ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

NÊN LÀM CÔNG VIỆC GÌ ĐỂ SỐNG?

Để Nước Cuốn Đi




Mình kể câu chuyện này với ý nghĩa đã qua và nó chẳng định nghĩa gì về bản thân mình ạ. Một trong những công việc “ngắn hạn” mình từng làm là kinh doanh thời trang. Ngày đó, mỗi tháng đều đều tài khoản đổ về 100 triệu. Hàng ngày, mình thức dậy lúc 5h, làm việc cật lực quên ăn uống nghỉ ngơi 19 tiếng liên tục tới 12h/1h đêm. Một mình mình tự quản lý mọi thứ, nhập hàng, giao dịch với người Trung, quản lý tài chính, quản lý kho, quản lý rủi ro, kế toán, marketing, sale, content, quảng cáo, thi thoảng kiêm luôn shipper ^^

Công việc đang tốt thì mình bỏ ngang. Chấp nhận cho tất cả hàng hóa tồn kho và lỗ nặng. Vì sao vậy. Có vài người không tin vì họ cảm thấy tiền quá quan trọng, kiếm được tiền làm gì có chuyện bỏ. Lúc đó mình chẳng hiểu vì sao. Sau này mình nhận ra nhiều công việc mình làm không phải vì mục đích khiến mình hạnh phúc. Ta theo đuổi tiền, theo đuổi danh, quyền, … Và tràn ngập trong ta là nỗi sợ

Sợ- không-được- công-nhận. Sợ mình không làm đủ bổn phận của một người con. Sợ rằng người ta chê bai mình. Sợ rằng mình kém cỏi. Sợ mình chỉ là một thân phận nhỏ nhoi lẻ loi không ai biết tới. Sợ mình sẽ không có ai bên cạnh. Sợ bạn đời chê cười. Sợ không đủ tiền lo cho tương lai. Sợ mình nghèo đói túng thiếu. Sợ mình ốm đau bệnh tật. Sợ không lo được cho người thân và con cái. Sợ tương lai bất ổn. Và quan trọng nhất, sợ mình tồn tại mà chẳng có ý nghĩa gì trên cuộc đời này

Có quá nhiều nỗi sợ và sự định danh khiến con người bây giờ có một công việc mà lại chẳng cảm thấy hạnh phúc. Đó là bởi vì họ chỉ theo đuổi những nỗi sợ thay vì nhìn thấy được công việc thực ra là một niềm vui để tận hưởng cuộc sống. Công việc, tiền bạc cũng chỉ là một phương tiện để cho ta sống, cho ta niềm vui, cho ta được ngắm nhìn thế gian, cho ta trải nghiệm và học hỏi cho sự tiến hóa của linh hồn mà thôi

Khi bước qua những nỗi sợ. Mình nhận ra một lý do sâu xa hơn bên dưới mà trái tim mình hướng đến. Sâu thẳm linh hồn mình hướng đến. Đó là một công việc được ưu tiên là công việc không gây tổn hại tới con người, vạn vật, môi trường sống và mẹ Trái Đất, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Và công việc đó cần mang lại sự bình an cho chính bản thân mình và người khác. Vậy thì công việc đó sẽ mang lại an vui và thiện lành cho tâm hồn. Với mình, lẽ sống sâu xa đó quan trọng hơn tất thảy mọi nhu cầu hay nỗi sợ của cuộc sống

Công việc thời trang là công việc cuối cùng mà không theo lẽ sống đó của mình. Vì sao. Thứ nhất đó là công việc nhập hàng qua đường tiểu ngạch, nó không phải là một công việc chính trực. Thứ hai, sản phẩm mình làm có chứa nhiều polyeste như rất nhiều sản phẩm thời trang trên thị trường bây giờ. Ngành công nghiệp thời trang nhanh chiếm 20% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn rất nhiều tài nguyên của Trái Đất, và vấn đề là thải ra 13 triệu tấn rác quần áo dư thừa mỗi năm (tính riêng Mỹ). Thứ ba thì mình đang trực tiếp thúc đẩy những người phụ nữ chạy theo vòng xoáy của mua sắm vô độ, vật chất ngoài thân và gián tiếp làm giảm đi sự an vui của mọi người nói chung

Trước khi để công việc định danh bạn, hãy tự định danh mình. Làm gì có công việc nào là hơn công việc nào, nếu đó là một công việc thiện lương. Làm gì có cái gọi là cao hèn sang thấp.Tất cả là do con người đặt tên cho nó mà thôi. Một người làm văn phòng 8 tiếng và quét đường 8 tiếng khác gì nhau ở chỗ ta đều làm 8 tiếng và đều không gây hại tới ai, đều mang lại thu nhập để ta sống? Ta đang dùng chính sức lao động của mình, vậy thì ai có quyền cười cợt hay chê bai ta. Họ chỉ có thể tác động đến ta khi ta tự chê trách bản thân mình mà thôi

Công việc nào cũng đáng trân trọng như nhau. Thử hỏi không có ta thì chuỗi mắt xích đó có ổn không. Giả sử ta là người quét đường, nếu ta không làm điều đó hàng ngày thì mọi người đâu có được đi trên những con đường sạch sẽ xanh mát. Ta đâu có đi xin xỏ ai cái gì. Dù ta làm nhân viên, không phải là ta đang đóng góp một phần công sức của mình cho công ty sao, ta đang dùng sức của mình để lấy phần lương tương ứng, sự trao đổi đó là công bằng, ta làm bổn phận của ta, sếp làm bổn phận của sếp, ta đâu có hơn thua hay kém cỏi gì

Vậy làm sao để ta sống bây giờ. Công việc gì giúp ta sống bây giờ. Hãy nhìn sự may mắn của ta đi. Ta có chân, có tay, có khối óc. Ta có thể làm bất cứ công việc gì để sống. Nếu không làm công việc trí óc thì làm công việc tay chân. Epectatus nói với thời của ông là ta có thể đi bổ củi, đi gánh nước thuê… thì bây giờ ta vẫn có thể đi làm phục vụ bàn, đi nấu ăn, đi làm thu ngân, làm ở tiệm sách, đi rửa bát thuê, chăm sóc động vật…

Nếu chưa biết thì ta đi học, đi xin thực tập không lương, đi làm miễn phí ngắn hạn để vừa học vừa làm. Đi học làm thủ công mỹ nghệ, đi học cắm hoa, đi làm thực tập/tình nguyện viên nông nghiệp ở các trang trại được ăn ở miễn phí (hoặc có lương). Thậm chí là về quê tự cung tự cấp trồng trọt kết hợp làm online…

Và hãy tự hỏi lại bản thân mình. Để sống thì ta có cần nhiều không. “Để sống an vui” thì ta cần cái gì. Ngày xưa ta, bạn bè và anh chị em ta học trường làng mà sao lớn lên tử tế và thiện lành, có tuổi thơ hạnh phúc tới vậy. Ta đâu có học văn học võ, đâu có học ngoại ngữ hay bị ép học kỹ năng này kia, nhạc cụ mà ta không thích. Vậy thực chất con của ta có cần điều đó không. Hãy định hình lại nhu cầu thật sự của bản thân. Ta không có tiền mua nhà thì đi ở nhà thuê cũng có sao. Đằng nào thì chừng đấy năm cũng ngang tiền nhau mà. Không đi xe ô tô thì đi xe máy lại ngăn cản ta được đi lại hay sao. Thành phố này mà khó sống quá thì ta có nên đổi đến nơi khác sống. Mega city mà. Nếu ở quê, ở các nơi khác không sống được thì sao người ta vẫn đang sống đấy thôi. Sao chúng ta không tự nhìn nhận lại ông bà thời xưa nuôi 7-8 người con mà nhiều người vừa sống thọ vừa ít ốm đau bệnh tật. Ta có đang chăm sóc sức khỏe cho mình tốt không?

Ta đừng đặt lên vai mình quá nhiều gánh nặng và trách nhiệm quá. Ta cần sống cho mình trước tiên. An vui cho mình trước tiên. Chưa sẵn sàng thì đừng có làm gì vội như là kết hôn sinh con. Còn nếu đã rồi thì học cái bài học đó. Lựa chọn là do ta, trách nhiệm sống an vui là của ta đó. Ta hay con ta, bố mẹ ta, anh chị em ta cũng như nhau thôi. Có trách nhiệm về cuộc sống của mình. Ta làm tốt nhất có thể cho ta mà còn làm được cho ai thì ta làm. Chứ ta đang bất ổn mà ta muốn lo cho ai, muốn gồng gánh cho ai?

Sống là để vui. Để ngắm nhìn và thưởng thức thế gian, chứ không phải chạy theo bất cứ cái gì bên ngoài. Có nhiều người họ chọn làm công việc ngày 4-5 tiếng thôi. Nhưng họ chi tiêu ít lại, giảm bớt các nhu cầu lại, giảm bớt các ham muốn lại, sống tối giản đi, thậm chí chấp nhận một vài thiếu thốn. Họ để thời gian còn lại cho gia đình, cho chăm sóc sức khỏe, cho chăm lo nhà cửa vườn tược, cho thời gian yêu thương bản thân và phát triển trí tuệ nhận thức. Đàn ông khỏe hơn thì có thể làm nhiều hơn phụ nữ một chút, chứ cả hai cùng lao đầu đi kiếm tiền thì mái ấm ai sẽ chăm lo, an vui ở đâu trong xã hội bộn bề?

Cuộc đời có 3 thứ tóm gọn để giải quyết 1 vấn đề. Đó là việc không như ý thì có thể thay đổi, thay đổi không được thì chấp nhận, không thể chấp nhận được nữa thì từ bỏ. Nếu vẫn cần tiếp tục công việc của mình mà chưa thể thay đổi thì học cách chấp nhận và yêu công việc của mình bạn nhé. Thay vì ngồi đếm thứ 2 tới thứ 6, đếm thời gian tan ca để về nhà, hãy làm công việc đó trong chánh niệm. Bởi tâm trí chạy loăng quăng hay nỗi chán chường xâm chiếm chỉ khiến cho bạn mỗi ngày đang tồn tại chứ đâu thật sự sống. Nếu đã không thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi góc nhìn và tự tìm niềm vui trong công việc đó bằng sự tìm tòi và tập trung. Thời gian tẻ nhạt hay ý nghĩa là do lựa chọn của ta

Hãy vượt qua những nỗi sợ bằng cách nhìn sâu vào bản thân mình. An vui của chính mình có quan trọng hơn tất thảy những định kiến, nỗi sợ và sự phán xét ta dành cho bản thân không. Nếu ta chưa dám làm công việc mình thật sự thích, hãy nghiêm túc nghĩ về điều đó. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, một giây phút được sống là chính ta có hạnh phúc hơn là cả cuộc đời ta làm một hình ảnh để hài lòng xã hội, che giấu nỗi sợ trong ta? Còn nếu ta chưa biết ta thích gì, cứ đơn giản là để tình yêu hiện diện, yêu thứ ta đang có, rót vào thứ ta làm tình yêu của ta đi, những điều đẹp đẽ sẽ nở hoa

Hãy đơn giản cái suy nghĩ về công việc lại. Đơn giản cái khái niệm đó lại. Tất cả mọi thứ đều do tâm trí của ta và con người vẽ nên mà thôi

“Dù không ăn được những đồ ăn ngon cũng không sao. Không cần thiết phải ăn vận đắt tiền. Luôn phải sạch sẽ. Hãy làm những việc làm người khác hạnh phúc. Luôn phải nhã nhặn”. Đó là câu nói mà người bố đã nói với con trai độc nhất của mình trong tác phẩm “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” - anh là một kẻ lập dị nhưng sống là chính mình và hạnh phúc vì luôn được gia đình công nhận và yêu thương

An vui gửi tới bạn


Để Nước Cuốn Đi

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

TÔI GIÀU CÓ

Để Nước Cuốn Đi










Mình phát hiện ra mình rất giàu vào cái ngày mình nhớ lại thuở thơ ấu. Mỗi ngày đi xe đạp đi học, mình đều nhìn những chiếc lá đang reo vui trên cánh đồng, và mặt Trời thì nhô lên đỏ cam rực rỡ ở phía đường chân trời. Mình nhận ra Vũ trụ đã ban cho mình một đôi mắt sáng trong để nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc sống

Mình phát hiện ra mình thật may mắn khi có một đôi tai có thể nghe những thanh âm trong trẻo trên Trái Đất. Vào cái ngày rất lâu trước đây, mình đi dạy học miễn phí cho 2 bé bị HIV và khiếm khính trong tổ chức phi chính phủ mình làm. Khoảnh khắc mà mình nghe thấy tiếng chim hót ngoài cửa sổ, còn em học sinh thì ú ớ( vì khi không nghe được - ta cũng không nói được do không bắt được từ), mình đã kiên trì dạy Toán cho em bằng cách viết ra giấy, bởi vì em đã kiên trì sống, đã tới trao cho mình một cơ hội được yêu thương và cho mình nhận ra mình giàu có tới thế nào

Mình nhận ra mình rất giàu có bởi mình có đôi tay có thể làm bất cứ việc gì, đôi chân có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Mình có thể ngửi được mùi thức ăn của ba của mẹ trong chái bếp, có thể cất lên tiếng hát vui tươi bất cứ lúc nào. Mình nhận ra mình có thể khóc khi mình buồn, và cười giòn tan trong gió lúc mình hạnh phúc

Đất mẹ đã ban cho mình những rau trái ngọt lành, cây đã ban cho mình bóng mát, nước đã cho mình sự sống, hoa đã cho mình không gian ngập tràn mùi hương, dòng sông đã cho mình sự êm đềm…

Những người nông dân vẫn chăm chỉ trồng trọt cày cấy để cho mình có thức ăn, những người thợ điện nước đang miệt mài khắp nơi trên thế giới cho mình có nhu cầu cơ bản để sống. Những người vận chuyển, những người sản xuất, người làm thương mại…họ đều đang nỗ lực để cho mình tồn tại. Mình thật giàu có khi có sự giúp sức của họ, mình làm sao có thể sống an vui nếu không nhờ sự tương trợ của những con người mà có thể chẳng bao giờ có cơ hội gặp gỡ?

Mình thật giàu có khi mỗi ngày đều có một nơi chốn để trở về, có nơi ở để tránh nắng mưa. Nhà của mình hay của người khác thì quan trọng gì bằng việc mình đang có một ngôi nhà chở che. Mình nhớ người thân mình đã cười khúc khích khi mình reo lên vui sướng với người thân mình rằng: “ôi nơi mình ở giàu quá, có máy giặt tủ lạnh lại có điều hòa nữa”(mặc dù mình rất ít dùng điều hòa vì là một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên)

Mình đã rất xúc động vào lần đầu tiên mình tập yoga. Vào cuối buổi, thầy giáo nói rằng hãy chạm vào đôi mắt và sau đó khi mở mắt ra việc đầu tiên là nhìn vào bàn tay. Mình nhận ra mình đang thở, trái tim mình đang đập những nhịp đập yêu thương và mình đang có tất cả trong đôi bàn tay mình, là hơi thở và sự sống. Mình khẽ thì thầm: Namaste (cúi chào người đối diện và thần linh bên trong ta)

Mình nghĩ rằng khi nhận ra được thần linh bên trong ta. Ta sẽ trân trọng và yêu thương chính mình hơn. Và để đánh thức được vị thầy bên trong mình. Ta cần nhận ra ta giàu có và đủ đầy thật sự. Bởi khi ta giao phó cuộc đời mình cho Vũ trụ và tin tưởng tuyệt đối dòng chảy cuộc sống, nhận ra Vũ trụ thực ra đã sắp xếp đủ cho ta. Ta mới có thể chạm sâu vào bản thể của chính mình. Và từ đó, ta cũng trở nên sống thiện lành, nhân ái, vị tha và buông bỏ nhiều hơn. Bởi ta vốn tự nhiên như ta là

Cảm giác đủ đầy luôn tới từ bên trong, không phải từ bên ngoài

Namaste 

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

SUY THOÁI KINH TẾ ẢNH HƯỞNG NĂNG LƯỢNG TỚI THẾ GIỚI NTN & VÌ SAO TA ĐAU KHỔ

Để Nước Cuốn Đi





Để hiểu hơn một chút về năng lượng tài chính bạn có thể đọc thêm bài viết này tại đây: https://www.facebook.com/100071666629816/posts/173525968379623/?mibextid=cr9u03

Bài viết về tiền tệ cũng khá thú vị ^^: https://www.facebook.com/100071666629816/posts/159643096434577/?mibextid=cr9u03

Đại dịch covid bắt đầu từ năm 2020, kéo dài khoảng 2 năm ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến kinh tế và chưa dừng lại khi hết dịch, liên tiếp sau đó kinh tế lao dốc xuống, kéo theo lạm phát và bất ổn. Điều này ảnh hưởng gì tới chúng ta?

“Đời không của riêng ai” là câu nói trong một bộ phim tâm linh mình thích nhất. Thế giới là một bể năng lượng và tất cả đều nằm trong một chuỗi liên kết được mắt xích với nhau một cách kỳ diệu mà bạn không thể tưởng tượng được. Đã kết nối với nhau thì chỉ cần một mắt xích hỏng hay trục trặc, thì tất cả mắt xích còn lại bị ảnh hưởng.

Nếu nhìn vào hiện tướng thì sẽ thấy chỉ cần công ty làm ăn thua lỗ thì nhân viên chắc chắn bị cắt giảm lương. Nhân viên cắt giảm lương thì kéo theo chi tiêu của gia đình cũng cắt giảm.

Nhưng sự ảnh hưởng đó sâu xa hơn thế. Nó không chỉ thể hiện ở hình thái mà còn ở mức năng lượng chung cho cả xã hội. Bạn nghĩ bạn vẫn có công việc tốt, hay tự chủ về mặt tài chính hoặc độc lập về đời sống thì không ảnh hưởng ư. Không đâu. Đơn cử nhẹ nhất là như thế này, người thân của bạn như là bố/mẹ/vợ/chồng…bị cắt giảm lương hoặc làm ăn không được như ý chẳng hạn và sau đó họ trở nhà với một tâm trạng buồn bã, hoặc cáu kỉnh. Họ có thể hiện năng lượng buồn bã/cáu kỉnh đó ra ngoài hay không thì chắc chắn, bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều(dù bạn đang có tâm trạng vui vẻ đi nữa)

Khi mà nhìn bao quát cả xã hội. Ta sẽ thấy mức năng lượng buồn bã/cáu kỉnh/mệt mỏi chiếm nhiều hơn mức năng lượng bình an. Chỉ vì vài chữ thôi: “kinh tế đi xuống”. Năng lượng của 1 người có thể kéo cả một tập thể đi xuống nếu nó quá nặng và năng lượng của một tập thể đi xuống có thể kéo theo cả một vùng đất đi xuống. Từ đó kéo theo cả xã hội và rộng hơn là cả thế giới.

Bạn hãy nhìn xem. Ở khắp mọi nơi, con người tiếc nuối, buồn bã, than thở, trách móc, lo âu, sân hận,…thì năng lượng có dễ trở nên u ám, xám xịt không. Đó là lý do mà dạo gần đây ta lại dễ trở nên bất ổn như thế, căng thẳng như thế dù có vẻ như ta không có biến động kinh tế nào. Có một sự trầm lắng u sầu và tiêu cực hơn trong không khí mà sống trong đó, chưa chắc ta đã nhận ra

Vẫn là sự suy giảm kinh tế nhưng ngược lại với năng lượng của hiện tại, năng lượng trong đại dịch Covid lại mang một màu sắc tinh thần rất khác. Năng lượng trong đại dịch chủ yếu là sự sợ hãi ở cấp độ cái chết mà thôi. Mà cái chết thì thực ra, lại không đáng sợ và chi phối tâm trí con người đến vậy. Cho nên, đại dịch đã mở ra một cơ hội quay vào bên trong mà ở đó con người buộc phải ở một mình nhiều hơn, về nhà nhiều hơn, thậm chí là bỏ thành phố về quê. Đó là một cơ hội tuyệt vời để con người đối diện với chính mình, được tĩnh lặng thay vì chạy ra bên ngoài tìm kiếm hay sống vồn vã, vô thức như trước hay như bây giờ

Và một chiều nhận thức tâm linh đã được mở ra trong thời điểm đại dịch đó. Con người kết nối với chính mình nhiều hơn, tìm về được bản thể của mình cũng như đánh thức những chiều sâu tâm hồn đã bị ngủ quên. Nhờ vậy mà một sự trỗi dậy mạnh mẽ của năng lượng rung động cao như hòa bình, sâu sắc, đồng cảm, yêu thương, trắc ẩn, quan tâm, phấn chấn… đã nảy nở trong rung động chung của thế giới lúc bấy giờ. Vậy nên, câu nói “trong họa có phúc” thật chẳng hề sai

Thế nhưng khi hết đại dịch, con người lại lao ra bên ngoài, hòa vào dòng chảy tấp nập và xô bồ của xã hội. Ta quên đi cách mà mình đã quay vào bên trong, xử lý các vấn đề của bản thân và đã sống bình an hơn, chậm rãi hơn ra sao. “Trong phúc đôi khi lại có họa” là vì thế

Sống trong bể năng lượng thì không thể tránh khỏi ảnh hưởng của năng lượng. Nhưng để thoát ra khỏi đó thì trước hết ta cần nhận ra, đừng đồng hóa mình với tất cả. Muốn để những năng lượng tiêu cực không ảnh hưởng tới mình. Ta cần xây dựng cho mình một nội lực vững vàng và bình an. Ta cần quay trở về những nhận thức đúng đắn về sự đủ đầy, tiền bạc, hạnh phúc và khát khao sống thiện lành

Ta để cho những năng lượng tiêu cực ảnh hưởng tới mình là bởi vì ta đã đồng hóa mình với chúng. Ta nghĩ rằng ta phải như những khái niệm, định nghĩa thì ta mới có thể sống hạnh phúc. Những điều này mới làm nên ta hay mới cho ta cuộc sống như người khác. Ta đã quên đi cách mà ta đã tĩnh lặng và bình an hơn. Ta thôi quay vào bên trong làm việc với bản thân một cách kiên nhẫn và yêu thương. Ta không còn thực tập những phương pháp thực hành cho tâm bình an và thân khỏe mạnh. Ta không còn chăm sóc thể chất và tâm hồn mình mỗi ngày bởi vì ta đã quên mất tầm quan trọng của nó mà mải miết chạy ra bên ngoài như trước đây

Nhưng đừng nghĩ sự tiêu cực mới có ảnh hưởng. Mình nói bạn nghe rằng một người tỉnh thức và bình an có sức ảnh hưởng dữ dội tới tâm thức của cả một tập thể hơn là một người bất an

VÌ SAO MÀ SUY THOÁI KINH TẾ LÀM NGƯỜI TA ĐAU KHỔ?

Sở dĩ người ta đau buồn trước một hoàn cảnh là bởi vì hoàn cảnh xảy ra không đúng ý như người ta muốn. Nhưng mà không có suy thoái này sẽ có suy thoái khác, không có đại dịch này sẽ có đại dịch khác. Giả sử kinh tế có đang bình thường liệu ta biết được trước ngày mai con ta sẽ không ốm ư, người thân ta không gặp vấn đề hay ta bỗng dưng mất việc ư. Nếu ta biết cuộc sống là không bất biến như vậy, vậy ta cứ chạy theo nó hay là rèn luyện cho mình một cái tâm + thể chất khỏe mạnh để có thể đối mặt với mọi thứ sẽ xảy ra một cách chấp nhận và đón nhận?

Ta bám chấp vào rất nhiều cảm thọ trên người như là vật chất và vật ngoài thân, hay cảm giác thoải mái mà ta tự dựng lên. Có vài người nói rằng trước kia họ đã quen với việc tiêu xài một số tiền như vậy, giờ ít hơn họ không quen nổi. Vậy ta hãy tự hỏi ngày trước tại sao mình phải xài những việc đó và bây giờ có phải là cơ hội để mình bỏ đi những thứ không cần thiết không? Học cách thích nghi với hoàn cảnh hay là tiếc nuối quá khứ và vật lộn với tương lai đây?

Điều gì xảy ra cũng là cơ hội để ta nhìn sâu vào mình. Ta phải tự hỏi lại công việc của mình nó có thật sự tạo ra giá trị lành mạnh và phát triển vào sự bền vững của Trái Đất, không tạo ra vòng xoáy tham đắm vật chất hay không. Tại sao mà công việc đó đi xuống, nó còn phù hợp ở trong tương lai nữa hay không

Nhiều khi ta đánh đổi sự an bình và tự do của mình để lấy cái gì? Những đêm mất ngủ, những đêm trằn trọc thao thức, tâm trạng rối bời. Bởi vì cái gì? Vì một chữ “nợ”. Ta có hiểu được rằng nợ nần là một bẫy tài chính không. Cầm trong tay cái này cái kia chỉ là ảo tưởng do ta nghĩ rằng mình sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nhưng thực ra ta chỉ đang nắm giữ một ngọn lửa nóng rát mà thôi. Nó có đáng để ta phải đổi những giờ phút yên bình hay không. Hãy tự hỏi mình trước khi quyết định. Đôi khi mất hết lại là một điều hay. Bởi lúc đó ta chẳng còn gì để mà nắm. Sai thì làm lại, nhưng làm lại cái tâm thức của ta sao cho ta sống mà không bị bất cứ một cái gì kéo ta đi khỏi bình an nội tâm của chính mình và làm nô lệ cho chúng

“Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” ám chỉ việc ta cứ đi đi, cái gì xảy ra thì cứ để cho nó xảy ra. Hãy thôi kiểm soát mọi thứ như ta mong muốn và học cách để cho dòng chảy tự nhiên như nó là. Ta sống đúng như trái tim mình để rồi mọi thứ sẽ tự động sắp xếp vào trật tự của chúng. Ta đến đời này không phải chỉ để xây nhà kết hôn trở nên giàu có đâu. Bởi vì ta có khác nhau tới đâu thì cái ga cuối cùng vẫn phải là bỏ lại mọi thứ, kể cả cái thân xác. Hãy nhìn xem, suy thoái kinh tế có cho ta nhận ra cái mà ở bên ngoài ta nghĩ sẽ làm ta hạnh phúc thực ra lại mong manh vô cùng không, bởi hạnh phúc thật sự là đến từ bên trong chúng ta tự cảm thấy

Tại sao ngày xưa mà chúng ta có thể sống nuôi 7-8 người con mà không phụ thuộc kinh tế. Là vì Việt Nam có gốc 80% là nông dân. Ta đã tự cung tự cấp được không chỉ mỗi bản thân mà cho cả gia đình mình. Ta cứ tưởng lối sống thuần Việt xưa làm ta trở nên phụ thuộc, vậy là ta bỏ hết. Mà ta chẳng nhận ra bản thân đã thật sự lệ thuộc vào các hóa đơn, vào những khoản vay mới, vào nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm và trăm khoản chi hàng tháng. Ta đổi lấy những sự đơn thuần khi xưa cho những căng thẳng tinh thần ở phố thị ồn ào mà ta đâu có hay. Ta muốn tự do hay là làm con chim ở trong lồng, hãy nhìn ra đi cánh cửa lồng vẫn đang mở

Suy thoái kinh tế chẳng có gì lạ. Bởi vì cứ khoảng 10 năm một lần. Cách mà mọi tài sản đều sẽ được thu về. Nghĩa là những gì ta tưởng là của ta thực ra lại chẳng là gì. Bạn có thể tìm hiểu nhé

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

TẠI SAO TA QUÊN ĐI BẢN CHẤT THUẦN KHIẾT CỦA MÌNH?(lý giải dưới góc nhìn năng lượng)

Để Nước Cuốn Đi






Cách đây rất lâu, năm mình 21 tuổi. Mình leo một mình lên ngọn núi cao nhất Việt Nam, độ cao hơn 3000m so với mặt nước biển. Năm đó, có một hạt giống đã gieo vào mình dù mình không nhận ra. Sau này, có cơ hội, mình đều dành thời gian đi leo núi

Khi leo núi, có một phần tính cách trong mình được đồng điệu với núi rừng đó là sự phóng khoáng, cá tính và hoang dã. Nhưng trên hết, việc leo núi ngoài để cho mình quay trở về thiên nhiên, hiện diện và đánh thức khả năng tĩnh lặng. Nó còn giúp mình sạc lại năng lượng.

Núi mà mình thường leo là các dãy núi ở Tây Bắc, thường có độ cao trên 2800m. Ở mức độ này, có một dạng năng lượng mình nhận ra đó là “sự thanh nhẹ và trong trẻo”, và được bảo vệ bởi sự già dặn của những linh hồn cây cối cổ thụ đã sống hàng trăm năm. Nó ngược với dạng năng lượng ở bên dưới mặt nước biển. Tại sao vậy? Và vì sao ở độ cao này, rất ít người có thể sống được?

Cấu trúc của vật chất là một dạng liên kết của hàng ngàn phân tử, tạo ra những chuỗi và dãy năng lượng đan xen vào nhau. Ở tầng rung động của mật độ thấp, sự phức hợp của các hạt phân tử sẽ dày hơn và thậm chí là rối hơn, biểu hiện qua các tầng năng lượng. Sự tồn tại rõ nhất của việc này là càng lên cao không khí càng loãng vì không có sự móc nối và chồng chéo của các hạt vật chất

Đó là lý do khi con người sống ở trong tầng rung động của vật chất, lâu dần ta sẽ đồng hóa mình thành khối vật chất đó. Đơn cử là bụi. Ta sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe do bụi đi qua đường hô hấp. Năng lượng thực ra là các hạt vật chất mà ta không thể nhìn thấy và tất cả mọi thứ đều tồn tại dưới dạng năng lượng. Vậy nên, sống ở trong trường năng lượng đó. Vô thức ta tự hình thành cho mình một dạng thức sống. Đó là đuổi theo những hệ giá trị và mô thức được xây dựng rập khuôn và có sẵn. Đó là trở thành một ai đó, nắm giữ một điều gì đó dù là sự khổ đau, sự bám chấp, đối tượng bên ngoài và tài sản không phải là ta…Ta cảm thấy ta phải sống như vòng tròn năng lượng xung quanh thì ta mới trở nên bình thường

Trong dạng thức đó. Ta có thể nhìn thấy những đứa trẻ trước năm 7 tuổi, kể cả những sinh vật sơ sinh khác. Cơ thể năng lượng và cơ thể vật lý của chúng thanh nhẹ. Vì thế ở trong sự đông đặc trì trệ của năng lượng vật chất, chúng trở nên mong manh và cực kỳ dễ tổn thương. Và vậy nên, chúng không ý thức được việc ảnh hưởng của các khối vật chất bao quanh. Đó là lý do khiến chúng lớn lên, mang theo tất cả những gì thuộc về cấu trúc năng lượng xung quanh mà quên đi bản chất năng lượng thuần khiết tồn tại trong mình

Sẽ rất khó để đủ định lực trở nên trong suốt như một đứa trẻ khi đã trở thành một người lớn. Năng lượng vật chất quá dày khiến ta cần phải đồng hóa để thích nghi. Đó là lý do mà người Tây Tạng hay Buhtan cần sống ở một nơi cao nhất thế giới, tách biệt với thế giới vật chất, tách biệt với sự đông đặc của năng lượng. Nơi họ sống là những dãy núi Himalayas, với độ cao từ 3000-4000m so với mặt nước biển, tuyết phủ trắng xóa, lạnh và không khí rất loãng. Để sống được ở đó, cơ thể họ phải rất thanh nhẹ. Họ không bị cuốn vào thế giới của tiền bạc, nhu cầu cuộc sống hay những mắc kẹt về sự định hình là con người

Lý do cho điều đó là người dân ở đó cần một cuộc sống an ổn(dù thiếu thốn theo định nghĩa của con người). Họ quan trọng sự phát triển trong tâm thức của linh hồn hơn là một vòng xoay của kiếp người. Bởi vậy, để tu tập, những vị đạo sĩ hay các đức Ngài chọn sinh ra ở Tây Tạng, để từ đó tập trung vào sự phát triển tâm thức và phổ độ cho chúng sinh. Ngoài ra, sự cầu nguyện, tu tập của đất nước Tây Tạng/Buhtan/một nửa của Nepal nói chung nhằm mục đích tạo ra sự cân bằng về nghiệp quả/tâm thức trên Trái Đất

Để sống được ở những nơi nặng và trược khí dưới thấp, có rất nhiều linh hồn phải hạ tầng rung động xuống cho phù hợp, đi sâu vào và học hỏi cũng như chữa lành, thấu hiểu. Điều đó ít nhiều khiến họ bị ảnh hưởng bởi tầng rung động năng lượng quá dày đặc và vô tình tạo nên những nghiệp quả cần cân bằng, hay sự xáo trộn trong năng lượng, đồng hóa mình và cảm giác cần phải sống phù hợp với tầng năng lượng này, dẫn tới mất kết nối với con người thuần khiết ban đầu và ý định ban sơ của mình

Song song đó, có một sự tồn tại của những thể sống không bị ảnh hưởng bởi sự dày đặc của vật chất, chúng giữ nguyên được bản chất trong sáng của mình. Ở đó, luôn hiện hữu vẻ đẹp, sự trong trẻo, ngây thơ và dịu dàng. Đó là hoa, chim chóc, pha lê, cây cối và thiên nhiên. Sự ảnh hưởng chỉ đến từ bên ngoài, nhưng sự thuần khiết bên dưới tồn tại ngay cả khi hình hài chúng không còn nguyên vẹn. Đó là lý do vì sao chúng ta cần để cho những vẻ đẹp đó bao quanh, tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Ngắm nhìn và hiện diện với chúng, dành thời gian cho chúng trong một sự chìm đắm không ghi nhớ hay phân tích, ta sẽ đánh thức được bản chất nguyên sơ của mình. Ở đó , một cánh cửa mở ra vẻ đẹp của sự tĩnh lặng và đi vào chiều sâu của tâm hồn, nơi những rung động trong trẻo đã bị quên lãng

Ta thật dũng cảm khi chọn sống trong một một tầng rung động năng lượng dày đặc như vậy. Ta cũng thật dũng cảm khi để cho mình đón nhận và trải qua những thử thách của cuộc sống. Nhưng đừng đồng hóa mình với nó. Ta cần hỏi lại chính mình, cái ta thật sự cần trong thế giới này có phải là cái mà tất cả mọi người đang đeo đuổi. Ta có thể sống thích nghi mà không đồng hóa mình phải sống như vậy hay không. Một khi ta đi sâu vào tâm hồn mình, lắng nghe trái tim mình, thấu cảm và chữa lành được cho những nỗi khổ niềm đau trong ta. Ta sẽ biết mình thật sự cần cái gì. Đừng quên rằng, một bông hoa trải qua đêm giông gió thì sớm mai vẫn là một bông hoa. Và việc của nó chỉ là làm một bông hoa mà thôi, không hơn không kém, không cầu không đuổi

Chúc cho bạn trọn vẹn yêu thương chính mình



Để Nước Cuốn Đi

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

ĐỪNG ĐÓNG CÁNH CỬA TRÁI TIM MÌNH

Để Nước Cuốn Đi







Mình gặp Hoàng trong chuyến đi đến một nơi khác 1 tháng. Em nhỏ hơn mình 10 tuổi.

Chúng mình giống hai người bạn già, không biết gì về nhau, không giới thiệu, không nói chuyện, chỉ ngồi yên tặng tư lự, mỗi người chìm vào trong khoảng không gian tĩnh lặng của người đó, cảm nhận những con sóng đang lặng lẽ vỗ vào bờ. Sự thưởng thức và đồng cảm diễn ra trong im lặng vì ngôn từ lúc đó là không cần thiết

Lần gặp sau, em đẩy những cái tôi của bản thân lên. Sự thấu cảm của mình là “lột trần”người đối diện. Mình im lặng quan sát

Và sau đấy, em mở lòng

- Em không biết tình yêu là như thế nào vì em chưa bao giờ ở trong mối quan hệ yêu đương á chị

+ Em đang trong tình yêu đó thôi. Nếu không sao em có thể yêu bạn kia tới 6 năm. Tình cảm trong 1 mối quan hệ thì là tình yêu còn tình yêu của em dành cho bạn kia lại không phải sao?

- Em rất hiếm khi đi ăn với người khác chị ạ. Em chỉ muốn một mình. Em thường từ chối người khác

+ Điều gì khiến cho em cảm thấy cần tạo khoảng cách vậy?

- Một mặt bên trong em cảm thấy rất muốn thân thiết với người đó. Mặt còn lại em muốn tránh xa họ

+ Em sợ sự tan vỡ hay là em sợ em sẽ làm người khác buồn hoặc người khác sẽ làm em buồn?

- Dạ. Em không sợ người khác làm em buồn. Em sợ em không hoàn hảo, em không đủ tốt, em có thể nói/làm gì đó khiến người ta không vui. Em sợ sự tan vỡ.

+ Hãy nhìn xem. Trái tim em nói với em rằng hãy yêu đi. Còn nỗi sợ ngăn em đừng yêu. Em sợ yêu/sợ dành tình cảm cho người khác là bởi vì em sợ đau. Trong khi, bản chất của “yêu” là hạnh phúc. Em biết “yêu” là động từ chứ. Em có yêu cái cây không, em có yêu bầu trời không. Và lúc “cảm thấy yêu” đó, em có hạnh phúc không? Nếu không tồn tại những chủ thể khác, làm sao em biết tình yêu là gì?

Làm sao ta có thể kiểm soát được sự thay đổi của ta hay của Người. Bông hoa ngày mai chết đi thì hôm nay nó đã giúp em được yêu. Và em hãy biết ơn bông hoa đã mang đến cho em cảm giác được yêu đó. Sự tan vỡ là cần thiết để hồi sinh, hồi sinh tình yêu mình trở lại và bền bỉ với không gian, thời gian

Em thấy người bạn mang bánh sinh nhật đến cho em không? Chị chắc chắn một điều, chúng ta đều đã từng trải qua những nỗi đau. Và sau đấy, ta có thể yêu tiếp không? Người bạn của em đã chọn cách mở lòng thay vì đóng cánh cửa trái tim lại. Điều đó khiến ta hạnh phúc hơn em ạ, vì tình yêu là nhịp đập tự nhiên - cái duy trì sự tồn tại của Vũ trụ

- Nhiều khi đi với người khác các cuộc nói chuyện toàn là em nói “những gì họ muốn nghe” chứ không phải là “những gì em thật sự muốn nói”

Khi em có thể chấp nhận được một bản thể độc đáo của em, có những tính cách riêng, nhìn nhận riêng. Em sẽ biết em không thể làm hài lòng được tất cả mọi người. Vậy thì, yêu không có nghĩa là làm hài lòng người khác. Ta có thể không phù hợp với nhau, nhưng tình yêu vẫn có thể tồn tại. Em không cần phải tiếp tục ở cạnh, tiếp tục trò chuyện mới gọi là yêu

Còn em thấy em không thể trò chuyện được với người khác thì một là người đó có phải là người em thật sự yêu mến hay không?

Nếu thật sự yêu mến, đôi khi ở cạnh em không cần phải nói gì. Yêu là để cho họ được là chính họ. Chỉ ngắm nhìn họ thôi, thi thoảng được thấy họ hay biết họ vẫn còn tồn tại, vậy đã đủ rồi

Hãy yêu bản thân em đủ nhiều. Khi đó, tình yêu sẽ đi ra một cách tự nhiên.

- Em không thể ngồi yên vô định mà không làm gì chị ạ.

+ Vậy sao em có thể ngồi yên 3 tiếng để ngắm hoàng hôn?

- Em đâu ngồi yên. Em đang “sống” đấy thôi (cười)

- Mỗi lần ở với bạn cùng nhà. Em thường phải ngồi lướt điện thoại trong vô định. Người ta ồn ào nên em không thể tập trung làm gì khác?

Cuộc sống luôn là một sự tương tác và chịu sự chi phối. Em nhìn đi, nếu cây chọn sống giữa bầu trời, chắc chắn chịu tác động của gió. Cơn gió có thể nhẹ, nhưng có lúc cũng sẽ là bão.

Cuộc sống cũng là một sự tương tác không ngừng nghỉ. Ong sẽ là người thụ phấn cho hoa. Và hoa sẽ cho ong mật ngọt của mình. Sâu có thể ăn lá. Nhưng chim sẽ giúp hoa diệt trừ bớt sâu

Khi em chọn ở cùng bạn em, sẽ có một vài thứ thứ tác động. Sẽ có điều thuận lợi và bất lợi. Hãy biết ơn cả điều bất lợi. Vì lúc đó, em sẽ biết em cần làm gì để thích nghi. Nếu không thể đi ra không gian khác, làm một điều gì khác. Tới cuối phải lướt điện thoại thì hãy lướt những thứ em yêu thích như hoa, nhà cửa, động vật, kỹ năng sửa đồ gia dụng…

…Trầm ngâm và mặt giãn ra

- Chị biết không? Cái vệt chấm chấm và bụi bụi chỗ chân trời kia là đang mưa đó, 30 phút nữa cơn mưa sẽ kéo tới chị em mình…

Hồi xưa, nhà em ở trên núi. Em ngồi yên quan sát cả ngày, em biết lúc nào bão sắp vô trước cả tuần, mưa hướng nào, gió hướng nào, côn trùng đi hướng nào thì thời tiết ra sao…Cây cối và lúa sẽ chịu tác động như thế nào và từ đó em có khả năng ứng phó với thời tiết

+ Em làm chị nhớ đến những người thổ dân trong bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười”. Con người sống thuận tự nhiên thì đều biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên, biết cách nương tựa lẫn nhau mà không hề làm đau nhau

- Em thích những ngày xưa khi nơi em sống chưa ô nhiễm ánh sáng. Đêm tối khiến những ngôi sao dệt nên ánh sáng cho bầu trời sâu thăm thẳm. Còn mặt Trăng thì phủ vàng khắp triền đồi. Cảm giác đó em không thể chia sẻ lại với một ai á chị, vì không có ngôn từ nào có thể diễn tả được

+ Em đang chia sẻ lại tình yêu đó. Vậy là chị được hạnh phúc lây rồi

Để Nước Cuốn Đ

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

GIỮ ĐỒ TRONG NHÀ, GIỮ RÁC TRONG TÂM

Để Nước Cuốn Đi








Có rất nhiều người giữ trong tủ bếp đến 5 bộ ấm chén, khi mở tủ ra thấy rất chật chội. Cũng có những người mỗi lần đi đâu đó, thấy những đồ vật có giá tầm 10 ngàn, 20 ngàn thôi, liền cảm thấy không đáng bao nhiêu, rẻ quá, mua thì cũng không sao nè. Với phụ nữ, đôi khi quần áo đang sale, có khi lại chỉ có 100-200 ngàn, nhìn cũng không đến nỗi, sẽ có dịp mặc thôi, vả lại, nó không hết bao nhiêu tiền

Theo năm tháng, đồ đạc trong nhà cứ nhiều lên, đồ chẳng dùng tới nhưng cho đi thì không nỡ. Những băn khoăn trong lòng bao gồm “cho đi lỡ có ngày dùng tới thì sao”, “dù sao cũng là tiền mình bỏ ra mua”, “cứ để đấy chẳng ảnh hưởng gì mà, cất vào trong tủ cũng được”, “đồ này bán thì mất giá lắm”, “có người mua thì cũng được, nhưng cho thì không được đâu”…

Nhưng lý do giữ những đồ vật đó ở lại, khiến người ta ràng buộc nhất là bởi họ cho rằng, chúng là của mình, thuộc sở hữu của mình

Thực ra thì, cái cốc nó chỉ đơn giản là cái cốc, nó ở nhà mình hay ở nhà Người, ở trên kệ cũng là cái cốc. Nó sinh ra với một công dụng là để uống nước. Và mục đích của nó hay của đồ vật là để sử dụng. Nó đâu sinh ra để được sở hữu. Nếu nhìn rõ được công dụng và mục đích của nó, ta sẽ thấy tốt nhất là để cho nó được làm đúng việc của mình, không ở đây thì ở nơi khác. Và rằng, để nó ở đây, chỉ là cầm tù nó chứ đâu phải sở hữu nó?

Diện tích nhà của ta thực ra vẫn chỉ có thế. Nếu đồ ngày càng nhiều lên mà ta không sử dụng tới. Điều cần làm không phải là mở rộng ngôi nhà hay mua thêm thùng để chứa đồ vì nó chẳng khác gì nhau. Mà là để cho không gian sống quay trở về sự thoáng đãng vốn có của nó, mục đích của ngôi nhà là để ở mà. Vậy thì lúc đó, ta sẽ chẳng cần bận tâm nên giữ hay nên bỏ, bởi cái ta thật sự cần là cái gì?

Đồ đạc tủn mủn mà ngày cứ một nhiều lên nhưng chẳng dùng, hay đồ đạc sang trọng mà chẳng giúp ích gì cho ta ngoài việc chiếm chỗ. Nó chẳng khác gì rác. Mỗi ngày phải nhìn những thứ đó, ta có mệt không, ta còn cảm thấy nó cần thiết không. Bao giờ dùng, ở thì tương lai sao. Hiện tại không thoải mái, thì tương lai còn có ích gì?

Ta giữ đồ trong nhà cũng như giữ rác trong tâm vậy. Có những thứ chẳng giúp được gì cho ta, chẳng liên quan tới ta, chẳng làm ta hạnh phúc hơn, thậm chí còn khiến ta chật vật trong đau khổ và phán xét, suy nghĩ, mà ta cứ gom lại vào lòng mỗi ngày. Những câu chuyện drama trên mạng xã hội như một cặp đôi nổi tiếng vừa chia tay, một trend mới chẳng hề vui vẻ, ai hơn ai thua, ai đáng chê đáng cười, những câu chuyện lâm li bi đát,…ta cứ để những chuyện đó vào mình, mà chẳng hề biết những điều xinh đẹp dễ thương khac vẫn còn đang diễn ra, đôi khi là hiện hữu xung quanh ta

Mỗi ngày bước ra thế giới, ta nhìn thấy một người nào đó đang say rượu, quan tâm đến những người đang hậm hực, để ý tới cái văn phòng nhốn nháo bên kia đường, bực bội vì cảnh chen lấn tắc đường…mà chẳng hề có ý thức để nhìn thấy bầu trời hoàng hôn, ánh nắng dịu dàng và bông hoa nở bên vệ đường. Gom vào lòng là rác, vậy sao lòng có thể nở hoa?

Có những câu nói, những thứ nhỏ nhặt, những câu chuyện của những người chẳng hề quan trọng cũng khiến cho ta lưu giữ mãi. Có những chuyện đã qua lâu rồi, người cũng thay đổi rồi, mà ta vẫn hằn học mãi. Đôi khi không chỉ đến từ những nỗi đau trong lòng có sẵn, mà đến từ việc ta đã chẳng bao giờ cho tâm mình được bình yên. Có ai giữ rác trong nhà nhiều mà chẳng muộn phiền, đồ đạc thừa mứa cũng như rác trong tâm. Chẳng giúp ích được gì cho ta ngoài việc khiến ta không thể thư giãn, khiến ta trở nên chật chội, và chẳng thế đón nhận hay sinh khởi thêm được những điều đẹp đẽ

Có lẽ, một sớm dậy, khi nhìn thấy những đồ đạc kia làm ta ngạt thở, ta sẽ nhẹ nhàng lau chùi và dọn dẹp, cho đi trong yêu thương. Lúc đó, ta cũng chẳng còn thiết tha giữ rác trong tâm mình

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Hỏi- đáp

Để Nước Cuốn Đi









Hỏi thương: “Tủ đồ của mình đây. Ko nhiều lắm cũng ko ít. Vậy mà mình chỉ mặc 1/3 số đồ trong này thôi. Nhìn mấy đồ còn lại bực mình quá chật chỗ. Bỏ đi cũng tiếc… giúp mình giải pháp, giải thích cho mình đi nhóm”
Đáp thương:
Bạn xem từ trước giờ hẳn luôn có người đưa cho bạn giải pháp. Ở trong nhóm này bạn chắc đã luôn nhìn thấy cách mọi người xử lý quần áo thừa. Nếu bạn học và áp dụng nhưng sau đó lại đưa đồ về thừa mứa, hoặc nghe giải pháp xong bạn vẫn cảm thấy không muốn làm theo. Là vì gì?

Là vì để giải quyết được vấn đề, bạn hãy tìm nguyên nhân sâu xa, phần gốc chứ không phải phần ngọn

Thứ nhất, trong câu hỏi của bạn đã có câu trả lời rồi ạ. Vì sao bạn không thể bỏ đồ đi? Vì bạn “tiếc”. Cảm giác tiếc này đến từ việc bạn cảm thấy đó toàn bộ là của mình, là công sức và tiền bạc mình vất vả bỏ ra. Đôi khi có thể nó còn thể hiện cho bạn 1 điều trong cuộc sống, bạn hay nắm chặt mọi thứ đến mệt mỏi cho mình, cho Người.

Thứ hai, bạn trả lời cho sự lựa chọn của mình la cảm thấy bực vì đồ, nghĩa là bạn đâu muốn giữ lại. Bạn có gói gọn cất vào một góc thì nó vẫn ở đó, cái sự bực của bạn vẫn ở đó thôi

Hãy tự hỏi lại bản thân mình.

Cái này không giúp được cho mình, vậy có thể giúp được cho người khác không?

Nếu giữ lại mà làm mình mệt mỏi, có đáng không?

Bạn chọn sự thừa mứa mà gây khó chịu hay sự vừa đủ(có thể ít) nhưng nhẹ nhõm?

Vài năm nữa, đống quần áo đó vẫn như vậy, bạn vẫn không mặc tới, chỉ có sự khó chịu là dai dẳng

Bạn chọn đi

Chúc bạn An

Để Nước Cuốn Đi

(Trích câu hỏi của một bạn trong nhóm lối sống tối giản. Mọi người đều đưa cho bạn những giải pháp rất hữu ích là cho, tặng, thanh lý,... hoặc giữ lại cất vào đâu đó vài tháng đến vài năm có thể dùng tiếp). Mình cũng xin góp một câu trả lời nho nhỏ ^^

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

TRÒ CHUYỆN VỚI “BIỂN” phần 1

Để Nước Cuốn Đi



- Mẹ ơi. Con cảm thấy mình không như trước. Thời gian này thật khó khăn với con, có phải con “cứng” hơn không mẹ. Có phải con chưa đủ “tốt” không mẹ…bla bla bla. Con phải làm sao ạ?

+ Con nhớ bài viết về “sự thả lỏng” và điều con luôn nhắc bản thân và mọi người chứ? Thả lỏng đi con. Như khi con ở trong lòng mẹ, như khi con ở trong nước, như khi con bơi. Con nhớ cảm giác khi con nhắm mắt hoàn toàn và con hòa tan trong nước chứ không còn tách biệt với nước chứ?


- Con đang không ổn lắm mẹ ạ

+ Cuộc sống luôn là vậy. Nó luôn biến chuyển. Tự nhiên hay con người cũng vậy. Ta không bao giờ chỉ tồn tại một trạng thái duy nhất con ạ

+ Con hãy nhìn mẹ. Có những ngày lòng mẹ là bão giông, có những ngày mẹ tức giận cuồn cuộn sóng, có những ngày lại là một màu ảm đạm, có những ngày lấp lánh dưới ánh nắng, và rồi sau tất cả, mẹ vẫn yên bình xanh thẳm vỗ nhẹ vào bờ

Thế rồi. Con có ghét bỏ mẹ vì mẹ như vậy không. Nếu mẹ tự ghét mình thì sao mẹ có thể làm chỗ dựa cho con những lúc con cần?


- Mẹ có ghét con người không ạ?

+ Mẹ có chứ. Mẹ ghét họ lúc họ đẩy những hóa chất vào lòng mẹ khiến mẹ đau đớn. Mẹ ghét họ khi họ vứt bỏ những túi nylon và khiến cho những sinh vật dưới đại dương ăn hạt vi nhựa hoặc là chết đi. Hay khi họ xâm lấn biển, xây dựng hay khai thác và góp phần làm tổn hại đến hệ sinh thái biển

+ Nhưng nếu chỉ ghét bỏ con người thôi, thì mẹ đã không ở đây. Mẹ ghét sự nhẫn tâm của họ và mẹ cũng thương điều đó nữa. Con nào thì cũng là con. Sinh vật trong lòng đại dương hay con người đều là con của mẹ, đều bước ra từ lòng mẹ. Con của mẹ rồi cũng quay trở về với mẹ. Mẹ vẫn luôn ở đây, có mặt khi các con cần. Mẹ sinh ra là để cho các con sự hiện diện của mẹ.

Những sinh vật biển may mắn hơn con người. Vì được mẹ ôm ấp trong lòng. Nhưng con người can đảm rời khỏi mẹ lên mặt Đất sinh sống. Họ đã quên mất cách thả lỏng trong nước, cách để sống không phải là gồng gượng mà là xuôi dòng, cách để tồn tại không phải là có thêm mà là bớt đi, vậy mới có thể bơi. Cho nên Mẹ vẫn lặng lẽ ở đây, lắng nghe và vỗ về mỗi khi các con tới. Mẹ thấy nỗi đau của các con chứ, mẹ thấy vui buồn giận hờn khi các con ở đây, mẹ thấy các con vẫn chỉ là đứa trẻ nô đùa tinh nghịch như lúc bé thôi

Sự hiện diện của mẹ là để chữa lành, là để xoa dịu, và yêu thương. Nhưng các con không phải ai cũng nhớ điều đó, không phải ai cũng biết cách tự chữa lành


- Con người và tự nhiên không tách rời đúng không mẹ?

Đúng rồi con ạ. Muối và nước ở trong con. Muối và nước ở trong mẹ. Con là một giọt nước của đại dương. Và con cũng là mẹ. Ta là một và không tách rời, chỉ khác nhau ở hình tướng. Tự nhiên sống đúng bản chất của mình là không tham lam, không mong cầu, không gồng gượng, chân thật và tự do, vậy nên “tự nhiên” giống như tên gọi của nó. Con người khổ vì chạy đuổi quá nhiều. Con người quên mất rằng, mình cũng là tự nhiên, và có thể sống như tự nhiên. Con đến từ tự nhiên, và cuối cùng trở về tự nhiên, hết một vòng tuần hoàn


- Làm sao cho con người giải phóng được tắc nghẽn về mặt tinh thần à mẹ?

+ Hãy về với mẹ. Hãy tâm sự với mẹ. Và để nước cuốn đi

Đừng để trong lòng. Đừng giữ trong lòng. Đừng để vết thương hóa thành u nhọt, nó sẽ làm các con đớn đau

Không thể về với mẹ, hãy nghĩ tới mẹ, và nói cho mẹ biết nỗi đau của các con

Hãy tâm sự với Đất, với Nước, với Bầu Trời, với cây cối, với hoa, viết ra giấy, vẽ tranh, làm đồ thủ công…HÃY LÀM BẠN VỚI CHÍNH MÌNH, MỖI NGÀY

+ Mỗi ngày, hãy ý thức giải phóng những gì khiến tâm trạng con đi xuống. Nỗi đau càng tích tụ lâu, con càng khó để buông bỏ

Và học cách yêu bản thân. Như mẹ

Ta không thể tránh được những điều người khác làm cho ta. Như con người làm với mẹ. Ta học cách chấp nhận. Khoảnh khắc ta chấp nhận, là lúc ta được chuyển hóa.

Và chân thật với chính con. Cứ vui buồn khóc cười. Ta là ta thôi.

+ Dù mẹ đã bao bọc cả hành tinh này nhưng trên Đất liền không có sự hỗ trợ của mẹ. Và có rất nhiều trược khí do năng lượng thấp tích tụ mà thành. Vậy nên, con cần biết tiếp xúc với những gì màu nhiệm, thay vì bị cuốn theo những nguồn năng lượng kéo con xuống

Đất đai đã được thay thế bằng bê tông, cây cối đã trở nên thiếu vắng. Vậy nên con cần biết tìm tới thiên nhiên để được chữa lành, để được tận hưởng sự tươi mát. Nếu không thể trở về với Biển, con hãy nghĩ tới kết nối với Đất, đi tới công viên, tới những không gian xanh, trồng thêm thật nhiều cây và tự tay chăm sóc nó…


- Làm sao để yêu thương nhiều hơn, ha mẹ

+ Mỗi lần con nghĩ tới yêu thương, thì yêu thương ở đó. Dù cuộc đời có cuốn con đi xa, hãy nhớ về yêu thương, như nhớ về cội nguồn

Rác trong đại dương không làm đại dương trở thành rác. Chúng ta bao la hơn chúng ta nghĩ. Trừ khi con giới hạn chính mình

Vẫn luôn tồn tại tình yêu trên cuộc đời tưởng chừng như đầy rẫy khổ đau này. Không có tình yêu thì vạn vật đã không thể tồn tại, con yêu ạ

Rũ bỏ dần những lớp áo ghét bỏ giận hờn đau đớn, chúng không thật sự là con

Đừng để hận thù ai oán xâm chiếm trái tim con. Con nhớ câu chuyện cây bao báp và hoa hồng của hoàng tử Bé chứ. Bất cứ lúc nào, ta nhận thấy những cây bao báp đang lan rộng và có khả năng làm nổ tung hành tinh, ta cần nhổ bớt nó đi. Nuôi những ghét bỏ thù hận mỗi ngày chỉ làm con trở nên đánh mất trái tim mình. Vậy nên ta cần trồng thêm thật nhiều hoa hồng, là những hạt giống của tình thương con nhé

Là khi con trao đi yêu thương cho bất cứ ai, bất cứ khi nào, khi con chọn sự tử tế. Là mỗi lần cây hoa hồng lại nở thêm, tình yêu trong con mở rộng

Hãy nghĩ đến tình yêu. Tình yêu sẽ dẫn lối cho con


- Tình yêu của con có giảm đi không mẹ?

+ Tình yêu của con vẫn thế. Nó luôn ở trong tim con. Nếu không con đã không ở đây. Nếu không con đã không cảm nhận được mẹ

Con biết ơn Mẹ. Nguyện cho con và tất cả chúng sinh luôn nhìn thấy tình yêu trong trái tim mình 

Để Nước Cuốn Đi