Làm gì có ai là không có nỗi khổ của riêng mình. Đôi khi, đi qua niềm vui là đến một nỗi khổ. Như một dòng sông luôn chảy không bao giờ đứng yên, buồn vui thay đổi là điều tất yếu. Cái quan trọng là tâm thái ta đối mặt với nỗi khổ niềm đau trong ta như thế nào?
Đừng trốn tránh khổ đau. Tại sao ta phải sợ khi khổ đau lên tiếng. Vì sợ cho nên ta thường nói với bản thân rằng không sao đâu, nào vui vẻ lên nào. Khi ta san sẻ với một ai đó, ta cũng cần nhìn rõ xem đây có phải là người ta thật sự cần san sẻ không. Bởi nếu họ nói rằng không sao đâu, cứ vui lên. Nghĩa là họ đang giúp ta trốn tránh khổ đau thêm một lần nữa.
Ta tìm mọi cách để chạy trốn khổ đau. Khi thì là đi ra quán nhậu giải tỏa nỗi buồn. Khi thì đi mua sắm. Khi thì lao đầu vào làm việc hoặc chơi game. Đôi khi, khổ đau quá, ta làm hại mình như tìm đến chất kích thích, chạy đua trên những con xe…Thế rồi, ta còn lạc vào trong những cám dỗ đời thường. Tôi nghĩ là tôi đi tìm chính mình nhưng tại sao trong tôi vẫn là trống rỗng và vô định, sau khi tôi trở về nhà, nhận ra chỉ còn tôi ở đây một mình, không có tiếng cười, không có ồn ào, không có ủi an, có khi là thêm rất nhiều vết sẹo nữa
Thái độ đúng chính là đối mặt với khổ đau của mình. Mỗi khi có khổ đau, ta nên học cách bình tĩnh và tìm cho mình một chốn an yên. Đó có thể là góc phòng yêu thích, là khu vườn mát lành, là cạnh thú cưng của ta, cũng có thể là hàng cây yên tĩnh trong công viên gần nhà…Đôi khi là không cần làm gì cả mà chỉ cần lắng nghe nhịp thở của mình. Quan sát nỗi khổ niềm đau trong ta và cho phép nó được lên tiếng mà không phán xét, không chỉ trích, không phân tích, không tưởng tượng và suy diễn. Ta sẽ thấy ta như một người thầy từ bi đang lắng nghe em bé bên trong mình. Quay vào bên trong chính xác là đối diện với vấn đề một cách công bằng mà không né tránh hay chối bỏ
Học cách chuyển hóa bản thân mỗi giờ, mỗi phút, mỗi ngày. Tôi ý thức được việc chính tôi mới có thể chăm sóc được thân tâm tôi toàn thời gian. Chỉ có tôi mới thấy được nỗi khổ niềm đau trong mình mọi lúc. Vậy nên bất cứ khi nào, tôi cũng nhìn sâu và quan sát chính mình. Có hạt giống sân si nào vừa nảy lên trong tôi khi va chạm với người khác lúc vừa bước chân ra khỏi nhà, có hạt giống của cơn giận nào vừa trồi lên và phóng chiếu ra bên ngoài, tôi vừa hành xử làm tổn thương tôi và Người có phải không, tôi đang vừa mất kiên nhẫn với con mình… Ý thức được rằng đó không phải là con người tôi mà là nỗi đau bên trong tôi còn tắc nghẽn và đã hành xử ra bên ngoài một cách vô thức. Tôi chậm rãi nhắc nhở mình rồi quay về bao dung và yêu thương, lắng nghe, cũng như chăm sóc bên trong mình. Đó là cách ta nên chuyển hóa khổ đau từ đó giải phóng những gì còn tắc nghẽn
Cũng như một vết cắt nhỏ ở tay, niềm đau trong lòng cũng tương tự. Không phải vì nó bé quá mà ta lờ nó đi. Mà chính vì nó bé quá ta càng cần phải chăm sóc. Bởi những vết cắt nhỏ bị chối bỏ theo thời gian sẽ tạo ra một thân tâm đầy tổn thương. Lúc đó ta mới quay lại nhìn thì đã trở thành một vết cắt lớn. Năm dài tháng rộng là để ta có thể yêu thương mình, chứ không phải sống vô thức cả một quãng dài, hay là chỉ chữa lành khi vết thương đã trở nên không thể cứu vãn
Yêu thương và bình an là bạn
0 comments:
Đăng nhận xét