ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

PHẦN 2: NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI BẠN LÀ MỘT NGƯỜI TRỊ LIỆU TINH THẦN

Để Nước Cuốn Đi



Một người trị liệu tinh thần có thể dễ hiểu là một người chăm sóc nội tâm cho người khác. Đó có thể là thấu hiểu, chữa lành, giải phóng, sẻ chia, hỗ trợ…thậm chí là đi sâu vào các phương pháp cân bằng tâm lý. Một người tư vấn, chuyên viên tâm lý, một nhà chữa lành,…hoặc thậm chí là một người bình thường – đều có khả năng làm công việc này hiệu quả hoặc không hiệu quả - Vì sao ạ?

Thứ nhất là, bạn cần đảm bảo bạn có một trái tim lành lặn, khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Ta chỉ có thể mang tới cho người khác hạnh phúc khi ta là một cá thể “hạnh phúc thật sự”. Bạn không thể nào chữa lành cho ai khi bạn đang trong tình trạng trầm cảm, hoặc còn mơ hồ về chính mình và còn tồn tại quá nhiều nỗi đau. Nếu quá trầm cảm hoặc còn tắc nghẽn, việc đầu tiên nên làm là hãy quay về chữa lành, chăm sóc trái tim và tâm hồn cho bản thân mình

Hãy xây dựng cho mình một nội tâm vững vàng, sau khi đã chữa lành cho bản thân. Bởi bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều nguồn năng lượng khác nhau, và những năng lượng đó có thể mang tới những nỗi đau hoặc tắc nghẽn cần giải phóng. Khi nội lực chưa đủ mạnh, bạn gặp một nỗi đau tương ứng với năng lượng của bạn, thì dễ có khả năng nỗi đau trong bạn sẽ trồi lên, hoặc năng lượng đó sẽ đi ngược vào bạn khiến bạn xuống tinh thần

Bạn sẽ cần làm việc với bản thân rất nhiều trong đó việc quan trọng đầu tiên là hạ cái tôi của mình xuống. Ở đó không có sự tranh đấu hay mâu thuẫn với người khác, không có sự phân biệt hay tách biệt, không có cao thấp hơn thua, không có đúng sai hay sự cưỡng ép và thúc ép, ở đó chỉ có tình yêu và sự dịu êm. Bởi vậy, muốn nhìn sâu được vào người khác, hãy nhìn sâu vào chính bạn. Bất cứ khi nào cái tôi nổi lên, hãy nhận biết nó, ôm lấy nó như ôm đứa trẻ bên trong bạn

Sau khi hạ cái tôi, hãy biết rằng sự phán xét sẽ không mang lại năng lượng yêu thương cho chính bạn và người khác. Mình đã từng nói chuyện với rất nhiều chuyên gia tâm lý ở nhiều độ tuổi khác nhau, và cái mà mình nhìn được là ngay sau một câu nói/câu chuyện, ít nhiều mình đọc được sự phán xét bên trong họ nổi lên dù họ có không nói ra, bởi vì mình là người thấu cảm.

Sự phán xét thường dựa trên định kiến, dựa trên việc người đó thiếu tình yêu, dựa trên việc người đó đang thiếu sự mở lòng và chấp nhận, và người đó cũng đang phán xét chính họ. Người phán xét người khác nhiều nhất lại là người phán xét chính mình nhiều nhất, còn phán xét chính mình là còn phán xét người khác. Hiểu được điều này, không phải là bạn cố gắng không phán xét vì đó vẫn là cái đánh lừa của tâm trí. Thay vì vậy, trở về đời sống hàng ngày, hãy luôn nuôi dưỡng lòng từ bi với chính mình và cuộc sống. Khi phán xét nổi lên, hãy nhận biết nó mà không quay lại trách móc chính mình hay đuổi theo nó một cách vô thức

Hãy luôn đứng ở vị trí và vai trò là người quan sát. Ở câu chuyện của người khác, bạn sẽ cần thấu hiểu nhưng không nhập vai. Bởi nếu bạn nhập vai một cách sâu sắc, bạn sẽ đồng hóa nỗi đau của họ là mình. Bạn sẽ khó nhìn thấy một bức tranh tổng thể mà ở trong đó, có các vai diễn của họ và những người xung quanh họ, các nhân vật đó đã đóng góp, góp phần và xây dựng nên câu chuyện như thế nào. Nguồn gốc, vấn đề của nỗi đau họ là gì. Đứng ở vị trí quan sát, khách quan nhưng vẫn yêu thương và thấu hiểu, bạn sẽ không thúc đẩy tâm lý nạn nhân bên trong họ, kích thích tình yêu trong chính họ với bản thân họ, giúp họ nhận ra sức mạnh nội tại của họ mà không phải là thấy họ tội nghiệp và đưa họ vào vũng lầy một lần nữa

Học cách lắng nghe trong từ bi, yêu thương và trí tuệ. Lắng nghe thường đi theo ba cấp độ.

“Lắng nghe phân tâm” là sự lắng nghe mà ở đó chúng ta vẫn còn bận rộn với những suy nghĩ và đối thoại nội tâm của chính mình. Ta thường có xu hướng đồng ý và không đồng ý, cố gắng phân tích và đưa ra câu trả lời, lập luận hoặc đánh giá. Nội tâm vẫn liên tục phản xứng hoặc phán xét. Ngoài ra, ta có thể bị phân tâm bởi cảnh vật, môi trường xung quanh hoặc mất tập trung như nhìn vào điện thoại và nhắn tin khi trong cuộc trò chuyện

Cấp độ hai là “lắng nghe thông tin”. Nghĩa là chúng ta chăm chú và dành toàn bộ sự hiện diện với những gì ta được nghe. Hoàn toàn tĩnh lặng hoặc có chánh niệm để nhận biết mỗi lần có điều gì đó khởi lên. Có thể giữ được sự phán xét và phản ứng, để có thể hoàn toàn tiếp nhận được dữ liệu và thông tin

Cấp độ cuối cùng là “lắng nghe thấu cảm”. Ta không chỉ tập trung nhận thức vào người đối thoại mà còn mở rộng trái tim để nhận thức và cảm nhận được cảm giác và cảm xúc truyền tải. Không chỉ là quan sát cảm xúc và ngôn ngữ, giọng nói và mọi thứ từ người kia, ta dành cho họ sự hiện diện hoàn toàn để hiểu được trạng thái nội tâm của họ. Kết nối sâu sắc với từ ngữ, khoảng lặng hay những gì được nói và không được nói, từ đó đem lại cho họ một sự kết nối với ta, và thấu hiểu sâu sắc mọi thứ về họ

Việc quan sát cả bản thân chúng ta trong hành động như là lắng nghe sẽ phản ánh thế giới nội tâm của bạn và việc bạn quan sát mình như thế nào trong cuộc sống, sống chánh niệm tới đâu và phát triển tình yêu thương, sự quan tâm người khác đến như thế nào, chữa lành cho bản thân quan trọng ra sao. Những điều này sẽ dễ dàng với người thấu cảm, nhưng nếu không thì bạn sẽ cần học và thấu hiểu mình cần làm gì thông qua những đúc kết của mình dành cho người muốn làm công việc trị liệu tinh thần.

Bạn cũng hãy nhớ rằng, ta chỉ có thể hỗ trợ mà không thể can thiệp vào hành trình của người khác. Bạn có thể nhìn thấy những nỗi đau bên trong họ, điều gì họ còn vướng mắc, chỉ ra cho họ nguyên nhân, đưa cho họ những lời khuyên hữu ích. Nhưng không bao giờ có mong muốn thay đổi hay áp đặt họ, không có chữ “phải” hay “bắt buộc”. Bạn cũng có thể xoa dịu và tiếp thêm sức mạnh cho họ. Một cuộc trị liệu thành công là cuộc trị liệu mà ở đó họ cảm thấy như được trở về nhà, với rất nhiều niềm hân hoan và hạnh phúc, có thể là nhìn thấy được những vấn đề gây ra tồn đọng hiện tại. Nhưng họ sẽ phải là người tự bước qua nỗi đau, tự giác và tự yêu thương lấy chính họ, cũng như có trách nhiệm trong việc yêu thương chính mình trong mọi phương diện

Và điều quan trọng nhất mà cuối cùng mình muốn nói đến. Làm công việc trị liệu tinh thần không phải là bạn cứ có bằng cấp, là tư vấn viên, là chuyên gia tâm lý, là đi học một khóa healer hay coaching sẽ có thể làm tốt công việc này. Điều quan trọng nhất là bạn yêu công việc này, và hơn cả là tình yêu thương con người, vạn vật và cả chính bạn mà không dựa trên lý trí hay bản ngã. Bởi bạn chỉ có thể làm việc với con người khi bạn yêu thương con người. Bạn cần phát triển tình thương bên trong bạn một cách tự nhiên, trong sáng, và không có mong cầu. Tình thương này không đến từ lý trí bảo thương, mà đến từ một trái tim mẫn cảm, bao dung và rộng lượng

Điều mà bạn nhận được khi làm công việc này đó là sự hạnh phúc. Trái tim bạn sẽ rung lên niềm “hạnh phúc thật sự” khi bạn có thể nhìn thấy người khác hạnh phúc hơn, tự do hơn, bình an hơn, và nhẹ nhõm hơn. Đây là một sự thực tuyệt đối khi bạn làm điều đó bằng cả trái tim. Và bạn cũng sẽ phát triển sự sâu sắc, tình yêu và minh triết từ những hạt mầm có sẵn trong bạn hoặc từ một trái tim chân thành biết yêu thương

Ai cũng cần được chữa lành và rất nhiều giai đoạn trong cuộc sống cần được chữa lành. Vậy nên đừng ngừng yêu thương chính mình hay bất cứ ai, vì bạn xứng đáng được yêu thương

Yêu thương và bình an là bạn 

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét