào hơi thở, hòa làm một vào nó, đó là trạng thái cao nhất của sự chấp nhận, đó là bài học mà Tạo Hóa muốn chúng ta hiểu. Khi đi qua được cơn đau đó, ta tái sinh, người phụ nữ cảm thấy mình tái sinh. Cô ấy được chữa lành, cô ấy hiểu về tình yêu, cô ấy sống trong tình yêu, cô ấy hiểu về sự chấp nhận, cô ấy thả lỏng, cô ấy đã chảy trôi mọi cảm xúc, cô ấy nói lên ngôn ngữ của mình. Giờ đây, cô ấy đẹp như một con người mới, hoặc đó là con người cô ấy vốn là, bản chất nguyên thủy của mình. Vậy nên, người ta nghĩ rằng “gái một con trông mòn con mắt”
Khi đứa trẻ bắt đầu cất lên tiếng khóc. Nó là những âm thanh không phải ngôn ngữ, tiếng “oa oa oa” gần với âm thanh chủng tự Om, âm thanh nguyên thủy của Vũ trụ. Cô ấy lắng nghe nó, cô ấy không thấy phiền, cô ấy như kết nối lại với Nguồn cội, âm thanh của chính mình. Cô lập tức ôm đứa trẻ vào lòng, đó là bản năng của yêu thương. Khi đứa trẻ tự tìm vú mẹ, cô ấy sẵn sàng, cô có đủ để cho đi. Một cách tự nhiên, không phải là trạng thái cảm thấy thiếu thốn ở con người, người mẹ cảm thấy ta luôn đủ đầy để cho đi.
Ở hai đầu vú có hai luân xa tương ứng. Nó kích hoạt cảm giác về cảm xúc, và đó là lý do bầu ngực của người phụ nữ rất nhạy cảm. Nhưng lúc này, cô ấy đang dành những điều đẹp đẽ nhất cho con mình. Luân xa ở hai bầu ngực kết nối với lx2 tạo nên cảm xúc dâng trào, cảm giác của người mẹ, của tính nữ thiêng liêng. Sau đó, nó kết nối với lx4, trái tim cô rung cảm và yêu thương vô bờ. Đó là lý do khi cho con bú, người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc. Tình yêu và sự hạnh phúc đó truyền sang đứa con một cách tự nhiên, khiến cho mọi em bé chỉ muốn nằm trong lòng mẹ, được mẹ cho ti, được áp đầu của mình lên trái tim mẹ, được yêu thương, ôm ấp, âu yếm và dịu dàng
1.2 Khi mẹ mang thai con sẽ nhận được điều gì?
Tử cung của một người phụ nữ chỉ có thể đón nhận(hình thành sự thụ thai) một đứa trẻ khi về cơ bản, nó khỏe mạnh hoặc không bị ô tạp, không nhiễm năng lượng tối, không bị tổn thương nặng nề. Về cơ bản, một linh hồn bước qua cánh cửa để đưa sự thuần khiết vào trong một thể sống, yêu cầu tử cung của người mẹ đảm bảo được sự lành mạnh, sạch và khỏe khoắn nhất định
Khi một người mẹ mang thai, em bé không chỉ lấy máu, dinh dưỡng và oxy từ máu huyết của mẹ. Em bé cũng không chỉ lấy sức khỏe từ mẹ. Em bé sẽ thừa hưởng toàn bộ tinh thần - tâm linh của người mẹ
Em bé ảnh hưởng rất nhiều từ tâm thức và tinh thần của mẹ, cái mà sẽ theo em về sau này và định hình tâm thức em khi bước vào cuộc sống, có an lành hay không. Ngoại trừ những đứa trẻ có sẵn cho mình một tâm thức gieo trồng từ kiếp trước, những đứa trẻ khác sẽ sống bản năng theo những gì em được gieo trồng và thọ nhận từ người mẹ
Người mẹ phát triển tâm thức của mình tới đâu, những đứa trẻ sẽ nhận được tương ứng. Sự đau khổ của mẹ, tổn thương trong mẹ, nỗi sợ của mẹ, sự lo lắng và bất an của mẹ, lòng tham hay sự tức giận của mẹ… đều sẽ truyền hết sang con ngay từ trong bụng. Ngược lại, lòng trắc ẩn, sự bình an, tình thương và hòa bình nội tâm…nếu mẹ có, con cũng sẽ an nhiên thừa hưởng, không cần đợi tới khi sinh ra
Đó chính là lý do cho vòng lặp gia đình. Đứa trẻ nhận rất nhiều nỗi sợ, sự bất an, thừa kế từ mẹ mình, sau đó không thể bình an trong gia đình, xã hội mà nó lớn lên. Em vô thức đuổi theo và sống theo những gì được gia đình, xã hội lập trình
Người mẹ muốn đạt tới những trạng thái thăng hoa của việc mang thai, cảm thấy tất cả sự kỳ diệu và suối nguồn tính nữ và sự sống chảy bên trong mình, cảm thấy được tình yêu vô điều kiện nảy nở và tồn tại lành mạnh bền vững, họ phải cho phép sự chữa lành được xảy ra, sự chuẩn bị được xảy ra trước khi có em bé một cách vội vàng
Họ cần nắm bắt cơ hội được sinh con như là thưởng thức một phép màu của tạo hóa, một bản nhạc kỳ diệu của tạo hóa. Sinh con không phải là một điều bắt buộc, không phải là một kết quả bản năng đơn thuần sau một cuộc dục tính gần gũi thân mật. Chúng ta đã coi thường và hạ thấp điều đó. Tình dục là một điều thiêng liêng. Mang thai là một “phúc lành”
Hầu hết phụ nữ chỉ sử dụng tử cung khi mang thai. Không phải như vậy. Họ cần kết nối lại bản chất nguyên thủy tính nữ của mình, bằng cách xây dựng lại tâm thức, chữa lành cho chính mình. Họ cần sống đúng bản chất của mình. Yêu thương bản thân vô điều kiện. Để cảm nhận được mọi cung bậc cảm xúc trong trẻo và đẹp đẽ của tính nữ thiêng liêng, của sự hiện diện, của tình yêu và tính quyền năng bởi sự xuất hiện của bản thân
1.3 Tại sao phụ nữ thời nay lại khó có khả năng sinh con?
Con người thường đi tìm phần ngọn để giải quyết mà không đi chữa triệt để phần gốc. Rất nhiều người ở thế kỷ hiện đại khó có con thay vì đi thay đổi phần gốc, chăm sóc lại sức khỏe thì lại đi ivf, thụ tinh nhân tạo, cố gắng tạm thời, cố chấp có bầu nhưng rồi lại sa sảy, con sinh ra yếu ớt hay quấy khóc ốm đau, đó là bởi cái gốc là cha mẹ không khỏe, thì làm sao có con được
Rất nhiều phụ nữ thời nay khó có con, dễ sa sảy, thai lưu, không có tim thai, thả bầu mãi không dính…là bởi vì 2 nguyên nhân chính:
Thai nhi được tạo ra từ tinh cha huyết mẹ. Nghĩa là gì. Tinh trùng của cha phải đảm bảo được khả năng thụ tinh. Rất nhiều người đàn ông đi khám thì tinh trùng đứt đầu đứt đuôi. Nguyên do là vì người cha có chất lượng tinh trùng kém. Chất lượng tinh trùng kém đến từ việc sức khỏe sinh lý người cha không tốt, thận dương kém do chế độ ăn uống sai cách/sinh hoạt không điều độ, làm việc/căng thẳng quá mức, do sử dụng nhiều alcohol từ bia rượu hoặc chất kích thích thường xuyên như thuốc lá,…Trường hợp đến từ nam giới thường không nhiều
Gọi là tinh cha vì đứa con chỉ cần tinh túy từ người cha. Nhưng huyết mẹ nghĩa là đứa con cần toàn bộ máu huyết của người mẹ. Nghĩa là người mẹ phải đảm bảo một cơ thể dồi dào máu huyết, khỏe mạnh hồng hào, ấm áp đủ đầy
Phụ nữ chủ về âm nên cơ thể rất dễ lạnh. Cộng thêm thể lực không bằng đàn ông, lại mất máu hàng tháng. Phụ nữ cũng tượng trưng cho sinh vật cảm xúc, hay suy nghĩ nhiều nên uất gan, lo lắng nên đau/trào ngược dạ dày rồi kéo theo thận hư…Máu huyết một là không đủ, hai là tắc nghẽn, gây ra lưu thông kém, không đủ dưỡng tử cung làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Tử cung được mệnh danh là tổ ấm. Không ai gọi tử cung là tổ lạnh. Nhiệt độ tử cung phải ở mức ấm áp, đủ nhiệt. Cũng giống như sự sống im lìm trong mùa đông và chỉ có thể sinh ra trong mùa xuân. Cái lạnh khiến mọi thứ đóng băng còn cái ấm làm sinh sôi nảy nở vạn vật vậy.
Nhiệt độ ấm áp và ổn định thì mới tạo ra môi trường lý tưởng cho trứng và tinh trùng thụ thai. Trạng thái lạnh lẽo và không đủ sinh nhiệt thì làm sao sự sống có thể tạo ra và phát triển? Thai nhi cần cung cấp máu huyết và oxy liên tục. Nghĩa là mẹ phải dồi dào máu, cơ thể và tử cung ấm áp và không có tắc nghẽn bên trong để lưu thông khí huyết đẩy về tử cung cho con
Phụ nữ ngày nay hầu như tử cung bị lạnh nên khó có khả năng có con. Tử cung lạnh vì những nguyên nhân nào:
Thứ nhất phụ nữ ngày xưa chỉ dùng bếp củi, để nấu bếp củi thì họ ngồi xổm, ngồi lên cái ghế đòn. Tư thế đó khiến hai chân mở và vùng bụng(nhất là bụng dưới- tử cung) được sưởi ấm liên tục. Phụ nữ ngày nay chỉ dùng bếp từ, thậm chí còn không dùng bếp gas (hoặc bếp gas cao nên tác động vùng bụng dưới ít)
Thứ hai là ăn uống. Người thời xưa không có tủ lạnh nên phụ nữ không biết uống nước đá, uống trà sữa, ăn kem,…là gì? Dạ dày có nhiệt độ cao nhất cơ thể, vì nơi đó cần nhiệt để tiêu hóa làm mềm thức ăn, ăn uống đồ lạnh làm cho dạ dày và tử cung ở trong trạng thái không duy trì được nhiệt độ cơ bản, còn phải vận nội công đẩy máu về để làm ấm. Phụ nữ phải tuyệt đối tránh xa nước lạnh, và hạn chế ăn uống đồ âm hàn, người đang âm hàn tuyệt đối không được ăn đồ âm
Không chỉ ăn đồ lạnh. Mà còn ăn uống mất cân bằng. Người ngày xưa họ chú trọng ăn uống cân bằng âm dương. Người Việt Nam khi ăn rau cải tính âm thì đập thêm củ gừng tính dương cho cân bằng, trời lạnh thì tăng cường ăn củ khoai củ sắn cho ấm áp,…Nhưng mà phụ nữ thời nay thì uống nước ép, ăn trái cây tính âm thường xuyên, ăn rau tính hàn, ăn vị tính âm…Người nào khỏe, tính dương sẵn thì không ảnh hưởng (số lượng ít). Người nào sức khỏe bình thường lâu dài sẽ ảnh hưởng. Người nào sức khỏe yếu thì càng ngày càng yếu
Thứ ba là ăn mặc. Phụ nữ thời xưa do quan niệm hà khắc mà ăn mặc chú trọng, có nơi thì hiểu biết về sức khỏe nên cẩn thận giữ ấm các vùng cơ thể. Phụ nữ tính âm là cơ thể vốn dễ nhiễm lạnh, ăn mặc không nên phong phanh và thường xuyên, nhất là những ngày lạnh hoặc quá nóng
Thứ tư là vận động. Vận động bao gồm việc tập luyện cho cơ thể, tiếp xúc với thiên nhiên và nhận năng lượng tính dương. Phụ nữ thời xưa vận động nhiều do xuất thân vốn nông dân, thường xuyên làm đồng áng và không có phương tiện đi lại nên thường đi bộ. Thường xuyên đi chân đất làm việc (nối đất, tiếp xúc với đất) và phơi nắng (làm việc dưới ánh mặt trời). Cơ thể được sinh nhiệt, đẩy hàn, tăng tính dương nên người dễ ấm nóng
Thứ năm là sinh hoạt. Người thời xưa không có điện, không cần đồng hồ, sinh hoạt khá chú tâm theo giờ giấc tự nhiên của mặt Trăng mặt Trời. Đêm xuống(mặt trời tắt) là đi ngủ. Người thời nay không chỉ thức khuya, còn làm việc xuyên đến qua giờ nội tạng được nghỉ ngơi. Cơ thể không đủ nhiệt để tái tạo máu, tái tạo tế bào. Chưa kể tắm đêm, sinh hoạt tình dục vô độ,…thận yếu thì bào mòn gốc năng lượng, ngăn cản khí huyết lưu thông vùng lưng, cột sống và bụng, lên toàn bộ cơ thể và gây ra hàn lạnh
Máu huyết không đủ, lưu thông không tốt là do những nguyên nhân trên, và vì không đủ lưu thông không tốt nên không làm ấm được tử cung. Để cải thiện lại máu huyết ta cần xem tỳ vị(dạ dày) đã hấp thu tốt thức ăn chưa, xem đầu vào thức ăn thức uống ra sao, xem tinh thần có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và xem lại 5 mục trên để xây dựng lại cho bản thân cái gốc của sức khỏe, tốt cho mình rồi mới tốt cho con được
1.4 Ngôi nhà ấm áp và an toàn nhất tôi từng được ở là trong bụng mẹ
Mọi đứa trẻ nhớ cảm giác đó. Con người lớn lên đều thiếu cảm giác an toàn dù ít hay nhiều. Bởi vì chúng ta đã rời khỏi bụng mẹ. Nơi đó an toàn và ấm áp đến mức chúng ta cảm thấy mình chưa từng phải đối mặt với những hiện thực và khó khăn của cuộc sống. Đó là lý do mà con người càng thiếu an toàn, thì càng đi tìm những thứ bên ngoài, hoặc làm những điều gì đó trong cảm giác sợ hãi
Chính xác hơn. Khi ta rời khỏi bụng mẹ. Ta đã không cảm nhận được sự bảo bọc thuần khiết của mẹ nữa. Mẹ của ta quên đi cách dung dưỡng ta trong tình yêu khi bà mang thai ta. Bà quay trở lại cuộc sống. Hòa tan vào cuộc sống. Trong những tâm tư và khó khăn, suy nghĩ của riêng bà và đồng hóa đó là mình. Bà tiếp tục mang theo những gánh nặng trên vai về tinh thần cũng như thể chất. Bà đã quên đi việc bà mang trong mình điều kỳ diệu và trở nên kỳ diệu. Bà không biết phải yêu thương ta như thế nào, nuôi dưỡng ta trong tình yêu thuần khiết ra sao. Vì bà đã bỏ quên việc yêu thương bản thân mình
Ta đừng trách bà vì thực ra, dây rốn chỉ bị cắt đứt ở mặt vật lý. Ở mặt năng lượng, ta vẫn đang kết nối với bà qua sợi dây linh hồn.
Tuy nhiên việc rời khỏi bụng mẹ là một sự thuận tự nhiên. Không ai có thể ở lại mãi trong bụng mẹ. Mẹ của ta cũng đã phải rời khỏi bụng của mẹ bà để đi vào cuộc sống. Nếu chúng ta không bước vào cuộc sống, chúng ta không thể biết điều gì làm cho chúng ta cảm thấy mất an toàn, đâu là giới hạn của mình. Con người cần học bài học thứ khiến cho ta cảm thấy an toàn không chỉ là trong bụng mẹ, mà ta cần đối diện chính mình để học bài học tự thân nội lực vượt qua khỏi mọi rào cản. Ta cần tự trả lời cho mình những câu hỏi như vì sao tôi cần một ngôi nhà, vì sao tôi cần điều này hay điều kia,..tại sao nó mang tới cho tôi cảm giác an toàn? Nỗi sợ nào trong tôi cần được nhìn nhận và gỡ bỏ?
Ta không sinh ra để ở trong bụng mẹ. Ta là sự tiếp nối, giống như mẹ ta hay con ta. Ta là sự tiếp nối của cha mẹ, của tổ tiên, của hoa lá cỏ cây, ánh sáng không khí… và ta liên kết với vạn vật trong một hành trình dài bất tận nhưng vô cùng ý nghĩa, vô cùng yêu thương
1.5 Sợi dây linh hồn giữa mẹ và con
Không phải tự nhiên mà mẹ và con lại kết nối với nhau qua dây rốn, đó là một hình ảnh vật lý mà mắt thường có thể nhìn thấy được. Dây rốn có thể cắt để đứa bé bắt đầu bước vào cuộc sống, nhưng ý nghĩa sâu thẳm của nó là sợi dây linh hồn giữa mẹ và con sẽ không bao giờ có thể chia cắt
Sợi dây linh hồn đó chính là dòng chảy trực giác kết nối vũ trụ với con người, kết nối sự sống và cái chết, kết nối tâm thức và thực tại. Thông qua một sợi dây, ta kết nối với vũ trụ bên trong ta, nguồn sống bên trong ta, tri thức bên trong ta và tri thức của vũ trụ. Đó là điều chúng ta cần phải nhớ
Mẹ không chỉ là biểu tượng ở thể vật lý của con người. Mẹ chính là một Nguồn Cội, mọi chúng ta đều đến từ Nguồn, đều đến từ mẹ. Đều mang trong mình ánh sáng của tình yêu và sự thuần khiết đủ đầy, trọn vẹn. Khi nào ta còn kết nối với Nguồn Cội từ bên trong, ta còn kết nối với bản chất nguyên thủy của mình, tràn đầy tình yêu và sự sống bất tận
Con người đau khổ vì họ mất kết nối với Nguồn, nghĩa là mất kết nối với tình yêu thuần khiết bên trong mình, họ làm mọi thứ không phải vì yêu mà vì sợ hãi. Nếu như mẹ không thể mang tới cho ta tình yêu thật sự vì Người chật vật đi tìm tình yêu, thì ta phải tự kết nối lại với chính ta, từ đó sợi dây linh hồn giữa mẹ và ta sẽ giúp cho mẹ ta cũng được chữa lành
Sợi dây linh hồn đó cũng biểu hiện cho việc dù ta ở đâu, ta làm gì, ta thay đổi ra sao… Mẹ và ta vẫn luôn kết nối với nhau. Mẹ luôn yêu thương ta dù bà đang hiện diện ở hình tướng nào, biểu hiện ở trạng thái ra sao như là làm ta tổn thương, chưa thấu hiểu cho ta… nhưng sâu thẳm bên trong, bà luôn yêu ta bởi thông qua ta, bà đã học được tình yêu vô điều kiện. Hãy nhớ rằng, nếu mẹ ta giận dữ, là bởi bà đang còn đau khổ, bà đang mang trong mình những nỗi đau chưa được chữa lành. Hãy kết nối với Nguồn cội bên trong bạn, chữa lành nỗi khổ niềm đau trong bạn, sợi dây linh hồn sẽ tự làm việc của nó
1.6 Làm mẹ thể hiện cho việc kết nối các thế hệ
Bạn biết hình ảnh khi một người phụ nữ mang thai cụ thể là bà bạn chứ. Bà đồng thời mang thai mẹ bạn và một trong những quả trứng trong buồng trứng của mẹ bạn chính là bạn. Nghĩa là bà mang thai mẹ và thai nghén cả bạn. Đó là biểu tượng của việc sự kết nối gần gũi và tâm linh dù là ở mặt thể chất. Bà mang trong mình mẹ và bạn, và bạn có trong mình dòng máu của mẹ và bà bạn
Khi bạn làm mẹ, điều đó không chỉ là sợi dây kết nối với con của mình, mà còn là sợi dây kết nối với chính cháu bạn, và nhắc cho bạn nhớ về sợi dây kết nối với bà và mẹ bạn. Đó là một sợi dây kết nối và xuyên suốt không thể tách rời
Hạnh phúc, niềm vui và nhận thức của bạn ngày hôm nay, chính là hạnh phúc, niềm vui và nhận thức mà con cháu bạn sẽ nhận được, đồng thời sự chữa lành của bạn ngày hôm nay, sẽ là sự chữa lành sâu sắc bên trong cho mẹ, bà và cả tổ tiên bạn. Vậy nên, bạn là người tạo ra hạnh phúc cho chính mình, thì mới có thể tạo ra hạnh phúc trong chuỗi kết nối đó. Sống cho chính mình mới tạo ra hạnh phúc cho bạn chứ không phải sống cho người khác cụ thể là nỗi sợ trong bạn.
Ngoài ra, sợi dây kết nối đó tạo ra một sự yêu thương trìu mến vô bờ từ ông bà bạn dù mẹ bạn mới là người thai nghén bạn. Đó là bởi tổ tiên bạn, bà bạn đã tạo ra bạn ngay từ khi tạo ra mẹ bạn. Vậy nên, con bạn là một cơ hội để bạn và cha mẹ, tổ tiên bạn kết nối lại với nhau nếu trước đó chúng ta có những khúc mắc chưa được giải quyết. Hãy cho con bạn được đến gần ông bà để nối lại sự kết nối đó
1.7 Tại sao mang thai tăng cân mà con vẫn gầy hoặc quá mập?
Có rất nhiều hiểu lầm rằng mẹ mang thai thì phải ăn thật nhiều và phải ăn cái này hay cái kia mới đủ chất cho con. Sau đó có nhiều bà mẹ ăn rất nhiều và nói rằng thức ăn không vào con mà vào mình nên bản thân bị béo phì
Thực ra thai kỳ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là 3 tháng đầu tiên, em bé thật sự không cần ăn gì mà lúc này sẽ chủ yếu nhận năng lượng từ mẹ, thông tin dữ liệu sống của gia đình và kế hoạch cuộc đời mình, mã hóa DNA và tổ chức sắp xếp sàng lọc thông tin, cũng như hòa hợp với năng lượng của toàn thể vật chất xung quanh – những cái mà linh hồn cần phải thu nhận khi bắt đầu lại với một sự chuẩn bị hình hài mới. Cho nên lúc này, mẹ càng ăn càng cảm thấy buồn nôn, càng không lắng nghe cơ thể mình thì càng khó chịu và nôn nao. 3 tháng đầu tiên, thực chất không cần ăn quá nhiều
Giai đoạn tiếp theo là 3 tháng giữa, là chu kỳ cần ăn uống theo nhu cầu của bản thân
Và 3 tháng cuối, là lúc mà mẹ bầu cảm thấy rất thèm ăn và muốn ăn cả thế giới, lúc này cần ăn uống rất nghiêm túc, xem trong dinh dưỡng của mình đang thiếu cái gì mà lại bị kích hoạt việc thèm ăn và dư cái gì để hạn chế lại
Lý do cho việc thèm ăn ở mẹ bầu và bản chất của việc ăn sao cho không bị béo phì nằm ở nguyên do là:
Người mẹ có một cơ chế bản năng là dành tặng cho con tất cả mọi thứ bao gồm những gì tốt nhất của mình. Trong báo cáo thành phần sữa mẹ, sữa mẹ tự tổng hợp ra 4 nhóm dinh dưỡng gồm tinh bột, đạm, chất béo, đường, một số nguyên tố và vitamin với thành phần tuyệt đối. Nghĩa là bất cứ bà mẹ nào, béo hay gầy, quốc gia nào, cũng tạo ra lượng sữa với thành phần như vậy, định lượng như vậy
Khi mang thai, máu của mẹ sẽ tự tổng hợp đủ dinh dưỡng và đưa tới cho con. Nghĩa là mẹ gầy hay béo, mẹ là ai hay mẹ ăn gì, con cũng chỉ cần chừng đó. Trong trường hợp mẹ ăn quá nhiều thì đầu vào cho con cũng tăng theo mẹ, và ăn không đủ chất thì đầu vào cho con cũng không đủ mà mẹ lại cạn kiệt năng lượng
Ví dụ, cơ thể mẹ bình thường thiếu đạm, hoặc trong thai kỳ ăn ít đạm (dù là đạm thực vật hay động vật), con vẫn sẽ lấy nguồn đạm đó từ mẹ, dẫn đến mẹ thiếu chất đạm. Lúc này, mẹ chỉ phát ra tín hiệu là cảm giác thèm ăn nhưng không biết mình thiếu gì nên ăn rất nhiều tinh bột chẳng hạn. Con lại phát ra tín hiệu cần đạm, mẹ lại tiếp tục ăn tinh bột, thành một vòng lặp
Và nếu như bình thường mẹ là một người thiếu máu, nghĩa là thiếu chất. Mẹ sẽ mang thai dễ mệt mỏi và sau thai kỳ sẽ suy giảm sức khỏe rất nhiều do con đã lấy hết dinh dưỡng từ mẹ
1.8 Tại sao sau khi mang thai cơ thể mẹ lại yếu hơn?
Như mục 1.7 mình đã viết, người mẹ mang bản năng hy sinh mọi điều cho con mình. Nhưng quên mất một điều rằng, cần phải yêu thương và chăm sóc cho mình tốt thì mới có thể dành tặng điều đó cho con
Phụ nữ ngày nay, trước kỳ sinh nở không chuẩn bị cho mình được một sức khỏe tốt, ít vận động do tính chất công việc ngày nay, hoặc suy kiệt sức khỏe vì làm việc nhiều, tính âm nên dễ hàn lạnh xâm nhập và cơ thể, tử cung lạnh từ ngày còn trẻ, cho nên khi mang thai và cho con ti là đã mất đi rất nhiều năng lượng và sức lực cho con mình
Sau khi sinh con, thường không giữ gìn, không kiêng nước kiêng gió, kiêng lạnh kiêng việc nặng, che chở bản thân chu đáo, đi làm sớm hoặc một số đi ra ngoài vui chơi sớm, tắm rửa ăn mặc phong phanh, không ý thức hoặc học hỏi chăm sóc cơ thể nên càng hàn lạnh. Phong hàn xâm nhập thì đau nhức mình mẩy, đau hông đau xương cổ vai gáy
1.9 Sinh con sao cho thuận tự nhiên?
Sinh con thuận tự nhiên là chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một tinh thần sẵn sàng và tình yêu thương bản thân thật nhiều để kích hoạt bản năng làm mẹ một cách trí tuệ
Sinh con thuận tự nhiên là con tới với mình là do duyên. Đừng mang thai khi lòng lo lắng, hối thúc về việc phải có con; hay sốt ruột vì làm sao phải có con; hay mong con là con trai hay con gái rồi từ đó tự mình quyết định giới tính của con thông qua các biện pháp can thiệp từ bên ngoài. Như thế là phản tự nhiên
Đừng xem ngày giờ năm tháng sinh con. Con sinh ra không phải để làm cho bố mẹ trở nên thành công. Con cũng không phải sinh ra để thành công cho bố mẹ hạnh phúc. Nếu bố mẹ không tự thân thành công, thì ai có thể giúp được bố mẹ, nếu đó là điều thật sự bố mẹ muốn? Nếu bố mẹ không tự thân hạnh phúc, thì ai có thể mang tới hạnh phúc cho bố mẹ, ngoài chính bố mẹ ra? “Con là hạnh phúc, con là món quà”, chỉ đơn giản vậy thôi
Chỉ sinh mổ khi tới cuối không còn biện pháp nào tốt hơn. Khi sinh mổ, mẹ bị cắt đứt 8 đường kinh mạch ngang bụng, và rạch qua hơn 5 lớp cơ thể để có thể mang con ra ngoài. Điều này ảnh hưởng lên mẹ rất dài lâu, khiến cho mẹ đau cột sống, đau xương khớp, sức khỏe và miễn dịch suy yếu, máu huyết không lưu thông được như trước, mất rất nhiều thời gian để phục hồi
1.10 Đừng để cuộc sinh nở trở thành nỗi ám ảnh
Cuộc sinh nở của người phụ nữ, lẽ ra là một trạng thái thăng hoa và đi vào cơn đau bằng tình thương và hạnh phúc. Bằng mọi giác quan và sự hiện hữu mà vũ trụ ban cho, lại trở thành một trong những nỗi sợ ám ảnh cả cuộc đời
Tư thế sinh tốt nhất cho mẹ không phải là nằm. Tưởng tượng nếu “đi nặng” bạn nằm có dễ rặn không? Tư thế sinh tốt nhất cho mẹ là những tư thế ôm bóng, nằm trong nước, ngồi xổm kiểu chiếc ghế…
Mẹ phải được chăm sóc bởi một bàn tay dịu dàng và nhẫn nại, từ tốn và yêu thương. Mẹ cần được nằm trong không gian thư giãn và được người chồng bên cạnh, yêu thương và chăm sóc
Vì mẹ là người mang thai nên mẹ có quyền yêu cầu cuộc sinh nở diễn ra theo ý mẹ, trong sự an toàn, tin tưởng và êm ái, nhẹ nhàng hết sức
Mẹ cần trang bị cho mình kiến thức sinh nở từ những người sinh con từ ngày xưa, khi mà các bà các mẹ chủ yếu được sinh con và bà đỡ tại nhà. Mẹ cần phải tìm đọc những cách thức sinh con khác bên ngoài kia, ở một số nước phát triển (theo hướng không đau đớn, nhẹ nhàng và bình an). Như thế nào là dấu hiệu của cơn đau đầu tiên, như thế nào là nước ối rò, như thế nào thì các đốt xương cụt báo hiệu cho việc mấy tiếng nữa sẽ sinh, như thế nào là dấu hiệu cho việc chuyển dạ, như thế nào là giai đoạn mở tử cung, thực chất của thai kỳ phải sinh đúng ngày chỉ định là 40 tuần hay du di từ 38-43 tuần, tuổi thai là cộng trừ 2 tuần vì bạn không biết chính xác là thai được thụ tinh vào thời điểm nào…Rất nhiều kiến thức mà mẹ là người sinh, vậy mẹ phải là người làm chủ cuộc sinh chứ không phải chỉ phụ thuộc vào bác sỹ
1.11 Nên chuẩn bị ít nhất 1-2 năm trước khi có con
Việc sinh con là việc mà lẽ ra phụ nữ cần dành cả cuộc đời để học. Nên được bắt đầu học ở tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh lý và sinh sản. Nhưng không có trường học nào dạy cho chúng ta những điều đó. Bạn cần ghi nhớ để có thể học hỏi và chăm sóc lại bản thân mình dù bạn bao nhiêu tuổi, sau đó dành tâm sức tâm huyết này cho những chị em con gái có duyên thọ nhận
Món quà tốt nhất mà người mẹ có thể dành cho con chính là sức khỏe của bản thân
Trong kiến thức người xưa, có hai thuật ngữ nói về sức khỏe của một con người là tiên thiên và hậu thiên. Hậu thiên nghĩa là sức khỏe của một người do chính người đó quyết định sau này, không liên quan tới cha mẹ. Giả sử một người sinh ra thừa hưởng sức khỏe tốt từ cha mẹ mà không gìn giữ, có lối sống vô độ hoặc ăn uống thất thường thì đó là sức khỏe họ tự tạo ra. Lúc này đây họ có thể quay về chăm sóc lại cho bản thân. Hậu thiên sẽ chữa dễ hơn tiên thiên, bởi vì sao?
Tiên thiên là sức khỏe mà một đứa trẻ sinh ra đã có sẵn, không thể thay đổi, nó sẽ phải mang theo hết cuộc đời hoặc chữa lành rất lâu, gọi là bẩm sinh, đến từ tinh cha huyết mẹ mà chủ yếu là người mẹ của mình. Nếu một người mẹ yếu ớt hoặc có vấn đề về sức khỏe thì khi sinh con ra, con sẽ thừa hưởng tất cả điều đó từ mẹ mình. Từ huyết áp thấp, máu huyết kém hay vấn đề về dạ dày, gan thận… sẽ thừa hưởng hết và kéo theo đó các bộ phận liên quan cũng suy nhược. Đó là lý do mà nhiều đứa trẻ sinh ra gọi là thế hệ F2 thậm chí còn yếu sức hơn cả thế hệ F1, vì nó đã thừa hưởng những điều kiện, hạt giống không tốt tới lần thứ 2. Vậy thì bạn đã hiểu được mấu chốt của vấn đề rồi chứ, dù bạn yếu ớt mà vẫn cố sinh con thay vì dưỡng lại sức khỏe, dưỡng lại tử cung của mình, thì con bạn sinh ra bé thì khóc quấy ốm yếu, người đó lớn sẽ rất vất vả để chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Về sức khỏe bạn cần xây dựng lại chăm sóc sức khỏe chủ động. Gìn giữ cơ thể nữ giới thiêng liêng. Giữ gìn tử cung ấm áp – tổ ấm tương lai cho con bạn – cho thế hệ hạt giống tiếp nối, cho những sinh linh có thể tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Ngày nay 90% phụ nữ gặp vấn đề với tử cung lạnh, máu huyết kém. Họ cần dành thời gian xem lại sức khỏe của mình, dành thời gian dưỡng lại tử cung, tìm hiểu kiến thức sức khỏe chủ động, thời gian kéo dài ít nhất 1-2 năm
Về tinh thần. Vì thân tâm là một không tách rời. Người phụ nữ vốn sinh ra với rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ suy diễn. Nếu bạn xác định mình sẽ có con, hãy dành thời gian quay về chăm sóc tâm hồn mình, nuôi dưỡng tính nữ của mình. Sống sao mà càng ngày càng cảm thấy an nhiên tự tại hơn, bình an và giản đơn hơn.Chữa lành cho nỗi khổ niềm đau trong mình. Hạnh phúc đến từ bên trong bạn cảm thấy, chứ không phải từ bên ngoài bạn nghĩ là
Phụ nữ cũng cần học về thai sản từ ngày còn trẻ, nhất là thai sản thuận tự nhiên. Không phải là bầu ăn gì, cho con nghe gì khi bầu… mà là học những kiến thức về sinh con ra sao, trong điều kiện nào, cơ chế mang thai, có những thay đổi gì theo tuần, theo tháng, những biểu hiện thai kỳ cho thấy điều gì, biểu hiện trước trong và sau khi sinh con là như thế nào, kinh nghiệm gì về việc sinh con từ những tri thức cổ xưa, vì sao người xưa có thể sinh tới 10 đứa con….? Rất nhiều và rất nhiều thứ mà bạn cần học, nhưng lại cần lắng nghe trái tim bạn mách bảo và điều này không đến từ những sách vở, những nhà tư bản muốn bán sản phẩm của mình ở thế kỷ hiện đại như sữa bầu, kem rạn da rồi vitamin/sắt/canxi này kia…
Mẹ nào cũng có sữa, đó là bản năng, nhưng vì sao mẹ không có? Sữa chính là máu. Máu huyết mẹ không đủ thì không có. Tinh thần mẹ hoang mang, lo lắng thì tắc nghẽn không đủ oxy đẩy máu đẩy sữa về cho con ti.
Bạn cũng nghiêm túc dành thời gian suy nghĩ về việc nuôi con sao cho bé được gần mẹ, đó là yếu tố tối quan trọng. Nuôi con mà đi từ gốc là sức khỏe thì không phải lo con ốm yếu. Nuôi con thuận tự nhiên thì có phụ thuộc thuốc hay hóa chất đi vào cơ thể không? Việc này đòi hỏi rất nhiều tâm sức, đó chính là nhiệm vụ, trách nhiệm của một người sẽ làm mẹ. Gần mẹ nghĩa là sao, là gần sự yêu thương, dịu dàng của mẹ, gần tính nữ thiêng liêng của mẹ. Mẹ sẽ ở cạnh con, đồng hành và dìu dắt con hay đưa con đến nhà trẻ cho người khác nuôi dạy con khi con còn chưa hiểu được về tình thương? Mẹ sẽ chỉ biết đưa thuốc vào miệng con khi con ốm hay tìm ra những phương pháp lành mạnh tốt nhất cho con? Bạn sẽ phải làm sao để ở cạnh con với tình thương vô bờ bến mà không cảm thấy khó khăn đến mức phải chạy trốn?
Có rất nhiều thứ mà bạn cần phải suy ngẫm, nghiên cứu, cần phải chuẩn bị và nghiêm túc nhìn nhận, nghiêm túc học tập và quyết định khi đón chào một sinh mệnh đến với thế giới này. Sinh con không phải chỉ là bản năng
Và đừng quên chia sẻ, san sẻ với người bạn đời của bạn. Chúng ta là một gia đình. Và anh ấy cần là người che chở, giúp đỡ và bảo vệ cho bạn, để đi đến việc sinh con trong trách nhiệm thiêng liêng, hạnh phúc và sẻ chia
Để Nước Cuốn Đi
About the Author
Để Nước Cuốn Đi / Blogger
Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét