Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023
TẠI SAO MỌI NGƯỜI ÍT CHIA SẺ VỀ “TÂM LINH” HƠN? BÀI HỌC Ở ĐÂY LÀ GÌ?
Sự ít hơn mà mình muốn so sánh là hiện tại so với giai đoạn 2020-2022.
Như các bạn đã biết, giai đoạn 2020-2022 là sự đâm chồi nảy lộc và phát triển “tâm linh” ở Việt Nam. Các từ khóa như “tu tập”, “tâm linh”, “chữa lành”, “vũ trụ”, “dự báo”, “năng lượng”, “phật giáo”, “đạo”, “phương pháp trị liệu”…lên ngôi và không còn xa lạ
Mình xin phép để chữ “tâm linh” trong ngoặc kép bởi đó có thể là 1 từ khóa nhưng mang rất nhiều định nghĩa từ những người khác nhau
Tại sao lại là 2020-2022 lại bùng nổ mạnh mẽ về “tâm linh” như vậy?
1. Thứ nhất do dịch bệnh. Chúng ta ít khi chứng kiến một đại dịch xảy ra ở cấp độ mạnh mẽ trên toàn cầu đến thế. Đại dịch đã khiến nhiều người mất công việc, phải dừng lại hoạt động sống thường ngày (hoạt động đó có thể đã lặp lại trong vài chục năm hoặc cường độ rất cao), chuyển nơi ở, phá sản, ốm đau, nghèo túng, bị cô lập…
Về tinh thần. Con người bắt đầu sống trong sự hoang mang, sợ hãi, lo lắng, khủng hoảng,… Nếu như bình thường, con người lao ra cuộc sống, công việc, sự bận rộn, những thú vui bên ngoài như tụ tập, giải trí, mua sắm… Họ đã quen với sự ồn ào/hoặc để quên đi việc phải giải quyết những mắc kẹt/ẩn ức trong lòng mình. Thì giờ dịch bệnh diễn ra khiến họ phải đối mặt với khủng hoảng tinh thần gấp đôi. Họ buộc phải đối mặt với sự cô đơn, sự sợ hãi, với những nỗi đau hay những gì bản thân đã đè nén từ trước tới nay CỘNG với áp lực từ vật chất, bất an từ thông tin dịch bệnh….
Tất cả những khủng hoảng vật chất + tinh thần đó đến cùng một lúc đã giúp cho nhiều người bật ra được đúng con người bên trong với những khát khao sống lành mạnh, hạnh phúc và bình an.
Họ đi tìm những kiến thức, những vị thầy, những quyển sách, những học thuật,… có thể giúp họ đi qua cơn khốn cùng
Với những người có nhận thức bên trong sâu sắc và mạnh mẽ, nhìn thấy được những nỗi đau, họ cũng khát khao được cống hiến, phụng sự tâm thức của mình cho con người.
=>Sự giao thoa đó làm nên sức bật và trỗi dậy của tâm linh. Mà mình gọi là hành trình quay vào bên trong của mỗi người
2. Thứ hai do xu hướng cộng đồng
Có một hiệu ứng mà chúng ta đều biết nhưng ít khi nhận biết đó chính là hiệu ứng đám đông. Nếu ta sinh ra trong một nền văn hóa/một nền gia đình/một xã hội/…chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông đó. Hãy nhìn một đám đông đang chen lấn/ nhìn một đám đông đang xếp hàng để thấy điều đó
Khi rất nhiều người nói về một thứ mà thứ đó tác động đến tinh thần của chúng ta đúng lúc. Ví dụ như trong lòng bạn đang bực tức (bạn dễ ùa vào cùng 1 cộng đồng ném đá một ai đó). Thì chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng nếu không có định lực vững vàng/định lực riêng
Nhất là khi những thứ đại diện cho tinh thần và mang xu hướng giúp ta(hãy phân biệt sự giúp này, bởi giúp ta trốn chạy vấn đề của mình/hay giúp ta quay vào xử lý vấn đề của mình).
Ta rất dễ bị kích thích bởi những thứ mới lạ, mới mẻ, “đẹp đẽ”, “thần thánh”, “có năng lực mạnh mẽ”, kỳ diệu, “có lý tưởng”, “có mục đích”, “cảm thấy bản thân quan trọng”, “sự trợ giúp từ bên ngoài”... . Ngược lại với sự bạo động, những điều tốt đẹp có thể tác động đến chúng ta tinh vi hơn rất nhiều ở rất nhiều hình tướng khác nhau
Chúng ta dễ dàng tìm đến tâm linh như một sự hào hứng, tò mò, phấn khích, sôi nổi, nhiệt thành, cống hiến, đam mê, thậm chí là lầm đường lạc lối
(Mình không phủ nhận có rất nhiều người nhờ tìm đến đúng hành trình tâm linh đã giúp bản thân sống bình an, hạnh phúc hơn)
Nhiều người tìm đến tâm linh để thoát khổ, hay chạy trốn vấn đề thật sự bên trong, hay ban đầu có thể đã chỉ đơn thuần mong muốn bản thân tốt hơn.
Cũng nhiều người tìm đến tâm linh vì nghĩ rằng mình có thể giúp được người khác
Nhưng rơi ra khỏi ma trận cuộc sống, có thể họ lại rơi vào ma trận tâm linh. Những khái niệm, dán nhãn, phương pháp, người thầy, “cái tôi”…đã khiến họ càng trở nên bám chấp, tham đắm, lạc lối, mong cầu nhiều hơn…
3. Sự đình trệ về không gian và thời gian
Lý do thứ 3 khá liên quan đến lý do thứ nhất bởi đều do tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh. Nhiều người bắt buộc phải rời bỏ nơi sống/công việc/gia đình… chính là sự thay đổi về không gian và thời gian sống của họ cũng không còn như trước
Họ bắt đầu có thời gian đối mặt với bản thân. Trở nên tĩnh lặng và cô độc (không phải cô đơn). Kết nối lại với gia đình, bạn bè, cuộc sống, nhất là chính mình. Họ dành thời gian ngồi thiền, chăm sóc bản thân, dạo chơi, kết nối với những nguồn năng lượng chữa lành từ thiên nhiên, từ sự ổn định tinh thần…
Khi tâm trí được thư giãn, khi tâm hồn được thả lỏng. Họ truy cập được vào vùng ý thức bên trong, là tầng nhận thức vẫn ở đó nhưng bình thường bị xáo trộn bởi những chạy đua của cuộc sống. Họ có thời gian học tập, tìm hiểu bản thân, những kiến thức mà họ thấy thu hút. Từ đó, họ nói về tâm linh như một phần của cuộc sống
VẬY TẠI SAO MỌI NGƯỜI ÍT CHIA SẺ VỀ “TÂM LINH” HƠN?
Sự chia sẻ nguồn gốc ở trên cũng đã khiến bạn hiểu vì sao cho câu hỏi này.
1.Khi đại dịch đã phần nào qua đi, khi nó không còn trở thành nỗi ám ảnh hay xa cách, khi nó trở thành một nhịp sống bình thường. Con người như thường lệ, quay trở lại công việc của họ. Họ không còn cần/không cần sự quan tâm đến “tâm linh” nữa. Họ có thể bị kéo theo cuộc sống hiện thực như trước kia, những gánh nặng về cơm áo gạo tiền (nhất là những gì xảy ra trong tâm trí họ) khiến họ lại lao đi ra ngoài tìm kiếm sự bình ổn mà họ nghĩ, hay cố gắng hòa nhập lại với nhịp sống cộng đồng/nhịp sống xung quanh họ
2. Khi mà con người tìm đến điều gì như là một xu hướng/ một sự tò mò nhất thời. Điều đó sẽ không tồn tại lâu. Tìm đến “tâm linh” cũng vậy. Nếu như người ta tìm đến chỉ vì tò mò, vì mong muốn trốn chạy bản thân, vì những màu sắc kỳ bí và ma thuật, vì những mong muốn giải thoát cho họ nỗi đau sâu thẳm bên trong, vì cái tôi hay mong cầu/tham đắm… Mà “tâm linh” không thể giúp được cho họ, hay khi xu hướng đi xuống. Họ sẽ tự động rời đi
3. Vì chúng ta đều là con người, dù chúng ta là người học hay người chia sẻ. Ta đều có hành trình riêng, dự định, bài học riêng. Đôi khi, như một lẽ tự nhiên, mọi người cần phải học tốt, hoàn thành tốt việc của mình trước, rồi mới có thể đem việc đó đi chia sẻ lại cho người khác. Muốn giúp người, trước hết hãy giúp mình. Còn tương tác thì còn bài học, sống là không ngừng trải nghiệm, học hỏi và sẻ chia. Vậy nên xong đoạn này thì đừng nghĩ là hết, những đoạn đường trước mắt đôi khi không thể nhìn thấy mà chỉ có thể nhìn vào bản thân ở hiện tại, đem lòng nhẫn nại và tin tưởng vào sự sắp xếp của đất trời, biết rằng cái gì đến thì cứ đến thôi
Không trông chờ vào ai khác/việc gì khác/hoàn cảnh khác là một bài học. Rằng mọi nhân duyên luôn kết quả thành cho ta những dẫn lối trong đời. Nhưng việc của chúng ta là luôn tự mình bước đi, tin vào chính mình và học cách yêu thương con người mình, để từ đó có thể yêu thương mọi thứ đến trong đời chúng ta
Những gì ta đã đi qua không có gì là sai đâu. Kể cả sự nhầm tưởng, sự dính mắc hay bám chấp, vào “tâm linh” đi nữa. Việc gì xảy ra cũng là cơ hội giúp ta được quay vào bên trong, soi chiếu chính mình và tìm thấy sức mạnh bên trong bản thân
Mình chưa bao giờ gọi tâm linh là một điều gì xa vời. Mình là tâm linh, bạn là tâm linh và vạn vật trong đời sống này đều có tính linh. Nghĩa là ta sống với bản chất trong ta, màu nhiệm là sự từ bi, yêu thương và hóa giải là huyết mạch chảy bên trong, sự sống là tuyệt diệu. Ta chỉ có một hành trình giống nhau duy nhất là “quay vào bên trong”, dù là trước kia hay bây giờ, có sự cố xảy ra hay không có sự cố xảy ra, dù đang bận rộn hay thảnh thơi, dù hoàn cảnh khác nhau... Chỉ một điều như vậy thôi
Mến chúc bạn mọi an lành
Để Nước Cuốn Đi
About the Author
Để Nước Cuốn Đi / Blogger
Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét