ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

QUA CƠN BĨ CỰC MỚI TỚI HỒI THÁI LAI

Để Nước Cuốn Đi


Mình muốn dùng câu nói này không có ý ám chỉ rằng “khổ trước sướng sau”. Nếu đơn thuần chỉ nói về việc hãy cứ khổ đi rồi sẽ sướng, ta sẽ mắc kẹt trong việc ép mình phải chịu đựng vì cái gọi là tương lai chứ không phải chấp nhận vấn đề một cách dĩ hòa. Có thể hiểu rằng đây không phải là một sự kỳ vọng, nó mang ý nghĩa đằng sau cơn đau là một sự hạnh phúc, hay có thể nhìn thấy hạnh phúc trong đớn đau

Bạn có biết về cơn đau trong khi tập Yoga không. Bởi yoga là một chuỗi những hành động co giãn cơ. Cho nên khi tập yoga, nhất là hành trình ban đầu, quan sát bạn sẽ thấy cảm giác đau kéo đến sau mỗi động tác giãn của cơ thể. Nhưng một điều đặc biệt là khi cơ thể co lại đằng sau sự giãn nở đầy đau đớn đó, lại là một cảm giác rất thư giãn, rất dễ chịu. Và để có thể kết hợp được sự co giãn đó, để không quá sợ hãi và đau đớn, việc bạn cần làm là tập trung vào hơi thở và thả lỏng toàn bộ cơ thể. Cho phép mình được đau, rồi hết đau

Bạn thấy điều gì trong ví dụ tập yoga ở trên. Rõ ràng là, không có điều gì chỉ hướng đến sự thoải mái mà không trải qua thử thách. Việc đi qua nỗi đau không phải là để đau hơn, mà là cảm giác hưng phấn và đổi thay theo một chiều hướng rất tích cực. Trong yoga hay trong đời thường, việc bạn đối diện với nỗi đau như thế nào sẽ quyết định bạn sẽ hạnh phúc ra sao. Bạn càng cố phản kháng, cơn đau càng đau. Bạn thả lỏng và hít thở, xuôi dòng, cơn đau sẽ qua như một sự vô thường và trở thành chân lý

Vì sao mình lại lấy ví dụ về Yoga. Bởi tinh thần của yoga là tinh thần của cuộc sống. Yoga mang hơi thở của sự thật và chiêm nghiệm. Tại sao một đứa trẻ lại có thể tập yoga dễ dàng và bớt đau hơn người lớn, là vì cơ của chúng đang còn mềm dẻo và dễ uốn nắn. Cũng như vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy đau đớn hơn một đứa trẻ. Là vì chúng ta đã không học cách đối diện với cơn đau từ sớm hơn mà ta thường lựa chọn chạy trốn chúng. Thời gian càng dài, những lớp bụi áo của sự vô minh, của cội rễ tham sân si bám đầy mình. Tất nhiên việc học cách trở lại trong suốt không dễ dàng như đứa trẻ nữa, nỗi đau có thể đau hơn. Nhưng một khi bạn từ chối đối diện nỗi đau, nỗi đau sẽ luôn ở đó mà không đi đâu cả, càng ngày càng dày hơn, càng ngày vết thương càng to lớn hơn. Cho nên, thà đau cho trọn vẹn hiện tại, hơn là mang ung nhọt vào tương lai

Đừng bao giờ cố lấy đi nỗi đau của người khác. Hãy biết rằng đau đớn là cần thiết đối với bạn hay bất kỳ ai. Nếu như ta hay Người còn muốn ở trong cơn đau, cách thương họ tốt nhất là để cho họ được đau nỗi đau của mình. Đừng cố để kéo Người ra khỏi trạng thái cảm xúc mà Người đang còn muốn trải nghiệm. Người có thể đau đớn, không phải là người yếu đuối, mà là người đã dũng cảm đối diện với những bóng tối và khúc mắc trong lòng. Và chỉ khi chấp nhận được bên trong mình, thì lúc đó ta mới có thể chuyển hóa những ẩn ức đã vô tình hay bị bỏ quên từ rất lâu. Học cách chấp nhận và sống trọn vẹn với một trạng thái là quan sát và ôm ấp mảnh cảm xúc đó mà không phán xét, suy tưởng, chỉ trích hay ghét bỏ bản thân mình

Khoảnh khắc chấp nhận được cơn bĩ cực, là đã thấy thái lai. Rằng một nội tâm chỉ trở nên an bình khi thôi giãy giụa hay vùng vẫy. Bình an không phải là thấy cảnh yên lòng mới thôi dậy sóng, mà trong cảnh bất như ý lòng vẫn một mực điềm nhiên. Vì biết rằng chẳng có gì là tồn tại mãi, mọi thứ luôn đổi thay thì cảm xúc trong lòng cũng vậy. Đau rồi đi qua nỗi đau là một cách để chiêm nghiệm cuộc sống, cũng là một cách để nhìn sâu vào bên trong, hiểu mình từ đó hiểu Người

Đau đớn, luôn đi kèm với hạnh phúc

Sau đêm tối, là ánh sáng trong lành ban sơ

Yêu thương và bình an gửi tới bạn 

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét