ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

ĐỊNH THÂN TRƯỚC KHI ĐỊNH TÂM

Để Nước Cuốn Đi




Tại sao ngoài chữa lành, ngoài đi sâu vào sức khỏe tinh thần mình lại dành một phần để viết về sức khỏe của thân?

Là bởi vì, thân là ngôi nhà, tâm là phần linh hồn bên trong ngôi nhà. Bạn làm gì thì làm, nhưng trước hết nhà mà dột nát, yếu ớt thì linh hồn sao có thể trú ngụ, nói gì tới việc minh mẫn, thông suốt, vui vẻ? Giả sử bạn có một cái chân đau, thì bạn làm gì còn tâm trạng mà ngồi thiền, mà đọc kinh sách hay cúi bái lễ lạy?

Và bởi, chăm sóc thân thì dễ hơn chăm sóc tâm. Tập thể dục hay học cách ăn uống sao cho hợp lý, cho khỏe mạnh vẫn dễ hơn là ngồi thiền. Nếu tâm trí bạn đang quá nhiều bộn bề, nếu bạn đang gặp các hội chứng tâm lý nặng nề, thì đâu có ép mình ngồi xuống mà không nghĩ được, đâu có tự thực hành thiền định một mình được. Trong khi đó, mỗi ngày bạn nỗ lực chạy bộ 15 phút thôi là đã cải thiện vô vàn sức khỏe của bản thân, vì khi chạy thì máu huyết lưu thông, tim co bóp vận chuyển máu nhanh hơn, cơ thể toát mồ hôi thải độc, các khớp xương được lưu động, chưa kể quá trình đó cũng giải phóng các hormone có lợi cho sức khỏe như domapine và erdorphin, cái khiến bạn hưng phấn tinh thần. Bạn ngồi trong nhà bạn cũng tập được môn gì đó, ngồi phơi nắng 10 phút buổi sáng hay uống nhiều nước…nó đâu có khó đâu?

Cho nên, tâm chưa tĩnh lặng, chưa tìm được khoảng lặng để bình tâm thì bạn đừng cố nhồi nhét kiến thức, đừng cố đọc nhiều sách hay thực hành các phương pháp luyện tâm, lấy năng lượng hay bỏ quá nhiều tiền vào một cái gì mà bạn không có thôi thúc. Tập trung vào chăm sóc sức khỏe, từ ăn uống cho tới tập luyện, sinh hoạt hay các phương pháp chăm sóc thân thể từ tự nhiên, không tốn quá nhiều chi phí mà hiệu quả và lành mạnh. Lắng nghe xem cơ thể bạn thừa thiếu cái gì, thèm và dư cái gì để bổ sung cho hợp lý, chứ không chỉ sao chép chế độ của bất cứ ai một cách vô thức. Nhiều khi thân bệnh, mà không lắng nghe nó, cứ chạy đi chữa tâm, nhìn lại hiệu suất càng lúc càng giảm mà hiệu quả chẳng có bao nhiêu, đôi khi tâm chẳng lành mà thân thì mệt nhoài

Và tại sao mình lại tập trung vào ăn uống. Bởi vì ăn đúng, ăn đủ là hoàn toàn có thể chữa được bệnh tật, thức ăn chính là phương thuốc mà tạo hóa đã ban cho. Tạo hóa tạo ra con người, tạo ra thức ăn lẽ nào để cho con người ốm đau bệnh tật. Nhìn vô tự nhiên, nhìn vào khu vườn nhà bạn, rất nhiều vị thuốc đó sao. Những thức ăn thanh nhẹ và tươi mát như rau củ quả là phù hợp nhất, sau đó đến các loại cá và hạn chế thịt đỏ, thức ăn công nghiệp, bạn cứ ăn vào rồi xem các biểu hiện cơ thể là hiểu. Lắng nghe xem cơ thể thật sự cần ăn cái gì, đừng ép mình phải uống bia rượu, ăn đạm động vật quá nhiều. Các phương pháp ăn và chữa bệnh thì hằng hà vô số, nhưng cần chú ý xem cái gì là tự nhiên, luôn đặt câu hỏi cái này có tự nhiên hay không, hơn là chỉ nhìn vào một số ví dụ. Xem bản thân cần gì, nghe cơ thể nói gì, đã là bước đầu tiên để đi vào hiểu mình rồi

Yêu thương và trân quý cơ thể là không phải chỉ nuông chiều miệng mình. Vì sao mà người ăn đồ fastfood nhiều lại chỉ thấy đồ fastfood ngon, là vì họ đã mất kết nối với cơ thể. Trong dạ dày có một hệ thống lợi khuẩn, thủa ban sơ khi bắt đầu tiếp cận với thức ăn cơ thể chúng ta rất nhạy. Khi thức ăn đi vào, lợi khuẩn sẽ phát tín hiệu rằng cái này không phù hợp và đưa phản xạ lên miệng rồi tới não, có khi thì xảy ra phản ứng là đau bụng hay cảm giác ì ạch mệt mỏi khó tiêu. Nhưng chúng ta không có lắng nghe nó. Thức ăn công nghiệp được xử lý qua phòng thí nghiệm và nhà máy, cho nên lợi dụng cảm giác ngon miệng trong 10s đầu tiên, nhưng khi vào bụng thì lại khác. Nếu ta không lắng nghe cơ thể thì các lợi khuẩn dần chết đi, từ đó không còn phản xạ lên vị giác và não bộ. Ta không phân biệt được cái gì nên ăn và không nên ăn nữa. Từ đó phụ thuộc hoàn toàn vào nó

Cơ chế thải độc của cơ thể gồm có đi qua đường tiêu hóa, qua đường tiểu, tuyến mồ hôi, và hít thở đúng cho phổi. Chỉ tập thể dục, ăn đúng, ngủ nghỉ sinh hoạt điều độ là thân đã khỏe mạnh lắm. Nó dễ hơn rất nhiều so với định tâm ạ. Mà thân khỏe, tâm an, trí mới tỏ tường

Mình để một số link chăm tóc thân cho bạn tham khảo nghe:
Album ăn uống cân bằng âm dương: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.150198380712382...
Sống khỏe: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.150197747379112...
Tự chữa lành: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=176652141400339&id=100071666629816

Điều gì không hiểu bạn có thể hỏi mình ạ. Chúc các bạn thân tâm an lạc

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

CÓ PHẢI BẠN ĐANG MẤT TỰ DO?

Để Nước Cuốn Đi





(Một bài viết mình viết vào giữa năm 2021, thời điểm này có thôi thúc post lại vì nó nói về sự tự do trong tâm trí, hoàn cảnh, không gian và thời gian)

Ngày chưa giãn cách, bạn có một cuộc sống vui vẻ. Bạn tới nơi làm việc/ nơi học mỗi ngày, gặp gỡ đồng nghiệp, gặp gỡ bạn bè, có những cuộc trò chuyện rôm rả. Những chiều tan làm, bạn alo là có người đi ăn quán ăn bạn thích, có hội đi nhậu nhẹt tơi bời, đôi khi là lang thang phố xá. Những ngày cuối tuần, bạn thích thì đi shopping, rồi la cà mấy quán café, đi chill những show âm nhạc. Thích ồn ào thì bạn đi trung tâm thương mại, muốn sôi động thì bạn đi bar, thèm đổi gió thì bạn book một chuyến du lịch…

Còn bây giờ? Bạn ở nhà? Bạn thậm chí có thể là không gặp một ai? Bạn không biết phải làm gì để “giết” thời gian? Bạn cảm thấy chán nản? Vì quá nhiều lo lắng chưa được giải quyết? Bao giờ thì hết dịch? Bao giờ thì bạn tự do!?

Câu trả lời là bạn không bao giờ tự do khi bạn còn cảm thấy mình bị mất tự do. Bạn sẽ không thể thật sự vui khi niềm vui của bạn còn phải phụ thuộc. Bạn cần một người để khiến bạn vui, là tự do của bạn đang phụ thuộc vào người đó. Bạn cần một quán café, một quán nhậu, một nơi shopping để vui, là bạn đang đặt hết niềm vui của bạn vào nơi đó. Bạn cần một quán bar, một trung tâm thương mại, một nơi đông người để không cảm thấy mình bị lạc lõng, là do bạn thiếu thốn niềm vui, có sự stress nào khiến bạn đã tìm đến đó để giải tỏa cảm xúc? Vì phụ thuộc vào những điều đó, nên khi nó mất đi, đồng nghĩa với niềm vui của bạn mất đi và tự do của bạn không còn.

Vậy sau những cuộc vui đó, bạn có hoàn toàn vui không, hay bạn trở về nhà và vẫn cảm thấy lạc lõng một phút giây nào đó. Bạn không có câu trả lời, vậy là bạn lại tiếp tục lao đi, chạy đi ra ngoài tìm kiếm những niềm vui khác để không phải đối mặt với cảm xúc bên trong mình. Cũng giống như trước màn hình điện thoại, nếu bạn chỉ lướt nó trong vô thức, thì dù là trước kia hay bây giờ, bạn vẫn cảm thấy thật nhàm chán phải không. Bạn à, đây là thời gian để cho bạn trở lại sự tĩnh lặng, để cho bạn tìm thấy những câu trả lời đến từ bên trong bạn, bởi vì mình tin rằng, bạn có tất cả tình yêu, và ánh sáng bên trong chính mình

Bạn quen với nhịp sống hối hả rồi, bạn quen với cuộc sống ồn ào rồi, nên bạn nghĩ đó là bình thường. Những gì bạn nghĩ đó là bình thường là bởi vì bạn đã quá quen với nó thôi, và bạn thay vì làm chủ chính mình thì lại lệ thuộc vào mọi thứ bên ngoài. Bạn nhớ lại đi. Ngày trước làm gì có điện thoại, bạn chơi cái gì. Ngày trước không có trung tâm thương mại, bạn đi đâu. Ngày bé không có tiền, bạn có được đi du lịch không. Lúc còn trẻ, bạn không có những cuộc nhậu, bạn không có những trung tâm vui chơi, bạn đã làm gì để vui?

Bạn có một khu vườn, bạn có những cái cây, bạn có những trang sách, thậm chí bạn có thể chẳng có những người bạn, chẳng có những cái đó. Bạn chơi với những viên sỏi, bạn chơi với bờ ao, với những niềm vui nho nhỏ một mình. Bạn vui cười cả ngày. Càng quay về quá khứ, trước cả bạn nữa, bạn sẽ thấy thật nhiều thứ mà bạn đã quên. Bạn bảo nhưng bây giờ thế giới đã khác, mình nói là thế giới vẫn thế, mọi thứ vẫn thế, chỉ có bạn là khác và niềm tin của bạn khác thôi, nỗi sợ của bạn nhiều lên thôi.

Sau tất cả, mình nhận ra rằng. Mình luôn muốn tới gần một rừng cây hơn là một trung tâm thương mại. Mình luôn muốn ngắm nhìn những thứ nhỏ xinh mình làm hơn là những bộ quần áo, những đồ đạc hào nhoáng nằm vô cảm trong những kệ hàng. Mình luôn muốn hòa mình vào làn nước, hơn là hòa mình vào những đám đông, mặc dù mình có thể trò chuyện với tất cả mọi người. Mình có thể ngồi một mình với những việc mình thích, mình có thể hát những giai điệu vang lên, và mình có thể tự yêu chính mình.

Bạn à, nếu dịch chưa hết thì bạn sẽ tiếp tục chán nản ư. Làm sao chúng ta có thể biết, là một tháng nữa, một năm nữa hay là hết rồi lại tiếp tục? Bạn đâu còn quá khứ để quay về, cũng đâu biết câu trả lời từ tương lai. Bạn chỉ có thể sống cho hiện tại, dù ngày mai có như thế nào đó cũng là việc của ngày mai. Bạn xem đó là khắc nghiệt, thì đó là sự khắc nghiệt. Bạn xem đó là thời gian để bạn vui, thì đó là thời gian để bạn vui. Mình sẽ không thể trả lời làm cách nào để cho bạn cảm thấy vui. Vì câu trả lời đến từ bên trong bạn. Bạn cần dành thời gian, bạn lắng lại những suy nghĩ, những lo lắng, những bất an, bạn để ý những cảm xúc của mình, bạn dành thời gian cho chính bản thân mình, chậm rãi, từng chút một, với thật nhiều yêu thương

Mình sẽ buồn lắm nếu một cái cây bị chặt đi, và mình nghĩ bạn cũng cần nó để có thể có bóng mát. Mình cũng sẽ buồn lắm nếu nhìn những em động vật bị nhốt trong những cái chuồng, những sở thú ngày này qua năm khác, trong khi em ấy thuộc về tự nhiên. Bạn thuộc về điều gì. Bạn có nhận ra không. Bạn có bị nhốt không, hay bạn đang tự nhốt chính mình trong những bất an, những lo lắng, và những suy nghĩ?

Tự do là khi bạn không còn cảm thấy mình bị mắc kẹt.

Yêu thương gửi tới bạn 

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

AI CŨNG CÓ QUYỀN

Để Nước Cuốn Đi



Bạn đã từng nghe ai đó nói về những người tự tử là “yếu đuối, là không có trách nhiệm sống” chưa. Mình thường lặng im vì cho rằng ta không ở trong hoàn cảnh của một con người khổ đau nào đó, không thể nói được điều gì. Cho đến khi mình nghe một câu rằng “tự tử cũng là quyền, chết cũng là quyền của một ai đó”. Ừ, kể cả khi một người có hoàn cảnh sống vui vẻ nhất, thì cái chết cũng là của bản thân họ, sự sống là của họ, thân xác hiện tại là của họ, cớ gì họ không được quyền quyết định vận mệnh của mình?

Rồi, cái gì là có quyền, cái gì không. Ta đâu nắm giữ được cái gì trong cuộc đời này bằng chính ta đâu. Ta thường đặt ra những chuẩn mực và những giới hạn để xét trên phương diện là “quyền được quyết định”. Liệu một người có được đối xử với ta theo cách mà ta không thể chấp nhận? Có không, có chứ. Rõ ràng là họ được đối xử với ta theo cách họ muốn, còn chấp nhận hay không lại là quyền của chúng ta, đúng không? Nếu một ai đó hành động vượt ra khỏi tư duy logic thông thường và đạo đức mà ta tự có cho mình. Ta sẽ nhìn nhận thế nào ạ, ta có đau khổ không. Khi ta dằn vặt họ dù chỉ trong tâm trí, có phải ta cũng đang dằn vặt chính mình?

Một ai đó có quyền tới phán xét ta, cũng một ai đó có quyền không tôn tr
ọng ta, và một ai đó có quyền không đồng ý với ta,…Họ có mọi quyền trong thế giới cá nhân của họ: quyền không thấu hiểu, có quyền vô tâm, có quyền khổ đau, có quyền mong muốn, có quyền quyết định…có quyền là chính họ. Dù những quyền đó có đi ngược với mong muốn của ta đi nữa. Ai đó còn bận sống trong thế giới của riêng mình, ai đó còn bận trải nghiệm trên hành trình của mình, cũng là ai đó còn đang cần hiểu về con người mình nên đôi khi cần trải qua những thứ có thể là không phù hợp với ta ngay lúc này

Nhưng bạn có nhận ra không. Ta cũng từng là một ai đó ở thời điểm mà ta thấy họ. Ta cũng đã từng làm một ai đó tổn thương, cũng từng nghĩ những điều mà người khác không thể chấp nhận, cũng từng nói những thứ mà bây giờ ta đã không còn nói, làm những thứ bây giờ ta đã không còn làm… Ở hiện tại, ta vẫn đang cho phép mình là mình đó thôi, cho mình những quyền của một cá nhân đó thôi. Dù là quyền là một người tử tế, một người tốt đẹp có đúng không. Dù ta chưa chấp nhận được chính mình ở điểm nào đó, nhưng có phải ta vẫn được sống theo những suy nghĩ của riêng mình. Có lúc nào ta có thể là ai đó, và lúc nào đó họ cũng có thể là ta?

Cũng đừng quên rằng, họ có quyền và bạn cũng có quyền không chấp nhận. Mỗi người đều có một giới hạn và điều đó cũng thể hiện tình yêu bản thân của bạn. Một ai đó có quyền nói những lời không hay với bạn, bạn có quyền đón nhận nó hay không. Một ai đó có quyền không tốt với bạn, bạn có quyền nói cho họ biết hoặc không. Nghe hay không, cho phép điều gì đi vào mình, thương yêu ai, ở lại hay rời đi trong một mối quan hệ,…chẳng phải đều là quyền của bạn đó sao. Kể cả là phản ứng dữ dội, kể cả là phải tranh đấu hay mong muốn, thì cũng là quyền của bạn. Nhưng hãy tự hỏi mình rằng, không chấp nhận có đồng nghĩa với việc phải chống trả hay lên án kịch liệt không. Bạn có đang làm tổn thương bản thân hơn, nội tâm của bạn có đang dằn vặt và giằng xé, bạn có khổ đau hơn khi quá bận tâm vào quyền của một ai đó(dù chỉ là một người lạ)?

Hiểu về quyền của bạn và quyền của họ để bạn không còn quá khổ đau và bận tâm. Khi bạn kỳ vọng mọi người và thế giới sống theo cách bạn muốn, có phải điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã tước bỏ đi quyền của mọi người đó sao. Nếu cả thế giới đều là A, thì bạn cũng vẫn có quyền được là B duy nhất đúng không. Chỉ bởi vì chúng ta không ai giống ai. Và bởi ta không thể kiểm soát được con người và hoàn cảnh. Ta chỉ có thể ý thức được rằng, điều gì khiến ta vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, nhẹ nhõm hơn mà không phụ thuộc vào người khác. Và, đó hoàn toàn là quyền của ta

Yêu thương và bình an là bạn 

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Lời cám ơn

Để Nước Cuốn Đi


Cám ơn bạn đã ở đây, để mình được thấy sự hiện diện của bạn trên cuộc đời này

Cám ơn bạn đã nhìn thấy bài viết dù chỉ một bài mà thôi, cám ơn bạn vì đã thả cảm xúc trong bài viết, comment một lần nào đó, chia sẻ một lần nào đó, inbox một cách bí mật haha, hoặc đơn giản là đã thấy mình ở đâu đó, dù có đang ở trong blog mình hay không
Cám ơn bạn đã trò chuyện với mình, tin tưởng và để mình được đồng hành cùng bạn, là một phần trong tiến trình của bạn

Cám ơn bạn đã dũng cảm làm theo tiếng trái tim bạn mách bảo, cám ơn vì bạn đã đi vào bên trong thêm một bước

Mình có thể nhìn thấy mọi sự kết nối ở ngay đây. Bạn nghĩ bạn chỉ lướt qua mà mình không biết sự hiện diện của bạn ư. Chỉ nhìn một cái tên mình đã đọc được năng lượng rồi. Có những kết nối mà mình biết chắc rằng “bạn và mình rồi sẽ trò chuyện”. Bạn và mình rồi sẽ lắng nghe hỉ nộ ái ố bạn đã đi qua, như một bức tranh trong cuộc đời, ta kể lại vào một ngày ấm áp

Có những trái tim đã thôi thúc muốn nói chuyện với mình tới mức vào nhắn tin. Nhưng mình vẫn chờ một cuộc điện thoại từ bạn. Mình mong rằng việc đầu tiên bạn làm là bước qua nỗi sợ bên trong bạn

Có linh hồn đã rào chắn ở buổi đầu tiên. Nhưng mình đã chờ để bạn ấy phá rỡ rào chắn ở buổi thứ hai, cám ơn bạn đã yêu thương bản thân rất nhiều

Bạn không có gì đáng trách nếu bây giờ lý trí bạn vẫn còn ngăn cản bạn. Mình vẫn ở đây, chờ bạn về nhà, ôm lấy bạn, nói rằng trái tim bạn là Nhà:

Một ngày ấm áp với rất nhiều tình yêu 

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

ĐỪNG BỎ CUỘC TRÊN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH

Để Nước Cuốn Đi





Sẽ có lúc bạn cảm thấy vô định, mất phương hướng trên con đường này. Đừng bỏ cuộc bạn nhé

Có lúc bạn cảm thấy thất vọng, có lúc bạn sẽ cảm thấy hoài nghi, cũng có lúc bạn mỏi mệt. Đừng bỏ cuộc bạn nhé

Có lúc bạn thấy lười biếng, có lúc bạn trì hoãn chẳng muốn làm gì. Xin cũng đừng bỏ cuộc

Những cơn sóng ngầm của cảm xúc có thể dâng lên rồi hạ xuống như biểu đồ hình sin. Bạn hãy biết rằng rồi nó sẽ tìm được điểm thăng bằng

Hành trình này có vui, có buồn, có nước mắt và có te tua. Có lên có xuống. Có trái có phải. Nhưng sẽ chẳng có gì hạnh phúc hơn khi bạn càng ngày càng hiểu mình, càng ngày càng thương mình

Vội vàng chỉ khiến bạn vấp ngã. Mỏi mệt thì xin dừng chân nghỉ ngơi. Đi nhanh hay đi chậm rồi cũng đến

Chữa lành là quay vào bên trong, không hơn không kém. Quay vào trong để nhận thức những gì mang đến cho ta nỗi niềm này, những gì là phục vụ ta trên hành trình này, những gì là không còn phù hợp nữa. Điều gì xảy ra cũng là vì mình. Bài học quan trọng nhất của linh hồn là hiểu về yêu thương, trong đó bài học đầu tiên là yêu chính mình
Có thể hiểu con đường này là vòng tròn xoắn ốc. Càng đi thì bạn càng vào trong chứ không phải càng đi càng chạy ra bên ngoài. Nhưng bạn yên tâm là càng vào trong thì bạn càng tiến gần đến điểm chạm. Đó là tìm thấy chính mình. Hành trình khó khăn nhưng càng ngày càng an vui, hạnh phúc, tự tại. Đi rồi sẽ giải phóng, sẽ yêu thương hơn trước

Mà càng quay vào trong thì càng cần đối diện với bản thân nhiều hơn. Đối diện với bản thân chưa bao giờ là dễ dàng, mình hiểu. Những nỗi đau, nếu nó đã ở đó mà chưa từng được chấp nhận thì nó vẫn luôn ở đó mà không đi đâu cả. Việc đối diện với bản thân giống như bạn cần lột trần mình để nhìn thấy được sự thực, từng chút một hạ từng lớp áo, lớp mặt nạ xuống. Nhìn thấy một bản thân với những thứ theo bạn là xấu xí, thì liệu bạn có thể yêu thương được nó không. Nếu đến bạn còn không chấp nhận được chính mình, ai là người sẽ chấp nhận bạn đây

Đừng chỉ trông chờ vào kết quả. Bạn biết đó, nó sẽ kéo theo cho bạn kỳ vọng vào tương lai, là một thứ bạn chẳng thể nắm bắt. Bạn càng đuổi theo điều gì đó thì nó càng chạy. Tin tưởng vào tiến trình của mình. Sống cho những khoảnh khắc hiện tại là điều bạn có thể làm được ngay bây giờ

Cũng đừng đòi hỏi vào bản thân phải đạt được một điều gì. Sẽ là bất công khi bạn chấp nhận người khác mà không chấp nhận chính mình. Có vô lý không nếu bạn so sánh hành trình của mình với người khác trong khi bạn đã là một bản thể đặc biệt không thể nhầm lẫn với ai. Việc của con cá không phải là bay mà là bơi. Tạo ra áp lực chẳng hề khiến bạn hóa thành kim cương, tạo ra áp lực chỉ khiến bạn vần vũ trong những chiếc dây thừng tự trói mình lại

Bất cứ lúc nào bối rối, xin hãy ngồi xuống thở nhẹ. Hít vào thở ra là điều dễ nhất bạn có thể làm được. Hơi thở là chốn nương tựa bình an. Hơi thở cũng là chốn nương tựa vững chãi. Bất cứ lúc nào cần câu trả lời, quay về trái tim của bạn, lắng nghe sự thôi thúc trong đó.

Hoặc giả, đôi khi chẳng cần làm gì cả. Kệ thôi, điều gì hiện lên đầu tiên sẽ là bước tiếp theo. Cứ vậy mà đi

Mong bạn dù như thế nào, sau tất cả, vẫn giữ vững niềm tin và tình yêu trên hành trình này. Đâu đó luôn có sự lắng nghe, đâu đó luôn có sự giúp đỡ. Tình yêu ở khắp mọi nơi, chưa bao giờ chết

Bình an bên bạn 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

CHỮA LÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Để Nước Cuốn Đi


Đây là một câu hỏi rất trừu tượng mà thi thoảng mình vẫn nhận được. Để trả lời chính xác là không thể, tuy nhiên mình vẫn có thể đưa ra cho bạn một số góc nhìn mang tính tương đối và để bạn đi sâu vào hiểu về chữa lành

Chữa lành là một quá trình đi sâu vào hiểu mình. Hiểu nguyên nhân gốc rễ vấn đề đã khiến mình có những niềm tin, định kiến, nỗi đau... dẫn tới những hành xử. Đó là một quá trình giải phóng và chuyển hoá để trở nên tự do và yêu thương

Đầu tiên, ý thức được mọi sự chữa lành là tự chữa lành. Nói như vậy không phải là bạn sẽ cô đơn và tự vật lộn với những nỗi đau của mình. Câu này mang hàm ý bạn có đầy đủ sức mạnh nội tại và khả năng tự chữa lành của chính mình. Chỉ cần bạn tin tưởng vào chính bạn thôi. Hãy nhớ lại nhé, khi bạn có một vết thương, bạn thường đi tìm thuốc/tìm vật dụng băng bó, nhưng cơ thể bạn mới là sự chủ động phục hồi. Nếu bạn bỏ mặc vết thương, vết thương sẽ chỉ càng ngày càng loang ra hơn. Vậy nên, việc đi tìm kiếm sự trợ giúp là cần thiết trên hành trình chữa lành, và việc chăm sóc cho vết thương của bạn lại càng quan trọng hơn. Nó đòi hỏi bạn kiên nhẫn, chăm sóc, yêu thương bản thân mình. Tìm được một tấm băng gạc phù hợp là một điều may mắn, nhưng không thể ỷ lại vào sự trợ giúp bên ngoài. Không ai có thể thay bạn ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa, không ai có thể thay bạn sống 24h trọn vẹn đúng không ạ

Đôi khi chữa lành là không làm gì cả. Nếu bạn mệt mỏi với việc tìm kiếm, và chạy loạn lên ra ngoài kia tìm câu trả lời. Nghĩa là lúc đó bạn nên dừng lại để ngồi xuống với chính mình. Lắng nghe xem có phải bạn đang chạy ra ngoài kia vì sợ hãi đối diện với những vết thương lòng hay là bạn đang đi theo tiếng trái tim bạn mách bảo? Lắng nghe xem có phải bạn vội vàng mất kiên nhẫn với bản thân mình nên phải ráo riết đi tìm điều gì đó xóa tan ngay những lo lắng bất an? Vì sao lại phải vội vàng, vì sao bạn lại tự hối thúc chính mình, vì sao bạn cho rằng bản thân không còn thời gian nữa, vì sao mọi thứ lại cuống lên…Giờ đây, điều tốt nhất bạn có thể làm là để cho mình được sống với mọi trạng thái bên trong mình mà không phán xét hay đòi hỏi chúng. Muốn khóc hãy khóc, muốn buồn hãy buồn, để bản thân được đau đớn. Vì chỉ khi ta cho phép ta sống đúng với con người ta, đó là lúc ta chấp nhận chính mình. Bạn đã đè nén mọi thứ quá lâu rồi, vậy nên mọi hạt giống của nỗi đau trồi lên là cơ hội để cho bạn chuyển hóa nó đó. Chuyển hóa đơn giản là chấp nhận ngay khoảnh khắc mọi thứ đang là

Đau đến tận cùng cũng là một cách để chữa lành. Vì khi đã cho phép bản thân được giải phóng hết rồi, thì làm gì còn gì mà giải phóng nữa. Tôi vỡ tan để ánh sáng ngập tràn. Có những thứ bạn cần phải đi qua, nhìn thẳng vào nó, đối diện nó và cho phép nó chảy trôi mà không ngăn cản, không giãy giụa hay chối bỏ. Đừng cho rằng cái gì là mãi mãi. Sau đêm tối luôn là ánh bình minh rực rỡ, ngay nơi vụn vỡ của suy tàn cũng có thể là nhựa sống đang âm ỉ mọc lên. Mọi thứ trong Vũ trụ là luôn xoay vòng, ta nhìn thấy sự sống ngay lúc nó chết đi, và ta cũng nhìn thấy sự tái sinh của một mầm cây sau tất cả sự hủy diệt. Và nhớ rằng, mọi thứ xảy ra trong cuộc đời bạn là cần thiết. Mọi thứ xoay quanh bạn, còn bạn là nhân vật chính trong cuộc đời mình. Bạn có toàn quyền tự do lựa chọn, bạn cũng có toàn quyền sáng tạo. Mọi thứ là phương tiện, còn bạn là người chỉ huy

Cuối cùng thì, để không mất quá nhiều sức lực và mỏi mệt, xin hãy lắng nghe tiếng trái tim bạn mách bảo. Tiếng nói từ trái tim bạn mang sức mạnh vô bờ, vượt thoát ra ngoài những logic thông thường và có thể đập tan mọi bức tường của lý trí. Dù bạn có phòng bị như thế nào, bạn cũng không thể chạy thoát khỏi trái tim bạn đâu. Mọi thứ có thể là sợ hãi, nhưng trái tim bạn mới là sự thật. Gặp ai, nói gì, làm gì, thời điểm nào,…bạn cũng có thể quay về nương tựa trái tim bạn, ở đó có mọi câu trả lời, ở đó có mọi sự dẫn dắt. Bước qua những nỗi sợ để vén những bức màn bạn tự vẽ ra, ở đó luôn có ánh sáng dịu dàng chờ đón bạn. Lắng nghe trái tim bạn không có nghĩa là để cho mọi thứ xảy ra hoàn hảo như bạn mong muốn, lắng nghe trái tim bạn là để bạn được là chính mình, bước đi ý nghĩa trên hành trình linh hồn của bạn. Chuyện gì xảy ra cũng đều có ý nghĩa của nó, bạn thương.

Bạn là một tiểu vũ trụ, cho nên hãy tin tưởng vào chính mình

Yêu thương và bình an là bạn

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Trọng tâm trên con đường phát triển tâm linh

Để Nước Cuốn Đi


Trọng tâm trên con đường phát triển tâm linh không phải là sự tích luỹ nhiều tri thức uyên thâm, hay là có được nhiều trải nghiệm thần bí, hay thậm chí là các thực hành nhằm tăng rung động lên cao, duy trì sự tích cực... mà chính là sự chữa lành cho nội tâm, hay linh hồn của chính bạn (soul healing)

Bạn càng chữa lành nhiều bao nhiêu, thì trải nghiệm tâm linh của bạn càng phong phú bấy nhiêu. Thế giới bên ngoài phản ánh nội tâm bên trong. Khi bạn làm việc với nội tâm của mình, thì thế giới bên ngoài sẽ thay đổi theo năng lượng của linh hồn bạn.
Điều đặc biệt là, khi bạn giải phóng và chữa lành những tổn thương bên trong, thì rung động của bạn sẽ gia tăng lên gấp nhiều lần và có tính ổn định hơn so với các thực hành tăng rung động khác.

Sưu tầm




Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

QUA CƠN BĨ CỰC MỚI TỚI HỒI THÁI LAI

Để Nước Cuốn Đi


Mình muốn dùng câu nói này không có ý ám chỉ rằng “khổ trước sướng sau”. Nếu đơn thuần chỉ nói về việc hãy cứ khổ đi rồi sẽ sướng, ta sẽ mắc kẹt trong việc ép mình phải chịu đựng vì cái gọi là tương lai chứ không phải chấp nhận vấn đề một cách dĩ hòa. Có thể hiểu rằng đây không phải là một sự kỳ vọng, nó mang ý nghĩa đằng sau cơn đau là một sự hạnh phúc, hay có thể nhìn thấy hạnh phúc trong đớn đau

Bạn có biết về cơn đau trong khi tập Yoga không. Bởi yoga là một chuỗi những hành động co giãn cơ. Cho nên khi tập yoga, nhất là hành trình ban đầu, quan sát bạn sẽ thấy cảm giác đau kéo đến sau mỗi động tác giãn của cơ thể. Nhưng một điều đặc biệt là khi cơ thể co lại đằng sau sự giãn nở đầy đau đớn đó, lại là một cảm giác rất thư giãn, rất dễ chịu. Và để có thể kết hợp được sự co giãn đó, để không quá sợ hãi và đau đớn, việc bạn cần làm là tập trung vào hơi thở và thả lỏng toàn bộ cơ thể. Cho phép mình được đau, rồi hết đau

Bạn thấy điều gì trong ví dụ tập yoga ở trên. Rõ ràng là, không có điều gì chỉ hướng đến sự thoải mái mà không trải qua thử thách. Việc đi qua nỗi đau không phải là để đau hơn, mà là cảm giác hưng phấn và đổi thay theo một chiều hướng rất tích cực. Trong yoga hay trong đời thường, việc bạn đối diện với nỗi đau như thế nào sẽ quyết định bạn sẽ hạnh phúc ra sao. Bạn càng cố phản kháng, cơn đau càng đau. Bạn thả lỏng và hít thở, xuôi dòng, cơn đau sẽ qua như một sự vô thường và trở thành chân lý

Vì sao mình lại lấy ví dụ về Yoga. Bởi tinh thần của yoga là tinh thần của cuộc sống. Yoga mang hơi thở của sự thật và chiêm nghiệm. Tại sao một đứa trẻ lại có thể tập yoga dễ dàng và bớt đau hơn người lớn, là vì cơ của chúng đang còn mềm dẻo và dễ uốn nắn. Cũng như vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy đau đớn hơn một đứa trẻ. Là vì chúng ta đã không học cách đối diện với cơn đau từ sớm hơn mà ta thường lựa chọn chạy trốn chúng. Thời gian càng dài, những lớp bụi áo của sự vô minh, của cội rễ tham sân si bám đầy mình. Tất nhiên việc học cách trở lại trong suốt không dễ dàng như đứa trẻ nữa, nỗi đau có thể đau hơn. Nhưng một khi bạn từ chối đối diện nỗi đau, nỗi đau sẽ luôn ở đó mà không đi đâu cả, càng ngày càng dày hơn, càng ngày vết thương càng to lớn hơn. Cho nên, thà đau cho trọn vẹn hiện tại, hơn là mang ung nhọt vào tương lai

Đừng bao giờ cố lấy đi nỗi đau của người khác. Hãy biết rằng đau đớn là cần thiết đối với bạn hay bất kỳ ai. Nếu như ta hay Người còn muốn ở trong cơn đau, cách thương họ tốt nhất là để cho họ được đau nỗi đau của mình. Đừng cố để kéo Người ra khỏi trạng thái cảm xúc mà Người đang còn muốn trải nghiệm. Người có thể đau đớn, không phải là người yếu đuối, mà là người đã dũng cảm đối diện với những bóng tối và khúc mắc trong lòng. Và chỉ khi chấp nhận được bên trong mình, thì lúc đó ta mới có thể chuyển hóa những ẩn ức đã vô tình hay bị bỏ quên từ rất lâu. Học cách chấp nhận và sống trọn vẹn với một trạng thái là quan sát và ôm ấp mảnh cảm xúc đó mà không phán xét, suy tưởng, chỉ trích hay ghét bỏ bản thân mình

Khoảnh khắc chấp nhận được cơn bĩ cực, là đã thấy thái lai. Rằng một nội tâm chỉ trở nên an bình khi thôi giãy giụa hay vùng vẫy. Bình an không phải là thấy cảnh yên lòng mới thôi dậy sóng, mà trong cảnh bất như ý lòng vẫn một mực điềm nhiên. Vì biết rằng chẳng có gì là tồn tại mãi, mọi thứ luôn đổi thay thì cảm xúc trong lòng cũng vậy. Đau rồi đi qua nỗi đau là một cách để chiêm nghiệm cuộc sống, cũng là một cách để nhìn sâu vào bên trong, hiểu mình từ đó hiểu Người

Đau đớn, luôn đi kèm với hạnh phúc

Sau đêm tối, là ánh sáng trong lành ban sơ

Yêu thương và bình an gửi tới bạn 

NẾU ĐAU KHỔ LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT, TẠI SAO LẠI PHẢI CHỮA LÀNH?

Để Nước Cuốn Đi


Mình đã từng rất trăn trở về những việc mình làm khi hướng đến sự chữa lành, khai phóng và giải phóng nội tâm của mọi người. Kể cả việc mở phiên trò chuyện trực tiếp với mọi người cũng khiến mình suy nghĩ mãi. Lý trí luôn nói với mình rất nhiều lý do để không làm sâu vào công việc đó, và rằng, mọi người có thể tự học được qua những bài viết này.
Thành thực mà nói đã có những lúc mình muốn dừng việc viết bài, và mình mắc kẹt trong ý niệm rằng đau khổ cũng là một điều cần thiết, thì việc mình làm nó có ý nghĩa gì không? Những thứ mình trăn trở thì luôn không thể tìm được lời giải đáp ở đâu cả, cho nên việc duy nhất mình có thể làm là thả lỏng, quay vào bên trong, để câu trả lời tự tìm đến
Và mình nhận ra. Đúng, đau khổ là điều cần thiết. Và, mình chẳng chữa lành cho ai cả
Tại sao lại như vậy?
Ve sầu chưa bao giờ thoát xác mà không trải qua đớn đau. Và con người cũng thế, con người cần đau đớn là để có thể tái sinh. Nỗi đau có thể đáng sợ, nhưng đừng nên chối bỏ. Đau đớn là một phần của ta, đau đớn làm nên ta, và đau đớn đổi thay ta. Nếu bạn biết có những trải nghiệm bạn chọn để có thể thấu hiểu mình, hiểu Người, thì đau đớn chưa bao giờ là nằm ngoài sự thật. Sự thật là đau đớn luôn đi kèm với hạnh phúc. Không trải qua đêm tối không thể biết ánh sáng của ban ngày rực rỡ ra sao. Để có thể đi qua tận cùng, thì cách duy nhất là làm bạn với nỗi đau. Ngay khoảnh khắc đó, là cách mà một bông sen tỏa hương từ một vũng bùn
Vậy, tại sao lại cần chữa lành đúng không? Đúng, bạn chưa bao giờ cần chữa lành. Nếu bạn ở blog mình, bạn sẽ thấy mình luôn đề cao sức mạnh nội tại bên trong bạn. Mọi sự chữa lành đều là tự chữa lành. Ta chưa từng chữa lành cho ai cả. Bởi nếu một người chưa muốn chữa lành thì ta cũng không thể giúp gì cho họ. Và bởi, không phải gặp ta xong là họ có thể chữa lành
Bạn chưa bao giờ cần chữa lành, cái bạn cần là có thêm sức mạnh để đi tiếp. Hành trình mỗi người mỗi khác, và khả năng chịu đựng đau đớn của mỗi người cũng khác nhau. Trong hành trình của bạn, mình đóng vai là một tấm băng gạc, mình băng bó cho bạn. Mình yêu thương bạn, mình nói cho bạn biết vấn đề của bạn. Mình trao gửi cho bạn năng lượng của tình thương, của sự thấu hiểu, bao dung và dịu dàng. Còn làm lành vết thương là do những tế bào của cơ thể bạn tự hoạt động. Mình có mặt đúng lúc, vào đúng thời điểm, như nắng hạn gặp cơn mưa, tưới mát cho tâm hồn
Hành trình gian nan như vậy, khó khăn như vậy, tại sao ta lại ngại khi chìa một bàn tay ra để cần sự giúp đỡ. Khi ta chới với, ta cần hô lên rằng ai đó hãy nắm tay tôi. Và một cái nắm tay đúng lúc, có thể cứu được cả một sinh mạng. Trong cơn quẫn bách, ta đâu nghĩ được gì khác. Trong sự bức bối hay trăn trở về con đường mình đi, ta mong biết bao có một ánh sáng le lói dẫn đường, dù nhỏ bé nhưng vững chãi và điềm nhiên
Vũ trụ không tạo ra điều gì thừa thãi cả. Chúng ta có mặt ở đây, với những vai trò khác nhau, góp phần vào một bức tranh tổng thể hoàn hảo. Có buồn thì có vui, có cần sẽ có đáp. Để cân bằng với ghét bỏ, sẽ có thật nhiều yêu thương. Để xoa dịu những tâm hồn, sẽ có những con người cần mẫn và chân thành
Mình có thể cho bạn sức mạnh, cho bạn động lực, có thể giúp bạn ở thời điểm đó. Nhưng việc bạn quyết định như thế nào, thái độ ra sao, hành động gì là do bạn lựa chọn. Mình không thể thay bạn đi ngủ, cũng không thể thay bạn ăn. Khi bạn đã có thể trả lời những câu hỏi, những khúc mắc, thông qua một ai đó hay mình. Điều còn lại bạn cần làm là yêu thương bản thân
Trong bạn có đầy đủ hạt giống của sự chữa lành, nhận thức và hiểu biết. Mình chỉ tới, tưới nước cho nó nở hoa
Bạn cần gì bạn sẽ gặp điều đó. Bạn mong gì bạn cũng sẽ có điều đó. Trong bạn là cái biết rỗng lặng và mênh mông. Trái tim bạn cũng đã mách bảo cho bạn điều gì bạn nên làm, người nào bạn nên gặp. Vì sao bạn ở đây, lý trí hay trái tim bạn đã nói cho bạn điều đó?
Hãy đặt tay lên trái tim, chậm lại và tĩnh lặng. Bạn sẽ nghe thấy những lời thì thầm, mách bảo cho bạn biết được sự thật
Yêu thương và bình an là bạn

Để Nước Cuốn Đi
Nếu có thôi thúc, hãy gọi cho mình, mình luôn ở đây: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=188722013526685&id=100071666629816

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

YÊU CUỘC SỐNG TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Để Nước Cuốn Đi


Đã bao lâu rồi, bạn không để ý bạn vừa tỉnh giấc. Tỉnh giấc sau một giấc ngủ đâu khác gì tỉnh giấc sau một cơn mê, một sự vô thường. Nó nói với bạn rằng, bạn luôn có một ngày mới để bắt đầu lại. Bắt đầu lại không phải là để chạy đua theo điều gì, cũng chẳng phải là làm một điều gì cho khác đi. Mà là lúc bạn nhận thức được rằng mình đang sống

Sự hiện diện đầu tiên là hơi thở. Bạn có cảm thấy hơi thở của mình ngay sau khi tỉnh dậy không, nó nhắc cho bạn về sự sống, về điều kỳ diệu chính là bạn. Bạn có cảm thấy những giác quan của mình đang cảm nhận cuộc sống không. Mùi hương nào quen thuộc, thanh âm nào vừa cất lên, đôi mắt này có thể nhìn thấy vạn vật, sống động và lạ lùng đến thế. Bạn có cảm thấy biết ơn không, trong một khoảnh khắc nào đó, những điều mình đang có, dù chỉ là chiếc gối êm ái vừa ru mình vào giấc ngủ tối qua?

Thay vì vội vã hay làm mọi thứ theo thói quen như những ngày thường nhật. Hãy dành cho bản thân một chút thời gian. Hãy nhìn mình trong gương, tự nói với mình rằng mình thật đáng yêu và mình yêu mình lắm. Hãy pha cho mình một ly trà thơm, hay một cốc nước lọc trong trẻo. Hãy để ý xem cái cây bạn trồng sáng nay có thêm chồi non nào mới nhú, đất có bị khô không, có cần tưới nước chăng. Nhìn qua ô cửa sổ xem bầu trời hôm nay có xanh không, ánh mặt trời có đang ló rạng với những tia nắng óng ả, bạn có thấy những chú chim đang hót líu lo trên mái nhà, bông hoa nhỏ xíu đang rung rinh trong gió, hay mặt đường xào xạc lá cây rơi vàng tối qua?

Nếu bạn đã quen chạy theo cuộc sống một cách vô thức, vậy ngay bây giờ có thể đứng lại quan sát cuộc sống không. Bạn không thể đứng yên, có phải vì nỗi sợ trong bạn nói rằng đứng yên là vô nghĩa. Nhưng càng chạy có phải mọi thứ càng rối lên? Một nội tâm bình an là một trạng thái có thể chấp nhận, bình thản, chậm rãi với thời gian mà không phải là chạy đua theo thời gian. Ở nơi tĩnh lặng, không phải là bạn ngồi yên, mà bạn nhận thức được mọi thứ đang xảy ra và có mặt. Hiện diện, không chỉ là có mặt với sự sống, mà quan sát sự sống bằng mọi giác quan.

Dù bạn đang ở đâu, hay đang là thời khắc nào, bạn đều có thể thực tập quan sát. Hãy đạp xe ra ngoại ô, bạn có nhìn thấy những cánh đồng dài tít tắp, những chú trâu đang nằm thảnh thơi trong vũng bùn, đứa trẻ nào đang vui vẻ bắt cá, người nông dân nào đang cắt cỏ trên những bờ đê. Hãy ngồi ở một góc nhỏ trong quán café có cửa kính nhìn ra đường. Một người bố vừa dắt con chập chững trên những bậc cầu thang, một đôi bạn trẻ đang cười khúc khích quên thời gian, vài người già đang ngồi ôn lại chuyện cũ với ánh mắt đã mờ nhưng lại lấp lánh niềm vui

Hoặc đơn giản là bạn nhận thức được những người bên cạnh mình. Hôm nay có thể mình vẫn làm những điều thường ngày cho họ. Nhưng có phải còn được làm gì đó cho họ cũng là một niềm hạnh phúc? Chăm chút vào bữa ăn với những món ăn bạn yêu thích, sửa cho người đó một món đồ, cùng em bé hát một bài ca, lau đi những vết bụi trong nhà, nhìn thấy mọi người đang hiện diện, là bạn đang hiện diện đó thôi. Điều gì đang trước mắt nghĩa là điều đó bạn đang có, nó đâu phải là điều gì dĩ vãng, cũng đâu phải là điều gì xa vời, đúng không bạn?

Hãy ngồi lại với mình, bạn sẽ thấy mình có quá nhiều điều đáng yêu. Hơi thở của bạn, có đáng yêu, đáng trân trọng không. Những gì bạn trải qua, dù xấu dù tốt theo định nghĩa của bạn, cũng phải cố gắng lắm mới trải qua được chứ. Yêu cuộc sống đâu chỉ là yêu những cái bên ngoài bạn có, yêu cả bên trong bạn, dù có như thế nào, bởi vì bạn cũng là một phần của cuộc sống, bạn là cuộc sống

Hãy chậm rãi hơn khi thưởng thức một điều gì đó từ hôm nay, từ khoảnh khắc này. Bất cứ lúc nào bạn thấy xúc động, bất cứ lúc nào bạn thấy sự đẹp đẽ làm tâm hồn bạn rung rinh. Ánh hoàng hôn cuối đường chân trời, mặt hồ yên ả sau cơn mưa, hàng cây xanh rì rào bên cạnh nhà, tiếng cười vui vẻ của ai đó, chú mèo cuộn tròn bên cửa sổ, lọ hoa mà bạn vừa cắm, bức tranh bạn vừa vẽ, món ngon bạn vừa làm. Hoặc bất cứ điều gì, không quan trọng là ai cùng thấy hay ai đó hứng thú, chỉ cần bạn thấy đẹp, chỉ cần nó khiến lòng bạn reo vui

Những điều bình dị ở quanh đây, luôn tồn tại ngay lúc này, lại là những điều ta nghĩ là hiển nhiên hoặc bỏ quên. Nhưng chỉ một khoảnh khắc bạn để ý, bạn sẽ thấy nó là những nốt nhạc, trên bản nhạc tình yêu cuộc sống mà bạn cần

Yêu thương và bình an là bạn

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

CÓ NÊN CHỐI BỎ CÁI TÔI?

Để Nước Cuốn Đi

Cái tôi (hay còn gọi bản ngã) là gì? Như mình từng chia sẻ rất nhiều, có thể dễ hiểu rằng nó là những thứ được lập trình, được xây dựng như những lớp áo đến từ tâm trí của một con người. Nó mang thiên hướng cá nhân, chủ quan, và không hề nói lên bản chất của con người đó.

Đơn giản thôi, một đứa trẻ sẽ không cảm thấy có sự khác biệt về chức danh, vị trí, khoảng cách…với những đứa trẻ khác => chúng không cảm thấy hơn người, không có sự cao ngạo, hay có sự phân biệt, hay cảm thấy yếu kém... Những đứa trẻ cũng sẽ không có định kiến, niềm tin hay định nghĩa về thế giới qua đôi mắt mình, đôi mắt chúng là trong suốt. Những đứa trẻ không theo đuổi hạnh phúc, hay một điều gì bên ngoài. Chúng tồn tại bên trong, thấu hiểu bên trong, bằng bản chất thuần khiết, giản đơn và sống như sự thực là

Vậy tất cả những gì bạn cảm thấy nó ràng buộc bạn, dù là bạn đuổi theo hay tạo dựng trong tâm trí, nó đều đến từ “cái tôi”. Là thứ ta đã vất vả xây dựng cả một đời người ^^
Vậy nhưng. Khi nhìn ra được cái tôi. Chúng ta đối diện với nó như thế nào? Bởi vì con người thường không chấp nhận được phía bên kia của bầu trời. Rằng đối mặt với sự đẹp đẽ của ánh nắng là sự xám xịt của những cơn mưa. Tôi không chấp nhận được một tôi có những khiếm khuyết hay bóng tối, tôi không chấp nhận được một con người không hoàn hảo. Vậy nên tôi muốn che giấu nó đi hơn là đi sâu vào để hiểu về nó. Hơn cả việc không biết tới cái tôi, là chối bỏ cái tôi.

Cái tôi không có thực, cái tôi là ảo ảnh, cái tôi không tồn tại, là một sự đè nén và không thể chấp nhận một cách vi tế. Xét về tánh không thì đúng là không có gì, nhưng bạn đừng quên rằng tánh không và tánh có tồn tại không tách rời như hai mặt của một đồng xu. Sống ở thế giới nhị nguyên hãy học cách chấp nhận mọi thứ có tính hai mặt, bởi vì đó là bản chất của thế giới này

Tại sao ta lại phải đè nén hay chối bỏ cái tôi. Tại sao ta chỉ muốn xóa bỏ nó. Sự xóa bỏ này vẫn đến từ tầng tâm trí. Rằng tôi lo sợ cái tôi sẽ khiến cho tôi không thể sống tốt đẹp, sống thiện lành,… theo những tiêu chuẩn mà tôi nhìn thấy hoặc tự dựng lên. Và vậy nên, tôi không muốn đối mặt với nó. Nhưng có người chạy sẽ có người đuổi. Bạn càng chạy cái tôi càng đuổi theo bạn. “Tôi có thực mà, tôi ở đây, tôi là một phần của bạn, tại sao bạn lại không chấp nhận tôi” – Cái tôi bảo vậy

Nếu có thể chấp nhận được cái tôi, bạn sẽ chấp nhận được con người mình. Cái tôi từ đâu ra, mô thức gì đã khiến bạn xây dựng lên cái tôi của mình. Nếu bạn hiểu được cái tôi từ đâu tới, bạn sẽ gỡ bỏ dần được những lớp áo bạn khoác lên người, hoặc những bức tường thành bạn tự dựng lên.

Và, cái tôi chính là vị thầy giúp bạn đi tìm chính bạn, hiểu về con người bạn

Cái tôi cần được sinh ra. Vì sao ạ. Vì cái tôi thực chất cũng chỉ là một sự bảo vệ, một sự an toàn. Mục đích của nó ban đầu đơn thuần là muốn ngăn chúng ta khỏi những rủi ro mà ta có thể có khi bước vào đời sống. Nó giữ ta trong phạm vi an toàn mà ta cảm thấy không bị vỡ vụn trước thế giới. Nó chỉ lên nắm quyền khi ta cho phép nó thôi. Còn khi ta là người quan sát. Ta sẽ thấy cái tôi cũng chỉ là một đứa trẻ cần được yêu thương. Đứa trẻ đó đã phải tự học cách lớn lên một mình trong cái thế giới chẳng mấy tròn trịa, thậm chí là phức tạp

Cái tôi đến là để bạn thấu hiểu chính mình, không hơn không kém. Cái tôi là để giúp bạn nhận ra chính mình, quan sát chính mình, tìm về bản chất nguyên thủy của bạn. Học cách làm bạn với cái tôi là bất cứ lúc nào nội tâm bạn giằng xé, quan sát nó. Mà không phân tích, đánh giá, phán xét, suy tưởng, tưởng tượng hay miên man đuổi theo. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy bạn đang đuổi theo cái gì đó bên ngoài mà đến từ tầng tâm trí, đơn giản là nhận biết trong từng sát na

Cái tôi (bản ngã) là lớp áo bên ngoài, hiện thân của nó là để khẳng định với bạn bản chất của bạn mới là cái bên trong (chân ngã). Đó là sống đúng với sự thật nơi trái tim bạn. Hành trình này cần cái tôi, không có mặt bên này, bạn sẽ không soi chiếu được mặt bên kia. Sự hòa hợp chỉ xảy ra khi bạn ngừng tranh đấu. Ở nơi tận cùng của hai thái cực, là sự bình yên của một nội tâm biết chấp nhận

Gỡ bỏ đi sự chối bỏ là một cách chấp nhận

Yêu thương và bình an là bạn

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

SỨ MỆNH CỦA BẠN LÀ GÌ?

Để Nước Cuốn Đi


Hẳn là chúng ta đã từng có một ngàn câu hỏi xoay quanh việc sứ mệnh là gì? Bạn đã bao giờ đi tìm kiếm sứ mệnh chưa? Sau khi tìm được rồi, thì sứ mệnh đó có giúp cuộc sống bạn an yên hạnh phúc hơn, nó có thật sự giải quyết được cuộc sống thực tế của bạn? Rồi mình có tìm sai sứ mệnh không? Tại sao phải có sứ mệnh? Mình có nhất thiết phải làm theo sứ mệnh mà người khác bảo mình có?...

Từ khi nào đó, ta đã đặt cho mình một câu hỏi ý nghĩa: sứ mệnh của tôi là? Liệu nó có phải là một lý tưởng để ta theo đuổi. Liệu sứ mệnh có phải là một mục đích khiến cho ta cảm thấy xứng đáng để tồn tại. Hoặc sâu thẳm hơn, tìm thấy một sứ mệnh khiến ta cảm thấy ta trở nên có giá trị. Hay là ta sẽ sợ hãi, nếu ta không làm theo sứ mệnh ta đã có.
Liệu những người không biết được sứ mệnh của mình, họ có thể sống hạnh phúc hay chăng? Nếu không có một lý tưởng để theo đuổi, bạn còn cảm thấy cuộc sống của mình nhạt nhẽo và vô vị. Nếu không có sứ mệnh, bạn còn cảm thấy cuộc sống đáng sống, hay bản thân vẫn có giá trị của riêng mình? Không theo đuổi sứ mệnh, có thật sự bạn sẽ bị trừng phạt. Nếu có Đấng Sáng Tạo, nếu bạn là cha mẹ, bạn có trách phạt đứa con của mình nếu chúng muốn sống cuộc đời mà chúng muốn?

Ngỡ như ta vừa đi ra khỏi một chiếc hộp, nhưng lại vô tình đi vào một chiếc hộp khác. Chẳng có điều gì ràng buộc ta giỏi bằng suy nghĩ của ta. Ẩn sâu dưới đó là những bất an và lo lắng vì sợ rằng ta chẳng là ai trên cuộc đời này. Hay là ta phải theo đuổi một điều gì đó ta mới có thể có được hạnh phúc. Ta là ai, là ai, mà sao trói buộc tự do của mình bằng cách nhốt mình lại trong những chiếc lồng của tâm trí?

Ta có thể đi giúp cho người khác không, khi ta còn chưa giúp được mình? Nếu như có một sứ mệnh dành cho tất cả chúng ta, thì đó chính là ta phải tự cứu rỗi lấy cảm xúc và cuộc đời mình. Không phải là không cần sự giúp đỡ, mà là chịu trách nhiệm cho chính hạnh phúc của mình. Không phải là sứ mệnh lớn lao, mà là chăm sóc và yêu thương ta từ những điều bé nhỏ nhất. Không phải là cần có trách nhiệm với một ai, mà người cần có trách nhiệm trước tiên là chính mình.

Bạn chẳng sai khi đi tìm sứ mệnh của cuộc đời bạn. Nó chứng tỏ bạn muốn sống một cuộc sống khác đi cuộc sống bạn từng sống. Bởi vì bạn cũng khao khát hạnh phúc bạn thấy không, nhưng bạn còn chưa định nghĩa được hạnh phúc của mình, vậy tốt thôi nếu những trải nghiệm giúp bạn hiểu sâu hơn về con người bạn. Nhưng nếu nó khiến bạn mỏi mệt, xin hãy tạm gác xuống để nghỉ ngơi. Vì biết đâu trong lúc nghỉ ngơi, bạn sẽ từ bỏ sứ mệnh? Đừng gánh thêm một tảng đá lên vai, nếu nó là một tảng đá
Chẳng cần một lý do để tồn tại, vì bạn chính là lý do. Chẳng cần một điều gì để cảm thấy giá trị, vì bạn là một giá trị không gì có thể so sánh được.

Khi bạn là một chiếc cây vững chãi và xanh tươi. Bạn chẳng cần tìm gì, chẳng cần làm gì, chỉ cần đứng yên. Bất cứ ai đến bên cũng sẽ được hưởng bóng mát
Yêu thương và bình an là bạn

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

ĐÔI KHI CÂU TRẢ LỜI TỚI, KHI TA THÔI KIẾM TÌM

Để Nước Cuốn Đi


Theo các bạn, Cẩm Anh có phải học bài học của mình không, và CA tìm kiếm câu trả lời như thế nào cho các vấn đề của mình?

Nếu các bạn nghĩ CA có thể viết nhẹ nhàng, và đâu đó mang lại năng lượng bình an cho các bạn, mà không phải đánh đổi điều gì, thì là hơi nhầm nghe ^^. Để càng tìm về được sự bình an trong chính mình, ý thức về sự trong sáng và những điều CA theo đuổi, thì CA đánh đổi càng nhiều, đó là sự giằng xé và vật lộn trong nội tâm của mình.

Bài học của mình đã dừng lại chưa? Chưa ạ, ta còn ở đây là ta còn bài học, ta còn muốn trải nghiệm, chứ không có ai trừng phạt ta cả. Với CA, bài học cũng đến liên tục, thậm chí còn rất dồn dập. Chỉ có là bài học của mình càng ngày càng đi vào vi tế hơn, nó cũng rộng khắp, và mang mục đích, hạnh nguyện của mình là chữa lành và yêu thương

Và, ai là người đưa tới câu trả lời cho mình? Không ai cả. Vũ trụ cho mình tự học một mình. Không có người thầy vật lý hữu hình, không có sách vở, không có lý thuyết màu mè, nó thực tế vô cùng. Nhưng nếu không tự trải qua những điều đó, không tự học tập, CA sẽ làm gì có cái để chia sẻ lại cho các bạn?

Vì chúng ta là những linh hồn mong muốn học tập để tiến hóa, cho nên chúng ta cần những trải nghiệm để có thể hiểu sâu về những điều chúng ta muốn hiểu. Khi ta hiểu rồi, nó sẽ đơm hoa và kết quả ngọt lành

Nhưng một thực tế mình có thể nhận ra là mọi người thường rất muốn mau chóng có một kết quả, biết được câu trả lời là gì. Và vì vậy một là đẩy nhanh tiến trình, hai là rối bời trong việc cứ đi tìm đi tìm rồi trở thành một vòng luẩn quẩn. Nhưng ta lại không biết rằng, khi ta vội vàng và lật tung mọi thứ lên, nó thể hiện rằng ta đang bất an. Mà khi bất an, ta sẽ không có đủ sự tĩnh lặng. Khi không có sự tĩnh lặng, sẽ không thể sáng suốt nhìn thấu nội tâm và các vấn đề. Ta tưởng làm như vậy sẽ nhanh hơn, nhưng thực ra nó lại lâu hơn, bởi ta sẽ mệt khi chạy vội vã mà không phải là đứng yên

Đôi khi, ta nên học việc đứng lại quan sát. Như một dòng suối nhẹ nhàng, trầm lắng và êm dịu. Bạn biết một khi đã chảy trôi, dòng suối luôn đi trên con đường của nó, bất chấp những vật cản như đá cuội, cành cây chứ. Nó vẫn sẽ đi vì kết quả cuối cùng là về Nguồn, nó sẽ đi đến nơi cần đến. Mà không phải giãy giụa để ngăn mình ngược dòng

Khi thả lỏng, khi học cách chấp nhận hoàn cảnh, câu trả lời sẽ tới với bạn mà không cần phải cố gắng. Mọi thứ luôn đúng thời điểm như cái cây cũng cần thời gian để lớn, hoa cần đơm bông và kết quả.

Có lẽ là, khi bạn đã quá mệt mỏi và vật lộn với việc phải đi kiếm tìm một điều gì đó, thì điều tốt nhất bạn có thể làm, là buông việc đi tìm. Buông việc bạn cố gắng kiểm soát bất cứ một điều gì trên hành trình này, bởi vì chẳng có một điều gì là ở trong tay bạn. Ngón tay còn có kẽ hở cơ mà, đúng không?

Những khi mà mình mắc kẹt với câu trả lời mà không thể tìm kiếm ở một nơi nào. Mình sẽ học cách buông xuôi. Nếu như đang ở một bãi biển, mình sẽ đi dạo dọc bờ, để cho mọi giác quan hoàn toàn hòa vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng rì rào, cảm nhận bàn chân trên cát dịu êm, nhắm mắt nghe hương mặn mòi trong gió. Khi không thể biết được điều gì, mình chọn hiện diện với mọi thứ mình đang có

Và, câu trả lời đã đến khi mình đầu hàng, chấp nhận và xuôi dòng. Đó là ý nghĩa kỳ diệu của việc khi mình thôi kiếm tìm, thôi kỳ vọng và kiểm soát bất cứ một điều gì

Nếu như bạn đang đi tìm một câu trả lời, mình chúc bạn không còn đi tìm nữa. Câu trả lời ở bên trong bạn, mở ra khi sẵn sàng

Mến thương,