ALBUM TỰ CHỮA LÀNH

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

TÔI LÀ AI?

Để Nước Cuốn Đi



Tôi là con chim Oanh hót trên cành cây mùa Xuân
Là đoá hoa vô thường trong sớm mai nở rạng
Là ánh mặt Trời đằng sau áng mây xám mùa Đông
Tuyết rơi trên vai tôi rồi

Trước mặt tôi là dòng sông đang hát
Cứ chảy trôi chẳng gì ngăn được về Biển Cả
Tôi bỗng hoá thành giọt nước
Hoà vào trăm ngàn giọt nước

Ngọn núi ơi tôi là Người
Sừng sững hiên ngang giữa trời
Không phải để thế gian nhìn thấy mình
Mà để mình nhìn thấy được thế gian

Cánh chim nào lạc đàn chiều nay
Tôi là Bồ công anh đi tìm miền đất mới
Buộc phải tự mình
Nhưng những điều đẹp đẽ nhất cũng đang chờ đợi tôi

Ánh dương ơi cho tôi hôn lên Đất mẹ
Và cúi đầu trước ráng chiều dần tắt
Tôi là hạt cát nhỏ hoang hoải
Nhưng cũng là Vũ trụ bao la

Dành tặng mồng 1 Tết nguyên đán 2025

5.1.2025(DL) - một ngày mùa Xuân

Thơ và ý: Để Nước Cuốn Đi

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

KHI TA BUÔNG XUỐNG MỌI GẮNG GỒNG

Để Nước Cuốn Đi






9/10 Người tới với mình(tham vấn hay chỉ là có duyên), dù khác giới tính hay độ tuổi, đều khóc. Rất ấn tượng là nhiều trong số họ có thể chưa từng khóc trước mặt bất kỳ ai, nhưng lại không kiềm nổi nước mắt khi thổn thức trò chuyện với mình. Mình rất cảm động, và thường ngồi cùng họ với những khoảnh khắc đó trong lặng im. Thi thoảng khẽ khàng “bạn cứ khóc đi”

Thực ra. Bạn không khóc vì mình. Bạn khóc vì chính bạn. Bạn khóc cho đứa trẻ tổn thương trong bạn, khóc cho những nỗi đau và cảm xúc đã luôn bị đè nén và kiểm soát. Tới với mình, bạn đã có cơ hội được xả ra, được sống chân thật với con người thật sự của bạn, thấy chân như và hình hài sống động của một con người thuần khiết ban đầu đã bị lãng quên, là bạn

Một trong những điều mình muốn làm và có thể làm, đó là đẩy lên những nỗi đau của bạn, hay chính là những tù đọng tắc nghẽn bị kiềm chế. Để bạn phải đối diện với chính bản thân - cách duy nhất để chữa lành tận gốc rễ, và yên tâm khi có mình ở đó hướng dẫn. Đó là một trong những năng lực thấu cảm của mình, khiến cho có người vừa gọi mình đã khóc

Và sau đó, các bạn đều cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là vì những tắc nghẽn đã được giải toả phần nào, sau đó được chuyển hoá trong quá trình làm việc với mình.

Muốn nhắn gửi tới các bạn. Với mình, điều đẹp đẽ nhất trên khuôn mặt của một người chính là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt không làm hại ai. Chúng là những tinh thể pha lê long lanh mà tạo hoá - chính cơ thể bạn, tạo ra như một phương pháp chữa lành. Ta cần khóc, cho những nỗi đau. Ta cần rửa trôi đi những tị hiềm, những tắc nghẽn, những thương tổn, bằng chính những giọt pha lê đó. Nước mắt có khả năng làm mềm đi những gai nhọn, làm cho những bức tường phòng thủ bị phá vỡ, làm cho những sắc bén với cuộc đời được mài mòn. Bởi khi ta cho phép mình chảy trôi cùng cảm xúc, những giọt nước mắt thật thà được lên tiếng. Đừng nghĩ khóc là yếu đuối, không gì mạnh mẽ hơn một con người sống thật với bản thân.

Nước mắt được tạo ra là có mục đích. Ta cần phải được thanh tẩy và xả trôi cảm xúc, bởi chính mình. Ta cần tiếp tục đẩy hết ra khi đang còn, cho tới khi mọi tắc nghẽn đã được giải phóng. Hãy để chúng được làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

Khi giải phóng dần rồi, đi qua rồi, sẽ chỉ còn lại sự thuần tịnh sáng trong

Chúc cho bạn an yên, với chính mình

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

TẤT CẢ NHỮNG NHÀ TRỊ LIỆU ĐỀU LÀ NGƯỜI ĐÃ TỪNG BỊ THƯƠNG

Để Nước Cuốn Đi








Carl Jung đã từng nói: “ Tất cả những nhà trị liêụ điều là người đã từng bị thương.”

Anna Freud cũng từng nói: "Muốn trở thành một người trị liệu tâm lý bạn phải có cái nhìn rộng mở về thế giới, bạn không được mang theo bất kì định kiến nào về con người. Bạn không được có suy nghĩ đánh giá câu chuyện của bất cứ ai."

“Nhà trị liệu thật sự là người chữa trị cho những người khác bằng việc phục hồi và thấu hiểu vết thương của mình” - Để Nước Cuốn Đi

Một nghiên cứu tâm lý học ở Mỹ (1993) tìm ra rằng những người làm việc trong ngành trị liệu tâm lý, nghiên cứu tâm lý cũng như liên quan đến tâm lý chuyên nghiệp đều từng lớn lên hoặc trải qua những nỗi đau trong thời thơ ấu. Thực nghiệm trên so sánh những nhà trị liệu và những người làm khác ngành, kết quả cho thấy các nhà tâm lý thường có tỉ lệ từng bị lạm dụng thân thể hoặc cảm xúc, từng sinh ra trong gia đình đổ vỡ hoặc mất đi người thân, từng có bố mẹ nghiện ngập hoặc không đảm bảo một gia đình êm ấm, no đủ kinh tế; hoặc từng có gia đình mà người thân mà bố mẹ từng có tiền sử bệnh tâm lý/tâm thần. Khi lớn lên, những đứa trẻ này tìm đến ngành tâm lý học như một cách tự chữa trị cho sự thiếu vắng tình cảm trong tâm hồn mình.

Tuy nhiên, những người làm việc trong ngành nghề khác vẫn có những nền móng tuổi thơ bất hạnh, nhưng tỉ lệ này ở những nhà trị liệu tâm lý là rất cao, hầu như số đông đều bắt gặp một hoặc vài nguyên nhân kể trên.

Một nhà trị liệu tâm lý gia đình từng phát biểu đâu đó rằng :” Tôi luôn muốn làm việc với một người trị liệu đã từng trải qua các triệu chứng tâm lý và từng chịu đựng nỗi đau của sự cô độc. Với những trải nghiệm đó, họ trở nên thấu hiểu hơn với nỗi đau của người khác, họ cảm nhận được nỗi đau mà người trị liệu đang phải chịu đựng, vì đó là những gì họ đã từng phải chiến đấu qua.”

Nếu như bạn đã từng nghĩ hoặc nói rằng, “các nhà tâm lý học” có bao giờ bị trầm cảm không? Thì câu trả lời là không những họ từng cảm thấy chán nản về cuộc sống, mà một trong số họ từng là những đứa trẻ luôn phải chiến đấu với cảm xúc của mình, nhiều người thậm chí từng bị nghiện, từng tự làm đau bản thân, từng có suy nghĩ về cái chết, từng trải qua những mối quan hệ xã hội mà họ không biết cách xử lý,…

Lược từ bản dịch của Nguyễn Lê Hoài Thương
Nguồn: Mental Health Professionals Versus Non-Mental-Health Professionals: Childhood Trauma and Adult Functioning (Elliott, Diana M. ; Guy, James D. 1993 )

Những điều cần chú ý khi bạn là một người trị liệu tinh thần: https://www.denuoccuondi.com/.../phan-2-nhung-ieu-can-chu...

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

NHỮNG ĐỨA TRẺ NGHĨ RẰNG LỖI THUỘC VỀ MÌNH

Để Nước Cuốn Đi


Cuối mùa Đông năm 2022 và 2023, mình đã gặp hai thiên thần nhỏ(mỗi người một thời điểm), với nguồn năng lượng trong trẻo vô cùng. Điểm đặc biệt nhất, là có cùng hoàn cảnh và mô thức nỗi đau, chỉ khác một bạn là Nữ, một bạn là Nam

Bạn Nữ nói rằng bạn gặp “rối loạn lo âu”, còn bạn Nam nói về chứng “rối loạn lưỡng cực” của mình.

Mình bảo bạn rằng, hãy “tạm thời” quên các khái niệm đó đi, vì khi ta bắt đầu tập trung và bị ám ảnh bởi khái niệm, ta có thể quên mất chính mình, và dễ dàng đuổi theo sự sợ hãi. Nếu đã gõ một cánh cửa mới, ngay lúc này, hãy bước vào bên trong, mình ở đây, vượt qua mọi suy nghĩ và hiểu biết từ tâm trí bạn, cùng bạn hiểu về bạn.

Hai từ mà các bạn ấy nói nhiều nhất chính là “xin lỗi”, hoặc “lỗi là của mình”, với tất cả mọi người, với tất cả mọi việc, bất cứ lúc nào, gắn với mỗi câu

Các bạn ấy không thể yêu hoặc chỉ yêu một người, dễ hoang mang sợ hãi với bất cứ va chạm nào với công việc, cuộc sống và con người

Các bạn tới trong một trạng thái hoảng loạn. Bạn không thể đi làm, hoặc bạn vừa phá sản, nhà, xe, tài sản, sự thành công, người thương… bạn không còn gì trong tay. Hoặc không có tiền để trị liệu, hoặc những đồng tiền cuối cùng đã trị liệu với bác sỹ và chỉ biết dùng thuốc. Bạn như chú chim lạc ở giữa giông bão, cùng cực mất phương hướng

Khi mình “Phân tâm học” cho hai bạn ấy. Trở về được những mảnh vỡ lớn nhất. Chính là cảm giác cho mọi tội lỗi mà các bạn cảm thấy thuộc về bản thân

Ba mẹ các bạn đổ vỡ, các bạn đều ở lại với mẹ khi còn rất bé. Điều đặc biệt là, trong các anh chị em, hai bạn lại có khuôn mặt giống Ba nhất, trong sáng, thánh thiện, và đẹp đẽ. Và các bạn đã trở thành lý do cho sự ghét bỏ của Mẹ

Từ khi nao, Mẹ bạn đã chỉ nhìn thấy hình ảnh người chồng của mình ở bạn, là nguồn cơn cho mọi khổ đau uất ức. Để rồi, suốt những năm tháng tuổi thơ, cho tới khi lớn lên, bạn đã luôn tin rằng lỗi là của mình. Hình hài bạn đã đổi thay, nhưng đứa trẻ trong bạn đã luôn chôn chân trong quá khứ, gắn chặt sự tồn tại của mình với lầm lỗi, ghét bỏ sự hiện diện của mình vì sự trái sai. Sâu thẳm bên trong, là đứa trẻ luôn tự trách móc và dằn vặt mình, đứa trẻ cho rằng mình là nguyên nhân của sự đổ vỡ, mình là nguyên nhân khiến Mẹ khổ đau, khiến Ba rời đi. Đứa trẻ không bao giờ tin rằng mình được yêu thương, và vậy nên không bao giờ yêu thương chính mình

Không phải là giờ đây bạn gặp mình, người có thể nói cho bạn biết: “Lỗi không thuộc về em, em ạ, lỗi không phải là của em, hoàn toàn không phải là của em”. Mà đã đến lúc, bạn cần tự tháo cho mình nút thắt đó, quay trở về đứa trẻ đã bị bỏ quên lẻ loi trong góc phòng của quá khứ hôm đó, dù là mây mù, dù là giông bão, ôm đứa trẻ đó trong tình thương vô bờ, thật khe khẽ và dịu êm: “Em ơi, ta đã hiểu rồi, không phải lỗi của em, ta đã không thương em như những gì em đáng được yêu thương”

Chỉ có bạn, chỉ có bạn mới có thể tha thứ cho chính mình, yêu thương mình và biết mình xứng đáng được yêu thương, bởi mình.

Trở lại với mẹ của các bạn. Mình không nói hãy tha thứ hay không tha thứ, hãy hết giận hờn hay không giận hờn, hãy thấu hiểu hay không thấu hiểu. Các bạn cần giải phóng bản thân trước, yêu thương mình trước. Đây là câu chuyện của các bạn, không phải là câu chuyện của mẹ bạn, bài học và nỗi đau của mẹ các bạn khác bạn

Tuy nhiên, có một vòng lặp nỗi đau thế hệ tồn tại ở đây. Ta tưởng rằng mẹ các bạn đang tìm một nơi đổ lỗi và trút giận. Không hoàn toàn. Bà đã luôn ám ảnh “tội lỗi là của mình”, và để tránh né điều đó. Bà đã luôn tìm cách để nói về tội lỗi đó với một ai khác, chính là một người con. Khuôn mặt giống người chồng chỉ là lý do cho việc luôn phải nhìn thấy tội lỗi bản thân hiện diện. “Tôi cảm thấy bản thân mình thật tội lỗi, và vậy nên tôi không thể chấp nhận được tội lỗi đó.” Và một người lớn không biết yêu thương bản thân mình, thì làm sao có thể yêu thương một đứa trẻ đây?

Mình bảo các bạn, sức khoẻ của mẹ các bạn đều không tốt. Giờ đây các bạn cũng đang bỏ bê không chăm sóc bản thân. Bạn có muốn mình sẽ trở thành một phiên bản của Mẹ, đều không yêu thương bản thân mình?

Liệu rằng, mẹ các bạn cũng từng là một đứa trẻ, đã không được một người lớn biết cách yêu thương? Và các bạn có đang sẽ là?

Vậy đó. Tồn tại trong chúng ta là những đứa trẻ, có thể đã từng không được yêu thương lành mạnh, nhưng bây giờ, nếu không học cách để yêu thương bản thân(chính là người lớn hiện tại), ta sẽ biết yêu thương những đứa trẻ của mình không?

Mình yêu những đứa trẻ, những đứa trẻ đều trong sáng và thánh thiện. Và mình biết, những người lớn đau khổ và gai góc, là vì đã không biết yêu thương chính mình. Hôm nay, nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, mình mong rằng bạn có thể đặt tay lên trái tim, thì thầm với đứa trẻ trong bạn: Mình yêu bạn, mình xin lỗi chính bạn vì đã không thật sự yêu bạn. Và quay trở về với bản thân, để tìm thấy sự trong sáng và thánh thiện bạn đã từng có

Cuối buổi tham vấn. Bạn Nam nói với mình: ĐNCĐ ơi, mình cảm thấy rất bình an, bạn đã cho mình rất nhiều năng lượng, làm sao mình có thể trả ơn cho bạn, hay làm sao bạn có thể giúp mình mãi.

Mình trả lời: Bạn đã gõ đúng cánh cửa đi tới trái tim, hãy đi tới đó và ở lại với nó. Người tự đi từ đầu đến giờ là bạn, hãy tin vào bản thân, bạn có đủ sức mạnh, hãy nhớ. Và điều bạn làm khiến trái tim mình ấm áp là: “Khi bạn yêu thương bạn, sẽ có thêm một người lớn được yêu thương, và đồng nghĩa một(nhiều) đứa trẻ sẽ được yêu thương”

An lành và bình an tới bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

ĐỪNG SỐNG QUÁ NHANH

Để Nước Cuốn Đi


Ngày nay, trong năm, muốn nhìn thấy con người tất bật nhất là lúc nào, thì cứ nhìn vào lúc Tết sắp đến Xuân chưa về. Chẳng biết từ khi nao, ta cứ phải hối hả, vội vàng, chạy ngược chạy xuôi. Như thể nếu không nhanh không vội, sẽ không kịp. Nhưng kịp là kịp cái chi, vội là vội để làm gì, chắc không phải ai cũng tự hỏi mình, vì đang bận mải mướt theo dòng chảy của sự kiện

Nhiều người bảo, sao Tết nay không vui như xưa. Là bởi vì, lúc đó con người còn cảm nhận được cái Tết. Không phải vì cái Tết giàu hơn, hay cái Tết ấm hơn. Mà vì chậm thì cảm nhận sâu lắng hơn, đơn thuần thì điều giản dị nhất cũng ở lại lặng lẽ và bình nhiên. Có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Con người thời nay là vậy, hoà vào sự phát triển, càng cần phải có thêm, nhưng nghịch lý là, càng có thêm lại càng cảm thấy mình nghèo nàn.

Cái Tết xưa chỉ biếu nhau chiếc bánh gói tay, đã cảm thấy ấm áp, là vì ta thật sự đã đủ đầy. Nên giờ đây thiếu thốn, ta mới nghĩ mình cần có thêm và người xung quanh mình cần thêm. Ta đã quên đi niềm hân hoan khi thấy cành hoa trong vườn hé nụ đúng Xuân, và tìm cầu trong những thứ mới lạ và độc đáo, nhưng năm này qua năm khác, lại chẳng thật sự rung động trong trái tim.

Ta đã dần quên đi sự sâu sắc và ý nghĩa của Tết. Tết không phải một điểm đến, nó là sự giao thoa của sự chuyển giao năm cũ và năm mới. Càng là những ngày cuối năm, người ta càng chậm lại để nhìn lại mình, nhìn lại thời gian, trong sự yên lành và lắng đọng. Sự tất bật và hân hoan nếu có, sẽ không phải là chạy đua, không làm ta mệt mỏi, mà chỉ là sự mong chờ, chảy trôi như lẽ thường của cuộc đời

Thế nhưng, dòng chảy của cuộc sống là như thế nào?

Bốn mùa có Xuân Hạ Thu Đông, từ Đông muốn chóng nhanh sang Hạ là không thể. Cái Đông lạnh là có lý do của nó. Nhịp điệu của vạn vật đất trời, tất thảy đều chậm rãi trong mùa Đông. Đến cái cây còn không hối thúc mọc thêm lá, gấu thì đi ngủ, đến loài kiến mệnh danh cho sự chăm chỉ cũng ở yên trong tổ…tất có lý do. Có câu Đông tàng chất chứa, không chỉ là dung dưỡng vào bên trong, giữ gìn thiên mệnh, ấp ôm sức khoẻ. Mà còn là nhịp điệu báo hiệu cho con người những tháng cuối cùng, lẽ ra là lúc ta cần phải chậm nhất trong năm, từ tốn, bình lặng, khiêm cung, ân cần. Tạo hoá nhắc ta không những cần phải nghỉ ngơi, vì một năm đã sống trọn vẹn theo nhịp điệu tự nhiên, mà còn cần phải tĩnh lặng vào bên trong. Càng thu vào trong, là theo lẽ trời, càng thấu tỏ về mình, khắc có ung dung tự tại, bình an khắc có mặt, mà không phải đi tìm kiếm ở đâu nữa

Những cái cây luôn thu vào trong, những gì tinh tuý nhất luôn được ấp ủ sâu trong lòng đất, những gì quý giá nhất luôn gìn giữ trong hạt mầm bé nhỏ, những gì kỳ diệu nhất luôn chảy trong huyết mạch chính là nhựa cây. Chẳng vội chẳng tranh, chẳng đua chẳng đấu, càng thu lại chậm lại, sẽ tới ngày càng bung toả diệu kỳ. Vậy nên, chớ cười cây trút lá và sống chậm lặng thinh, tới mùa Xuân, cây sẽ vươn mình mãnh liệt, sức sống đó âm trầm mà bền bỉ, vượt qua mọi thời gian

Bạn biết không. Trong tự nhiên, loài nào tim đập càng nhanh, tuổi thọ càng ngắn. Vì sao chú mèo lại chỉ sống được 15 năm. Hay chăng, mèo bản chất là loài săn mồi, sống về đêm, càng hoạt động nhiều, càng lao lực nhiều, tim chúng càng cần phải đập nhanh. Thế nên chúng đã dành ra 16 tiếng một ngày để tích luỹ năng lượng là ngủ, nếu không sẽ mất sức nhiều hơn đồng nghĩa tuổi thọ ngắn hơn.

Bạn có liên hệ được gì với chúng mình. Rằng, giống loài của ta đã được Vũ trụ thiết kế để sống chậm, rất rất chậm, giờ đây lại hoạt động quá mức so với bản chất nguyên thuỷ mà ta có. Điều tất yếu gì sẽ xảy ra, khi ta từ bỏ nhịp điệu của con người mình, như là những cái căn bản nhất là ăn đúng, ngủ đúng, nuôi dưỡng tinh thần đúng? Nói đâu xa, hãy nhìn những người lao lực và quay cuồng trong guồng quay do chính họ tạo ra. Sức khoẻ và tinh thần họ như thế nào? Và bạn hẳn đã gặp những người sống thật sự chậm rãi, đó là những người già thảnh thơi, và bình an, êm ái và lạc quan

Vậy nên, tại sao tạo hoá lại tạo ra loài người là một trong những loài sống lâu nhất trên Trái Đất? Có lẽ là, đời người muốn sống cho trọn vẹn, cần ít nhất vài chục năm. Thế nhưng mà, nhiều người trong số chúng ta lại không cảm thấy mình đã sống trọn vẹn. Dù đã 90 tuổi. Dù có những thứ mà nhiều người ước mong, là nhà xe gia đình và tài sản vật chất…? Không phải nhiều người giàu có hay có cuộc sống con người mơ ước vẫn tiếc nuối về cuộc sống khi đã gần đất xa trời đấy sao.

Sự tiếc nuối chỉ đến khi ta vỡ ra rằng, mình đã sống theo nhịp điệu của người khác, chứ không sống theo nhịp điệu của mình. Cho nên thứ mà ta nghĩ “ta cần phải có - nên cần phải làm”, chỉ là do ta nghĩ như vậy thì mới “sống trọn vẹn”. Thành ra, nỗi sợ mình sẽ lạc lõng nếu không sống theo điều kiện và định nghĩa mà người khác đang sống, đã thúc bách ta thật vội vã, thật gấp gáp, thật chóng nhanh.

Trọn vẹn là trọn vẹn cái chi. Ta có ngồi lại tự vấn chính mình. Là trọn vẹn Xuân Hạ Thu Đông, Sinh Trưởng Thu Tàng, theo bốn chu kỳ, và “trọn vẹn với chính mình - với mong muốn sâu thẳm trong mình”. Hay gắng để đạt được bất cứ điều gì, chạy đua với bất cứ điều chi, chỉ để cho kịp một mốc thời gian, mà không cảm thấy thật sự hạnh phúc? Ta sống cho chính bản thân mình, hay cho quan niệm/ánh nhìn/sự so đo của người đời?

Vậy nên, nếu không sống đúng nhịp điệu của mình, điều gì sẽ xảy ra. Là ta đạt được cái gì đó, nhưng vì không thấy ý nghĩa, nên phải hối thúc mình đạt được tiếp. Là không đạt được cái gì đó, liền cảm thấy bản thân tồi tệ. Vậy ra, chạy đuổi không khiến ta hoàn toàn thoải mái nhẹ nhõm, mà có thể khiến ta mệt mỏi thân tâm. Làm sao ta có thể bình an, khi mà thời gian nhìn lại mình ta còn không có?

Ta có thương mình không? Ta có thật sự thương mình không, hả bạn?

Sống theo nhịp điệu của người khác thì rất dễ, vì lá cây bao giờ cũng bảo nhau cuốn theo chiều gió. Nhưng sống theo nhịp điệu của mình thì cần nhìn vào mình, như thân cây vững vàng giữa trời đất. Bạn có dám sống bình tĩnh chậm rãi khi mà thế giới càng ngày càng biến đổi, càng ngày càng xoay vần theo những nhịp điệu chẳng còn tự nhiên?

Chúc an lành và chậm rãi tới bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

UỐNG RƯỢU ĐÚNG CÁCH?

Để Nước Cuốn Đi



Nhân câu hỏi của một bạn “uống rượu có được coi là thuận tự nhiên không” trong bài viết “những gì không phải thuận tự nhiên thì đừng nạp vào cơ thể” của Blog. Mình sẽ giải thích chi tiết thành bài viết này vì thấy nó thú vị, quan trọng và cần thiết

Bài viết gốc thì mình chỉ ghi là không nạp cồn vào cơ thể. Nhưng việc “không uống rượu” thì có nhiều lý do sâu xa hơn thế:

THỨ NHẤT. RƯỢU CÓ THÀNH PHẦN KHÔNG PHẢI TỰ NHIÊN. Rượu được lên men từ hai hợp chất là Andehit và Methanol(hay còn gọi là Alcohol). Trong Vũ trụ này, mọi thứ đều được cấu tạo từ một phân tử đơn giản là Nước(H20). Phân tử này bao gồm 1 nguyên tử Oxy và 2 nguyên tử Hydro. Nguyên tử này mang 1 hạt điện tích dương và 1 hạt điện tích âm, đạt được sự cân bằng với Oxy, và nó là 2 nguyên tử dồi dào nhất trong Vũ trụ. Điều đó không chỉ đảm bảo về sự thanh lọc cơ thể mà còn mang lại sự cân bằng. Nói một cách đơn giản thì con người không thể thiếu nước và oxy

Tuy nhiên, 2 hợp chất Andehit và Methanol đã chuyển thành sự liên kết với nguyên tử Carbon bao gồm cả Carbon Dioxit(Methanol), chất độc mà lẽ thường con người cần phải thải đi, chúng cũng loại bỏ nguyên tử H2, phá vỡ cấu trúc tự nhiên ban đầu của H20

Andehit chính là nguyên nhân khiến cho người sau khi uống rượu gặp tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Methanol với độc tính cao hơn, có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong

Methanol dễ dàng hấp thụ qua ruột, da vào phổi, khi vào cơ thể, sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương, hoá chất này “chuyển hoá rất chậm ở gan”. Khi vào cơ thể, Methanol bị oxy hoá thành Axit fomic, sau đó chuyển hoá thành Co2, tiếp tục được đào thải qua phổi và thận. Sự chuyển hoá của Methanol và Axit fomic không chỉ gây ra sự tổn thương rất lớn cho nội tạng mà còn hệ trung ương thần kinh. Có những người mình biết còn rất trẻ, nhưng hệ thần kinh đã tổn thương đến mức tối uống rượu sáng tỉnh dậy là không nhớ được gì chuyện ngày hôm qua, chưa kể các vấn đề về sức khoẻ

Trong quá trình làm rượu. Để đạt được lợi nhuận cao, người ta sử dụng cồn công nghiệp(Methanol). Nghĩa là những loại cồn hoá học, rẻ tiền. Vậy nên đó là lý do mà rượu có rất nhiều độc tố

Quá trình chưng cất rượu thường từ gạo, nếp hay đường mía. Việc sử dụng mật chưa sạch bã cũng tạo nên Methanol. Vì khi gỗ phân huỷ tự nhiên tạo thành hợp chất đó. Ngoài ra, vì người làm tiếc mà không đổ đi rượu đầu, chính là rượu chứa nhiều Methanol nhất

Việc sử dụng men rất quan trọng, vì chất lượng men khác nhau tạo ra tỉ lệ Methanol khác nhau. Quá trình chưng cất rượu cũng không hề dễ dàng, đòi hỏi sự lành nghề, khả năng cảm nhận, tỉ mỉ và chi tiết, bởi vì quá trình lên men kém cũng tạo ra Methanol. Ngoài ra, nguyên liệu ẩm mốc, hay sử dụng sắn-khoai mì(bản thân đã chứa độc) thì vẫn sinh ra rất nhiều độc tố

Vậy, nếu làm thủ công rượu thì có an toàn hơn không? Câu trả lời là không nếu bạn không đảm bảo được các yếu tố trên.Nếu đảm bảo được các yếu tố trên. Lượng andehit và Methanol sẽ ở mức an toàn. Nhưng tiếc thay lại không loại bỏ được hoàn toàn 100% hai hợp chất này. Vậy nên, với khuyến cáo thì người trưởng thành nam giới(hoàn toàn khoẻ mạnh) chỉ nên uống dưới 300ml bia hoặc dưới 60ml rượu trắng 1 ngày, không quá 5 ngày 1 tuần. Nữ giới (hoàn toàn khoẻ mạnh) chỉ nên uống dưới 30ml rượu trắng 1 ngày

Ở một số người, họ thiếu enzyme phân giải một số chất trong rượu(cụ thể là acetaldehyde), gây nên hiện tượng đỏ mặt. Những người này tuyệt đối không được uống rượu, vì càng cố uống thì sức khoẻ sẽ càng tệ hơn cả những người uống rượu.

Hãy biết ơn nếu sinh ra mà cơ thể bạn tự động từ chối rượu, đó là do cơ thể vật chất và năng lượng của bạn tinh nhạy và cần sự sáng trong nên không muốn nạp bất cứ độc tố hay năng lượng thấp vào người nhé

Và đừng nghĩ là mình uống rượu khoẻ, uống mãi mà chẳng thấy sao. Cái xe đi mãi thì cũng mòn thôi, huống hồ xe nạp xăng mà ta cứ bỏ dầu hoặc nước pha dầu thì rồi nó cũng sẽ có vấn đề đúng không. Vấn đề lớn hơn cả sức khoẻ sẽ ở phần hai dưới đây

THỨ HAI, RƯỢU KHÔNG CHỈ BIẾN ĐỔI SỨC KHOẺ, MÀ CÒN BIẾN ĐỔI VÀ LÀM CHO RUNG ĐỘNG TINH THẦN VÀ NĂNG LƯỢNG CON NGƯỜI ĐI XUỐNG MỨC RẤT THẤP

Bạn để ý nhé, khi đi qua những quán rượu bia(quán nhậu), hoặc ở gần những người say(vừa nhậu xong). Nó có một cảm giác rất rùng mình, thậm chí mình xin lỗi nhưng những quán nhậu phát ra mùi xú uế, với năng lượng rất trì trệ, mệt mỏi và nặng nề

Thế nhưng, những người cả đời không uống rượu(hoặc rất ít), lại toát ra một sự nhẹ nhàng, minh mẫn với tính cách điềm đạm, từ tốn và năng lượng sáng trong. Là vì sao?

VỀ SỨC KHOẺ, khi rượu gây ra các bệnh lý về gan, thận, tim mạch và dạ dày, các cơ quan này liên kết mật thiết với các vấn đề tinh thần của con người. Ví dụ như có vấn đề về gan sẽ hay uất giận; có vấn đề về thận gây bạc tóc, gây lo lắng, sợ hãi; huyết áp cao gây mất bình tĩnh... Việc các chức năng cơ thể đi xuống làm cho tinh thần con người cũng bị kéo xuống theo

Đàn ông uống rượu bia làm cho thận kém, khiến chất lượng tinh trùng đi xuống, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khó có con hoặc vô sinh

Giai đoạn đầu của tổn thương gan sau khi uống rượu mãn tính là sự xuất hiện của gan nhiễm mỡ, tiếp theo là viêm, xơ hoá và cuối cùng là ung thư gan.

Nó cũng kéo theo các vấn đề về tỳ vị(dạ dày -lá lách) vì dạ dày tiết ra rất nhiều axit để xử lý rượu, khiến cho ung thư đại tràng, dạ dày, các bệnh lý trào ngược, thực quản, rối loạn chuyển hoá axit uric khi uống kèm rượu bia và đạm động vật gây nên gout...

Hệ thần kinh ảnh hưởng thì tất nhiên sẽ gây ra mất tập trung, sụt giảm trí nhớ, thậm chí loạn thần. Cơ thể và đầu óc đều ì ạch, chậm chạp

Và đó là LÝ DO QUAN TRỌNG NHẤT cho việc ảnh hưởng đến TUYẾN TÙNG. Tuyến tùng được mệnh danh là con mắt thứ ba từ vị trí sâu trong trung tâm của bộ não được kết nối với ánh sáng. Ngoài chức năng khoa học liên quan đến nội tiết của con người và điều hành hệ thần kinh. Thì tất cả những CHẤT HOÁ HỌC mà con người sử dụng ngày nay(đặc biệt bia rượu) đều làm ảnh hưởng đến nó. Nó có khả năng khiến cho ta có được sự cân bằng tuyệt đối trong cơ thể, tự chữa lành và tự kích hoạt khả năng cảm nhận, tri giác sáng suốt và ổn định tâm trạng cũng như sức khoẻ

Còn VỀ NĂNG LƯỢNG, bàn nhậu là nơi tập trung năng lượng thấp nhất của con người. Vì bên trong con người có rất nhiều cái tiêu cực, mà bình thường họ không xả được ra, nhất là đàn ông(vốn ít thể hiện cảm xúc và bị guồng quay công việc kéo đi). Nên thời gian nhậu chính là một cách để họ giải toả. Có câu “rượu vào lời ra” hàm ý lúc này con người thường thể hiện bản thân rất thật. Bao nhiêu khó chịu, bực bội, dồn nén, bất bình, tức giận, hậm hực, oán thán, sẽ đẩy hết ra bên ngoài. Dù họ không có nói mấy, thì năng lượng đó vẫn sẽ xả ra. Lúc này, ngồi quây bên bàn nhậu, đồng nghĩa với việc hấp thụ toàn bộ trược khí và năng lượng tiêu cực của nhau, một cách vô tình hay cố ý

Chưa kể, lúc nhậu thì con người sử dụng rất nhiều đạm động vật, chưa kể còn phải là nội tạng động vật, “của ngon vật lạ”, “động vật hiếm”, động vật hoang dã, đồ bổ. Thành thử năng lượng thấp(thức ăn, đồ uống) cộng hưởng năng lượng thấp(con người) được hấp thu một cách tối đa. Nên quán nhậu là nơi tập trung những bàn nhậu năng lượng thấp, và chủ quán sẽ nấu ra những món ăn có năng lượng không mấy tốt lành

Người ta hay có câu “uống rượu xong như trở thành một người khác” hay người kia “uống xong là mất hết lý trí” là bởi vì lúc này, họ để tà niệm cuốn đi. Vì các chất độc trong rượu đã làm chủ hệ thống thần kinh, cho họ cảm giác mất tỉnh táo mà họ tưởng là nhận thức rõ về mình. Đó là bởi vì, bên trong họ bình thường có thể có khởi lên tà niệm chẳng hạn, nhưng liền bị dập tắt bởi lý trí. Lúc này, hệ thần kinh bị nhiễm độc rồi, rượu làm bốc hoả lên trên, tưởng đâu là cực lạc, nhưng thực ra mất nhận thức và hành vi làm chủ. Cộng với việc hấp thu năng lượng của người khác nữa. Từ đó thể hiện ra bên ngoài những cách tiêu cực như sự hung bạo, gây ra tai nạn, hành vi làm tổn hại người khác…(Còn những thứ kỳ bí hơn, thì mình xin phép không giải thích vì Blog hướng tới sự đơn giản đơn thuần nhen)

Sự thực là họ đang giải phóng tắc nghẽn trong người theo một cách sai lầm đó là sự tiêu cực mất kiểm soát

Khi hệ thống thần kinh, cảm xúc và sức khoẻ thân tâm bị ảnh hưởng bởi rượu. Con người càng phụ thuộc vào rượu, đó là nguyên nhân gây ra chứng nghiện rượu. Họ dùng rượu như một cách để giải quyết vấn đề của mình thay vì đối mặt và xử lý gốc rễ bên trong. Nó là một vòng lặp bất tận vì những cái gì chỉ xử lý được phần ngọn, sẽ không bao giờ có thể hết. Nỗi đau và sự bất lực cứ nối tiếp nhau. Uống, bất lực, lại phải tìm đến uống

CUỐI CÙNG THÌ, LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ UỐNG ĐƯỢC RƯỢU?

Sai lầm khi uống rượu là sử dụng rượu như một lạc thú hoặc một cách để trốn tránh thực tại. Thực ra, rượu chỉ nên là một thứ gia vị ngoài lề của cuộc sống, có cũng được mà không cũng chẳng sao.

Ở phương Tây chia làm hai kiểu, một là những người nghiện rượu, thường là ở nhà, vì quán nhậu ít. Hai là những người chỉ uống ít rượu, đặc biệt họ chuộng rượu vang, rượu lên men kiểu nghề của gia tộc làm ăn kinh doanh xuất khẩu khắp thế giới :))), và bạn đi ra quán bar, sẽ thấy họ ngồi uống 1-2 ly bia thôi, uống chậm rãi và nhâm nhi, không say được, tức là chủ yếu lý do để gặp gỡ bạn bè, để chat-chit

Họ rất chuộng bia handcraft, là loại bia thủ công được sản xuất với số lượng ít, hiện nay ở VN cũng đã có. Nó là một quá trình tỉ mẩn, chăm chút và cầu toàn vì chú trọng đến hương vị và chất lượng hơn là số lượng

Và một tip làm đẹp của phụ nữ phương Tây là có nhiều người uống rượu mỗi ngày, nhưng là một ly rượu vang nhỏ, dưới 15ml, tốt cho hệ tiêu hoá, tuần hoàn và tim mạch, khí huyết

Ở Việt Nam, để đảm bảo được rượu có hàm lượng andehit ở mức cho phép, ngoài việc lưu ý một quá trình lên men thủ công thật sạch sẽ an toàn như phía trên mục 1, người xưa đã sử dụng một số cách ủ truyền thống. Như là ủ chum sành sau đó hạ thổ ít nhất 1 năm, quá trình này làm bay hơi andehit một cách từ từ qua các lỗ nhỏ và sành gốm sẽ giữ lại được tinh chất. Ngoài ra, người xưa còn cầu kỳ chú trọng vào chất lượng nước(như nước suối, nước đầu nguồn), loại trái cây sạch để ngâm ủ, đặt chum ở dưới bóng cây. Ngày nay, ta vẫn nên lưu ý sử dụng các cách trên để khử được tối đa andehit, và có thể sử dụng thêm cách hâm nóng rượu ở nhiệt độ thấp đến sôi, hoặc có thể lọc rượu bằng than hoạt tính.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại andehit trong rượu - ngay cả khi rượu đã được đảm bảo hoàn toàn, nên phải cẩn trọng khi sử dụng lượng vượt mức cho phép, và nếu không hiểu rõ về cơ thể có gặp vấn đề gì về các chức năng nội tạng không, thì tuyệt đối không sử dụng rượu

Vậy nếu bạn là phụ nữ khoẻ mạnh hoàn toàn, bạn phải đảm bảo được điều này, nghĩa là bất kể chức năng gì trong cơ thể bao gồm chức năng gan thận tim dạ dày không có vấn đề. Thì rượu trái cây rất tốt cho phụ nữ. Cụ thể, mỗi ngày uống 1 ly nhỏ dưới 15ml, những trái cây bản địa như rượu mơ, rượu nho…

Đàn ông thì hay chuộng các loại rượu từ cây thuốc. Nhưng đây là một điều hoàn toàn sai lầm. Trước hết, họ phải hiểu được thể trạng cơ thể họ. Có vấn đề về thận thì thay vì đi chữa thận, thì lại chuộng ngâm rượu ba kích, sâm…để bổ thận tráng dương. Vấn đề là họ bổ thận dương, nhưng lại không bổ thận âm. Cứ thành phần nào nghe nói bổ thận là đi bổ, chưa kể là chức năng gan và dạ dày có thể không thích nghi được thành phần của thuốc đó. Đây gọi là nhận thức bị ham muốn lôi kéo, ham muốn đồ bổ, ham muốn sắc dục, để rồi nhận về sức khoẻ tồi tệ và đó chính là cái quả do đã gieo hạt sai lầm. Thậm chí dùng các thành phần từ rễ cây, hạt(mà không hiểu về độc tố của nó), và các loại động vật hoang dã(cực hại cả về sức khoẻ lẫn năng lượng). Lưu ý uống các loại rượu thuốc được thầy thuốc kê cho bản thân phù hợp với thể trạng

Nếu có uống, đàn ông chỉ nên uống bia handcraft là tốt nhất, thi thoảng một chút cho thanh tao, hoặc một chút chén rượu nếu sức khoẻ bình thường. Trên hai chén, trên bàn nhậu, tốt nhất là bỏ đi, vì chính mình

Chúc bạn sống khoẻ, an nhiên

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

NGƯỜI KHÔNG ỔN HAY TA KHÔNG ỔN?

Để Nước Cuốn Đi



Hãy xem, ta có đang lo cho người khác, hoặc sống một cuộc đời chỉ lo cho người khác, vì nghĩ rằng mọi người bất ổn lắm thay.

Người khác chưa nhờ ta, nhưng ta cứ thấy lo cho họ. Ta luôn thấy Người đang không ổn, đang cần sự giúp đỡ, đang cần ta ra tay nâng đỡ, che chở và quan tâm. Nhưng sự thực là, Người có thật sự cần ta không

Bất kể Người ở trong hoàn cảnh nào, nếu họ thấy ổn với chuyện đó, vậy tại sao ta cứ phải quýnh lên. Người mất bình tĩnh khi gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ hoá ra không phải là họ, mà là ta đó. Nếu ta có đang như vậy, hãy nhìn lại xem, Người không than không ca, Người bình thản đối diện, không thấy đó là vấn đề lớn lao, sao ta lại phải nhìn cho trầm trọng, sao phải bứt rứt lo lắng không yên? Không phải là do ta mới thật sự là Người không ổn đấy sao

Giả sử Người có than vãn kêu ca đi nữa. Nhiều khi ta phải cảm thấy được, đó là bài học của Người. Người cần phải tự có trách nhiệm với chính mình, tự học và tự bước qua. Đừng trở thành khán giả nhập tâm vào vai diễn của người khác, lúc đó ta sẽ biến sự bất ổn của họ thành của mình

Còn nếu Người gặp khó khăn, gặp vấn đề, mà Người không chủ động nhờ ta giúp đỡ, hay mảy may cần ta. Ta hãy xem sự giúp đỡ của ta lúc đó có thật sự cần thiết. Nếu giúp họ mà họ không biết ơn, ta có trách mắng họ? Nếu giúp họ mà họ không cần, ta có cảm thấy bản thân chạnh lòng ủ ê?

Có những người sống cả đời chỉ để lo cho người khác, với suy nghĩ mình cần phải lo. Họ cứ “ôm rơm rặm bụng”. Hết lo cho người này, tới người kia. Lo mãi mà không hết chuyện, lắng mãi mà không hết người. Cho đến một ngày, ngoảnh lại thấy sức cùng lực kiệt. Trớ trêu thay, có khi chẳng ai lo cho mình. Ai muốn lo cho một người có khả năng lo được cho tất cả mọi người?

Đừng nghĩ mình là siêu nhân, một tay lo được thiên hạ, gánh vác toàn bộ giang sơn. Nếu người khác cứ đến tìm ta giúp đỡ, ngay cả khi họ có thể tự làm được, lúc đó không phải vì ta đã trở nên quan trọng đâu, mà chỉ là ta đã khiến cho họ phụ thuộc vào mình. Hãy nhớ điều này, không có ta, thế giới vẫn xoay, mọi con người dù khó khăn nhất, vẫn sẽ tồn tại, vẫn sẽ sống, như cái cách họ đã sinh ra

Trước khi muốn lo cho người khác. Thiết nghĩ, ta nên quay về lo cho chính mình trước đi. Ta đã bình an chưa, đã hạnh phúc chưa, đã cảm thấy đủ đầy chưa. Nếu cảm thấy được tất cả những điều đó, ta mới biết san sẻ và cho đi đúng cách, mới biết lan toả bình an và hạnh phúc của mình. Hơn là cứ chạy đuổi để tìm cầu hạnh phúc, mà chính xác là mưu cầu sự an toàn và ổn định ở mọi thứ bên ngoài

Đôi khi, ta cứ nghĩ vì đó là vợ chồng con cái cha mẹ, nên ta phải lo. Ừ vì ta thương họ, nên ta mới lo. Nhưng bất kể đó là ai, họ cũng có đời sống và con đường của riêng họ. Đừng áp cái nhìn của ta lên cuộc đời họ. Cái ta lo chưa chắc họ đã cần. Đôi khi, ta còn để lại cho họ nỗi lo của mình, để họ tiếp tục sống đời sống bất an nối tiếp ta, qua bao thế hệ. Đừng như vậy, hãy cởi trói cho chính mình, để tự do cho người khác

Dường như ta đang không phân biệt được “ta cần phải lo” và “nỗi lo đến từ sự không bình an của mình”. Vì tự mình lo lắng, tự mình trăn trở, tự mình đa đoan. Nên ta cứ phóng chiếu tâm trạng và nỗi sợ của mình lên mọi thứ, mọi Người, mọi hoàn cảnh. Vì lo sợ nên ta mong muốn kiểm soát mọi thứ bên ngoài, mọi hoàn cảnh diễn ra với người này người kia phải được diễn ra đúng như ta muốn.

Làm sao ta kiểm soát được. Ta có phải là thánh nhân đâu?

Vậy đó. Có những người cả đời cứ chạy quanh, lúc nào cũng sốt sắng, lúc nào cũng lo lắng, cho người khác. Gạt đi cả mong muốn và nhu cầu của bản thân. Họ không những lo rất nhiều mà lo rất giỏi. Nhưng lại quên mất người cần lo là mình. Nếu chưa bao giờ lo cho mình, hôm nay hãy quay về tự vấn chính mình. Mình đã thương mình chưa, mình không thương mình, thì ai mà thương được mình, hở mình?

Hãy hỏi mình, mình làm vậy, là vì điều gì.

Đừng sợ mình vô tâm. Hãy sợ rằng mình không thể bình tâm. Khi tâm dao động, lúc nào cũng thấy bản thân phải bận tâm. Đã bận tâm, khắc rối trí rối lòng. Thử hỏi, người rối ren thì nhìn nhận và giải quyết mọi việc có sáng suốt được không? Hay lúc đó sự lo lắng của ta càng làm cho mọi thứ xáo trộn, biến động, khó lường hơn? Nhớ là, trên đời này, không có việc gì thật sự đáng lo lắng, chỉ là do con người mong muốn quá nhiều. Không gì cần phải lo lắng đến lao tâm khổ tứ, việc gì cũng là việc ông Trời đã sắp đặt. Nếu cứ hướng tâm ra bên ngoài, sẽ không bao giờ có thể tìm thấy an bình bên trong. An bình của mình, mới đích thực là sự giúp đỡ lớn lao nhất cho người khác

Bình an bên bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

CUỘC SỐNG CÓ CẦN KỶ LUẬT?

Để Nước Cuốn Đi



Có. Rất cần phải có. Nhưng không phải “kỷ luật để thành công”. Nếu ta nhầm tưởng rằng mình sẽ kỷ luật bằng cách làm việc lao lực, thức tới xuyên đêm, ngày ngủ vài tiếng, mải chạy đua quên cả ăn uống và chăm sóc thể chất. Ta “có thể” thành công, nhưng sẽ phải trả giá bằng sức khoẻ, theo sau đó là bình an và hạnh phúc của bản thân

Thứ kỷ luật đó có thể đã bị ta hiểu sai và vẽ vời thật đẹp đẽ, cho những nỗi sợ sâu thẳm trong mình. Sợ không có giá trị, không đủ giỏi và tốt, sợ mình “chẳng là ai” khi không có gì…

Sự kỷ luật thật sự, phải là vì ta. Sự kỷ luật đó phải hướng được tới mục tiêu cao hơn là sự bình an, khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Nếu ta biết ngủ muộn sẽ khiến cho lục ngủ ngũ tạng mắc bệnh, các bộ phận đó lại liên quan mật thiết tới cảm xúc của con người, nghĩa là tinh thần và thể chất ta đều sẽ đi xuống. Thì ta cần phải biết sợ, biết nghiêm khắc với bản thân. Đừng nghĩ rằng, một chút làm việc, một chút vui chơi nữa, không sao đâu…Tôi còn trẻ hay còn khoẻ. Bạn sẽ không thể thấy mọi sự thay đổi bên trong bằng mắt thường. Hãy kỷ luật nghiêm khắc

Nếu biết thức ăn nhanh không tốt, ăn quá no hay tiêu thụ quá nhiều thực phẩm calo rỗng, thực phẩm công nghiệp…là có hại. Hãy biết sợ, đừng nuông chiều chiếc miệng của mình. Thi thoảng có thể ăn, nhưng đừng biến nó thành lối sống. Hãy coi trọng kỷ luật

Nếu biết việc vận động quan trọng với cơ thể này. Rằng khi thiếu vận động, ta đã cảm thấy được sự mệt mỏi và nặng nề của bản thân. Hãy biết khí huyết và sức khoẻ thể chất của ta phụ thuộc rất nhiều vào một lối sống cần vận động hàng ngày. Hãy kỷ luật, đừng bỏ bê, dù chỉ 15 phút mỗi ngày

Những thú vui tức thì có vẻ khiến ta được thoả mãn ngay đấy. Như alcohol, chất gây nghiện, trò chơi điện tử, mạng xã hội…Đôi khi, chúng khiến ta quên đi thực tại này để đắm chìm trong một thế giới nhất thời khác, nơi đó ta say mê để không còn ý thức. Nhưng tỉnh dậy, mọi thứ vẫn y nguyên đó sao? Ta không thể lại cứ tìm đến chúng để giải quyết cảm xúc. Vòng lặp này sẽ diễn ra bất tận. Hãy kỷ luật và đừng dung túng cho bản thân

Nếu ta biết xem những bộ phim này, đọc những tin vắn này, truy cập vào những thứ u tối và đầy sợ hãi này…Tạo ra kích thích thì ngắn hạn, nhưng sự ám ảnh và ảnh hưởng tới tinh thần và năng lượng là dài hạn. Hãy biết sợ, hãy biết giới hạn của mình và kỷ luật thật khắt khe.

Hãy nhìn ra những thứ mà vô kỷ luật sẽ khiến cho bạn tệ đi. Đừng phó mặc bản thân cho những thứ sẽ làm hại chính mình, rồi sau đó lại than vãn và trách móc “vì sao bệnh tật lại xảy ra với tôi, vì sao tôi nhìn mọi thứ lại trở nên lệch lạc và đáng sợ như vậy”. Bệnh tật đến từ một lối sống mất cân bằng, tâm hồn vẩn đục đến từ việc ta đã nạp mọi thứ tiêu cực vào người. Và nếu ta đã chủ trương sống một cách vô ý thức và không kỷ luật những thứ ta có thể kiểm soát, thì ta sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì xảy đến với mình

Đừng phá huỷ chính mình, chỉ vì ta đã sống thiếu kỷ luật, hay còn gọi là thiếu trách nhiệm với bản thân. Sống vì ta là khiến cho ta ngày càng bình an, khoẻ mạnh và hạnh phúc, thấu hiểu và sáng suốt mọi thứ diễn ra trong ta lẫn bên ngoài. Ta có thể có những giai đoạn đêm tối không ý thức được những gì mình làm với bản thân. Nhưng một khi đã hiểu ra, đã chủ động đi tìm lối sống và sự chữa lành đích thực, thì lúc đó hãy học cách kỷ luật thật nghiêm túc và kiên định, vì chính mình.

Bình an tới bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

THỨC ĂN CHO TÂM TRÍ

Để Nước Cuốn Đi



Ta thường nghĩ chỉ có cơ thể này mới cần thức ăn. Thực ra, mỗi ngày ta chỉ cần ăn ba bữa, thậm chí ít hơn mà vẫn khoẻ mạnh. Nhưng suốt thời gian còn lại của một ngày, chính là lúc mà ta nạp thức ăn cho tâm trí và tâm hồn. Nếu như thức ăn tốt cho tâm hồn là những điều khiến trái tim ta rung động và nở hoa. Thì thức ăn tốt cho tâm trí là “thông tin” khiến cho ta trở nên minh mẫn, sáng suốt và mở rộng nhận thức – nơi đó, đạt được sự bình an cho tâm hồn

Ngày mà mạng lưới thông tin chưa phát triển, ta có nhớ ta đã từng say mê và ngấu nghiến những thông tin mà ta có. Từ quyển sách phải đi mượn, đến tập san chỉ phát hành mỗi thứ sáu hàng tuần, tới tờ báo không lành lặn bị mang đi nhóm bếp? Ta đã hoàn toàn vui sướng và khao khát được tiếp cận thông tin, đồng thời trở nên hiểu biết hơn, vì nó đến từ “hành vi chủ động”.

Nhưng khi tràn ngập xung quanh ta là thông tin vì mạng lưới kết nối con người đã phủ sóng trên toàn cầu. Dường như ta đã không còn hoàn toàn thích thú thông tin, vì lúc này thông tin đến trước khi ta tìm kiếm, ta tiếp cận chúng một cách bị động hơn. Có nghĩa là ta không chủ trương tìm kiếm nó, nhưng khi nó đến, tiếp xúc với ta thông qua thị giác hoặc thính giác, ta bắt đầu vô thức nạp nó vào tâm trí. Hãy tưởng tượng, trên mâm cơm, khi bạn đang buồn rầu chẳng hạn, đôi khi bạn không biết mình ăn gì, cũng như không cảm nhận được toàn bộ vị ngon của thức ăn, hay sẽ không biết mình đã ăn bao nhiêu, đúng không? Cũng vậy, khi vắng mặt sự tỉnh giác, ta dễ nạp bất cứ thông tin gì ta thấy, ta nghe, mà không biết nó có hại cho mình hay không

Vì sao những thông tin rác, những thông tin tiêu cực lại càng ngày càng nhiều và tràn ngập khắp nơi. Vì nó đồng bộ với năng lượng của con người. Khi ta sợ hãi, những thông tin sợ hãi củng cố thêm nỗi sợ của ta. Khi ta chán nản(vì phiền muộn, vì mất niềm tin, vì ghét bỏ bản thân…), ta sẽ đồng cảm/gắn bó/giận dữ/giải toả…với những thông tin tương tự. Khi mất kết nối với chính mình, ta tiếp cận bất cứ thông tin nào, cho phép nó đi vào ta, nó tựa như cảm giác lạc lõng, xa hơn là lạc lối và không biết mình muốn gì. Khi không muốn đối diện với chính mình, ta còn nạp thông tin như một cách giết thời gian.

Ta chính là những gì ta nghe nhìn đọc thấy. Nếu ta nạp những thông tin sợ hãi, tiêu cực, tin rác, tin giả,…ta sẽ trở thành nó. Đọc những thông tin đó, không khiến cho ta trở nên bớt sợ hãi, bớt tiêu cực, bớt tham sân si, mà khiến cho ta mang thêm năng lượng đó vào người. Chìm trong những mâu thuẫn và ném đá nhau, dù là ở trong một cộng đồng bình yên, bạn cũng đang nạp thức ăn ô tạp

Tiếp nhận những thức ăn có hại cho tâm trí lâu ngày, khiến tâm trí nhiễm độc. Dần dà, ta không còn khả năng phân biệt đâu là thức ăn có hại, đâu là thức ăn có lợi nữa. Giống như khi bạn ăn fastfood quá nhiều, bạn cứ ăn thôi, không còn cảm nhận được đâu là thức ăn tươi và đâu là thức ăn đông lạnh không còn mùi vị. Đừng để bản thân không còn mẫn cảm với fastnews.

Đừng nghĩ là ta suốt ngày nạp Kinh điển, giáo Pháp, bài giảng… là ta đang nạp thức ăn tốt. Khi tham đắm cái gì đó bên ngoài vì nghĩ sẽ giúp ta thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, hoặc để trở nên hiểu biết hơn,… mà không hiểu vì sao mình lại cần chúng, ta cũng rơi vào một bế tắc khác. Đó là tâm trí ta bị đầy, nhưng ta lại không thật sự thấu tỏ chúng một cách sáng suốt. Nếu ta cứ nạp thêm vì nghĩ rằng mình chưa hiểu, ta sẽ càng bội thực thông tin. Như một chiếc dạ dày liên tục bị lấp vào mà không kịp tiêu hoá, nó sẽ gặp vấn đề một lúc nào đó

Hãy học cách nhận biết thông tin. Nếu cái gì ta cảm thấy đe doạ đến sự bình an trong tâm hồn và làm nhiễm độc tâm trí, ta cần loại bỏ chúng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, thay vì mong muốn tiếp nhận. Suy nghĩ rằng nếu đọc cái này cũng không sao đâu, sẽ khiến cho bạn tiếp tục đọc sang cái thứ hai và sẽ không có hồi kết.

Nếu như bạn đang không nhận thức được mình nạp thức ăn gì cho tâm trí. Tâm trí bạn đang quá đầy hoặc tâm hồn bạn đang quá nhiều bộn bề. Hãy dừng việc nạp bất cứ thông tin gì, dù là tốt hay không. Bởi khi tâm trí rối loạn, thông tin tốt bạn cũng sẽ khó tiếp thu. Hãy quay về lắng yên, làm sạch tâm trí của mình. Chỉ một mình bạn với tâm trí của bạn. Hãy lắng nghe mọi tiếng nói và mọi cảm xúc diễn ra trong tâm trí và tâm hồn. Hãy ngắt kết nối với các thiết bị điện tử, mạng xã hội và các cuộc gặp thông tin, nhất là thông tin rác, hãy dừng lại, chậm lại và để cho mình được xử lý mọi thức ăn trước đó. Như một chiếc dạ dày no thì cần ngừng ăn hay cơ thể chứa chất độc, bạn cũng cần detox nó

Một tâm trí hoạt động tốt thì rất nhạy bén. Nó biết nó cần nạp cái gì và không cần nạp cái gì. Nó biết thời điểm nào cần và thời điểm nào nên nghỉ ngơi. Tâm trí sáng và rỗng rang tự động biết xử lý thông tin khi bắt gặp, biết tiếp thu và cũng biết loại bỏ. Như một cơ thể cần đồ ăn sạch và dị ứng với đồ ăn không tốt cho sức khoẻ, tâm trí hoạt động tốt sẽ chọn lọc, tiếp nhận thông minh và để cho thông tin có lợi bao phủ xung quanh mình nhiều hơn

Khi tâm trí chưa biết cách xử lý và nạp thức ăn một cách sáng suốt. Hãy biết điều này, mọi sự tiếp nhận và thấu hiểu sẽ đến từ trái tim. Hãy quay về lắng nghe trái tim của bạn, bạn sẽ biết trái tim mong muốn điều gì, cảm thấy kết nối với điều chi. Hãy để cho trái tim bạn lên tiếng, khi đứng trước mọi thông tin và lựa chọn. Hãy đi theo ánh sáng dẫn dắt của trái tim bạn, nó sẽ đưa bạn tới đúng mọi thời điểm và mọi sự

Thương mến,

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

ĐIỀU KIỆN CỦA HẠNH PHÚC

Để Nước Cuốn Đi


Ta thường xem rằng hạnh phúc là một điều gì đó xa xôi, tồn tại trong một định nghĩa hay hình thái cụ thể. Như một ngôi sao, ta tin rằng, chỉ khi ta với được nó, ta mới có thể có hạnh phúc.

Hạnh phúc với bạn là gì? Phải chăng khi ta có đủ tiền, nhà cửa ta ổn định, chiếc xe đã chở đủ 4 người?… Nếu hạnh phúc không đo bằng tài sản vật chất. Hay chăng khi ta đã tìm được nửa kia, em bé đã đến với ta, công việc đã trở nên thuận lợi, nơi ta sống đã trở nên lý tưởng?...

Cả khi ta có những điều đó rồi, có phải hạnh phúc vẫn chưa xuất hiện. Chỉ khi bạn đời thay đổi, khi con ta ngoan ngoãn, lớn lên thành công, hạnh phúc sẽ chờ ta ở đó. Thế nhưng điều kiện cứ nối tiếp điều kiện. Con ta cần lập gia đình vào đúng tuổi, cần có nhà, có con, vợ chồng con ta cần hoà thuận...ta mới yên lòng, ta cần bế cháu mới an tâm. Vì đặt ra điều kiện để hạnh phúc, nên thiếu một trong những điều kiện trên, ta sẽ rơi vào khổ đau. Để khi cuối đời, nhắm mắt nằm xuống, còn bao trăn trở bộn bề, ta chặc lưỡi, ừ hạnh phúc ở ngôi sao trên cao kia mà, làm sao ta với tới được chứ!

Bạn ngẫm lại xem. Có phải khi bạn có được điều gì đó rồi, bạn thấy mình vẫn cần thêm điều khác, mới chạm được vào hạnh phúc? Như là, tiền đã mua được cho bạn cái này, và bạn nhận ra mình cần mua thêm một cái mới. Bạn đã tới được nơi chốn mình muốn, nhưng nơi đó vẫn không khiến bạn thoả mãn. Bạn đã sinh được một đứa con, nhưng sẽ cần thêm hay phải cần thêm giới tính khác?...

Vì đặt ra điều kiện để hạnh phúc. Nên ta đã sống một cuộc đời không ngừng định nghĩa hạnh phúc, và sau đó gắng sức để đuổi theo nó. Ta đã luôn gắng để kiểm soát mọi thứ xảy ra theo ý mình, trong tính toán và suy nghĩ của mình, vì ta tin rằng chỉ vậy thì ta mới có hạnh phúc. Khi mọi thứ không diễn ra như ta muốn, thay vì thấy căn nguyên của vấn đề, ta nhầm tưởng rằng mình cần đặt thêm những điều kiện khác. Điều đó, trái lại không khiến ta thoả mãn hay hạnh phúc, chỉ khiến cho ta luôn tìm kiếm hoặc đợi chờ

Đừng chờ đợi để cảm thấy hạnh phúc. Ta sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng hoàn toàn. Đừng đợi cho mọi thứ thay đổi theo ý mình rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Vì đến bản thân ta còn không thể kiểm soát, ta sẽ kiểm soát được cái gì bên ngoài ta. Và đừng đợi đến khi hết đau khổ mới cảm thấy hạnh phúc. Vì đau khổ vốn dĩ là một phần của cuộc sống

Đừng đợi bao giờ có đủ tiền mới đi du lịch. Hãy tới những con đường mà bạn chưa từng tới ngay trong vùng đất mà bạn sống. Hãy khám phá xem nơi bạn sống có những vẻ đẹp gì. Hãy ngồi dưới tán cây, bên hồ nước, dòng sông, cánh đồng, biển cả, núi non cùng một buổi ban mai hoặc hoàng hôn buông xuống. Hãy đi tới đó mỗi khi có thể, mỗi sáng và mỗi chiều, mỗi bốn mùa trong năm, hãy cảm nhận và để cho vẻ đẹp của sự thinh lặng đi vào trái tim của bạn. Bạn sẽ không cần đợi phải tới khi già, phải tới một vùng đất khác, mới biết được hạnh phúc

Nửa kia có thể chưa có, nhưng ta có thể học cách tận hưởng niềm vui của sự tự do. Vợ/chồng ta có thể chưa thay đổi, nhưng Người vẫn ở bên ta. Ta buồn rầu bởi những gì Người làm chưa tốt, vậy ta có thấy được niềm vui của những nỗ lực mà Người đã làm cho ta, dù là những việc nhỏ nhất? Ta chưa khoẻ ngay, nhưng ta còn có thời gian để chăm sóc chính mình mà. Con cái chưa được như ý, nhưng ta vẫn có thể dành tình yêu cho chúng hoặc chờ đợi. Nhà chưa có, ta vẫn đang có chốn trú ẩn nắng mưa đó thôi. Tiền bạc chưa đủ, nhưng hôm nay ta vẫn có cơm ăn, áo mặc, và hàng ngàn điều nữa mà người khác sống cùng một quả địa cầu với ta, chưa có. Ta có đang cảm nhận được hạnh phúc của mình không?

Nếu ta cảm thấy mình không có gì. Sáng nay thức dậy, ta hãy nhìn chung quanh mình. Và cảm nhận hạnh phúc. Chiếc lá rung rinh bên ngoài cửa sổ, tiếng chim hót ríu rít trên tàng cây, bầu trời xanh cao vời vợi, gió thổi tóc ta man mát vỗ về, những giọt nước tinh khiết trong lành đầy cốc, đôi mắt trong phản chiếu từ chiếc gương trên bàn, tiếng trái tim đập khe khẽ trong lồng ngực…Ta có quá nhiều hạnh phúc, ở ngay đây. Ta đâu cần phải có điều kiện mới cảm thấy được hạnh phúc?

Bạn ơi, hãy thử cảm nhận hạnh phúc đi, trong những điều rất nhỏ rất gần. Đừng đặt ra điều kiện và đừng chờ đợi để cảm thấy hạnh phúc. Bởi hạnh phúc có sẵn, ngay cả ở trong khổ đau

Đừng nghĩ, hạnh phúc là ngôi sao lấp lánh xa xôi kia. Những ngôi sao ở xung quanh ta, tồn tại trong mọi thứ và mọi điều ý nghĩa của cuộc sống, trong trái tim ta. Chỉ là ta có nhìn thấy sự lấp lánh của chúng

Ta không cần bất cứ điều kiện gì để hạnh phúc. Hạnh phúc là ngay bây giờ, và ở đây.

Yêu thương và bình an là bạn,

Để Nước Cuốn Đi

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

SỨC KHOẺ, BỐN MÙA VÀ ĐỜI NGƯỜI

Để Nước Cuốn Đi


Bạn biết vì sao sức khoẻ và đời người lại liên quan mật thiết tới bốn mùa không. Câu nói “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” không chỉ là một phương châm dưỡng sinh đầy minh triết từ ngàn đời xưa của người phương Đông, mà còn trở thành một triết lý sống cho con người thông qua sự chiêm nghiệm từ thiên nhiên

Mùa Xuân là sinh ra, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng, chất chứa. Bạn có thể quan sát trong tự nhiên. Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa Hạ phát triển mạnh mẽ, sang Thu chuyển màu để giữ lại tinh chất, dinh dưỡng, cuối cùng Đông đến cây trút lá và dung dưỡng từ bên trong để chuẩn bị bung nở, sinh trưởng khi Xuân về. Các loài động vật trong tự nhiên cũng sống thuận theo quy luật này, chúng ưa sinh sản vào mùa Xuân, lớn lên trong mùa Hạ, cất giữ thức ăn vào mùa Thu và Đông thì ẩn nấp. Điều này đã trở thành tập tính để cả ngàn loài chim chuẩn bị di cư tới phương Nam khi Đông sắp về, một số loài dự trữ thức ăn suốt mùa Hạ và ở yên một chỗ vào mùa Đông, hay những loài ngủ đông để dự trữ năng lượng như loài Gấu…

Hiểu được điều này, con người cần phải sinh hoạt, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ sao cho thuận theo bốn mùa. Trước hết, bản thân trong một ngày đã bao gồm cả bốn mùa, sáng là Xuân, trưa là Hạ, chiều tối là Thu, và đêm là Đông. Bắt đầu một ngày mới là sinh ra một lần nữa, chúng ta cần thức dậy đúng giờ để đón nhận linh khí của Trời Đất, để cho các mạch máu và các cơ quan cơ thể được lưu thông, được vận động và được hồi sinh. Ban trưa là lúc dương khí thịnh nhất trong ngày, tận dụng thời gian này sức khoẻ tốt để xử lý, làm việc, vui chơi, nhưng cần nạp năng lượng chứ không phung phí. Chiều tối là lúc Thu liễm, cơ thể và não bộ không còn đáp ứng cho làm việc và vận động quá sức, mọi thứ cần được sắp xếp để dừng lại dần, và đêm xuống là khi ta cần nghỉ ngơi hoàn toàn, chìm vào ngủ sâu để chuẩn bị cho Xuân sang tràn đầy sức sống và hân hoan

Hãy nhìn đất trời vận động, chim muông và thú hoang sinh sống để mà bắt chước. Chập choạng chiều tối, trời dần tắt nắng để thu rút vào trong, động vật đã đi tìm nơi ẩn náu. Như lẽ thường tình, con người cảm thấy uể oải vào buổi chiều tối, vì cơ thể mong muốn được thuận theo tự nhiên. Người xưa ban ngày dẫu công việc đồng áng vất vả, cũng dắt trâu về khi ánh tà dương sắp tắt. Mặt trời lặn sau núi, là Người đã rục rịch đi ngủ, đó là lý do ta thường hay thắc mắc sao ông bà xưa hay đi ngủ sớm, vì đó là họ đã sống thuận theo lẽ trời, và sống rất khoẻ mạnh. Thế nhưng, ngày nay, ta đang ngược tự nhiên, ăn uống quá đà vào ban đêm, làm việc khi cần phải dừng lại, thay vì để cơ thể gìn giữ tinh lực và tàng chứa tinh tuỷ, thì ta bắt nó phải sinh sôi vào mùa Đông. Nghĩa là thức tới 12-1h-2h đêm, ta bào mòn và rút cạn năng lượng của cơ thể, nên nó không thể thức dậy vào mùa Xuân, hoặc thức dậy trong trạng thái mệt mỏi. Đồng nghĩa với việc ta làm trái với quy luật trời đất, thì ta sẽ không thể phát triển khoẻ mạnh, bệnh tật là điều chắc chắn, như một cái cây héo úa theo thời gian

Để thích nghi với nhịp sống hiện đại ngày nay, nếu không thể ăn sớm lúc 5h, ngủ lúc 7-8h tối như người xưa. Hãy gắng ăn sớm trước 7h tối, và ngủ trước 10h tối, muộn nhất là 11h đêm, và sau đó thức dậy lúc 5-6h sáng, có thể sớm hơn tuỳ vào giấc ngủ trước đó. Cũng vậy, ban sáng có thể ăn nhẹ những thức ăn cây trái, vị ngọt như đường và trái cây, tính bình như tinh bột, vì đó là thức ăn phát triển vào mùa Xuân. Ban trưa có thể ăn đa dạng vì mùa Hạ là cây trái củ quả động vật phát triển dồi dào. Chiều tối thu lại dinh dưỡng để chuẩn bị cho giấc ngủ Đông dài, cần bổ sung những thức ăn ấm nóng, có tính Dương ấm áp, như đạm và chất béo, tốt cho tuỷ xương và năng lượng dự trữ, nhưng không nên ăn quá no. Khi ăn uống và sinh hoạt như vậy, cơ thể tự khắc đi vào quỹ đạo, tự động buồn ngủ khi tối xuống và ngủ sâu vì đã dự trữ đủ, đồng thời thức dậy khoẻ mạnh khoan khoái vào ngày hôm sau. Như một cái cây sống đúng quy luật, sẽ trở nên minh mẫn và có sức sống bền bỉ

Với những người sống ở vùng đất có khí hậu bốn mùa rõ rệt. Cần sống thuận theo quy tắc này. Mùa Xuân chủ phong là gió, có sự thay đổi nhiều ở tiết trời, môi trường ẩm ướt dễ mắc các bệnh lây lan, cần giữ sự khô ráo, chăm sóc tốt cho gan để đề phòng dịch bệnh. Mùa Hè chủ về Hoả, nóng nực nhiệt độ cao, nhưng người ta thường hay dễ bị hàn khí, đau họng, cảm ốm. Là vì trong mùa Hạ, lỗ chân lông nở nang, cơ thể dễ mất nước, trời nóng nên thường ăn mặc phong phanh, ngủ điều hoà, tập thể dục về liền đi tắm, hay ăn uống nước đá lạnh, nên hàn khí xâm nhập vào tạng phủ. Mùa Hè ấm áp nhưng lại quan trọng nhất, vì không giữ gìn, cơ thể sẽ không đáp ứng được khi Thu về, Đông tới. Các món trái cây mùa Hè thường là món nhiệt, dễ làm cơ thể nổi mụn nhọt nếu gan yếu, gan muốn khoẻ thì phải bồi bổ tân dịch, vị đắng, vào ban trưa, đồng thời hạn chế bia rượu. Chủ khí mùa Thu là khô ráo, rút vào bên trong nên da dẻ hanh hao, khí trời lưng chừng nên dễ mắc các bệnh viêm liên quan đến hô hấp, nên cung cấp đủ nước và ăn uống chú trọng một cách nghiêm túc các thực phẩm mang tính ấm áp, dự trữ năng lượng cho tuỷ xương. Để khi Đông về, khí lạnh hàn thì cơ thể mới có sức chống chọi. Đồng thời, Thu Đông cần chú trọng giữ ấm, làm việc không quá sức, ăn uống cẩn trọng, hoạt động vừa phải, giữ gìn và bồi bổ gấp nhiều lần hai mùa còn lại

Trong chuyện phòng the, vì tinh lực không sinh ra vào mùa Đông hay đêm muộn, nên cổ nhân mới có câu “Đông nhất thì đương Xuân bách” (mùa Đông xuất tinh một lần thì bằng mùa Xuân xuất tinh một trăm lần). Ý rằng vào mùa Đông hay đêm muộn, con người vốn không khoẻ, không đủ tinh lực, nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng. Khí trời lúc này cũng lạnh lẽo, hàn gió dễ xâm nhập mà da thịt không kín đáo dễ ủ bệnh vào trong. Bên cạnh đó, sản phụ thường mất nhiều máu, khí huyết suy giảm khi sinh con, sức đề kháng giảm, nên sinh con vào mùa Hè thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ, nhưng không chủ quan vì mùa Hạ giãn nở các chân lông và mạch máu. Nếu sinh con vào Thu Đông thì tuyệt đối kiêng lạnh, kiêng gió, chú ý giữ gìn dưỡng sức và tu bổ năng lượng bằng thức ăn ấm nóng, tính Dương và bổ máu

Khi xưa, mùa Xuân tươi mới khiến cho con người ta rạng rỡ, đón chào, vậy nên mùa Xuân gắn với Tết, mùa Xuân mang theo hy vọng, mùa Xuân là sự khởi đầu. Ta chớ quên mà ham mê chạy đua với thời gian, vội vã, giục giã bản thân, như người ngày nay lao lực, đặt mục tiêu hà khắc. Để cho mọi thứ được sinh ra là tuôn chảy, sáng tạo và tươi mới. Mùa Xuân ứng với Mộc, đừng để mình quá uất ức, giận dữ, ăn uống thừa mứa và uống nhiều bia rượu làm tổn thương tạng can(gan). Mùa Hạ gắn với sự vui vẻ, náo nhiệt, sống động, thế nên ứng với Hoả. Đừng để mình quá ưu tư, lo lắng, hay vì nóng bức mà trở nên nóng nảy, không lạm dụng thức ăn thanh nhiệt và đừng ham lạnh, sẽ làm tổn thương tạng Tỳ(dạ dày, lá lách). Sang Thu thời tiết khô háo, vạn vật chậm lại và thu nhặt dự trữ, ứng với Kim. Không nên quá hoạt náo, vui chơi như mùa Hè, nhất là vào những đêm hay sớm gió độc mà ăn mặc phong phanh sẽ làm tổn thương Phế(phổi). Đông tới thì yên ắng, bất động, ứng với Thuỷ, đừng quá u sầu hay thê lương, giữ mình ấm áp và tăng dương khí cho cơ thể và ngôi nhà, uống nước vừa đủ và kiêng đồ lạnh…, để không làm tổn thương tạng Thận

Bốn mùa tưởng trái ngược nhau nhưng thực ra lại hỗ trợ cho nhau. Có tương khắc mới có tương sinh. Có Xuân mới có Hạ, Đông tàn để Xuân tới. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân. Đời người và vạn vật tất thảy trong Trời Đất này, cũng nhịp nhàng và tuôn chảy trong vòng quay của tạo hoá. Cái hay, cái đẹp của việc thấy được sự liên kết và ảnh hưởng với nhịp điệu của Trời Đất chính là để con người được hoà cùng với tiết tấu của trăng sao, để cho thời gian của con người ăn khớp với thời gian vũ trụ, và không tách rời khỏi sự vận động của toàn thể

Đời người có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Lúc chào đời thì như mầm cây nhỏ tràn đầy nhựa sống, thuần khiết và háo hức. Thanh xuân nồng nhiệt, rạng rỡ và sôi nổi như mùa Hè. Trung niên thì chậm lại, chẳng quá vội vàng, thu mình và khiêm cung. Để rồi, khi tóc mái hoa râm, trong ánh mắt từng trải và dày dạn, là sự ẩn chứa, cất giữ, cả một đời người phong sương, nhún nhường, thâm trầm mà khí phách. Trời Đất luôn vận động và trải qua đủ bốn mùa, cũng như con người luôn đổi thay trong dòng chảy thời gian chứ không nằm ngoài quy luật đó. Hãy tận hưởng bốn mùa trong năm cũng như bốn mùa của cuộc đời, không níu giữ cũng không chống trả, và sống thuận theo sự tự nhiên. Bởi vì mỗi mùa hay mỗi giai đoạn của đời người, đều có vẻ đẹp riêng và ý nghĩa riêng của nó

Đừng tiếc nuối vì mùa cũ đã qua, Đông qua Xuân tới, mỗi mùa đều đang chờ ta tạo ra những thời khắc mới và sống thật trọn vẹn. Cần có cái ra đi để có cái tươi mới về. Hãy thấy vẻ đẹp của sự đổi thay và tuần hoàn. Như vạn vật cứ vậy sống, cứ vậy đón chờ, thích nghi, vận động và hoà hợp. Đừng nghĩ đêm Đông lạnh lẽo sẽ kéo dài mãi mãi, ngay sau đó là mùa Xuân của sự đổi mới, của rực rỡ, và sức sống. Đừng níu giữ sự tươi trẻ và rộn ràng của mùa Hạ, sẽ tới lúc cần đi vào trong, thu lại và chiêm nghiệm để trưởng thành. Thu tích luỹ vốn sống, Đông ẩn tàng dung chứa chính là cách để ta sẽ bừng nở, thay da đổi thịt, thành con người mới khi Xuân về. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cuối cùng cũng để cho ta thấu tỏ sự thật trong Trời Đất, sự thật về chính ta. Bản thân mỗi ngày đã là sự vận động của bốn mùa, ta đang luân hồi mỗi ngày đó thôi. Hãy ngủ thật sâu khi Đông về, và tỉnh dậy để chào đón mùa Xuân sớm mai

Yêu thương và bình an là bạn,