Có những người họ sợ nỗi buồn là bởi vì họ đã chưa bao giờ biết “buồn” thực sự. Họ đã vô tình đánh đồng nỗi buồn với tiêu cực mà không hay. Họ cũng đặt kỳ vọng vào bản thân một điều không tưởng rằng sống là phải tích cực, không bao giờ được buồn. Thậm chí họ không chấp nhận rằng bản thân có nỗi buồn. Cảm xúc không phải là một thứ để đè nén nếu không sẽ làm ta tắc nghẽn bên trong, vậy nên chúng ta cần hiểu nỗi buồn khác tiêu cực ra sao để có thể buồn một cách lành mạnh
Ta đang nhầm lẫn giữa nỗi buồn và sự tiêu cực. Buồn chỉ đơn giản là buồn thôi. Nó như những mảnh cảm xúc khác của bạn như vui giận hờn chán nản… Điều bạn cần làm chỉ đơn giản là sống trọn vẹn với cảm xúc đó, lặng yên với nó, quan sát nó, yêu thương nó, lắng nghe nó. Bạn cũng có thể biết được nguyên do nỗi buồn của mình bằng việc đối diện với nó. Hoặc đôi khi chẳng cần tìm lí do vì sao buồn mà chỉ cần lặng yên hoặc thưởng thức nó, nỗi buồn cũng thi vị lắm thay.
Nỗi buồn chỉ trở thành tiêu cực khi mà bạn không chú ý đến nỗi buồn, chấp nhận nỗi buồn mà bắt đầu dùng lý trí để phân tích. Não bạn sẽ vẽ ra hàng ngàn lý do chê trách bản thân vì sao lại buồn. Đó có thể là phán xét chính mình, trách móc bản thân vì sự việc xảy ra. Khi phán xét chính mình, bạn cũng sẽ phán xét người khác. Càng tự tưởng tượng và suy diễn, bạn càng đẩy câu chuyện và bản thân mình, cùng người khác đi theo chiều hướng tiêu cực. Nỗi buồn bây giờ không còn là nỗi buồn mà có thể sẽ phát triển thành sự tức giận, thù hằn thậm chí là cảm giác phải đấu tranh, chống trả, và làm đau mình, đau Người
Buồn chỉ là buồn thôi
Có một hôm ngoài cửa sổ mưa rơi. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi đó đang quây quần bên những người em của mình liền buột miệng hỏi rằng: “Các em nghĩ mưa buồn hay nắng buồn?”. Các em của ông đã đồng thanh trả lời “mưa buồn mưa buồn ạ”. Nhưng ông lại thấy nắng buồn. Khi nghe câu chuyện đó, mình bật cười và chợt nghĩ. Phải chăng vì trời nắng, người ta vui nên không có buồn được, vậy nên nếu trời cứ nắng thì làm sao để buồn, không được buồn thì cũng là một nỗi buồn ^^
Nếu không có nỗi buồn trong cuộc đời này, người ta sẽ luôn cười mãi cả cuộc đời. Người ta đâu có biết dư vị của hạnh phúc thật sự là gì? Tôi buồn vì cô ấy trả lời tin nhắn thật chậm, nhưng vì khi cô ấy đã trả lời tin nhắn thì niềm vui trong tôi lại lấp lánh như những đốm nắng sau hè. Vì tôi buồn và muốn an ủi người khác, tôi sẽ lấy nỗi buồn làm chất liệu trong những vần thơ, trong những bài nhạc với nỗi buồn thật đẹp, trong những bức tranh với những gam màu sâu lắng. Phải chăng là những người họa sỹ, nhạc sỹ, nhà thơ…đã lấy nỗi buồn làm cảm hứng để san sẻ với người khác sự đồng cảm của mình?
Mình thích nhạc Trịnh và nhạc của Lý một phần cũng vì vậy. Nhạc của hai người nghệ sỹ tuy có những bài buồn, nhưng không phải là cái buồn não nề, cái buồn quạnh quẽ, cái buồn khổ sở. Họ không nói rằng, bạn hãy hết buồn đi. Họ cũng không nói rằng, nỗi buồn của bạn đáng sợ lắm. Mà họ nói rằng “bạn cứ buồn đi, tôi sẽ buồn cùng bạn”
Nếu bạn từ chối nỗi buồn của mình. Bạn đang từ chối một phần con người bạn. Và bạn đang từ chối trải nghiệm cảm xúc của một con người bình thường trên Trái Đất này. Khi bị ai đó mắng, ta có buồn không? Khi bị thất tình, ta buồn chứ. Khi chú cún hay chú mèo luôn bên cạnh ta ra đi, ta cũng buồn như người thân của mình đã mất. Khi ta vụng về làm rơi cái đĩa xinh đẹp, ta cũng buồn nữa. Đâu phải là cứ buồn những chuyện lớn lao, chuyện gì cũng có thể khiến ta được buồn. Nỗi buồn khiến chúng ta trở nên sâu sắc hơn và sống trọn vẹn với cuộc sống hơn
Tại sao bạn phải kìm nén nỗi buồn của mình. Bạn được phép buồn. Bởi vì nỗi buồn của bạn cũng là một lời ca, cần được cất lên để nói thay tiếng lòng bạn đó
Vậy nên đừng từ chối nỗi buồn, hãy ngồi với nỗi buồn như một người bạn. Có thể chấp nhận cảm xúc của mình, cũng có nghĩa là đã chấp nhận chính mình, bạn nhé
Yêu thương và bình an là bạn
0 comments:
Đăng nhận xét