ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

THỰC HÀNH GIAO TIẾP LÀNH MẠNH – CHÌA KHÓA CHO MỘT MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG

Để Nước Cuốn Đi



Khi xảy ra mâu thuẫn, chiến tranh lạnh/ bùng nổ cãi vã/ nhẫn nhịn bỏ qua... chưa bao giờ giúp giải quyết vấn đề một cách tận gốc. Chúng ta cần giao tiếp, bởi vấn đề sẽ chỉ được giải quyết khi cả hai được trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành và thấu hiểu

Mình muốn nhấn mạnh rằng đây là một mối quan hệ bất kỳ, nhưng đặc biệt là mối quan hệ với vợ/chồng của bạn, vì đó là người mà ta chung sống cả đời

Giao tiếp theo định nghĩa của mình là quá trình tiếp thu ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức…của cả hai bên để giao thoa với nhau. Giao tiếp lành mạnh giúp con người được biểu đạt, được thấu hiểu và cùng nhau phát triển

Nhưng con người đã quá thiếu giao tiếp với nhau, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Khi sự bận rộn và công nghệ thông tin phát triển, con người tập trung vào phương tiện thông tin của mình hơn là có những cuộc trò chuyện. Nền văn hóa phương Đông cũng là một nền văn hóa mà ở đó sự giao tiếp lành mạnh bị hạn chế

Đầu tiên, chúng ta cần bỏ đi sự phân biệt, rằng ai cao ai thấp, ai hơn ai kém. Chúng ta đều như nhau, không có vị trí hay chức danh. Con của chúng ta, vợ/chồng chúng ta cũng là một cá thể với bản sắc riêng, và họ cũng cần được tôn trọng, được nói lên tiếng nói của mình chứ không phải bị áp đặt bởi chỉ một phía là ta. Nếu chỉ ta nói, họ phải nghe theo, đó không phải là một cuộc giao tiếp

Khi nào thì cần giao tiếp? Giai đoạn nào cần giao tiếp? Chẳng có một mốc nào cả. Khi mới yêu, ta giữ kẽ/ta ngại ngùng/ta cố tình lờ đi/ta đè cảm giác bất an hoặc lăn tăn trong lòng xuống…và nghĩ rằng không cần phải nói ra. Chính cái suy nghĩ đó khiến cho khi đã kết hôn, ta không tìm được tiếng nói chung vì ta chưa bao giờ học cách biểu đạt suy nghĩ của mình trước đó cả. Kể cả khi hôn nhân rồi, ta lại nghĩ rằng đời ta với họ đã trói buộc, ta cần gì nói chuyện với nhau nữa, cứ im lặng mà sống. Ngay từ khoảnh khắc ta nghĩ như vậy, ta đã tự tay giết chết mối quan hệ của mình rồi

Bạn luôn phải học cách nói chuyện khi có mâu thuẫn. Cuộc nói chuyện này không nhất thiết phải diễn ra ngay lúc xảy ra vấn đề, mà có thể là một buổi/một ngày sau, vài ngày sau, một tuần sau, nhưng không nên quá kéo dài vì như vậy bạn sẽ giữ ấm ức trong lòng quá lâu.

Bạn còn nhớ bài viết làm dịu tâm trạng khi xảy ra mâu thuẫn của mình chứ: https://www.facebook.com/100071666629816/posts/181225464276340/?d=n
Mục đích là để bạn đã tĩnh lặng và đủ sáng suốt, sẽ có thể quay về nói chuyện với họ một cách lành mạnh hơn. Khi xảy ra căng thẳng, bạn cần nói với họ rằng: “em/anh/bố mẹ/con/tôi…bây giờ không thể nói chuyện tiếp/cần một khoảng riêng/cần thời gian/cảm thấy mệt/đang rất tức giận/đang rất khó chịu…và tôi sẽ quay lại nói chuyện sau”. Sau đó bạn dành thời gian làm dịu tâm trạng của mình. Có vài trường hợp, bạn không cần nói gì và cứ lùi đi. Có vài trường hợp, bạn có thể khéo léo khi không muốn ở trong cuộc trò chuyện nữa rằng: tôi có việc bận mới nhớ ra/tôi cần đi vệ sinh/tôi phải xuống bếp…
Học cách biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình với đối phương trong một cuộc giao tiếp BẰNG TẤT CẢ TÌNH THƯƠNG VÀ ÁI NGỮ: “Chúng ta cùng nói với nhau chuyện lúc nãy nhé”. “Vừa nãy/hôm qua em/anh/ba mẹ… đã cảm thấy rất tức giận. Em/anh…đã cảm thấy buồn vì điều này…có thể nguyên nhân là vì điều này…Em/anh.. nghĩ để tốt hơn thì như thế này có được không?...” Nghĩa là bạn đã đủ tĩnh lặng để tìm ra nguyên nhân, và nếu không thì cũng đừng lo lắng vì đôi khi người ấy sẽ tìm ra nguyên nhân giúp bạn. Hoặc đơn giản là cả hai chỉ cần được nói ra cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Điều cần chú ý là trong cuộc giao tiếp lành mạnh là không áp đặt, không công kích, không kỳ vọng và lắng nghe chú tâm. ”Tôi muốn bạn hiểu nỗi đau của tôi, thì tôi cũng sẽ cố gắng hiểu được nỗi đau của bạn”. Nói chuyện là để nhìn thấy một con người hoàn toàn khác mình, họ sẽ có thế giới quan và nhân sinh quan như thế nào, nỗi đau tồn tại bên trong họ ra sao dẫn đến con người họ hôm nay như vậy. Chứ không phải vì khác mình nên mình được quyền công kích họ

Và đặc biệt, đừng kỳ vọng. Rằng mình sẽ làm họ thay đổi, rằng họ sẽ trở thành một người abc, rằng họ sẽ hiểu cho mình…chỉ sau một cuộc trò chuyện. Bạn không thể thay đổi ai, bạn cần giao tiếp là để thay đổi nhìn nhận của mình, được nói ra cảm xúc và suy nghĩ của mình, được học cách biểu đạt/thấu hiểu/… Có những người chưa sẵn sàng để đối mặt với chính họ đó là bài học của họ. Bạn không cần quá bận tâm, bạn chỉ cần làm tốt việc của mình, mọi thứ dòng chảy sẽ tự sắp xếp.

Cũng hãy tự cảm nhận rằng có một vài mối quan hệ không cần giao tiếp sâu vì sau một vài lần bạn cảm thấy hai người không có cùng thế giới quan, hãy tôn trọng hành trình cá nhân của họ. Nhưng cũng hãy biết rằng, đâu đó bạn đã gieo vào họ những hạt giống của tỉnh thức và yêu thương rồi. Riêng với mối quan hệ hôn nhân, chúng ta luôn cần phải giao tiếp khi có mâu thuẫn nhé

Giao tiếp lành mạnh là mang tính xây dựng một mối quan hệ ngày càng tốt đẹp và bền vững, chứ không phải đập bỏ hay phá hủy. Hãy hiểu rằng ta và đối phương luôn có nhu cầu được thấu hiểu. Ta cần đối phương hiểu ta, và ta cũng hiểu họ, vậy hãy giao tiếp lành mạnh với nhau. Nếu chúng ta không thể nói chuyện, chúng ta sẽ không thể phát triển. Không thể thấu hiểu, thì không thể yêu thương

Yêu thương và bình an là bạn

About the Author

Để Nước Cuốn Đi / Blogger

Hãy để tình yêu mộc mạc của mình đánh thức tình yêu có sẵn trong bạn ❤️

0 comments:

Đăng nhận xét