ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

LÀM SAO ĐỂ KẾT NỐI LẠI VỚI CHÍNH MÌNH?

Để Nước Cuốn Đi


Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chông chênh, lạc lõng, mất phương hướng, không kiểm soát được hành động, ứng xử hay có nhiều sự phân vân, không thể đưa ra quyết định, điều đó xảy ra càng nhiều bạn càng mất kết nối với bên trong mình. Khi có thể kết nối lại với chính mình, bạn sẽ tự có những câu trả lời trong cuộc sống của mình và hiểu hơn về bản thân cũng như con đường bạn đã và đang đi

Hôm nay mình muốn nói đến thuật ngữ “Lost connection – Mất kết nối” –là điều quan trọng nhất trong hành trình mà bạn tìm về cái gốc chân thật của bạn – bản thể nguyên thủy của bạn

Hầu hết chúng ta đều bị mất kết nối với con người thật của mình, nếu không muốn nói gần như là tất cả. Điều này có thể mô tả một cách dễ hiểu là như thế nào. Hãy quan sát đứa trẻ của bạn trong quá khứ, hoặc quá trình lớn lên của một đứa trẻ nào đó mà bạn biết.

Bất kỳ một đứa trẻ nào khi mới sinh ra khi chưa được nhào nặn lý trí, quan điểm, định kiến, niềm tin…vào tiềm thức. Các em đều là những đứa trẻ rất dễ hạnh phúc, trong sáng, hồn nhiên, biết mình thích gì không thích gì, và rất đủ đầy. Sự đủ đầy ở chỗ em không có lo lắng, nếu từ bé ta cho em ăn cái gì em sẽ ăn cái đó, cho mặc cái gì sẽ mặc cái đó,…không đòi hỏi. Chơi gì để hạnh phúc, có thể ngồi một mình mà ngắm mây trời, có thể cầm chiếc lá mà vui vẻ nhảy nhót và tưởng tượng ra đủ thứ để tự thân hạnh phúc. Không làm gì cũng có thể ngồi cười khanh khách (tiếng cười của con trẻ là âm thanh rung động ở tần số cao vì rất thuần khiết và trong sáng ạ). Em sống cho hiện tại (mình không nói đến một số hoàn cảnh đặc biệt) một cách trọn vẹn mà không lo nghĩ (dù cuộc sống là không biết trước như thế nào)

Vậy sao người lớn chúng ta lại dễ chông chênh, dễ mất phương hướng, dễ đi vào những quyết định không làm mình hạnh phúc, thậm chí hành hạ bản thân? Là bởi ta mất kết nối với đứa trẻ trong ta. Là bởi ta đã xây dựng cho mình rất nhiều lớp áo để làm hài lòng xã hội hoặc bù đắp cho cái thiếu thốn ta từng nghĩ ta không có. Hãy nhận diện những lớp áo đó, ta mặc chúng vì điều gì, điều gì không khiến ta được cảm thấy là chính mình, là đứa trẻ thuần khiết đó, nhận diện chúng, rồi gỡ chúng xuống từng chiếc một, từng chút một

Bước đầu tiên để kết nối lại với chính mình là gì? Đó là để chúng ta có khoảng lặng
HÃY CHỦ ĐÍCH TẠO RA NHỮNG KHOẢNH KHẮC CHẬM RÃI VÀ NHỮNG KHOẢNG NGỪNG

Cảnh tượng quen thuộc trong thế giới hiện đại là ta liên tục bị thu hút sự chú ý vào những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, những hình ảnh bóng bẩy, những màn hình Led – màn hình quảng cáo chạy dài trên các phương tiện công cộng, biển bảng động ngay cả khi ta dừng đèn đỏ. Ta thiếu sự tương tác với nhau dù ta đang hẹn hò, dù ta là mối quan hệ gia đình bố mẹ con, dù ta là những người bạn thân thiết. Ta cũng khó để hướng vào bên trong vì ta luôn để sự tập trung và suy nghĩ của mình chạy theo hình ảnh, phân tích, đánh giá và những sự kiện nổi bật. Trong khi thời gian tự nhiên là một nhịp điệu uyển chuyển, thời gian điện tử là tức thời

Một trong những trải nghiệm phổ biến nhất đó là ta luôn cảm thấy không có đủ thời gian, luôn phải chạy đua, luôn thấy vội vã, luôn thấy hối hả, áp lực và căng thẳng đè nặng. Hơi thở và nhịp đập trái tim của chúng ta không còn quay về trạng thái tự nhiên vốn có mà nó bị kiểm soát bởi sự chú ý, phân tích lý trí và nỗi sợ của mình. Những hoạt động ngày thường cần được chú ý thì đã rơi ra ngoài vòng kiểm soát, thậm chí bị lãng quên

Hãy tập trung vào sự nhận biết. Bất cứ một lúc nào, bạn cảm thấy bị đe dọa bởi những thông tin khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, bị phân tâm. Rời màn hình, hoặc delete những thứ khiến sự nhẹ nhõm thảnh thơi của bạn vắng mặt. Để ý rằng mình đang dùng các thiết bị công nghệ thông tin vào mục đích gì. Điều gì khiến mình rời xa một buổi tối ngon miệng với người thương trong một không khí rất lãng mạn. Để ý những cử chỉ, ánh mắt và nụ cười của nhau trong bữa cơm với gia đình. Tự hỏi có nên vừa đi vừa ăn hay không, có nên vừa nấu cơm vừa nghe tin tức. Sắp xếp thời gian chơi với con và hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Để ý xem hàng cây trước nhà bạn có gì khác vào mỗi sáng.
Hiện diện với nhu cầu bên trong đang cần bạn đáp ứng như là ra ngoài thiên nhiên, cảm thấy đau nhức/mỏi mắt. Giảm bớt gánh nặng vào những công việc có thể giảm như những bữa ăn đơn giản, những lần shopping tối giản và gọn lại,…Nhận biết ngay cả lúc vô thức đang lướt mạng xã hội chỉ để giết thời gian…Mỗi lần sống thật với sự hiện diện, bạn sẽ có nhiều hơn những khoảnh khắc chậm rãi. Mỗi lần nhận biết được hành động của mình, bạn sẽ có nhiều hơn những khoảng ngừng. Và đó chính là lúc bạn tái thiết lập sự kết nối bên trong chính mình

Cốc nước được lắng cặn bao giờ cũng là một cốc nước trong suốt và ta có thể nhìn rõ mọi thứ. Những tưởng ta cần phải làm thật nhiều/đi tìm thật nhiều/lý giải thật nhiều/phức tạp thật nhiều thì sẽ ra câu trả lời. Nhưng câu trả lời nằm ở việc bạn lắng tâm, ngồi yên, sống chậm lại là đang để cho những cặn bẩn nó được lắng xuống đáy cốc

Một trong những phương pháp thực hành nương tựa để kết nối lại bản thể đấy chính là Nối đất. Đất tượng trưng cho sự nuôi dưỡng – kết nối với bản thể. Con người chính là con của Đất Mẹ. Ta sinh ra từ Đất và trở về với Đất khi kết thúc một vòng đời. Đất nuôi dưỡng muôn loài và làm thức ăn cho chúng ta, vậy nên sự kết nối với Đất là sự kết nối tự nhiên như chúng ta kết nối với mẹ bằng dây rốn. Điểm chạm chính là gan bàn chân. Mỗi lần bạn đi chân trần trên Đất, nguồn năng lượng của Đất Mẹ sẽ trung hòa với năng lượng nơi bạn, nơi ion dương từ các thiết bị điện từ làm ảnh hưởng bạn được đồng bộ với ion âm – năng lượng của Đất. Tưởng tượng chân bạn đang kết nối bằng cách tạo ra những cái rễ đâm sâu vào lòng Đất, sau đó nguồn năng lượng nuôi dưỡng bản thể của Đất đi thẳng vào luân xa 1 của bạn. Tái kết nối với bản thể của bạn một cách dịu dàng và yêu thương

Cuối cùng thì bạn có thể thực hành chánh niệm. Rằng quan sát mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không phán xét chúng. Không lý luận đúng sai hay phân tích về những suy nghĩ đó. Duy trì cả sự nhận thức và các giác quan của cơ thể và môi trường xung quanh trong mọi khoảnh khắc, càng nhiều càng tốt. Khi chúng ta thực hành chánh niệm, ta để mình sống trọn vẹn với hiện tại, hay là không còn truy tìm về quá khứ hoặc vọng tưởng về tương lai

Kết nối lại với chính mình không khó. Điều đó cần ta nghiêm túc đi vào lối sống tỉnh thức chứ không còn vô thức để mình bị cuốn trôi theo những phiền nhiễu của đời sống. Bù lại, khi học cách nhận biết dù chỉ là một chút, mỗi ngày, mà không ngừng nghỉ hay bỏ cuộc, bạn sẽ có một sự định tâm hay còn gọi là mỏ neo của tâm hồn – chính là sự kết nối chính mình

Chúc bạn an vui trên hành trình kết nối lại chính mình

Yêu thương và bình an là bạn 

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

XIN HÃY THA THỨ CHO CHÍNH MÌNH

Để Nước Cuốn Đi


Có câu chuyện về một chú tiểu nhỏ xíu lần đầu vào ở ngôi chùa xa xa với ông thầy già. Ngày nọ, chú ra sông chơi, chú bắt con Rắn và con Ếch, cột đá vào để nó cứ ngồi chơi với chú mà không đi đâu. Rồi trời chập tối, sư phụ gọi chú về. Vì quá vội vàng, chú quên mất tháo dây cho hai con vật. Ngày hôm sau quay lại, Rắn và Ếch không còn sống nữa, chú ngồi ngẩn ngơ khóc mãi

Bạn có nhận ra chúng ta trong câu chuyện trên không? Dù là một chú tiểu, được tu học ở chùa, thì chú vẫn có thể sai lầm. Bên trong chúng ta, có là chú tiểu đi nữa, hay là đứa trẻ thơ ngây khác, đều có thể sai lầm

Là bởi vì, đứa trẻ đó chưa bao giờ được dạy cách để yêu thương. Nếu như đứa trẻ bị tổn thương, thì em sẽ lớn lên mà không biết cả yêu chính mình, huống gì là yêu một điều gì hay một ai khác. Và vì vậy, khi em mắc sai lầm/ hoặc em nhìn thấy mình không thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, em sẽ thường dằn vặt mình. Nỗi đau đó có thể cứ theo em ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, nếu em không biết rằng mình cũng là một đứa trẻ đã tổn thương. Dù đứa trẻ đó đang sống trong hình hài 10 tuổi, 30 tuổi, 50 tuổi hay 80 tuổi đi chăng nữa

Ta mong chờ gì ở một đứa trẻ chưa hiểu tình yêu là gì có thể yêu một cách lành mạnh? Ta mong chờ gì ở đứa trẻ thiếu tình yêu sẽ biết cách yêu chính mình? Ta mong chờ gì ở đứa trẻ thơ ngây chỉ biết tin tưởng vào môi trường tổn thương mà mình đã lớn lên sẽ biết cách để không phạm lỗi? Ta mong chờ gì ở đứa trẻ bé bỏng đó, hở bạn?

Quay vào trong bạn thấy không. Có một em bé đang tự dằn vặt mình vì những chuyện đã qua. Có một em bé không chấp nhận được mình nên đã không thể chấp nhận được người khác. Có một em bé luôn cho rằng lỗi là của mình. Có một em bé nghĩ rằng mình phải hoàn hảo hơn. Có một em bé không cho phép mình mắc sai lầm… Em bé nào trong bạn, đang cần bạn thương yêu, thấu hiểu và ôm ấp?

Nếu như quay lại ngày đó, năm đó, tháng đó hàng ngàn lần nữa, bạn sẽ vẫn hành xử như vậy thôi. Bởi đó là năm em bé 5 tuổi trong suốt 10 năm, 7 tuổi trong suốt 20 năm…và hơn thế nữa. Em không thể làm khác đi, vì thời điểm đó, hoàn cảnh đó, em chẳng thể nghĩ được gì khác. Hờn trách em để làm gì ạ, trong khi em đã đủ đau rồi

Bạn của bây giờ, đã là một em bé lớn hơn em bé lúc đó. Bạn của bây giờ, đã thấu hiểu vì sao ngày đó mình như vậy, em bé nào đã tổn thương khiến cho bạn làm điều đó. Chỉ có tha thứ cho chính mình, dù chỉ là 1 phút trước, 1 giờ trước, hay ngày hôm trước, bạn mới có thể trưởng thành thêm 1 phút, 1 giờ, và 1 ngày. Và bạn có thể chọn sống cho hiện tại, nhận biết thêm từng chút từng chút một, kiên nhẫn thêm từng xíu từng xíu một, yêu bản thân thêm nữa thêm nữa, bạn sẽ thấy bạn của tương lai là bạn của hiện tại

Nếu bạn ghét bỏ bản thân mình vì quá khứ, điều đó chứng tỏ bản thân bạn đang thiếu tình yêu với chính mình. Nếu bạn hối hận vì những chuyện mình đã lỡ, bạn thiếu sự chấp nhận với bản thân. Mọi thứ đã xảy ra luôn đúng, nó tương ứng với mặt năng lượng của bạn lúc đó. Rằng bạn sẽ cần trải qua những câu chuyện đó, để hiểu hơn và yêu hơn bản thân bạn. Và bạn thấy đấy, trái tim bạn luôn khát khao tình yêu và thật sự biết yêu thương, nên nó mới nhắc nhở bạn bằng cách cho bạn thấy điều gì còn làm bạn không thể yêu chính mình: rằng, đã đến lúc ta học cách tha thứ cho bản thân chưa?

Mến chúc bạn có thể thương mình mỗi ngày, nhiều hơn ngày hôm qua

Yêu thương và bình an là bạn. 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

NIỀM TIN VÀO SỰ DƯ DẢ CỦA VŨ TRỤ

Để Nước Cuốn Đi


Một trong những quy luật về luật hấp dẫn của Vũ trụ là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bạn hấp dẫn cái bên trong bạn có. Một người khi đi xin cho tôi trở nên giàu có phản ánh rằng bên trong người đó đang cảm thấy thiếu thốn, vì thiếu thốn nên mới xin. Một người làm từ thiện vì tin rằng mình sẽ được phước, họ đang cảm thấy thiếu phước; để được danh, họ đang cảm thấy thiếu danh. Và họ hấp dẫn cái cảm giác thiếu thốn bên trong họ, cho nên không bao giờ họ có được thứ họ muốn

Tương tự. Khi bạn làm một điều gì đó để đổi chác một điều gì đó. Nó phản ánh rằng bạn đang cảm thấy thiếu thốn. Tôi không có đủ đầy. Nên tôi mong sau khi tôi cho đi, thì tôi sẽ được nhận lại tương ứng hoặc nhiều hơn.

Bởi vậy mình hay nói hãy cho đi với một tâm trong sáng không mong cầu. Sự nhận lại không bao giờ thấy được bằng mắt thường. Nếu bạn trao đi một giá trị thật sự, bạn sẽ nhận lại một giá trị thực sự. Nếu bạn trao đi bằng trái tim chân thành, bạn cũng sẽ nhận lại chân thành. Và Vũ trụ không bao giờ bất công với bạn. Cái bạn nhận được sẽ không hiển hiện một cách “thô” trước mắt như là một khoản tiền đến ngay lập tức, nó mang lại sự bình an nhiều hơn vậy

Khi bạn cho đi một cách vô tư. Bạn đang phản hồi cho Vũ trụ thấy điều gì. Bởi vì tôi có nhiều quá nên tôi “mới có để cho đi chứ”. Vậy Vũ trụ cũng sẽ phản hồi lại điều tương tự rằng bạn thật sự giàu có

Bạn chỉ cần làm theo trái tim mình mách bảo thôi. Việc còn lại để Vũ trụ lo. Bạn không bao giờ thiếu thốn được. Trừ khi bạn luôn tin làm điều này mình sẽ thiếu thốn. Hãy nhớ lại kinh nghiệm trước đây khi bạn làm điều gì đó xuất phát từ sự trong sáng bên trong bạn, bạn đã nhận được gì? Hãy nghiêm túc nhìn nhận, đừng chỉ đổ lỗi cho Vũ trụ nghen
Và tự hỏi xem, mình cho đi là đang cho đi điều gì? Cái người khác nhận được thông qua bạn có giúp cho bạn, Người, vạn vật, sự sống trở nên tốt đẹp hơn không?

Nhưng cũng hãy nhớ rằng, nếu chưa thể cho đi trong sáng, thì đừng ép mình. Hãy học bài học của bạn cho đến khi hiểu nó

“Cảm giác đủ đầy không đến từ bên ngoài, nó đến từ bên trong”

Bạn luôn quên rằng ít nhất ở hiện tại bạn đang có gì. Bạn hãy hướng vào bên trong thay vì hướng ra bên ngoài. Tôi có một nơi chốn để tránh nắng mưa, tôi vẫn có thức ăn hàng ngày, tôi có quần áo để mặc, tôi có nước sạch để dùng, thậm chí là tôi có đôi mắt để nhìn ngắm vạn vật, đôi tai để lắng nghe mọi thanh âm của cuộc sống và đôi chân để đi lại…cái mà nhiều người không có

Khi bạn không trân trọng cái bạn có. Bạn đang phản hồi tôi không cần những thứ này và tôi vẫn thấy thiếu. Vậy thì ta sẽ chỉ càng thấy thiếu hơn thôi

“Hãy biết ơn mọi thứ và từng khoảnh khắc. Bạn sẽ thấy sự đủ đầy luôn hiện hữu”

Nếu bạn thấy biết ơn thật sự với những gì bạn đang có. Bạn đang phản hồi với Vũ trụ rằng tôi thật sự đủ đầy, giàu có. Và tôi yêu bản thân mình cộng với những điều đó. Vũ trụ sẽ tiếp tục mang đến cho bạn. Vậy nếu chưa cảm thấy đủ đầy thì hãy nhìn thật sâu vào bên trong mình. Quay lại xây dựng tình yêu bên trong bạn, cảm giác thiếu thốn hoặc tổn thương bên trong bạn

Nếu bạn luôn hướng ra bên ngoài, khi có con số bạn muốn, bạn vẫn sẽ không thấy đủ. Có người thấy 1 triệu mới đủ, có người thấy 10 triệu hay thậm chí 10 tỉ vẫn chưa đủ. Như thế nào là đủ? Thay vì nương nhờ bên ngoài, tự hỏi xem bên trong bạn đang thiếu cái gì.
Bạn thật sự đủ đầy. Chỉ là bạn không thật sự hạnh phúc

Ta tính toán quá nhiều mà không tin vào dòng chảy của sự đủ đầy. Nên làm điều này hay không, nên làm điều kia hay không. Hãy làm theo trái tim bạn mách bảo. Nhưng không kèm “tham sân si” nào. Hãy luôn sống cho hiện tại. Điều đó không có nghĩa là bạn hoang phí. Nhưng đừng chỉ đặt nỗi sợ vào tương lai rằng tôi sẽ nghèo đói. Hiện tại đang ổn, tương lai chưa tới mà sao bạn cứ đưa NL thiếu thốn vào nó, để cho nó có khả năng thành sự thật?

Vũ trụ không phân biệt mệnh giá tiền. 1k hay 10k cũng là tiền. Vũ trụ phân biệt sự đối đãi của bạn với tiền. Bạn có biết ơn mỗi khi dòng chảy tới không. Khi mua thức ăn có phải bạn luôn trả giá vì cảm giác mất mát, cảm giác túng thiếu nên thấy giá cả không xứng đáng?Bạn có nâng niu mọi tờ tiền và cất gọn gàng, hay trao cho người khác một cách phẳng phiu tử tế không? Bạn có trân trọng cái mà bạn đang có? Đừng ngăn cản dòng chảy thịnh vượng của Vũ trụ tới với bạn, và đừng ngăn cản dòng chảy mà Vũ trụ muốn mang tới cho người khác thông qua bạn. Đừng đối xử phân biệt với tiền, vì tiền cũng mang năng lượng của lòng biết ơn và sự tử tế

Tin vào sự dư dả khác với ham muốn có thật nhiều. Bởi một bên là cảm giác tự thân đầy đủ và một bên là hướng ra bên ngoài mới thấy đầy đủ. Không phải là bạn ngồi yên không làm gì, mà bạn biết rằng Vũ trụ sẽ luôn phản hồi đúng với những giá trị mà bạn bỏ ra

Quay trở về bản chất của tình yêu thực sự là yêu không tính toán bởi Vũ trụ cũng yêu bạn không tính toán. Vậy còn bạn, bạn đang cảm thấy yêu điều gì?

Bình an bên bạn 

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

MÌNH LÀ NGƯỜI TỪNG NẮM RẤT NHIỀU

Để Nước Cuốn Đi


Mình từng mua nhiều quần áo đến ngập nhà, đến tủ không có chỗ chứa. Mình tham mua rẻ, mua sale, mua đồ quảng cáo, mua đồ 2hand, mua đồ đợi gầy thì mặc, buồn mua vui mua ngày lễ mua trăm ngàn lí do để mua…Cho đến một ngày, mình tắc thở vì đống quần áo đó. Mình nhận ra lí do vì sao mình mua?

Mình từng chạy theo ngành công nghiệp mỹ phẩm và làm đẹp nhiều hơn ai hết. Mình bị ám ảnh bởi thời học sinh bị mụn và mình có 10 năm ròng rã với mỹ phẩm và làm đẹp cho đến khi tự phá hủy làn da mình mới dừng lại

Mình từng uống rất nhiều thuốc, cơ thể mình đầy bệnh từ bé đến lớn. Cho đến ngày mình tự lực vào bản thân hơn là phụ thuộc thuốc

Mình từng tự ti và không ngừng chê trách vẻ ngoài của bản thân mỗi ngày suốt từ bé đến trưởng thành

Mình từng là đồ tiếc của. Mình tha mọi thứ về nhà, luôn giữ ở đó, tha đi theo khắp nơi. Cho đến khi mình nặng nhọc muốn vứt hết

Mình từng chạy theo danh vọng, quyền lực và tiền bạc. Cho đến khi mình nhận ra trái tim mình đã xước xát

Mình từng có những thứ mình nghĩ là tất cả. Để rồi mình vứt hết tất cả không đắn đo

“Mình từng nghĩ phải có thật nhiều mới hạnh phúc. Nhưng cho đến khi mình không còn gì cả, mình vẫn thấy hạnh phúc ở ngay đây”

Mình từng là người lúc nào cũng nghiêm trọng hóa vấn đề. Lúc nào cũng phản ứng thái quá

Mình từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào người khác. Cho rằng họ cần mang tới hạnh phúc cho mình

Mình cũng từng có giai đoạn sân si, toxic, độc hại, thù hận, tiêu cực, ích kỷ, tham lam, năng lượng của mình tồi tệ đến mức ai ở cạnh cũng ngạt thở. Rồi mình đau khổ vô cùng khi thấy đây không phải con người của mình

Mình từng chạy theo tiếng gọi của đám đông. Bởi vì mình sợ mình sẽ lạc loài

Mình từng trải qua nhiều công việc khác nhau và không liên quan nhau. Chỉ để đi tìm mục tiêu và ý nghĩa cuộc đời mình

Mình từng để truyền thông dẫn dắt mình. Cho đến ngày mình làm truyền thông và đi dẫn dắt người khác. Mình nhận ra mình và họ đang ở trong game. Mình không muốn tạo ra những ảo mộng cho mình và người khác nữa

Mình từng đi tìm câu trả lời bên ngoài mù quáng, trong khi không tin vào sự thông thái bên trong bản thân

Rất nhiều ngày mình đi tìm ý nghĩa sống, rất nhiều ngày mình lạc lõng chơi vơi, cũng rất nhiều ngày mình mệt nhoài đến cùng cực

Hành trình đó chẳng hề dễ dàng. Mình đã có gần ½ cuộc đời tính tới bây giờ sống trong trầm cảm nhiều giai đoạn. Và giai đoạn mình rơi vào đáy vực hoàn toàn - kéo dài 5 năm không một phút giây bình an

Mình cứ lầm lũi một mình, lầm lũi đau và đi ra ánh sáng từ bóng tối, như tro tàn được tái sinh. Mình thấy được đau đớn là điều cần thiết

Rất nhiều, rất nhiều những thứ mà mình đi tìm cuối cùng cũng chỉ để tìm chính mình

Cái khiến mình không bỏ cuộc trên hành trình tìm về chính mình. Đó là trong những phút giây tăm tối nhất. Mình tin rằng trái tim mình sẽ luôn mách bảo cho mình ánh sáng cuối đường hầm

Kỳ thực thì, bản chất của chúng ta từ khi sinh ra đã rất đơn giản. Bởi chúng ta được gia đình, nhà trường, xã hội, môi trường… tạo nên các niềm tin, định kiến dẫn đến ta tự khiến mình trở thành một con người phức tạp – và xây lên thành một bản ngã. Bạn có thể quan sát quá trình lớn lên của chính mình hay của một đứa trẻ sẽ thấy điều này. Và lí do cho những trải nghiệm xảy ra là để bạn tìm về chính bạn đó. Ta đi từ số 0, chạy một vòng rồi quay lại số 0

Cuối cùng, mình nhận ra những trải nghiệm đó giúp mình tìm về trái tim chân thật của mình. Và trước đó mình cần trải qua đau đớn và những gì không khiến mình thật sự hạnh phúc. Từ đó mình tìm thấy bình yên nội tại và nội lực trong chính mình. Để rồi mình chỉ còn mong muốn đem đến sự bình yên cho người khác bằng cách cho họ thấy bình an nội tại trong chính họ.

“Những người chọn đau đớn là để hiểu được đau đớn của người khác”

Mình tự do, mình được giải phóng, nhưng mình vẫn tiếp tục học tập bằng cách soi chiếu nội tâm mỗi ngày. Tất cả những điều chúng ta làm bên ngoài là đều bởi vì nguyên nhân bên trong, bạn không thể đi tìm giải pháp khi chưa biết nguyên nhân là gì. Vậy nên mình mới có những bài viết và cuộc trò chuyện đào sâu vào vấn đề của bạn

Mình đã từng một mình để đi qua tất cả. Nhưng giờ đây mình muốn nói với bạn, bạn chẳng hề một mình. Mình là một minh chứng. Mình đang đem đến bình an cho bạn bằng ngôn ngữ của mình, và mình tin rằng đó cũng là ngôn ngữ tiếng lòng bạn

Và mình muốn nhắn nhủ rằng, mình và mọi người không ai hơn thua ai, cũng chẳng thể so sánh được nỗi đau hay hoàn cảnh của nhau. Nhưng có một điều chắc chắn: hành trình này là hành trình mà ai sẽ dũng cảm đi theo tiếng trái tim ta mách bảo?

Điều gì là quan trọng trong cuộc đời này. Ta có thể nhận ra sớm để không còn làm tổn hại đến mình, đến Người, đến vạn vật và sự sống trên Trái Đất này không?

Yêu thương gửi tới bạn 

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

PHẦN 2: NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI BẠN LÀ MỘT NGƯỜI TRỊ LIỆU TINH THẦN

Để Nước Cuốn Đi



Một người trị liệu tinh thần có thể dễ hiểu là một người chăm sóc nội tâm cho người khác. Đó có thể là thấu hiểu, chữa lành, giải phóng, sẻ chia, hỗ trợ…thậm chí là đi sâu vào các phương pháp cân bằng tâm lý. Một người tư vấn, chuyên viên tâm lý, một nhà chữa lành,…hoặc thậm chí là một người bình thường – đều có khả năng làm công việc này hiệu quả hoặc không hiệu quả - Vì sao ạ?

Thứ nhất là, bạn cần đảm bảo bạn có một trái tim lành lặn, khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Ta chỉ có thể mang tới cho người khác hạnh phúc khi ta là một cá thể “hạnh phúc thật sự”. Bạn không thể nào chữa lành cho ai khi bạn đang trong tình trạng trầm cảm, hoặc còn mơ hồ về chính mình và còn tồn tại quá nhiều nỗi đau. Nếu quá trầm cảm hoặc còn tắc nghẽn, việc đầu tiên nên làm là hãy quay về chữa lành, chăm sóc trái tim và tâm hồn cho bản thân mình

Hãy xây dựng cho mình một nội tâm vững vàng, sau khi đã chữa lành cho bản thân. Bởi bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều nguồn năng lượng khác nhau, và những năng lượng đó có thể mang tới những nỗi đau hoặc tắc nghẽn cần giải phóng. Khi nội lực chưa đủ mạnh, bạn gặp một nỗi đau tương ứng với năng lượng của bạn, thì dễ có khả năng nỗi đau trong bạn sẽ trồi lên, hoặc năng lượng đó sẽ đi ngược vào bạn khiến bạn xuống tinh thần

Bạn sẽ cần làm việc với bản thân rất nhiều trong đó việc quan trọng đầu tiên là hạ cái tôi của mình xuống. Ở đó không có sự tranh đấu hay mâu thuẫn với người khác, không có sự phân biệt hay tách biệt, không có cao thấp hơn thua, không có đúng sai hay sự cưỡng ép và thúc ép, ở đó chỉ có tình yêu và sự dịu êm. Bởi vậy, muốn nhìn sâu được vào người khác, hãy nhìn sâu vào chính bạn. Bất cứ khi nào cái tôi nổi lên, hãy nhận biết nó, ôm lấy nó như ôm đứa trẻ bên trong bạn

Sau khi hạ cái tôi, hãy biết rằng sự phán xét sẽ không mang lại năng lượng yêu thương cho chính bạn và người khác. Mình đã từng nói chuyện với rất nhiều chuyên gia tâm lý ở nhiều độ tuổi khác nhau, và cái mà mình nhìn được là ngay sau một câu nói/câu chuyện, ít nhiều mình đọc được sự phán xét bên trong họ nổi lên dù họ có không nói ra, bởi vì mình là người thấu cảm.

Sự phán xét thường dựa trên định kiến, dựa trên việc người đó thiếu tình yêu, dựa trên việc người đó đang thiếu sự mở lòng và chấp nhận, và người đó cũng đang phán xét chính họ. Người phán xét người khác nhiều nhất lại là người phán xét chính mình nhiều nhất, còn phán xét chính mình là còn phán xét người khác. Hiểu được điều này, không phải là bạn cố gắng không phán xét vì đó vẫn là cái đánh lừa của tâm trí. Thay vì vậy, trở về đời sống hàng ngày, hãy luôn nuôi dưỡng lòng từ bi với chính mình và cuộc sống. Khi phán xét nổi lên, hãy nhận biết nó mà không quay lại trách móc chính mình hay đuổi theo nó một cách vô thức

Hãy luôn đứng ở vị trí và vai trò là người quan sát. Ở câu chuyện của người khác, bạn sẽ cần thấu hiểu nhưng không nhập vai. Bởi nếu bạn nhập vai một cách sâu sắc, bạn sẽ đồng hóa nỗi đau của họ là mình. Bạn sẽ khó nhìn thấy một bức tranh tổng thể mà ở trong đó, có các vai diễn của họ và những người xung quanh họ, các nhân vật đó đã đóng góp, góp phần và xây dựng nên câu chuyện như thế nào. Nguồn gốc, vấn đề của nỗi đau họ là gì. Đứng ở vị trí quan sát, khách quan nhưng vẫn yêu thương và thấu hiểu, bạn sẽ không thúc đẩy tâm lý nạn nhân bên trong họ, kích thích tình yêu trong chính họ với bản thân họ, giúp họ nhận ra sức mạnh nội tại của họ mà không phải là thấy họ tội nghiệp và đưa họ vào vũng lầy một lần nữa

Học cách lắng nghe trong từ bi, yêu thương và trí tuệ. Lắng nghe thường đi theo ba cấp độ.

“Lắng nghe phân tâm” là sự lắng nghe mà ở đó chúng ta vẫn còn bận rộn với những suy nghĩ và đối thoại nội tâm của chính mình. Ta thường có xu hướng đồng ý và không đồng ý, cố gắng phân tích và đưa ra câu trả lời, lập luận hoặc đánh giá. Nội tâm vẫn liên tục phản xứng hoặc phán xét. Ngoài ra, ta có thể bị phân tâm bởi cảnh vật, môi trường xung quanh hoặc mất tập trung như nhìn vào điện thoại và nhắn tin khi trong cuộc trò chuyện

Cấp độ hai là “lắng nghe thông tin”. Nghĩa là chúng ta chăm chú và dành toàn bộ sự hiện diện với những gì ta được nghe. Hoàn toàn tĩnh lặng hoặc có chánh niệm để nhận biết mỗi lần có điều gì đó khởi lên. Có thể giữ được sự phán xét và phản ứng, để có thể hoàn toàn tiếp nhận được dữ liệu và thông tin

Cấp độ cuối cùng là “lắng nghe thấu cảm”. Ta không chỉ tập trung nhận thức vào người đối thoại mà còn mở rộng trái tim để nhận thức và cảm nhận được cảm giác và cảm xúc truyền tải. Không chỉ là quan sát cảm xúc và ngôn ngữ, giọng nói và mọi thứ từ người kia, ta dành cho họ sự hiện diện hoàn toàn để hiểu được trạng thái nội tâm của họ. Kết nối sâu sắc với từ ngữ, khoảng lặng hay những gì được nói và không được nói, từ đó đem lại cho họ một sự kết nối với ta, và thấu hiểu sâu sắc mọi thứ về họ

Việc quan sát cả bản thân chúng ta trong hành động như là lắng nghe sẽ phản ánh thế giới nội tâm của bạn và việc bạn quan sát mình như thế nào trong cuộc sống, sống chánh niệm tới đâu và phát triển tình yêu thương, sự quan tâm người khác đến như thế nào, chữa lành cho bản thân quan trọng ra sao. Những điều này sẽ dễ dàng với người thấu cảm, nhưng nếu không thì bạn sẽ cần học và thấu hiểu mình cần làm gì thông qua những đúc kết của mình dành cho người muốn làm công việc trị liệu tinh thần.

Bạn cũng hãy nhớ rằng, ta chỉ có thể hỗ trợ mà không thể can thiệp vào hành trình của người khác. Bạn có thể nhìn thấy những nỗi đau bên trong họ, điều gì họ còn vướng mắc, chỉ ra cho họ nguyên nhân, đưa cho họ những lời khuyên hữu ích. Nhưng không bao giờ có mong muốn thay đổi hay áp đặt họ, không có chữ “phải” hay “bắt buộc”. Bạn cũng có thể xoa dịu và tiếp thêm sức mạnh cho họ. Một cuộc trị liệu thành công là cuộc trị liệu mà ở đó họ cảm thấy như được trở về nhà, với rất nhiều niềm hân hoan và hạnh phúc, có thể là nhìn thấy được những vấn đề gây ra tồn đọng hiện tại. Nhưng họ sẽ phải là người tự bước qua nỗi đau, tự giác và tự yêu thương lấy chính họ, cũng như có trách nhiệm trong việc yêu thương chính mình trong mọi phương diện

Và điều quan trọng nhất mà cuối cùng mình muốn nói đến. Làm công việc trị liệu tinh thần không phải là bạn cứ có bằng cấp, là tư vấn viên, là chuyên gia tâm lý, là đi học một khóa healer hay coaching sẽ có thể làm tốt công việc này. Điều quan trọng nhất là bạn yêu công việc này, và hơn cả là tình yêu thương con người, vạn vật và cả chính bạn mà không dựa trên lý trí hay bản ngã. Bởi bạn chỉ có thể làm việc với con người khi bạn yêu thương con người. Bạn cần phát triển tình thương bên trong bạn một cách tự nhiên, trong sáng, và không có mong cầu. Tình thương này không đến từ lý trí bảo thương, mà đến từ một trái tim mẫn cảm, bao dung và rộng lượng

Điều mà bạn nhận được khi làm công việc này đó là sự hạnh phúc. Trái tim bạn sẽ rung lên niềm “hạnh phúc thật sự” khi bạn có thể nhìn thấy người khác hạnh phúc hơn, tự do hơn, bình an hơn, và nhẹ nhõm hơn. Đây là một sự thực tuyệt đối khi bạn làm điều đó bằng cả trái tim. Và bạn cũng sẽ phát triển sự sâu sắc, tình yêu và minh triết từ những hạt mầm có sẵn trong bạn hoặc từ một trái tim chân thành biết yêu thương

Ai cũng cần được chữa lành và rất nhiều giai đoạn trong cuộc sống cần được chữa lành. Vậy nên đừng ngừng yêu thương chính mình hay bất cứ ai, vì bạn xứng đáng được yêu thương

Yêu thương và bình an là bạn 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Lời nguyện các bạn có thể làm khi mất phương hướng

Để Nước Cuốn Đi


Bạn tìm một chỗ, ngồi xuống nhắm mắt, thư giãn và thả lỏng, niệm ý bằng tất cả sự chân thành:

“Xin cho con luôn nhìn thấy ánh sáng và con đường mà con cần đi

Xin cho con luôn giữ được ngọn lửa trong tim mình để tìm được đường về

Xin cho con đủ đầy tình yêu và luôn nhớ về tình yêu trong chính con

Xin cho con có đủ sức mạnh và niềm tin vào chính mình để bước đi trên hành trình này

Xin cho con luôn nhớ về nguyện ý trong tim con đã nguyện khi bước vào đời sống này

Từ lòng biết ơn sâu sắc và minh triết, con tin tưởng vào chính con và sự dẫn dắt bên
 trong con để con luôn vững tâm và yêu thương trên hành trình mà con đã chọn”

Bất cứ lúc nào, nơi đâu, bạn cũng có thể niệm ý

Bạn đừng xem nhẹ. Bài nguyện này mang năng lượng cực kỳ thuần khiết và sức mạnh vô cùng to lớn. Chỉ cần có niềm tin và sự chân thành thực sự, lòng biết ơn trong sáng bạn sẽ có được sự định tâm từ bên trong và những lối đi đúng đắn

Với tất cả tình yêu và bình an,

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

AI CŨNG CẦN ĐƯỢC LẮNG NGHE

Để Nước Cuốn Đi


Có một dạo, mình ở cạnh một người em trong những ngày trời âm u không một bóng nắng. Em học ngành Tâm lý học, em có vẻ ngoài rất điềm tĩnh và từ tốn. Nhưng ở cạnh mình, em chẳng thể che giấu những bất ổn bên trong nội tâm. Em bảo rằng em chỉ muốn được bỏ hết mọi lớp áo em khoác trên người xuống, và đây là lúc em cảm thấy thoải mái làm điều này. Và mình biết, khoảnh khắc đó, tia nắng đã đi ra từ trái tim em, mà không cần phải nhìn thấy một ánh nắng bên ngoài

Em kể rằng em có tất cả những thứ người ta mong ước, nhưng em chẳng thấy hạnh phúc. Em kể về những bóng tối trong lòng em với giọng điệu thản nhiên và hờ hững. Như thể mọi thứ không còn khiến em rung động. Điều đó khiến cho mình muốn chạm vào những phần sâu kín nhất trong em, muốn em được là chính mình, được khóc và được thổ lộ

Em cũng kể lớp học chuyên ngành của em toàn những bạn kỳ cục. Có bạn luôn xuất hiện với những vết thương tự cứa vào cổ. Có bạn thì luôn đi học mặc quần áo mùa đông, trong khi là mùa hè… Có những vết thương người ta tạo ra cho mình, bởi vì người ta quá đau đớn và bất lực…

Có những hôm, mình gọi lên một số đường dây tâm lý. Không phải để tìm sự trợ giúp, mà để làm một nơi có thể lắng nghe. Mình nghe những câu chuyện khó khăn khi làm nghề của các bạn, nghe những trải lòng, để rồi cuối cùng hỏi: bạn có mệt không?
Đôi khi, cái người ta cần không phải là bỏ đi. Mà có thêm sức mạnh để tạm thời đặt xuống rồi lại tiếp tục

Có những người tìm đến mình, không phải để kể một câu chuyện buồn, mà đôi khi là một câu chuyện vui. Tại sao vui lại không thể sẻ chia chứ?

Cũng có rất nhiều người tới với mình chẳng phải trầm cảm, chẳng phải người đang gặp các hội chứng tâm lý đặc biệt. Đơn giản là, họ cần ai đó nắm tay họ lúc cần, và lúc đó chỉ cần một bàn tay, cũng giúp họ được vơi bớt đi nỗi lòng. Bởi vì, là con người, ai cũng sẽ có những chông chênh và bất ổn của riêng mình

Chúng ta có thể mất sự kết nối với bản thân. Chúng ta có thể nghĩ mình ổn nhưng thực sự bên trong mình không ổn. Chúng ta có thể không hiểu chính mình. Chúng ta cũng đã có thể có những ngày chênh vênh mà không thể sẻ chia cùng ai. Và đừng chỉ giữ lại mọi thứ như vậy, nếu không nó sẽ làm cho những vết thương lòng càng ngày càng trở nên nhức nhối

Dù là bất cứ ai. Dù là chuyên viên tâm lý. Dù là những người bình thường. Cũng sẽ có lúc cần được hỗ trợ, hoặc đơn giản là sẻ chia,

Và hơn hết là được lắng nghe

Mình ở đây, lắng nghe câu chuyện và mọi thứ từ bạn:


Với tất cả tình yêu và bình an,

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Những điều cần chú ý khi bạn là một nhà trị liệu (Phần 1: Người trị liệu bằng năng lượng)

Để Nước Cuốn Đi

Nguồn ảnh: Vinmec



Trị liệu bằng năng lượng vẫn chỉ là một phần trong tổng thể của trị liệu cho con người. Bởi vì bệnh từ thân và tâm mà ra, nhưng năng lượng từ tâm là năng lượng có tính chất chi phối và vận hành tất cả mọi thứ sẽ quan trọng nhất

Nhắc đến trị liệu bằng năng lượng, ta có thể kể đến một số bộ môn trị liệu như Reiki, chữa lành lượng tử, nhân điện,…

Khi mình nói chữa lành bằng năng lượng, có thể bạn sẽ còn ngờ vực, nhưng không sao ạ. Chúng ta có quyền tin hay không tin, thích hay không thích, nó không quá quan trọng, bạn không cần bắt bản thân phải tin vào điều gì đó nếu chưa phù hợp

Thực chất của việc healing bằng năng lượng nghĩa là gì? Là khi bạn cho phép mình trở thành một kênh dẫn năng lượng trực tiếp. Thông qua bạn, năng lượng vay mượn hoặc được cho phép sẽ chảy xuống và đi qua bạn đến người nhận ( ví dụ như dùng bàn tay chạm vào người được healing để giảm cơn đau trên cơ thể họ). Không bao giờ bạn chỉ lấy năng lượng từ bản thân mình, vì năng lượng của bạn sẽ không bao giờ đủ, thậm chí rất ít hoặc không có khả năng chịu được năng lượng từ người 
được healing và bạn sẽ bị cạn kiệt sức lực

Nhưng năng lượng của bạn vẫn sẽ truyền đi trong quá trình healing. Đó là lí do năng lượng của Vũ trụ đi qua bạn cũng cho bạn sức mạnh để làm công việc đó. Chính bởi vì bạn là một kênh dẫn năng lượng. Có thể hiểu ta sẽ như một chiếc ống hút. Năng lượng là nước. Ống hút càng trong, càng sạch, nước chảy qua cũng càng trong và sạch. Ống hút có nhiều tắc nghẽn và cặn bẩn, nước chảy qua sẽ nhỏ giọt hoặc lẫn thêm cặn bẩn
Năng lượng trong Vũ trụ cũng vô vàn. Vì tâm ta chi phối và vận hành tất cả. Cho nên nếu tâm bạn càng trong suốt, càng thuần khiết, càng đơn thuần, bạn cũng sẽ lấy được năng lượng tương ứng. Bởi quy luật của năng lượng luôn là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cái gì cùng tần số thì sẽ phù hợp với nhau. Ngược lại của việc nếu tâm ta thiếu sự trong sáng, nhiều mong cầu hay có điều gì còn tắc nghẽn thì khả năng cao ta cũng sẽ thu năng lượng đó.

Và hiển nhiên, người được healing - người nhận cũng sẽ nhận mọi năng lượng từ bạn và từ năng lượng mà bạn làm kênh dẫn. Bởi vậy, điều mà bạn cần ý thức là luôn quay về chữa lành cho chính mình, làm trong sáng tâm mình và hướng đến những gì thuần khiết. Tương tự, người được healing, bạn cũng hãy chọn cho mình những người làm trị liệu năng lượng theo sự mách bảo của trái tim bạn, người đó sẽ phù hợp với bạn vào thời điểm đó

Bạn không thể nào healing cho người khác khi chưa đến thời điểm, hoặc chưa được sự cho phép. Dù bạn có đang là kênh dẫn như thế nào, nhưng nếu ai đó đến với bạn vì thôi thúc hay bạn có thôi thúc healing cho họ. Hãy cứ healing vì điều đó là cần thiết
Đừng lo sợ rằng mình chưa đủ sức mạnh để healing. Healing cho người khác cũng là healing cho chính mình. Năng lượng chảy qua bạn không chỉ là chữa lành cho người kia, mà còn chữa lành cho bạn trong quá trình bạn làm nữa. Vậy nên hãy tin vào sự mách bảo của trái tim và luôn ý thức chữa lành, giải phóng tắc nghẽn tinh thần cho bản thân nữa nhé

Ý TRUYỀN KHÍ. Câu này có nghĩa là khi bạn có ý niệm tích tắc thôi, là lúc đó năng lượng đã truyền đi. Vì lúc này ta cho phép giao thoa với nhau. Nghĩa là khi bạn ý niệm tôi đang/tôi muốn chữa lành cái tay đau của người này, năng lượng sẽ đi đến cái tay đó. Điều này cho ta biết rằng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh dòng năng lượng đi đến những nơi phù hợp. Nhưng theo mình, ngoài việc truyền ý như thế, ta sẽ bỏ sót rất nhiều vùng trên cơ thể của người bệnh. Có những người họ tưởng cái tay đau, nhưng có thể gan hoặc thận họ đau, vai họ đau nữa. Cho nên nếu không biết rõ họ đang cần được healing cái gì, đơn giản là chỉ cần ý niệm tôi đang đưa dòng năng lượng thuần khiết nhất đến healing cho người này, và năng lượng sẽ biết cách để vận hành và đi đến những nơi cần đến, chữa lành những nơi cần chữa lành

Một điều chú ý nữa là khi bạn thấy mệt mỏi hoặc tinh thần đang đi xuống. Đó là lúc bạn không nên làm bất kỳ ca chữa lành nào thậm chí là từ chối ngay cả khi đã có lịch hẹn. Bởi vì như mình nói ở phía trên đó, hãy đảm bảo rằng bạn có đầy đủ năng lượng, khỏe mạnh và một tâm thái vững vàng, bình an thì mới có thể làm một kênh dẫn tốt nhất cho người khác

Và cuối cùng thì, hãy phân biệt xem việc bạn muốn trở thành một nhà trị liệu năng lượng là mong muốn sâu thẳm đến từ trái tim bạn hay từ tâm trí bạn, bởi nếu nó đến từ trái tim thì bạn sẽ có nhiều sức mạnh để đi trên hành trình này. Còn nếu không cần phân biệt thì không sao cả, bạn cũng có thể chọn cho mình trải nghiệm này để làm phong phú thêm hành trình và có thể càng ngày bạn sẽ càng yêu thích nó trong tương lai thì sao

Mến chúc bạn nhiều sức khỏe trên hành trình trị liệu bằng năng lượng,

Yêu thương và bình an 

Phần 2: Người trị liệu tinh thần





Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

NGỪNG ĂN THỰC PHẨM GMO(biến đổi gen) và CHĂM ĂN THỰC PHẨM ĐỊA PHƯƠNG

Để Nước Cuốn Đi



Tự nhiên đã sinh ra cái gì thì cái đó đều có mục đích. Khi ta lai tạo các loại hoa trái hay biến đổi gen thì cây trái nó đã không còn như ban đầu. Cái gì trái với tự nhiên thì đều là bất thường. Vd như quả dưa hấu sinh ra là có hạt giờ đây không còn hạt thì nó đâu làm đúng chức năng ban đầu của nó là gieo trồng cây từ hạt duy trì giống nữa, vậy thì nó sẽ phải nhân giống từ đâu tiếp, các bạn đặt câu hỏi nhé?

Tương tự vậy, các giống bản địa và thuần chủng thì đều có hạt thậm chí hạt to, chỉ có loại lai tạo thì hạt nhỏ đi hoặc không hạt mà thôi. Như vậy thì chất lượng dinh dưỡng trong trái đó không còn cao nữa thậm chí là không còn dinh dưỡng, không còn khoáng chất. Bạn thử ăn dưa hấu không hạt và có hạt cùng lúc để so sánh, dưa hấu không hạt bao giờ cũng nhạt hơn và khi ăn xong ta không cảm thấy có năng lượng, có dư vị đọng lại

Vậy thì thứ tự ưu tiên luôn là mua giống thuần chủng – đảm bảo nguồn gốc, sạch – hạn chế hoặc từ bỏ các giống lai tạo, hạt lép, hạt nhỏ, không hạt…

Thứ hai là tự nhiên cũng cho chúng ta một cơ thể phù hợp với vùng đất của chúng ta. Người da trắng sẽ phù hợp với lúa mì, lúa mạch, bơ sữa pho mát hơn bởi vì họ có vóc dáng cao lớn và khung xương cứng cáp đòi hỏi một chế độ ăn nhiều tinh bột và đường glucose từ tinh bột cung cấp để hoạt động và phát triển. Người châu Á thì lại phù hợp với lúa nước/lúa gạo, ăn nhiều rau củ và khí hậu khắc nghiệt nên có nhiều bài thuốc phương Đông từ hoa cỏ, các loại rau gia vị nhiều hơn

Nước ôn đới sẽ có những loài cây phù hợp với vùng đất đó và tốt cho họ như là táo, cherry, kiwi… và nước nhiệt đới cũng sẽ có những loài cây phù hợp với vùng đất và con người như là mít, cam, chanh xoài nhãn vải...

Tạo hóa đã có sự sắp xếp vậy nên ta không cần phải ăn bằng được hoa quả ở vùng đất khác thì mới có thể đủ chất. Thực ra hoa quả bản địa là phù hợp với cơ thể ta nhất. Và tất cả những bài thuốc thì đều ở trong tự nhiên. Như là hạ sốt thì dùng diếp cá, tía tô, rau má, để hạ huyết áp dùng nước dừa, lá mơ trị đau bụng, ngải cứu giúp đỡ đau đầu, gừng làm ấm cơ thể…trái mát giúp hạ nhiệt và trái nóng giúp tăng nhiệt và bổ sung đường…
Bạn hãy thử tìm hiểu bên chuỗi cung ứng. Hoa quả từ Mỹ và Châu Âu về VN không thể vận chuyển trong 1-2 ngày được. Thời gian vận chuyển lâu hơn như vậy nhưng về VN vẫn rất tươi, hãy thử mua một quả táo và bỏ ra ngoài nhiều ngày, quả táo thậm chí có thể tươi trong một thời gian dài, câu hỏi đặt ra là cây trái VN thật sự sạch vd như nhà bạn trồng khi hái xuống có thể để lâu ngoài không khí vậy không?

Có một sự so sánh thú vị khi mình nhận biết được đó là dường như tạo hóa cố tình sắp xếp loài cây trái có phần na ná giống nhau ở hai vùng đất khác nhau. Vd như ôn đới có trái cherry, thì VN có trái mận. Chúng cùng một giống ở tính chất và dinh dưỡng vd như hạt, vị chua ngọt, hay là vtmC và các loại vtm khác có trong nó. Nhưng rõ ràng là, nếu ở VN, bạn có thể mua trái mận với giá bằng 1/10 trái cherry, nó lại còn ngon hơn và quan trọng nhất là phù hợp với cơ thể. Tại sao ta nghĩ rằng phải mua đồ Âu mới là tốt?

Điều buồn cười là càng là những thực phẩm như GMO và hoa trái nhập khẩu lại càng đắt. Đó là bởi vì truyền thông và xung quanh không ngừng nói với ta rằng hãy tiêu tiền cho họ đi. Đồng ý là có những loại thực phẩm tốt, nhưng nếu không có điều kiện thì không nhất thiết phải ăn, và mình nhấn mạnh lại thì, thực phẩm tự nhiên và bản địa luôn phù hợp với chúng ta nhất, đầy đủ và tốt nhất

Chúc bạn ăn vui sống khỏe

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

ĂN ÍT ĐỂ KHỎE, NẤU ÍT ĐỂ NHÀN

Để Nước Cuốn Đi




Cuộc sống hiện đại và truyền thông khiến cho con người nghĩ rằng phải ăn nhiều mới khỏe. Nhưng thực chất ăn ít lại khiến ta khỏe và trẻ lâu

Khi bạn nạp quá nhiều thức ăn, cơ thể không tiêu hóa được, ngược lại còn tạo ra các chất dư thừa, khi dinh dưỡng không thể vận chuyển đi đâu hết, nó tạo thành gánh nặng cho các cơ quan nội tạng từ đó sinh bệnh tật. Hãy tưởng tượng hệ tiêu hóa của bạn cũng là một loại máy móc, ta càng bắt nó vận động liên tục mà không chăm sóc hay sửa chữa nó, không cho nó được nghỉ ngơi. Máy chạy nhiều và hoạt động hết công suất tất nhiên sẽ giảm hiệu quả, càng ngày càng hao mòn và suy yếu. Làm cho hệ trao đổi chất trong cơ thể chậm lại, hậu quả là càng già càng ốm yếu, người càng ngày càng kém nhanh nhẹn, khó tiêu. Trao đổi chất chậm thì tế bào làm mới chậm, làm mới chậm thì lão hóa nhanh, khiến con người trông mau già, đối nghịch với việc ăn uống được đầy đủ

Đời sống con người hiện đại lao động ít, nhưng lúc nào cũng ăn thịt cá hải sản, uống bổ sung các thực phẩm chức năng, ăn những món đắt tiền và được nói rằng là bổ sung thêm chất cho cơ thể, cái này tốt, cái kia tốt, người ta còn đi săn lùng và bỏ bằng được tiền để mua. Làm sao cơ thể hấp thu được hết. Tạo ra một vòng luẩn quẩn là kiếm thật nhiều tiền mệt mỏi, ăn bằng được vì sợ thiếu, rồi lại chữa bệnh vì ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt sai cách. Để sống khỏe mạnh con người không cần nhiều đâu ạ, thậm chí là rất ít. Hãy hỏi lại cha mẹ ta thời xưa ăn vừa đủ, làm đồng áng hùng hục cả ngày nhưng sức khỏe thì cực kỳ tốt

Để cho cơ thể được khỏe và trẻ, hãy giảm khẩu phần thức ăn của bạn xuống 2/3 bữa ăn bình thường. Đây là bí quyết của những người trẻ lâu. Nghĩa là dừng khi bụng vẫn còn hơi đói, lưng lưng bụng. Không bao giờ để bụng ăn quá no. Hãy nhớ lại, mỗi lần ăn no, bạn có thấy mệt không, thấy cơ thể có chậm đi không, thấy hệ tiêu hóa có tắc nghẽn và khó chịu không. Hãy luôn quan sát cơ thể bạn, đó chính là vị thầy của bạn

Mình là một người rất nhiều năng lượng, chỉ dựa vào việc ăn đủ và một ít, thậm chí đôi khi không ăn gì. Đó là bởi ta để cho cơ thể được nghỉ ngơi, nạp dinh dưỡng hợp lý, năng lượng thông suốt thì lúc nào cũng thấy tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, trẻ lâu.

Nhịn ăn cũng là một cách khiến cho hệ thống tiêu hóa được khởi động lại, kích thích các tế bào được sản sinh và làm mới, kích thích lại vị giác một cách thông minh, kích thích lại đường truyền từ ruột tới não một cách hiệu quả để cho não biết cơ thể dư thừa cái gì và cần ăn như thế nào. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp nhịn ăn thanh lọc có thể làm 1-2 lần trong năm, thậm chí nó còn có thể chữa bệnh, nhưng cần được hướng dẫn hợp lý. Bình thường thì ta có thể nhịn ăn một bữa trong ngày hay một ngày trong tuần, nó cũng mang lại những tích cực rất tốt

Có những người họ chỉ ăn một bữa một ngày nhưng vẫn rất khỏe. Có rất nhiều phương pháp và chế độ ăn, giảm cân, tăng cân nhưng quan trọng là mình ăn mà thấy khỏe, giai đoạn đầu khi giảm ăn có thể thèm ăn thì thực ra cơ thể chỉ đang phản xạ theo thói quen cũ, nếu vượt qua được mà thấy càng ngày càng khỏe mạnh chứng tỏ ta là đi đúng.

Bạn có thể thiết lập một chế độ ăn đơn giản. Có thể là bữa sáng hoặc bữa tối nhịn hoặc ăn nhẹ. Một bữa ăn thô như trái cây rau củ quả tươi sống, một bữa ăn chay và một bữa ăn chính cùng gia đình, có thể ăn thêm hoa quả và các loạt hạt bổ sung khi cần. Lâu lâu thì ta có thể đi ăn cùng bạn bè hoặc ăn vài món gì đó mà bạn thích, cũng không nên quá hà khắc với chế độ ăn hay cơ thể làm gì

NẤU ÍT ĐỂ NHÀN

Như mình viết ở trên, con người ngày nay ăn quá nhiều. Lý do là vì họ nghĩ phải ăn nhiều mới đủ, là vì truyền thông từ các doanh nghiệp muốn lấy tiền từ họ. Ta bị áp lực nếu không ăn sẽ ốm, nếu không cho những người xung quanh ăn thì người thân, con cái của ta sẽ ốm. Nếu không nấu nướng thật nhiều thì ta sẽ là người không có trách nhiệm, không biết lo cho gia đình của mình. Thực ra thì bạn cần phải vững tin ở chính mình

Mình từng trải qua cảm giác mà chuyện nấu nướng làm mình khổ. Thêm tính cách cầu toàn nên nấu nướng phải tiêu chuẩn, lúc nào cũng phải bày biện thật nhiều, lúc nào cũng sợ để người khác làm thì họ sẽ làm không tốt cho nên lúc nào mình cũng tự tay làm hết, ngày xưa nấu nướng thì nhiều món cộng với gia vị tưởng rằng đậm đà ngon miệng nhưng hóa ra toàn bột nêm, mỳ chính giúp đồ ăn giả ngọt hơn mà thôi, làm mất cái khứu giác của ta và hại sức khỏe vô cùng. Sau này chuyện nấu nướng làm mình khổ quá, mình buông xuống. Bởi mình cũng nhận ra nguyên do là mình phải tự lập từ bé, một mình lo bữa cơm và chăm sóc em út, chăm sóc gia đình và bản thân, cộng với nhiều lý do khác cho nên biết lý do cũng giúp mình từ bỏ thứ làm mình khổ

Bây giờ, để nấu cho gia đình, bình thường mình chỉ nấu 2-3 món, và những món rất đơn giản. Không phải mình không biết nấu ăn, đã từng nấu đủ món trên đời, thậm chí nấu rất ngon. Nhưng bữa cơm đơn giản, vừa tốt cho cơ thể, vừa khỏe, vừa đủ chất. Người nhà thích ăn cá thì mình nấu cá, thích ăn thịt mình nấu thịt. Một ít thịt luộc/cá kho, một đĩa rau cho bữa chính là đủ. Thi thoảng đổi món nhẹ, thi thoảng cuối tuần ăn khác đi. Tăng cường ăn rau củ quả, giảm đạm động vật, ưu tiên thịt trắng hơn thịt đỏ. Còn mình ăn chay, thì bữa ăn đơn giản lắm, một món là xong.

Nhìn từ góc độ sinh học, mọi sinh vật đều bước ra từ lòng đại dương sâu thẳm. Đại dương chiếm đa số diện tích đất liền. Con người đã biết bơi từ trong bụng mẹ. Cho nên chế độ ăn nhiều chất dễ tiêu hóa như rau củ, uống nhiều nước, ăn cá đã là đủ. Đặc biệt là những con cá bé, nguyên xương và da. Nhìn vào những nước dân số già hóa và trẻ lâu như Nhật hoặc các nước Bắc Âu, sẽ thấy thực đơn chính của họ chủ yếu là cá, đạm thực vật như các loại đậu và các món lên men từ thực vật như tương đậu nành, natto, miso…

Thời gian nấu của mình lúc nào cũng chỉ tầm 15 phút. Lúc nào cũng nhẹ nhàng, thơm tho, vui vẻ thoải mái. Bếp núc người ngợm thì sạch sẽ gọn gàng. Gia đình thì đoàn kết, không mệt thì làm sao cáu được họ. Bởi vậy, đừng để chuyện nấu nướng làm bản thân mệt. Bày biện, cầu kỳ, cuối cùng không ăn hết. Đổ thức ăn vừa lãng phí sức người, tiền của lại gây hại cho môi trường. Nấu mệt xong rồi lại phải dọn rửa mệt, rồi cáu chồng con cáu gia đình đúng không. Nấu nhiều hơn chút cũng được, nhưng nấu là phải vui, ăn là phải khỏe. Vd như mình vẫn thi thoảng nấu nhiều vì thích, vì muốn được yêu thương gia đình, cho nên không thấy mệt là vì vậy

Bản thân mình 2 năm dịch chưa một lần ốm dù đi khắp nơi, 2 năm rồi không một viên thuốc tây. Người lúc nào cũng trẻ khỏe nhiều năng lượng. Vì sao ạ. Bởi vì mình càng ngày càng đơn giản. Trước kia sinh ra đến lớn lên thì đủ bệnh, càng làm phức tạp càng bệnh. Vậy nên những gì mình chia sẻ trên blog mình thì đều là kinh nghiệm thực tiễn hết. Bạn có thể tham khảo, tìm hiểu và thực hành những phương pháp phù hợp để nhìn thấy sự chuyển biến, chuyển hóa ngay trên cơ thể mình

Và nhớ là luôn chuyển hóa từ từ, từng bước, đừng rập khuôn và vội vàng hay khắt khe một điều gì ngay lập tức

Chúc bạn ăn uống vui khỏe, ngày càng an nhàn

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

VU LAN KHÔNG CHỈ LÀ BÁO HIẾU

Để Nước Cuốn Đi



Khi nhắc rằng Vu lan là báo hiếu, ta nghe từ “báo hiếu” thật nặng nề. Bởi có thể ta sẽ cho rằng đó là khái niệm biểu hiện cho hành động đáp lại và là trách nhiệm. Ta cũng có thể hiểu lầm là ta phải phụng dưỡng, hay trao cho cha mẹ sự thành công của ta, hay đền đáp bằng sự chăm sóc hoặc lễ quà. Hãy nghĩ về một sự nhẹ nhàng hơn

Còn cha mẹ là một điều may mắn. Có thể, trong quá khứ, cha mẹ chính là người đã từng làm tổn thương ta nhiều nhất. Cho nên, nghĩ tới cha mẹ, ta chỉ thấy giận hờn và có thể đau đớn. Nhưng nếu ta biết rằng, cha mẹ đã từng có phút giây nào đó yêu ta, hoặc luôn yêu ta nhưng yêu sai cách. Thì bởi vì đời sống cha mẹ quá khó khăn và cha mẹ cũng đầy sự tổn thương bên trong, cho nên cha mẹ đã không thể duy trì tình yêu đó một cách lành mạnh. Cha mẹ đã cố gắng chăm sóc ta theo một cách nào đó, nhưng lại không thể chăm sóc chính bản thân họ.

Ta chưa cần hết giận cha mẹ ngay, việc ta cần làm là quay lại chăm sóc, yêu thương và chữa lành cho chính mình, ta sẽ thấu hiểu được nỗi đau của cha mẹ. Khi đó, ta sẽ thấy, cha mẹ còn hiện diện là một điều hạnh phúc. Dù sự hiện diện đấy ở ngoài tầm mắt của ta. Ta sẽ trân quý bao nhiêu những ngày tháng đã hoặc đang được bên họ. Dù họ và ta có thể chỉ nói được với nhau vài lời ngắn ngủi mỗi khi gặp nhau, biết họ đang sống đời sống của họ, biết họ đang thở, là một niềm hạnh phúc. Lúc này, báo hiếu là một sự trao tặng, trao tặng cho ba mẹ sự bình an và hạnh phúc của ta

Vu lan không phải nói rằng đây là dịp để ta báo hiếu. Vu Lan nhắc cho ta rằng cuộc đời này ta cần nhớ tới mẹ cha. Trong ta có dòng máu của cha, của mẹ. Ta tiếp nối những gì tốt đẹp của cha mẹ, và khi ta tự mình chuyển hóa bản thân là ta đang chuyển hóa những vướng mắc trong cha mẹ mình. Và bất cứ khi nào chứ không đợi tới một dịp, ta có thể trao cho Người những bông hoa trong lòng ta, là sự nhẹ nhàng, bình an, và hạnh phúc tự thân

Vu lan còn nhắc ta rằng hãy nghĩ về con cái của mình. Điều gì trong cuộc đời này là quan trọng, là mong con mình hạnh phúc theo những gì ta muốn hay là nhìn thấy con mình hạnh phúc và sống cuộc đời mà em muốn. Tình yêu của chúng ta có cần trao đổi bởi một điều gì mới gọi là tình yêu không.

Mình từng hỏi một người bạn, nếu ta có con và sau này ta chết đi. Ta có muốn con mình phải bỏ thật nhiều tiền để cúng bái và mệt mỏi vì mình không. Hẳn là, mâm cao cỗ đầy vẫn không bằng một chén cơm trắng với tấm lòng thành mong người ra đi đến miền cực lạc, thanh thản và siêu thoát, không còn vướng mắc trần gian.

Người ta hay nhắc tới Vu Lan là báo hiếu. Mình muốn nhắc tới Vu Lan là tình yêu bản thân. Yêu bản thân thì ta không mong cha mẹ phải có trách nhiệm với mình hay con mình phải đền đáp mình. Không phải là làm gì to lớn cho cha mẹ, mà đơn giản là khi ta sống trong tình yêu với chính mình, an yên, mạnh mẽ, yêu thương, chăm sóc bản thân, dù là làm gì ở bất cứ nơi đâu, là ta đã tạo ra một sự an bình cho gia đình mình. Bởi ta có một sự kết nối về sợi dây linh hồn với người thân, nên hãy tin rằng bản thân hạnh phúc thì cha mẹ sẽ hạnh phúc. Hãy xoá bỏ những từ “hy sinh”, “vì nhau”, “trách nhiệm”, “phụ thuộc”,... dù là con cái hay là cha mẹ

Đêm nay, hãy ngồi dưới ánh trăng rằm, dù có gia đình bên cạnh hay không, hãy để ánh trăng tràn khắp cơ thể, làm ấm trái tim và làm lành những vướng mắc, cởi trói khỏi những định kiến đã cũ cả những bất an. Dù là ngồi trong phòng thì hãy tin rằng năng lượng của mặt trăng là lan toả khắp mọi nơi, để ánh trăng được chữa lành cho tất cả
Gửi đến những người cha, người mẹ, người con,

Tình yêu và bình an 

CÓ MỘT DÒNG SÔNG ĐÃ QUA ĐỜI

Để Nước Cuốn Đi


Đời người như một dòng sông, mỗi người là một dòng sông. Dòng sông dẫu có khác nhau nhưng luôn chảy, kể cả khi nó đã qua đời

Khi một người mất đi, ta thường chia buồn. Nhưng ít ai gửi lời mừng. Phải, ai lại gửi lời mừng trước một sự mất mát. Nhưng ta có thể gửi một lời chúc bình an và an lạc đến người đó bằng một niệm an lành từ trong tim. Rằng bạn đã sống trọn vẹn cuộc đời mình, dẫu cuộc đời bạn có như thế nào và bạn đã ra đi như thế nào đi nữa. Thì thời điểm tới, luôn là thời điểm đã đến lúc

Phải chăng là khi nhắc đến đám tang, ta thường thấy nặng nề, là bởi vì ta đặt quá nhiều gánh nặng và dính mắc trong lòng mình. Phải chăng ta nên nghĩ về nó và cái chết, trở nên nhẹ nhàng hơn?

Ta được phép đau lòng trước một sự ra đi của người gần gũi và thân thiết. Đừng cố để gạt đi hay tìm cách quên đi cơn đau lúc đó. Nhưng đau lòng không đồng nghĩa với đau khổ. Bởi Người có thể an lòng tới một địa hạt nhận thức tốt đẹp hơn nếu trong lòng ta còn mong mỏi và níu chân Người quá nhiều?

Thế giới là một bể năng lượng. Và vì “năng lượng không bao giờ tự dưng sinh ra hay mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Cho nên đám mây chưa bao giờ chết, dòng sông qua đời nhưng vẫn luôn chảy. Bên trong mỗi chúng ta như bông hoa ngọn lá, luôn là sự tiếp nối của tổ tiên. Trong ta luôn có ánh sáng và sự hiện hữu của vạn vật, của muôn loài

Và vì bởi, ta nhìn thấy sự vô thường của đến và đi, cho nên ta trân trọng mọi mối duyên trong cuộc đời này. Chẳng có duyên lành hay duyên ác, chỉ có ta đã học được gì từ những trải nghiệm của mình. Chỉ có nhìn thấy sự vô thường của đến đi, ta mới thêm yêu những phút giây ta còn có thể biết một ai đó đang còn hiện hữu trên cuộc đời, và ta thêm trân trọng chính bản thân mình

Đừng nghĩ về cái chết như một sự trừng phạt. Cũng đừng nghĩ về cái chết là một sự luân hồi và mình phải khổ sở học tiếp khi kết thúc. Ta chẳng biết gì ngoài chính ta đang trải nghiệm hiện tại này. Và nếu biết rằng ta chỉ có một cuộc đời, ta sẽ biết yêu hơn chính ta và những gì ta đang có

Ta cũng không sợ cái chết, bởi ta biết ta đang sống hiện hữu và trọn vẹn với hiện tại của ta

Nguyện một niệm an lành,

Thương yêu

KHI CHƯA THỂ THÌ ĐỪNG ÉP MÌNH

Để Nước Cuốn Đi

Không cần phải cố yêu một người khi ta còn thấy ghét họ. Không cần phải cố gắng tươi sáng khi trong ta còn bóng tối

Đừng bắt mình phải yêu thương người khác, khi mình chưa thể yêu thương. Hãy quay lại yêu thương chính mình, trước khi cứ quay ra ngoài yêu ai đó. Đừng chỉ thực hành tình yêu vô điều kiện, hiểu về tình yêu vô điều kiện. Ta chỉ có thể cho người khác lấy những giọt nước trong lành từ cái giếng của mình, khi ta là một chiếc giếng đầy, không phải một chiếc giếng cạn

Khi không thể vui vẻ, hãy cứ ở trong nỗi buồn của mình. Ép mình bước ra khỏi một trạng thái giống như quả chưa chín mà ta chọc rụng. Buồn chán là một điều tự do. Không phải vì người khác luôn vui cười mà ta cũng phải luôn vui cười. Không phải ngày nào cũng nắng và ngày nào cũng mưa. Nỗi đau không hề đáng sợ, đáng sợ là khi ta chối bỏ nó. Chưa thể vui, vậy sẽ không vui. Hãy công bằng với mọi thứ bên trong ta, rằng nỗi đau cũng cần được lên tiếng khi nó cần. Được ở trong một trạng thái hoặc cảm xúc, cũng là quyền của bạn

Đừng giày vò và phán xét chính mình. Nếu không thể yêu mình, thì ta có thể yêu ai. Người phán xét người khác nhiều nhất chính là người phán xét họ nhiều nhất. Điều gì tới ta cứ để nó tới, điều gì qua ta biết nó xảy ra. Ngừng trách cứ bản thân bởi điều đó không giúp được gì cho ta mà chỉ làm ta lún sâu vào một cái hố tự mình đào. Bất cứ cảm xúc gì đến cùng những câu chuyện, hãy cứ nhận biết nó thôi, biết nó đang xảy ra, nhận biết và làm bạn với nó

Tương tự với việc khi không muốn làm gì, thì đừng cố để làm. Khi không thể đưa ra quyết định, đừng cố để đưa ra một quyết định mà không thật sự thích. Cơ thể và tâm trí bạn muốn nói rằng, hãy nghỉ ngơi. Hãy thả lỏng và thư giãn, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng như cái cách bầu trời chỉ thấy rõ khi những đám mây tự bay đi. Và rồi, bạn sẽ có thể đưa ra quyết định trong sự thôi thúc và khiến bản thân hạnh phúc, ở thời điểm thích hợp

Đừng đặt quá nhiều trách nhiệm, áp lực và gánh nặng lên vai mình. Vì như thế càng đi sẽ càng mỏi mệt, sẽ có lúc bạn cạn kiệt sức lực không hay. Chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường, nên đừng vì những danh xưng hay định nghĩa bạn khoác lên mình mà tự dằn vặt bản thân. Người cha cũng cần có lúc nghỉ ngơi, và người mẹ cũng có lúc không muốn làm mẹ. Chúng chỉ là những tấm áo mà bạn có thể khoác lên được thì cũng bỏ xuống được. Mặc vào khi bạn muốn, tháo ra khi bạn cần. Mặc một tấm áo khác khi bạn đã trở nên thoải mái hơn

Đừng coi mình như một người lớn, hãy coi mình như một đứa trẻ. Đứa trẻ đó cần học cả đời, đứa trẻ đó cũng biết yêu, biết đau, biết thương, biết vụn vỡ và cũng có thể tự chữa lành. Một đứa trẻ thì được phép sai, được phép học hỏi và được phép tiến lên không ngừng. Có khác là đứa trẻ chờ ai đó đến bao dung cho chúng, thì người lớn trẻ con có thể tự bao dung cho chính mình

Yêu thương và bình an là bạn.

Để Nước Cuốn Đi


Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TẠI SAO TA VẪN CHƯA MUỐN RỜI BỎ CUỘC SỐNG

Để Nước Cuốn Đi


Có bao giờ hoặc bây giờ, bạn cảm thấy cuộc sống không có nhiều ý nghĩa với bạn, nhưng bạn lại không thể rời bỏ nó. Cũng chắc hẳn bạn đã từng nghĩ, sao nhiều người ngoài kia đau khổ tới vậy, đôi khi là sống mà khổ lắm, ví dụ như không nhà không thức ăn không ai bên cạnh. Rằng có thể ở trong hoàn cảnh đó bạn sẽ chọn cái chết để không phải trải qua như họ, vậy sao họ vẫn chọn tiếp tục sống. Vì sao ạ?

Đó là bởi vì ta và Người vẫn còn thiết tha với cuộc sống này lắm. Dù hoàn cảnh có khắc nghiệt bao nhiêu, dù lý trí có nói với ta rằng mọi thứ thật khó khăn bao nhiêu. Thì sâu thẳm bên trong bạn, tình yêu cuộc sống vẫn tồn tại. Dù bạn có chối bỏ hoặc không thừa nhận nó, thì nó vẫn ở đó. Trước cả khi sinh ra, bạn đã biết yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bạn đã nghe được hơi thở của mẹ, tiếng nói của cha, dù bây giờ điều đó không còn hiện diện bên bạn đi chăng nữa. Bạn đã biết yêu từ khi đôi mắt bạn biết mở. Bạn còn nhớ cảm giác hạnh phúc khi nhận dòng sữa mát lành từ mẹ và cái áp da thân thương?. Bạn còn nhớ cảm giác hạnh phúc khi bắt đầu biết đi những bước đi đầu tiên chứ. Bạn còn nhớ bông hoa nào sau hè vừa nở hoa, giọt mưa nào vừa rơi trên mái hiên nhà bạn lần đầu tiên, thanh âm cuộc sống nào đã đi sâu vào trái tim bạn bồi hồi và lặng lẽ?...

Bạn đã biết yêu từ lúc nào, và tình yêu vẫn đang ở trong bạn, bạn biết không. Cuộc sống chẳng dài đâu nhưng tình yêu trong bạn lại nhiều đến thế mà bạn thậm chí còn không nhận ra nó. Điều gì khiến cho một người có thể bước tiếp trong khi cuộc sống lại khó khăn tới vậy. Điều gì khiến một người chẳng còn gì trong tay ngoài những ngày lang thang đường phố lại vẫn có thể sống.

Bạn có nhận ra không? Bạn đã dành cả cuộc đời mình để đi tìm kiếm tình yêu. Bởi lí do đằng sau tất cả những gì con người làm, là vì họ tìm lại tình yêu bạn ạ. Nhưng mà, tình yêu ở trong mọi thứ, và tình yêu chính là bạn đó. Ta có cần đi tìm kiếm thứ mà vẫn hiện hữu quanh ta và chính là ta nữa không, à bạn?

Điều may mắn nhất là bạn vẫn còn tình yêu dành cho bạn, cho Người, hoặc cả hai

Bạn có biết tại sao trái tim chúng ta lại luôn đập? Để nhắc nhớ cho ta rằng, ta là tình yêu. Ta luôn có thể yêu, luôn có thể rung động, luôn hiểu tình thương là gì. Trái tim ta không chỉ nhắc ta yêu những điều đẹp đẽ, còn nhắc ta yêu những thứ trần trụi và khổ đau. Ta biết yêu một hoàn cảnh khó khăn, ta động lòng trắc ẩn trước một đôi mắt thơ ngây, lòng ta rung lên sự thương cảm là tình thương giữa người và người. Ta cũng biết yêu cái khổ đau trong ta, yêu những khó khăn hay thương tổn ta đã trải qua, để từ đó ta dịu dàng và học cách chữa lành cho chính mình

Nếu bây giờ bạn đang mỏi mệt. Xin đừng ép mình phải nghĩ ngợi hay tìm kiếm giải pháp ở đâu cả. Hãy ngồi xuống nhé bạn thương. Hãy ngồi xuống và nhắm mắt lại. Tìm một bản nhạc không lời dịu êm. Lắng nghe nó. Lắng nghe tiếng trái tim bạn và quan sát hơi thở vào ra của bạn. Bạn đang hiện hữu nơi đây. Mọi thứ thuộc về bạn thật đẹp. Trái tim này, đôi mắt này, bàn tay này, hơi thở này…và những thứ hiện hữu xung quanh bạn cũng thật đẹp, đúng không bạn

Tình yêu là bạn, cuộc sống là bạn

Thân thương gửi tới bạn,

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

HỌA THIỀN

Để Nước Cuốn Đi


Mình muốn giới thiệu đến mọi người “hoạ thiền” bởi đây không chỉ là một phương pháp thiền tập, còn là một niềm vui cuộc sống, xây dựng hạnh phúc tự thân hay là phát huy sự bình an bên trong mỗi người mà ai cũng có thể làm được

Bản thân mình là người có năng khiếu với hội hoạ do mang theo từ tiềm thức vào cuộc đời hiện tại, tuy nhiên vì duyên nghiệp nên không theo con đường mỹ thuật. Nhưng nhờ vậy sau này mình mới nhận ra hoạ thiền là một trong những phương pháp thiền công và có khả năng chữa lành trên con đường chữa lành mà mình theo đuổi.

Như mình đã từng chia sẻ, thiền công bao gồm các bộ môn nghệ thuật, mang tính sáng tạo và sáng tác(đàn ca hát múa…) ví dụ như sử dụng các loại nhạc cụ, sáng tác nhạc, thiết kế, kiến trúc, vẽ, điện ảnh ... Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, ý tưởng sẽ được Vũ trụ đưa tới cho người nghệ sỹ. Khi họ để tần số của bản thân đồng bộ với sự tiếp nhận năng lượng. Nghĩa là trong trạng thái say mê, chú tâm, thả lỏng và đón nhận. Họ bắt đầu phiêu và trong khi đó, là lúc các ý tưởng được tuôn trào và hiện thực hoá thành phim, thành nhạc, thành bức vẽ hay là lời ca…

Tại sao lại là hoạ thiền mà không phải những phương pháp thiền công khác. Bởi vì vẽ là điều ai cũng có thể làm được với đôi tay của mình. Khi bắt đầu biết cầm bút, là bạn đã bắt đầu vẽ. Người lớn thường quên mất rằng ngày bé họ đã thích vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy như thế nào

Vẽ là để bạn khám phá chính mình. Bạn có thể xem bản thân kiên nhẫn tới đâu hay là yêu thích cái gì. Có thể, bạn sẽ biết rằng đằng sau vẻ ngoài cứng cỏi của mình, là một nội tâm nhu hòa mềm mại khi bạn ưa thích màu nước. Cũng có thể bạn tưởng rằng bản thân là một người tỉ mỉ cầu toàn nhưng thực ra lại có bản chất phóng khoáng cá tính khi sử dụng sơn dầu. Có khi bạn có vẻ ngoài màu mè sặc sỡ nhưng sự thật lại thích sự giản đơn tinh tế của hai gam màu đen trắng khi vẽ chì thì sao...Thông qua vẽ, bạn có thể là người yêu sự chi tiết, cũng có thể là người yêu những mảng màu khoáng đạt, có khi lại là sự trừu tượng…Vì bức vẽ là của bạn, thế giới lúc này là của bạn, cho nên bạn có thể tự do khám phá và sáng tạo cho chính mình

Vẽ là một liệu pháp chữa lành vì nó có thể giúp bạn được xả ra tất cả những tắc nghẽn bên trong thông qua việc bày tỏ cảm xúc bằng đường nét. Khi bạn để cho mình thả lỏng, là bạn đang cho phép mình được tuôn trào. Nếu đã quen với việc đè nén cảm xúc thật của mình quá lâu, đây là lúc mà bạn có cơ hội được thể hiện hết ra giấy. Nó có thể là những khát khao, cũng có thể là những nỗi buồn sâu kín, có khi là giải tỏa những cơn giận hay khó chịu bên trong… Vẽ mang đến một sự tập trung cao độ mà bạn không cần phải cố gắng. Nghĩa là bạn hoàn toàn có chánh niệm trong lúc này. Vì vẽ đòi hỏi sự tỉ mẩn, chi tiết, cẩn thận, cho nên bạn sẽ quan sát nhiều hơn. Vẽ khiến bạn tập trung dễ dàng và khi đủ tập trung, bạn sẽ rơi vào trạng thái trống rỗng, đó là lúc bạn đang thiền
Thông qua một nét vẽ hay bức vẽ, ta cũng có thể đọc năng lượng của người đó. Không đơn thuần chỉ là sử dụng những gam màu như thế nào, họ có xu hướng vẽ thiên về điều gì,… mà thực sự rằng khi ta vẽ, là ta đang đồng bộ năng lượng của mình vì vẽ thường đưa ta vào trạng thái được thiền và đẩy bên trong của chúng ta ra. Bạn yên tâm là không phải ai cũng chú ý đến điều này, nhưng bạn có thể quan sát những bức vẽ của chính mình từ đó hiểu được nội tâm của mình đang dần phát triển tới đâu

Có rất nhiều phương pháp vẽ và lối vẽ hay phong cách vẽ khác nhau. Bạn có thể vẽ phong cảnh, chân dung, hình họa, tĩnh vật, ký họa… Bạn cũng có thể thử nhiều chất liệu khác nhau hoặc tìm ra chất liệu yêu thích ví dụ như màu nước, chì, chì màu, than, màu bột, màu gouche, acrylic, sơn dầu, lụa… Có thể vẽ khổ nhỏ cũng có thể vẽ khổ to, vẽ bằng khung hoặc vẽ trên giấy thậm chí chỉ là một quyển sổ nhỏ. Có điều kiện thì bạn có thể đi học qua một hoặc vài lớp vẽ căn bản. Không thì có thể tự học trên mạng xã hội như youtube, học online với chi phí rẻ…

Hãy bỏ qua các chấp niệm vào việc vẽ là phải như thế này hay thế kia. Vẽ là phải có hoa tay hay khéo léo. Vẽ là phải có thời gian hay vẽ là phải có tiền hay phải đi học. Vẽ cũng không phải là đợi dư dả đợi già rồi mới có thể. Cũng không phải là phải tự sáng tác nên bức tranh của riêng mình. Chẳng có một tiêu chuẩn nào đặt ra là vẽ như thế này mới đẹp hay thế kia là không chuẩn. Vẽ là nghệ thuật mà nghệ thuật là sáng tạo. Nếu yêu thích sự sáng tạo, đặt bút xuống bạn có thể vẽ theo cảm hứng của mình

Quan trọng nhất thì, vẽ khiến bạn vui vẻ hơn và là hạnh phúc tự thân mà bạn xây dựng

Yêu thương gửi tới bạn 

TRÀ THIỀN

Để Nước Cuốn Đi


Có thể nói, “trà thiền” là phương pháp thiền mình yêu thích nhất và muốn giới thiệu cho các bạn. Mình thường trải qua cảm giác “Định”, thậm chí là nhận năng lượng, ngay lúc thưởng trà một mình. Tuy nhiên, mình mong rằng các bạn không bị dính mắc vào việc làm một điều gì đó chỉ để có kết quả. Hãy đơn giản rằng thưởng trà là thưởng trà thôi, buông mọi chấp niệm, buông mọi kỳ vọng, thả lỏng và thư giãn, đón nhận và trân trọng

Tại sao trà lại mang năng lượng thuần khiết cao như vậy. Đó là bởi tính chất của lá trà là được trồng ở những vùng núi cao. Càng cao càng lạnh trà càng ngon. Càng lạnh trà càng tươi tốt và không phải bón hóa chất hay là phun thuốc trừ sâu. Trà cũng lớn rất chậm, nhưng thu hoạch được lâu dài vì có thể trở thành cây cổ thụ. Có thể nói trà đón nhận mọi tinh túy của trời đất. Lá trà luôn thức vào những đêm trăng tỏ, hay đón nhận những giọt sương trong lành của sớm mai. Khi thu hoạch trà, người ta cũng chỉ lấy phần ngọn, là phần non tươi và thuần khiết vô ngần. Sau đó, trải qua nhiều công đoạn, từ sao cho đến rang phơi hay chế biến, hoặc ướp hương hoa… mới ra được thành phẩm cuối cùng là trà khô

Đó cũng là lí do mà mình nghĩ sự về sự khác biệt của trà và café. Mặc dù trà cũng rất nhiều caffein, nếu uống ban đêm có thể khiến ta tỉnh táo và thao thức. Nhưng công đoạn rang xay café khác trà, café thu hoạch là thu hoạch quả, còn trà là thu hoạch ngọn lá. Trà trồng ở vùng cao, café trồng ở vùng thấp hơn nhiều. Các hoạt chất trong café dễ khiến ta say, nhưng trà khiến ta sáng suốt.

Café có thể gây ức chế não bộ, tim đập nhanh hoặc ít tác dụng với sức khỏe. Nhưng công dụng của trà là vô vàn. Trà chứa lượng lớn chất chống oxi hóa, tốt cho tim mạch, trà giảm huyết áp, thêm trà vào đường và uống sáng thì tăng huyết áp, trà là chất chát giúp trị tiêu chảy và các bệnh đường ruột…hãy nhìn các cụ ngày xưa trẻ khỏe nhiều sức sống vì uống trà ạ

Thú thực là mình không phải người tìm hiểu sâu về trà. Nhưng rõ ràng là, trong nhà Phật, hay trong bộ môn trà đạo Nhật và một số trà đạo của các nước, trà đã trở thành triết lí sống, châm ngôn và một bộ môn thiền. Mà có lẽ câu triết lý mình yêu thích nhất là “UỐNG TRÀ ĐI”. Uống trà không chỉ là nhấp một ngụm trà, mà còn là cảm thọ về trà. Uống trà không chỉ là một thao tác, mà còn là nuôi dưỡng sự chánh niệm. Uống trà không chỉ là một hành động, mà còn là một sự bình an. Chỉ một câu nói, dường như gói gọn mọi sự có thành sự không. Mất bình tĩnh - uống trà đi; buồn bực à - uống trà đi; cãi nhau à - uống trà đi… Để ám chỉ rằng hãy cứ ngồi xuống thật vững chãi, chuyện gì rồi cũng sẽ qua

Mình rất trân trọng những người nghiên cứu sâu về trà, nói chuyện về trà, yêu thích sưu tập trà… Bản thân mình cũng là người uống trà theo phong cách trà đạo Nhật. Nhưng mình lại không nói sâu về điều đó. Bởi mình mong muốn có thể giới thiệu về trà cho tất cả mọi người. Hãy bỏ qua mọi câu nệ, mọi thủ tục rắc rối, mọi quan điểm hay chấp niệm, mọi cái biết của bản thân. Bằng một sự dễ hiểu và đơn giản nhất có thể. Rằng hãy cứ ngồi xuống đi, tìm một góc an yên. Uống trà bằng túi lọc cũng được, bằng cốc chứ không phải bằng chén cũng được, không biết về các loại trà cũng được, không phân biệt được các loại ấm tử sa cũng được, không có nhiều tiền để mua dụng cụ trà hay ấm trà đắt tiền cũng được… “Ngồi xuống là được” – “thế rồi uống trà đi”

Tại sao gọi là Trà Đạo. Vì trong trà có rất nhiều Đạo. Đạo của trà theo mình không phải là hình thức, như là rót trà như thế nào, dùng trà ra sao,… Đạo của trà với mình là sự trân trọng khi khách đến dùng trà. Là nuôi dưỡng chánh niệm khi quan sát cái cách mà người pha trà an yên, thư thái. Là thấy trong một chén trà, là mây, là nước, là ánh mặt trời, …Uống một ngụm trà, thấy hương trà là thấy hương đất trời ở ngay trước mắt. Thưởng trà là biết dư vị ở trong miệng là đắng, ngọt, chát hay là ngát hương hoa. Vậy nên, uống trà không phải là bàn về công việc, hay nghĩ làm sao cho thoát khỏi khổ đau đang vướng mắc. Uống trà là cần sự hiện diện, có mặt và tận tâm. Đó là để tâm mình an trước cảnh. Là lòng không khởi sinh về quá khứ hay vọng tưởng về tương lai. Uống trà là nhận biết hiện tại. Là để phát huy chánh niệm bên trong mình

Trà mang năng lượng của đất trời, nhưng cũng mang năng lượng của người thật sự yêu trà. Vậy nên nếu có thể hãy chọn những người làm trà có tâm. Trà không nên sản xuất công nghiệp, cũng không nên tham vọng thu hoạch thật nhanh nên bón thuốc. Trà cần thời gian để chín cũng như con người cần thời gian để sâu. Trà càng được chế biến thủ công càng tốt, càng biết được nguồn gốc sạch sẽ càng tốt. Vậy nên chọn trà thuận tự nhiên. Cầm gói trà từ người bán, cảm được năng lượng của họ an yên, tình yêu của họ với trà, chắc chắn trà đến miệng mình cũng bình bình an an. Chẳng phải là phân cao hèn sang thấp, cũng chẳng phải phân biệt ngon dở, trà ngon chân chính là cảm nhận trong lòng chúng ta

Có bạn thưởng trà cùng thì tốt. Dụng tâm pha trà, mang chân thành đối đãi với Người, là mang chân tình của trà mà trao đi. Mà “độc ẩm” là thưởng trà một mình lại càng tốt. Để xem tâm mình lăng xăng tới đâu, có thể ngồi yên một chỗ được không. Có thể nuôi dưỡng chánh niệm khi làm một việc gì đó như uống trà không. Càng thưởng trà, tâm tình càng tốt đẹp, hương trà liền càng đậm. Không gian sẽ càng mang năng lượng an yên. Trà thanh tịnh, tâm bình thản

Người có thể thưởng được trà. Là người có thể an trú trong hiện tại và tìm thấy bình yên trong chính mình. Đạo từ đó mà ra. Có thể thưởng được trà, là có thể hiểu về nhân sinh thâm trầm mà sâu sắc. Uống trà còn là cách thể hiện tâm tình với cuộc đời, pha một ly trà, cảm thụ hương vị tự nhiên toát ra từ lá trà, bỗng thấy lòng an nhiên trước bao ồn ào cuộc sống

Thực ra chẳng có gì là khó. Hãy học cách yêu trà, sẽ thấy:

“Chén trà trong hai tay
Chánh niệm dâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây”
Yêu thương và bình an gửi tới bạn