Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023
CÓ MỘT ĐỨA TRẺ BỊ TỔN THƯƠNG
“Chúng ta đều là những đứa trẻ thương tổn mang thân hình của một người lớn”
Khi một bé gái lớn lên và luôn gắng chứng tỏ mình có thể cứng cỏi như một người đàn ông, có thể bố mẹ cô ấy đã khó chấp nhận được giới tính của con mình…
Một người luôn nghiêm túc và áp đặt, có thể trong tuổi thơ họ đã luôn bị cha mẹ mình trừng phạt, quy định và nghiêm khắc
Một người luôn kỳ vọng thật nhiều vào bản thân mình và người khác, có thể họ đã nhận được rất nhiều sự kỳ vọng thời thơ ấu
Một người luôn sợ hãi bị bỏ rơi, có thể vì họ đã bị bố/mẹ từ bỏ
Một người luôn cảm thấy một mình đáng sợ, vì họ luôn không nhận được sự quan tâm yêu thương từ bố mẹ mình
Một đứa trẻ dễ bạo hành những đứa trẻ khác, vì có thể nó luôn nhận đòn roi từ gia đình hay những người xung quanh mình
…
Chúng ta có thiên hướng hành động và suy nghĩ dựa trên những gì thời thơ ấu quan sát từ gia đình và những người xung quanh. Thậm chí, khi những đau đớn và tổn thương to lớn có thể gây ra một sự chấn động sâu sắc, tâm lý của chúng ta ít nhiều sẽ không thể vững vàng và dễ xáo động khi bước ra cuộc sống. Tệ hơn, nếu chưa được chữa lành, những vết thương theo năm tháng sẽ dễ mở rộng vì ta không thể chấp nhận được cuộc đời với một trái tim đang chưa lành lặn
Tại sao một trẻ thơ lại dễ bị nhào nặn đến thế. Bởi vì chúng quá trong sáng. Càng là những đứa trẻ trong sáng thì sẽ càng dễ xù xì. Bởi vì chúng tin vào tất cả những gì chúng thấy, chúng không biết cách bảo vệ mình, không thể học cách phân biệt điều gì là tốt cho mình, như thế nào là lành mạnh, như thế nào là một tâm hồn trù phú cái đẹp, chúng không biết thiết lập ranh giới, cũng không biết cách đối xử với những người xung quanh, thậm chí chúng không biết tình yêu là gì…
Khi có những thương tổn, chúng ta sẽ bước vào đời ra sao? Đầu tiên là việc đứt gãy và vỡ tan trong các mối quan hệ, gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống cũng như công việc, theo đuổi những định danh khác nhau, dễ tiến vào các mối quan hệ độc hại, không biết hành xử với bạn đời, dễ dẫn tới các trạng thái mông lung, chênh vênh và lạc lõng giữa cuộc đời…
Và sai lầm mà chúng ta thường gặp phải là trông chờ vào một cái gì ngoài kia có thể giúp đỡ mình. Trách móc những người đã làm ta thương tổn thực ra chẳng thể thay đổi được điều gì cho ta. Ta trông đợi vào một đối tượng cụ thể như bạn đời hay người yêu, những thú vui cuộc sống, vật chất đủ đầy, hay theo đuổi quyền lực và danh thế trong xã hội,… hay bất cứ cái gì mà ta cho rằng sẽ có thể bù đắp cho những thiếu thốn và khổ đau trong lòng ta, thì ta sẽ thất bại. Bởi sớm hay muộn, ta cũng sẽ cảm thấy khổ đau, và chẳng bao giờ có thể hài lòng. Vì hạnh phúc thật sự là tự trong lòng ta cảm thấy, nó không liên quan tới một cái gì ở bên ngoài. Nếu người khác cũng đang loay hoay trong hạnh phúc của họ, nếu người khác cũng bất ổn, họ sẽ giúp ta như thế nào; và nếu của cải vật chất hôm nay có nhưng ngày mai lại mất đi, ta sẽ nương tựa vào đâu đây?
Cái mà thật sự chúng ta cần đối mặt đó chính là bản thân mình. Khi ta sống với sự nhận biết, ta nhận ra những gì ta theo đuổi chính là những gì chúng ta thiếu/mặc định là mình thiếu. Chỉ khi nhìn sâu vào chính mình ta mới hiểu mô thức nào khiến ta trở nên như vậy, những phần tính cách suy nghĩ này có phải thật sự là của chính ta không. Ta có đang mặc định tất cả những ám ảnh này là chính mình?
Khi đối diện với chính mình. Việc đầu tiên là mình cho tất cả những cảm xúc được hiển lộ. Mà không phán xét hay phân tích chúng. Tất cả những cảm xúc mà ta mắc kẹt thời thơ bé sẽ luôn ở đó nếu chúng ta không công nhận chúng. Bạn có cố lờ nó đi, chôn chặt nó xuống hay tìm những niềm vui khác để thay thế hay lấp đầy, nó lại càng bị đè nén. Việc này đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian cho chính mình, cho mình một khoảng không gian riêng, để những cảm xúc từ sâu bên dưới được trồi lên thì nó mới có cơ hội giải phóng
Khi đã đối mặt và giải phóng những cảm xúc thời thơ ấu. Bạn sẽ nhận thấy những lý do đằng sau cho việc vì sao mình đã có những cảm xúc đó. Chìa khóa ở đây là thấu hiểu. Bạn cần thấu hiểu cho chính mình trước khi thấu hiểu cho ai khác.
Vì sao mà mình lại dễ nổi nóng tới thế. Có phải do mình luôn bị nổi nóng và đánh đập, chửi mắng hay không?
Vì sao mình lại không thể chấp nhận được người khác. Có phải do mình chưa bao giờ chấp nhận chính mình vì mình đã từng không được chấp nhận?
…
Tại sao mình không thể thương yêu, tại sao mình không thể mở lòng, tại sao mình gặp khó khăn đến thế trong việc kết nối với một ai khác…Tại vì mình chưa bao giờ được học cách để sống lành mạnh và hạnh phúc từ những người xung quanh
Sau đó mình cần học cách kiên nhẫn với chính bản thân mình. Đừng vội vàng đi tìm kiếm ai đó hay điều gì đó chỉ để lấp đầy cho những khát khao và mong muốn trong lòng mình. Khi bạn không thể tự làm điều đó với chính bạn, khi bạn không thể học cách “cho” chính mình, vậy thì tại sao người khác lại phải “cho” bạn điều đó, đúng không bạn. Hãy cho bản thân thời gian ở bên trong, vì những mô thức hay định kiến nó đã ăn sâu vào tâm hồn bạn mấy chục năm, không thể nào một hai ngày bạn đã làm lành chúng, giải phóng chúng. Hãy nhớ rằng niềm vui bên ngoài/những thứ bạn trông cậy vào bên ngoài, nó giống như một liều thuốc tạm thời, nó chỉ làm bạn tạm thời quên đi đau đớn, nhưng không thể nào giúp cho bạn hết đau đớn, nhất là khi cơn đau đã mọc rễ từ rất lâu. Đừng để những cơn nghiện chi phối bạn, cho tới một ngày bạn không còn khả năng tự lực được nữa
Cuối cùng, hãy nhìn vào hiện tại. Sau khi bạn đã đi qua những bước kia. Nếu bạn từng bị đánh, thì bây giờ đòn roi đâu còn ở đây, nó đâu còn đại diện cho thứ gì. Đòn roi đã nằm ở quá khứ, và nó bây giờ không thể làm đau bạn nữa. Bạn của hiện tại, đã có những niềm vui mới, hạnh phúc mới. Ở hiện tại, những điều xinh đẹp xung quanh bạn đang hiện hữu. Một cơ thể lành lặn, khung cảnh mùa Xuân, ánh nắng lấp lánh…Chiếc cây bóng mát bây giờ, không có nghĩa là chưa từng rụng lá, nhưng không phải sẽ không bao giờ mọc được những chồi non mới
“Thật dễ để yêu ai đó giống mình. Nhưng thật khó để yêu một ai đó khác mình”
Khi nhìn vào một người bố đã đánh con mình suốt tuổi thơ của đứa trẻ, mình đã thấy ông bố trong hình hài một đứa trẻ đã bị người ông dùng đòn roi cũng những năm tháng tuổi thơ tương tự. Khi nhìn thật sâu vào điều đó, mình đã thấy người bố cũng có nỗi khổ niềm đau của mình. Người bố đáng thương hơn ta, vì ông đã không bao giờ nhìn thấy những nỗi khổ niềm đau trong ông, còn ta thì đang nhìn thấy điều đó. Và ta có cơ hội để chữa lành, trước khi ta có thể đem sự lành lặn đó tới cho bất cứ ai
Mọi vết thương rồi sẽ lành, nếu ta thương mình
P.s: một đoạn chat tổng kết phiên làm việc của mình đã lâu ^^
Để Nước Cuốn Đi
About the Author
Để Nước Cuốn Đi / Blogger
Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét