ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

VẠN VẬT TRÊN ĐỜI ĐỀU QUY THUẬN THEO ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH

Để Nước Cuốn Đi









Âm dương là vừa là nền tảng, vừa là cốt lõi lại là sự phát triển của vạn vật muôn loài từ khi khai sinh lập địa. Từ cổ chí kim con người đã được sự dẫn dắt của Vũ trụ để hiểu về âm dương, lấy đó làm kim chỉ nam để ứng dụng vào đời sống sức khỏe, tinh thần cũng như trồng trọt, chăn nuôi hay nghiên cứu được rất nhiều giá trị và khai phóng nhiều hệ tư tưởng cũng như các lĩnh vực khác nhau. Đã là bản chất thì sống trên Trái Đất này cần quy thuận theo âm dương ngũ hành mới có thể phát triển và bền vững
Âm và Dương tương tự như tính nhị nguyên(2 mặt) của đời sống. Trong khi Âm tượng trưng cho sự dịu dàng, mát mẻ, hiền hòa, nhu mì thì Dương tượng trưng cho sự nóng ấm, nổi trội, mạnh mẽ, hoạt động. Vì đó là 2 thái cực khác nhau cho nên ta mới cần phải cân bằng âm dương. Vì không có cái gì chỉ Âm, cũng không có cái gì chỉ Dương mà có thể phát triển hoàn toàn. Tưởng như tách rời nhưng thực ra hỗ trợ, bổ trợ và thúc đẩy cũng như cân bằng cho nhau

Mặt Trời(dương) có sức nóng vô hạn thì cần Mặt Trăng(âm) dịu dàng lan tỏa. Ngày(dương) kéo dài sự hoạt động(dương) thì đêm(âm) cần nghỉ ngơi(âm). Nắng(dương) sưởi ấm thì cần mưa(âm) để mát mẻ. Người nam(dương) cứng nhắc, cứng cỏi, quyết liệt thì cần người nữ(âm) linh hoạt, mềm mại, yếu đuối…Hai lực này luôn có xu hướng hợp nhất lại để hoàn thiện thiếu sót, chúng đối nhau nên bên này sẽ chứa những yếu tố bên kia thiếu. Và nhờ vào sự tương tác này, tất cả mọi hiện tướng của vũ trụ hiện hữu và duy trì sự vận động 1 cách tương đối

Ứng dụng vào một chế độ ăn ta cần hiểu như sau. Ở những vùng khí hậu lạnh, ôn đới(âm) sẽ sinh ra các loại động thực vật dương để tự làm ấm mình. Ở những vùng khí hậu nóng(dương) lại sinh ra các động thực vật âm để tự làm mát mình. Mùa đông khí hậu âm nên nấu những món ăn dương sẽ ngon hơn và ngược lại, mùa hè khí hậu dương thì nấu món ăn âm sẽ ngon hơn. Đối với những người có cơ thể nóng biểu hiện qua nước tiểu, nhiệt độ... thì ăn món ăn âm sẽ tốt hơn, và đối với những người mang thể chất âm(hàn lạnh) thì ăn món dương sẽ tốt hơn. Khi nấu ăn nếu món nào dương thì chế thêm âm để cân bằng, và món nào âm thì chế thêm dương để cân bằng âm dương

Thế nên ở Việt Nam có rất nhiều đồ ăn tính âm. Ví dụ như hải sản, vịt ngan, cá lươn sông suối. Rau lá mọc rất nhiều, các loại trái cây rau củ mát mẻ, hàn lạnh như chanh leo bầu bí mướp rau sống, cam quýt bưởi chanh… Trong khi ở các nước ôn đới lại hay phát triển các loại củ dưới đất như khoai tây củ cải…Là vì tự thân chúng phải phát triển tính âm hoặc dương bên trong để cân bằng. Ví như khí hậu thường xuyên nóng bức nên các loại thực vật có xu hướng trở nên âm mát để hạ nhiệt cho chính chúng bằng cách phát triển nhiều hạt hơn, nhiều lá hơn, nhiều múi mọng nước hơn. Nhưng mặc dù thiên về tính âm chẳng hạn, nhưng tự thân chúng lại cân bằng lại trong chính chúng. Ví dụ như quả chanh rất hàn/mát thì láchanh lại rất dương(điển hình cho sự dương là mùi thơm tinh dầu, ăn vào ấm nóng). Quả dừa ở trên cao tít tiếp xúc gần ánh mặt trời nên sinh ra lượng nước(âm) để bù đắp cho sự nóng. Vậy nên nước dừa gần như hàn nhất trong các loại nước, nhưng cùi dừa(cơm dừa)để bảo toàn tính âm đó lại sinh ra tính dương(ấm nóng)để cân bằng lại nhiệt. Củ cà rốt khoai tây ở dưới đất(tính âm lạnh) cho nên tăng trưởng thành tính dương(ấm áp) để cân bằng với nhau.

Cho nên thực phẩm càng mọc trên cao thì thường có khuynh hướng âm hơn và dưới đất thì có khuynh hướng dương hơn. Nhưng để cụ thể chúng ta cần suy ra hoặc ăn thử mới có cảm giác về nóng(dương) hay mát(âm). Những thực phẩm ngang tầm trung(vùng bụng) của chúng ta vì thế cũng thường mang cảm giác cân bằng, không quá âm hay dương vì không chịu nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh. Ứng dụng vào việc nấu ăn để cân bằng, người phương Đông rất minh triết. Không phải tự nhiên rau cải hàn lạnh thì ta thường đập gừng(ấm) cho vào, cảm lạnh thì uống gừng ấm, cảm nắng thì uống rau má diếp cá(mát). Người cao huyết áp thì cho uống rau má đường, chanh đường(mát), người huyết áp thấp thì lại uống gừng, ăn gia vị cay ấm. Thức ăn âm như vịt như cá thì thường được cho riềng sả. Quả cà(âm) thì cho muối(dương) để ngâm, ăn vào mùa hè. Mùa hè nóng thì uống chanh, uống sắn dây. Đông lạnh thì lại ăn củ quả dưới đất…Đó là những cách nêm gia vị hay ăn uống cân bằng từ người xưa(lưu ý, áp dụng để cân bằng, không áp dụng rập khuôn cho người đang mất cân bằng âm hoặc dương)

Buổi sáng thì tượng trưng cho dương. Tối tượng trưng cho âm. Vì thế nên sáng chúng ta có khuynh hướng thức dậy, hoạt động, khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, tỉnh táo. Tối thì muốn nghỉ ngơi, cảm thấy lạnh và cần đi ngủ để tĩnh dưỡng. Vậy nên sáng nên ăn đồ âm để cân bằng như trái cây tính mát, ăn vị chua ngọt, ăn vị đắng tới trước 5h chiều. Sau 3h chiều thì nên ăn những đồ tính dương như chất béo, đạm, vị cay, muối, vị chát, kiêng kỹ đồ hàn lạnh.

Vậy nên, nếu bạn đang có chế độ ăn toàn những đồ hàn lạnh(âm) hay nhiệt(dương) thì cần xem lại. Nữ giới tính âm nên chú ý bổ sung nhiều đồ dương(ấm) hơn là nam giới(dương) thì cần bổ sung đồ ăn âm(mát). Còn bất kể nam hay nữ nếu mất cân bằng âm dương thì bổ sung tương trợ lại thực phẩm tương ứng. Tuyệt đối đừng thiết lập cho mình một chế độ ăn mất cân bằng khi mà bạn không hiểu được tính âm dương của thực phẩm hay âm dương bên trong mình.

Vậy tại sao lại có một số thực phẩm dương ở vùng dương như quả vải, quả mít và một số thực phẩm âm ở vùng âm? Ngoài những yếu tố về thổ nhưỡng, vùng đất thì có một nguyên lý là không có cái gì tuyệt đối âm hay dương. Dù mức độ âm dương khác nhau nhưng trong mọi thứ đều tồn tại cả âm và dương. Hơn nữa, mỗi loài đều có đặc điểm riêng và vai trò riêng, tính chất riêng. Giống như con người, có người sinh ra với thể chất vốn sẵn khỏe mạnh hoặc rất dương, nhưng có người sinh ra thể chất lại không được bằng(không xét đến các yếu tố di truyền, tiên thiên hay ngoại cảnh). Vốn dĩ tạo hóa cũng sẽ cân bằng theo cách, ở một vùng đất chắc chắn sẽ có những người bị âm hóa hoặc dương hóa do lối sống chẳng hạn. Từ đó việc vùng dương chứa nhiều thực phẩm âm nhưng sẽ tồn tại những thực phẩm dương để giúp con người cân bằng lại sức khỏe của mình và ngược lại

Với nguyên lý không có gì tuyệt đối thì âm dương cũng vậy. Trong tất cả mọi thứ thì không có thứ gì âm dương bằng nhau. Dù là thứ gì, thì nhất định sẽ có thứ âm hơn hoặc thứ dương hơn. Như phụ nữ sẽ âm hơn và nam giới sẽ dương hơn. Nhưng tính nữ vẫn sẽ cần một chút tính nam để cân bằng và ngược lại. Nấu đồ ăn âm thì cần chút gia vị dương để không bị âm hóa nhưng không bao giờ có thể khắc chế cho bằng nhau cả hai phần thực phẩm. Từ đó ta biết không nên rạch ròi, bài trừ, phân biệt hay cực đoan trong mọi hình thái và chủng loại của cuộc sống

Đừng đi ngược lại quy trình của tạo hóa. Nhìn vào vạn vật cuộc sống, bạn sẽ thấy mọi thứ đều quy thuận theo âm dương ngũ hành. Cớ gì bạn chỉ ăn uống duy nhất một loại thực phẩm âm hay dương. Vì sao bạn chỉ sống vào ban đêm mà thiếu đi ban ngày. Vì sao bạn từ chối nắng. Vì sao cơ thể Hàn mà cứ ăn đồ lạnh, rau củ hoa quả tính mát. Tại sao tính nữ mềm mại uyển chuyển mà bạn cần phải cương quyết, mạnh mẽ, cứng cỏi, xây dựng và thủ lĩnh? Vì sao tính nam lại không thể trở nên bảo vệ, lành mạnh, có phải là do thiếu tính nữ dẫn dắt hay không?

Ngũ hành là gì? Ngũ hành là những yếu tố vật chất cấu thành và nguyên thủy tạo nên cuộc sống của con người, luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của chúng ta bao gồm 5 yếu tố Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Nhưng không phải là yếu tố phong thủy hay vận mệnh tướng số, cầu duyên hay tài lộc. Ngũ hành ám chỉ rằng con người cần “kim” loại để tạo nên các vật dụng phục vụ nhu cầu đời sống như là đồ gia dụng, đồ đạc nội thất nguyên thủy; Cần “mộc” là cần cây xanh để giúp lưu thông không khí, làm bóng mát hay che chở cho khỏi những yếu tố bất thường của thời tiết; Cần “thủy” là nước để duy trì sự sống mềm mại; Cần “hỏa” để sưởi ấm, để đốt cháy hay nấu nướng thức ăn, làm ánh sáng soi đường; Cần “thổ” là đất để trồng trọt, nuôi dưỡng.

Ngoài ra ngũ hành còn cho ta thấy những quy luật trong đó để vận dụng. Nếu như tương sinh là một vòng tròn khép kín tạo ra sự liên quan và tương hỗ cho sinh sôi nảy nở như là kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ và thổ sinh kim để ám chỉ rằng thủy sinh mộc vì nước giúp cây tươi tốt, mộc sinh hỏa thì gỗ giúp bén lửa. Thì quy luật tương khắc ám chỉ sự khắc chế lẫn nhau để không có cái nào vượng, vì chẳng có cái gì cứ một chiều hay chỉ một thái cực là tốt. Sự cân bằng tạo ra như triết lý nhân sinh quan. Kim Khắc mộc. mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim ví dụ như nước sẽ dập tắt lửa nhưng lửa có thể nung chảy kim loại. Quy luật thịnh quá hóa thừa để ám chỉ rằng sự phát triển cực thịnh sẽ dẫn đến thừa và thừa sẽ dẫn đến suy. Sự phản sinh này có thể lấy ví dụ về việc muốn cho em bé lớn thì cho ăn đầy đủ, nhưng ăn quá độ sẽ dẫn đến bệnh tật. Em bé được ví là hành kim, đồ ăn là hành thổ. Thổ sinh kim nhưng nhiều thổ quá sẽ phản tác dụng, chôn vùi kim

Âm dương và ngũ hành đều là sự tương hỗ, bổ trợ, vận động và chuyển động liên quan đến nhau. Ta không cần hiểu quá học thuật về chúng, nhưng chỉ cần nắm được tầm quan trọng và sự dịch chuyển qua lại giữa chúng, lập tức tạo sự cân bằng, trung dung mà không nghiêng về bên nào quá nhiều. Cũng như bù đắp cho phần mình còn thiếu, giảm đi phần mình đang thừa

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét